Nhạc hè Việt, có chưa?

Chất liệu

Về mặt chất liệu âm nhạc, những ca khúc mùa hè đều được hòa âm theo nhạc dance có tiết tấu nhanh (Up tempo) và nghịch ngợm đúng tinh thần giới trẻ.

Chất liệu phổ biến thường được pha trộn vào là các thể loại reggae, Latin như trong ca khúc “Cheerleader” của OMI, “tái sử dụng” một thứ “đồ cổ” và khiến nó trở nên trẻ trung và hợp
mốt hơn.

Ví dụ, trong “Party Rock Anthem”, LMFAO đã dùng một phần lời ca khúc “Hustling” của Rick Ross từ năm 2006. Hay với ca khúc “On The Floor”, phần giai điệu quen thuộc trong “Llorando se fue”, được phát hành vào năm 1982 hay còn gọi là vũ điệu “Lambada” đã giúp bộ đôi Jennifer Lopez và Pitbull thống lĩnh trọn mùa hè 2011. Thậm chí âm hưởng của nó kéo dài sang đến những mùa hè tiếp theo.

Ngoài ra, nhạc hè tất nhiên còn phải vui và dễ gây nghiện. Yếu tố này thường dựa vào lời ca khúc, MV và hình tượng của ca sĩ. Đó phải là một cô nàng da trắng hát rap thương mại một cách ngổ ngáo như Iggy Azalea trong “Fancy”, hay cô nàng xinh xắn, tinh quái lên kế hoạch cưa đổ một chàng trai như Carly Rae Jepson trong “Call Me Maybe”.

Nhạc hè được phát tán rộng rãi nhờ không gian cộng đồng vui vẻ như các quán bar, hộp đêm, các lễ hội âm nhạc và tất nhiên, thông qua Internet.

Thời điểm

Thông thường, nhiều ca sĩ Mỹ và Anh cố tình chọn “điểm rơi” từ tháng 1 đến tháng 6 để phát hành những ca khúc mang chủ đề mùa hè, hay có chất liệu hợp với mùa hè.

Điển hình như Demi Lovato phát hành “Cool For The Summer” là đĩa đơn đầu tiên của album “Confident” trong năm 2015. Việc phát hành ca khúc này vào đúng dịp hè (1/7/2015) đã lộ rõ việc chọn thời điểm của nữ giám khảo X-Factor. Rất hiếm khi ca sĩ chọn một ca khúc không phải là bài hát chủ đề album để ra đĩa đơn đầu tiên, nhưng “Confident” đã bị gạt ra để thay bằng một ca khúc có cái tên rất “mùa hè mát lạnh” – “Cool For The Summer”. Bởi đơn giản, nếu chọn “Confident”, sẽ là bỏ phí cả một mùa hè.

“Work From Home” của Fifth Harmony là một ví dụ khác, “đón lõng” hè 2016 khi nhóm ra mắt đĩa đơn ngay từ tháng 2. Chiến lược này xem ra khá thành công khi “Work From Home” xuất hiện ở hầu hết các bảng xếp hạng trong tháng 5 và 6. Nó cũng trở thành ca khúc quen thuộc tại các lễ hội mùa hè và các câu lạc bộ đêm tại Mỹ.

Không như Demi Lovato hay Fifth Harmony, khỏi cần lấy bài hát trong các album, nhiều ca sĩ chỉ “đánh quả lẻ” cho thời điểm nóng nhất năm này. Hè đến, họ có ngay một ca khúc cho mùa hè. Chỉ thế mà thôi! Bài hát không nằm trong album nào cả, hoặc đưa vào album nào đó là… việc “để mai tính”.

Để đón chào “thị trường” nhạc hè 2016, Calvin Harris và Rihanna đã bắt tay cho ra đĩa đơn kiểu “quả lẻ” như vậy: “This Is What You Came For”. Trung thành với công thức nhạc hè: dance (House EDM), vui, phù hợp với quán bar và các câu lạc bộ đêm, “This Is What You Came For” được dự báo sẽ thống lĩnh hè năm nay, dù phải đối đầu với khá nhiều đối thủ như Alan Walker (“Sing Me To Sleep”), Fifth Harmony (“Work From Home”), hay sự đổ bộ của Beyonce, sự tái xuất của Jennifer Lopez…

Tiếp thị sớm và ăn may

Tất nhiên, những trường hợp phát hành trước và trong ba tháng hè như vậy chỉ áp dụng cho các tên tuổi lớn. Bởi chỉ cái tên của họ cũng đủ đảm bảo cho việc: Khi ca khúc được phát hành, sẽ có người nghe ngay lập tức.

Những ca sĩ ít được biết đến buộc phải phát hành ca khúc/album sớm, thường là vào mùa thu hoặc đông của năm trước, để mong chờ “mưa dầm thấm lâu” và lượng người nghe sẽ “bùng nổ” đúng dịp hè.

Trường hợp của “La La La” (Naughty Boy) và “Rude” (Magic) là những ca khúc nổi lên ở thời điểm mùa hè theo cách như vậy. Tính ra, Naughty Boy đã phải chờ đợi một năm để “La La La” phủ sóng hè 2014, dù nó được phát hành vào tháng 5/2013. Còn “Rude” của Magic thì cũng phải mất gần 7 tháng để thành một giai điệu phổ biến trong mùa hè 2014.

 

Có hay không, nhạc hè Việt?

Không biết cố tình hay ngẫu nhiên, các ca khúc nổi lên vào dịp hè ở Việt Nam cũng đi theo công thức khá tương đồng và giống về chất liệu âm nhạc của Anh và Mỹ.

Cách đây một năm, Tiên Tiên có thể là người nhạy cảm với mùa hè hơn cả khi cô đã khuấy động giới trẻ với “Say You Do” bằng thứ âm nhạc dễ nghe, hiện đại, vui trẻ và lạ tai.

Trong tháng 6 năm nay, Hoàng Thùy Linh và Triple D vừa cho ra mắt “I’m Gonna Break”. Đây có thể nói là một ca khúc có đầy đủ chất liệu mùa hè và bản thân nghệ sĩ cũng “đón lõng” khá chuẩn thời điểm phát hành. Châu Đăng Khoa cũng là một trường hợp như vậy, khi quy tụ đủ tiêu chí nhạc hè cho “Lẻ loi”, một ca khúc theo hơi hướng những bản nhạc điện tử ở các quán bar Châu Âu.

Nhìn chung, các nghệ sĩ Việt chưa quan tâm nhiều đến nhạc hè, bởi (có thể) thị trường nhạc Việt chưa có tiền lệ đó. Ngoài ra, hệ thống radio, lễ hội âm nhạc hè, âm nhạc điện tử hay các quán bar, hộp đêm ở Việt Nam chưa sử dụng nhiều nhạc Việt, hoặc bản thân các ca khúc chưa đủ hấp dẫn để các DJ nhiệt tình lăng xê đến người nghe.

Ca khúc chỉ cần đủ hay, nó sẽ tự lan tỏa. Vậy thôi!

Có thể, mọi thứ sẽ khác ở những mùa hè sau…

 

 
Bài: Vĩnh Khang

logo


From the same category