Không có một tôn giáo nào mà âm nhạc có thể đại chúng hóa mạnh mẽ như Thiên Chúa giáo với nhạc Giáng sinh. Bắt đầu từ những giai điệu sử dụng trong các hoạt động tôn giáo, cho tới ngày nay, nhạc Giáng sinh đã trở thành âm nhạc của mọi người, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp hay dân tộc. Cứ đến tháng 12, những giai điệu quen thuộc của “Jingle bells”, của “Silent night” hay “Deck the halls” lại vang lên khắp nơi, từ quán cà phê tới các trung tâm thương mại, khu vui chơi công cộng, trường học và tất nhiên, trong mỗi gia đình.
Ca khúc nào được ghi vào sách kỷ lục Guiness là đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại? Đó là “White Christmas” của Bing Crosby phát hành lần đầu năm 1942. Album nào của series tuyển chọn huyền thoại Now! bán chạy nhất thế giới? Đó là “Now That what I call Christmas” phát hành năm 2001. Và hàng năm lại có thêm những đĩa nhạc Giáng sinh được phát hành. Theo kế hoạch thường niên, cứ khoảng cuối tháng 11, các bảng xếp hạng lớn như Billboard lại phải dành riêng một hạng mục cho nhạc Giáng sinh. Tại sao nhạc Giáng sinh có sức ảnh hưởng và trở thành hẳn một thể loại độc lập như vậy?
Sinh ra từ cái nôi Thiên Chúa Giáo
Chắc chắn lý do đầu tiên phải xuất phát từ đặc điểm của Thiên Chúa giáo. Ai cũng biết tôn giáo này gắn liền với xã hội phương Tây. Âm nhạc đại chúng lại “sinh ra và lớn lên” từ chính cái nôi văn hóa phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính vì thế, quá trình từ “đạo” ra “đời” khá thoải mái, hài hòa. Đạo diễn Martin Scorsese, người rất am tường và có nhiều gắn bó với âm nhạc qua các tác phẩm phim tài liệu của mình, từng nhận xét: “Khi một nghệ sĩ sùng đạo cất tiếng hát những giai điệu tôn giáo, anh ta hát cho những người cùng đức tin với mình. Nhưng đức tin của anh ta được chia sẻ với gần như tất cả mọi người, và vì thế, một cách tự nhiên, âm nhạc của Thiên Chúa giáo thoát ra khỏi nhà thờ và đi vào đời sống.”
Nghệ sĩ Bob Dylan, một người Do thái từng phát hành album nhạc Giáng sinh nổi tiếng “Christmas in the heart” (2009), khiến giới phê bình khá bất ngờ về đĩa nhạc của mình, chia sẻ: “Người ta cứ khăng khăng rằng: ‘Bob Dylan là một nhà truyền đạo!’. Không, tôi không bảo ai nên tin điều gì, tôi chỉ kể những câu chuyện, chia sẻ cảm xúc của mình về ngày Giáng sinh. Và đó là một nguồn cảm hứng thật dồi dào.”
Nguồn cảm hứng dồi dào hẳn là lý do nữa khiến âm nhạc Giáng sinh càng trở nên phổ biến. Nhạc Giáng sinh có thể thể hiện được ở mọi hình thức, từ truyền thống tới cổ điển, jazz, pop, rock, thậm chí cả heavy metal, electronic hay hip hop. Mỗi năm có rất nhiều đĩa nhạc Giáng sinh ra lò theo công thức đơn giản: chơi lại các bản nhạc truyền thống theo phong cách khác. Nhưng cũng có những album được sáng tác mới từ cảm hứng Giáng sinh rất thành công như album của She&Him, Justin Bieber hay Kelly Clarkson… đem tới cho người nghe trải nghiệm thú vị. Và tất nhiên, lại có những bản hit được yêu thích suốt mùa lễ.
Bất biến với tinh thần nhân văn
Tất nhiên, khi nhạc Giáng sinh trở thành một phần không thể thiếu của mùa lễ cuối năm, nó cũng là một khoản lợi nhuận mà các nhà sản xuất và hãng đĩa không thể bỏ qua. Chỉ mới cách đây chừng hơn 1 tháng, số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp thu âm Mỹ RIAA cho biết, đĩa bạch kim (đạt lượng tiêu thụ 1 triệu bản trở lên) duy nhất của thị trường âm nhạc Mỹ năm 2014 là album nhạc phim hoạt hình “Frozen”. Chiến thắng của đĩa nhạc không chỉ bởi phim hay, ca khúc “Let it go” phổ biến toàn cầu mà còn bởi nội dung liên quan tới Giáng sinh và chỉ cần một mùa mua sắm cuối năm ngoái đủ khiến album này bán chạy như tôm tươi.
Cuối cùng, như lời tựa của bài viết, nhạc Giáng sinh sao chẳng bao giờ chán? Có lẽ quan trọng nhất là tinh thần của âm nhạc. Đón Giáng sinh trở thành một nét văn hóa toàn cầu bởi tinh thần nhân văn của nó. Không cần phải là một tín đồ Thiên Chúa, chỉ cần những giai điệu Giáng sinh vang lên, bạn sẽ nghĩ tới gia đình, người thân, cảm nhận được sự ấm cúng và chia sẻ trong những ngày đông lạnh giá.