Mặt sắt cũng say câu hát khéo
Bút son khuyên lấy giọng chầu hay
Tham dự lễ lên đồng chắc rằng bất kỳ ai cũng đều cúi đầu trước hương án, tư lự với hương trầm, gật gù thưởng ngoạn những sắc màu lung linh, nhưng để họ say đắm mà quên mình đi, để thăng thoát trong phút chốc có lẽ không thể bỏ qua sự du đẩy của tiếng đàn ngọt, giọng chầu văn hay.
Rất nhiều ông đồng bà đồng khẳng định nếu không có âm nhạc chầu văn họ không thể nào tiến hành những nghi lễ hầu thánh, không thể hầu chay, hầu vo, hầu không có âm nhạc trợ giúp. Bởi lẽ tác động của ngoại cảnh tới thính giác bao giờ cũng nhanh, trực tiếp và ít phải qua các thao tác giải mã hơn các giác quan hay còn có lý do nào khác?
Khi nghe các cung văn đàn xướng, vốn nhạc lý của tôi không đủ để bóc tách vì đâu có những nhạc cảm khác lạ. Cảm thụ nhạc với tôi là thụ hưởng những âm thanh bằng cảm tính mù mờ, nó chỉ hướng đến sự mê chứ không tìm cách để hiểu.
Tôi không biết làm cách nào khái niệm được những thanh âm của sấm chớp nơi miền trời, cái u tịch của đồng rừng hay những ầm ào của miền thoải phủ.
Tôi phải làm quen rất lâu mới tạm biết khi hát điệu bỉ, phú thì nhịp nhạc chậm rãi, khi hát điệu dọc, cờn xuân thì nhịp nhạc thong thả, khi hát điệu lưu thủy, phú dồn thì nhịp nhạc dồn dập, sôi nổi. Tôi cũng không lý giải được vì sao giá các bà, các cô chỉ dùng điệu Xá Thượng…
Nhưng khi nhìn vào đáy mắt những con nhang, đệ tử đang mê lạc, thất thần rồi thử tách khỏi chiếu hầu trước công đồng đi vào bên trong cung cấm nơi thờ tự ba vị Thánh Mẫu và lắng nghe ca từ của giá hầu ba bà, các chầu, các cô tôi chợt hiểu chầu văn đâu chỉ là âm nhạc của thánh thần nơi cõi âm huyền hoặc.
Không bác học như ca trù, không trau dồi công phu như quan họ nhưng chầu văn hơn hết các dòng nhạc truyền thống bởi trước hết đó là tiếng lòng của của biết bao người đàn bà nông dân.
Những người cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho giời. Những khuôn mặt soi vào gương, gương sạm. Những cái lưng có hạt thóc chỉ chạm vào đã vội nở thành… bỏng. Có những bàn chân chỉ biết căng choãi và nặng mùi như những rẻ quạt làm bằng tre cật, ngậm bùn quá cỡ…
Họ khao khát được một lần rũ mình để thành tiên thánh, được trang điểm mặt hoa da phấn, được diện xiêm y lộng lẫy để rồi được tiếng tơ của đàn nguyệt, tiếng đồng của cảnh, tiếng gỗ của phách, tiếng da của trống cùng giọng kim, giọng thổ đồng, thổ pha kim của cung văn dìu bước vào những hiện thực khác lạ.
Trên cái nền của những điệu nhạc tựa như bản nghê thường của miền tiên cung hay điệu quân thiều của miền trời là biết bao những ca từ đẹp đẽ mà tác giả đầu tiên chính là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cùng bao thế hệ những người đàn bà sáng tác, bồi đắp thành truyền thuyết, huyền thoại để ngợi ca những Mẫu cao cả:
“Lòng chầu trong sáng như gương
Thần thông biến hoá sửa sang cõi đời
Mặt hoa mày liễu tốt tươi
Hình dung yểu điệu miệng cười như hoa
Lưng ong tóc phượng rà rà
Áo xông hương xạ hài hoa chân giày
Cửu trùng ngự chín tầng mây"
Họ tôn vinh nhị vị công chúa họ Trần:
Khi xuống đất lúc lên trời
Gươm vàng hai chiếc rạch đôi thiên hà
Gánh hai vai giang sơn còn nhẹ
Tuốt gươm thiêng rạch sẻ chín sông
Những người đàn bà nông dân cũng khoái chí khi dựng nên hình ảnh một cô Chín đền Sòng rất hiển linh nhưng cũng rất đa đoan chuyện đời và thật không dễ chiều:
Cô về tâu với thiên đài
Thu giam hồn phách bỏ ngoài giang tân
Làm cho mê mẩn tâm thần
Làm cho chuyển động tấm thân mơ màng
Cứ vậy, đàn ca sáo nhị triền miên xênh xang, âu cũng là những cái cớ tự ru hời, tự khen mình đẹp xinh, tự khích lệ mình là con cháu những thần thiêng thánh giỏi có tài chống giặc giữ nước, có tấm lòng cứu độ chúng sinh thoát nghèo đói, bệnh tật.
Cứ bồng bềnh trôi mãi thế trên một dòng chảy âm thanh lạ lùng và khi đến giá hầu cuối cùng thì chẳng muốn nghe chút nào câu ngân buồn của cung văn: xa giá hồi cung.