Nhạc sĩ An Thuyên đã "chọn lối" về đất mẹ - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ An Thuyên đã “chọn lối” về đất mẹ

Review

Tin nhạc sĩ An Thuyên ra đi đột ngột khiến không ít người đau xót. NSND Thu Hiền, ca sĩ Anh Thơ cho biết, họ đều đang rất bàng hoàng và và sốc trước tin dữ này.

Nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15/8/1949 tại Quỳnh Lưu – Nghệ An. Cũng như bao chàng trai sinh ra thời đó, ông từng trải qua những ngày tháng vất vả, nghèo đói. Tuy vậy, mảnh đất nghèo vật chất nhưng giàu nghĩa tình đã nuôi nấng tâm hồn nhạc sĩ. Hơn 10 tuổi, An Thuyên đã kéo nhị cho nhiều người tập đàn. Khoảng cuối những năm 1960, khi còn là một chàng trai trẻ, ông được tham gia công tác sưu tầm, nghiên cứu dân ca ở địa phương. 

Những chuyến đi dọc dải sông Lam, từ Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương đến Cửa Hội, Quỳnh Lưu… trong suốt 5 năm, với hàng trăm cuốn băng tự thu, qua nhiều làng quê, gặp nhiều nghệ nhân – những tinh túy của người dân xứ Nghệ kết tinh đã tạo thành vốn sống, chảy trong huyết mạch của ông tới tận hôm nay. Đó là một trong các lý do khiến nhạc sĩ An Thuyên trở thành người có “gia tài” âm nhạc đậm chất dân gian xứ Nghệ.

Nhạc sĩ An Thuyên

Thế nhưng, ca khúc đầu tay nhạc sĩ viết lại là một tác phẩm mang âm hưởng dân ca Thái – bài hát “Em chọn lối này”. Ca khúc này được nhạc sĩ viết trong 30 phút, vào cuối thập kỷ 60, khi ông mới chỉ biết ký âm và chưa từng học qua nhạc lý. “Tôi thích bài hát này bởi sự hồn nhiên và bản năng trong cảm xúc cũng như kỹ thuật” – lời An Thuyên từng nói. Khoảng năm 1982 ông mới ra thủ đô, chính thức theo học ngành sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội.

Nhạc sĩ An Thuyên là người cần cù và đầy tự trọng trong cả công việc, cách sống và sáng tác. Nhạc sĩ lựa chọn một cách làm riêng – cách thể hiện ý chí của người con xứ Nghệ – “trèo lên vai cha ông để nói tiếng thời đạt mình”. Đó cũng là cách ông lựa chọn để gửi vào trong mỗi sáng tác, tinh thần sống, tiếng nói của thế hệ mình, nhưng lại luôn bắt rễ từ những tinh hoa chắt chiu ông học được từ dân gian. Nếu bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (1974) – ca khúc ông viết ở tuổi ngoài đôi mươi – vừa viết vừa khóc vì tình yêu dành cho lãnh tụ, thì bài “Neo đậu bến quê” (1993) lại là tâm tư của ông khi ông vướng mắc trong quản lý, định về quê ở ẩn, trồng ngô. Cũng như vậy, ca khúc “Mẹ Việt Nam anh hùng” (1995) lại là những lời được cất lên từ lòng kính yêu dành cho những người mẹ vĩ đại của dân tộc.

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều làm công việc liên quan đến kịch nghệ dân gian, nhạc sĩ An Thuyên từng chia sẻ, Nghệ Tĩnh (chỉ Nghệ An và Hà Tĩnh thời chưa tách tỉnh – PV) đã cho ông tất cả: cuộc sống, sự nghiệp và dạy ông tư cách làm người. Ông là người đã thực sự lựa chọn cách viết riêng, sử dụng thế mạnh hiểu biết về dân ca xứ Nghệ nói riêng, văn hóa dân gian nói chung để đưa vào các tác phẩm của mình. Với ông, dân ca, ví dặm thực chất mang nỗi buồn thăm thẳm tận đáy của con người Nghệ Tĩnh – cũng là sự thẳm sâu của tâm hồn người Việt. Có lẽ vì vậy, các bài hát của ông được nhiều người yêu thích đều mênh mang những nỗi niềm sâu lắng: “Neo đậu bến quê” (1993), “Ca dao em và tôi” “Chiều sông Thương”… là những bài ca như thế.

Nếu với ông, ca khúc “Giận mà thương” của nhạc sĩ Nguyễn Trung Phong là tác phẩm để đời, là bài hát dân ca Nghệ – Tĩnh hay nhất mọi thời đại, thì với nhiều người yêu nhạc, bài hát “Ca dao em và tôi” ngập tràn âm hưởng dân ca vùng xứ Nghệ là ca khúc viết về lứa đôi gắn với quê hương hay nhất. Các tác phẩm của ông đã chứng minh rằng, ông là một người dù đi suốt đời cũng không rời xa những điệu dân ca xứ mình.

Trong sáng tác, nhạc sĩ An Thuyên là một người đau đáu với những tác phẩm viết về quê hương, xứ sở, còn trên cương vị là cựu Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ông rất được đồng nghiệp và học trò quý trọng. Trong gia đình, ông tự nhận mình là “thành phần phụ thuộc – là nhân viên của vợ”. Ông có hai người con đều theo nghệ thuật là con gái – ca sĩ Bông Mai, và con trai – nhạc sĩ An Hiếu.

Cả đời An Thuyên đã sống, cống hiến và nỗ lực để nền âm nhạc Việt Nam lưu danh như một nghệ sĩ nói giọng Nghệ mang tâm hồn Việt Nam. Mong ước ấy của ông có lẽ đã thành!

Người “chọn lối” (từ dùng trong bài hát: “Em chọn lối này”) đã thực sự về với cội nguồn của “ca dao” (từ dùng trong bài hát: “Ca dao em và tôi”) là đất mẹ. Và lần này ông đã thực sự “neo đậu bến quê” với con đò, bãi ngô và những giọng hò.

Nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15/08/1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông mất ngày 3/07/2015 Tại Bệnh Viện Quân y 108, Hà Nội, vì bệnh nhồi máu cơ tim.  

Các ca khúc nổi tiếng: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (1974), “Hành quân lên Tây Bắc”, “Khi xe tăng qua miền Quan họ” (1984), “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu”, “Huế thương” (1992), “Neo đậu bến quê” (1993), “Mẹ Việt Nam anh hùng” (1995), “Ca dao em và tôi”, “Chiều sông Thương” (nhạc: An Thuyên, thơ: Hữu Thỉnh)…

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Internet


logo

Thực hiện: depweb

03/07/2015, 21:45