Nhà vũ trụ học và “Thuyết yêu thương” chốn dương gian - Tạp chí Đẹp

Nhà vũ trụ học và “Thuyết yêu thương” chốn dương gian

Review

Một cuộc đời gần gũi với Việt Nam

Đến rạp xem bộ phim đoạt một giải Oscar, hai giải Quả Cầu Vàng, tôi không mang tâm thế tò mò về sự nghiệp và chuyện tình duyên của nhà bác học nổi danh Stephen Hawking. Lẽ đơn giản là cuộc đời nhiều biến cố của người đàn ông này đã được truyền thông đề cập rất nhiều.

Hai vợ chồng nhà khoa học Stephen Hawking ngoài đời thực và cặp đôi được hai diễn viên Eddie Redmayne và Felicity Jones trên phim (phải)

Cuốn hồi ký của người vợ đầu, Jane Hawking, có tên “Travelling to Infinity: My Life with Stephen”, về những năm tháng sóng gió của hai người, đã được công bố rộng rãi. Đây cũng chính là cốt truyện gốc cho bộ phim.

Với riêng Việt Nam, Stephen Hawking càng là cái tên quen thuộc. Ngay từ nhỏ tôi đã được đọc cuốn sách “Lược sử thời gian: Từ vụ nổi Big Bang đến hố đen” của nhà vật lý này. Đã có hơn 10 triệu bản sách được in trên toàn thế giới, và có bản tiếng Việt.

Tôi cũng được biết, qua truyền thông, nhà khoa học ngồi xe lăn từng là người lên tiếng mạnh mẽ phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Và còn một lý do gần gũi hơn, cha đẻ của “thuyết vạn vật” là cha đỡ đầu của cô gái Việt Nam tên Nguyễn Thị Thu Nhàn.

Như nhiều bậc cha mẹ khác nhận con đỡ đầu từ làng trẻ S.O.S, Stephen Hawking nhận Thu Nhàn vào năm 1990. Ông đã từng đến Việt Nam để thăm con và chính cô gái Việt đã từng được nhà vật lý đón sang Anh sống cùng ông trong vòng một tháng. Hôm 26/3, “Theory of Everything” được công chiếu tại Việt Nam, Thu Nhàn cùng gia đình nhỏ của mình đã có dịp chứng kiến cuộc đời của người cha đỡ đầu được tái hiện trên màn ảnh. 

Eddie Redmayne được ngợi ca đã hóa thân xuất sắc vào vai nhà khoa học Stephen Hawking 

Bộ phim tiểu sử này, vì thế, mà không có bất ngờ về nội dung và cái kết đã được biết trước. Toàn bộ cốt truyện có thể dễ dàng tìm đọc được trên mạng.

Không có sự tò mò về tình tiết, diễn biến; vậy thì điều gì thôi thúc tôi xem bộ phim này và khi bước ra khỏi rạp chiếu, những khán giả như tôi liệu có cảm xúc gì về bộ phim Anh hay nhất năm – như sự tôn vinh của giới phê bình?

Sức sống của yêu thương và cống hiến          

Điều đầu tiên cần nói đến đó là tài năng diễn xuất của Eddie Redmayne trong vai Stephen Hawking và Felicity Jones trong vai người vợ. Với khả năng hoá thân tuyệt vời của Eddie, ngay từ đầu, nam diễn viên này đã được công chúng đồng loạt cho rằng sẽ bội thu giải thưởng. Đến Oscar 87, đối thủ của Eddie dường như chỉ còn là Micheal Keaton với vai diễn viên Riggan vô cùng xuất sắc trong Birdman (Người chim). Quả là về tài năng thì một chín một mười, ai được nắm giữ tượng vàng Oscar ở hạng mục nam diễn viên chính cũng đều xứng đáng. Tuy nhiên, chiến thắng đã thuộc về người thủ vai Stephen Hawking, bởi lẽ, Eddie có nhiều đất diễn khi hoá thân vào một con người quá đặc biệt.

Nếu như hình ảnh Stephen Hawking ngoài đời thật là thân hình teo nhỏ, cử động nhúc nhích trên chiếc xe lăn, khuôn mặt và ánh mắt lạ lùng; thì khi lên phim, Eddie Redmayne khiến cho khán giả cứ ngỡ nhà vật lý thiên tài thực sự đang hiện diện bằng xương bằng thịt. Chẳng có mấy khác biệt giữa “bản sao” và “bản chính”. 

Nhưng điều khẳng định tài năng của người diễn viên không phải ở sự tương đồng về ngoại hình. Hơn hết, Eddie đã truyền đến người xem tinh thần Stephen Hawking. Từ chuyển động của cơ mặt, cái nhíu mày, đôi bàn tay run rẩy của người mắc chứng bệnh thần kinh vận động (MND) cho đến cử chỉ, thần thái tưởng như từ đầu tới cuối không một chút gợn. Vì thế, nên sau những gì người ta biết, nghe, đọc về Stephen Hawking thì nay qua điện ảnh; được thấy, cảm nhận rõ, sống động hơn về con người này từ những năm tháng nghiên cứu ở Đại học Cambridge đến khi đã có những đứa cháu.

ads
ads

Là một bộ phim trung thành với nguyên tác, điều đó có nghĩa, yếu tố bất ngờ về câu chuyện không còn. Dẫu đã biết, nhưng khi rời khỏi rạp, tác phẩm vẫn có thể khiến khán giả giữ được cảm xúc lâng lâng, bởi những khoảnh khắc đẹp mà “The Thoery of Everything” mang đến. Hòa trộn với điều đó là những câu thoại văn chương kiểu Anh dễ được ghi nhớ.

Một đoạn thoại cuối phim, theo tôi, là có giá trị nhất, khi một thính giả dưới khán phòng đứng lên hỏi Stephen Hawking: “Tôi được biết ông không tin vào Chúa và tôn giáo; vậy thì triết lý nhân sinh của ông là gì?”. Qua chiếc máy hỗ trợ tiếng nói, Stephen trả lời, Chúa cũng như con người, sinh ra rồi biến mất. Sự tồn tại và biến mất cứ nối tiếp như thế. Nhưng không vì thế mà ông không tin vào sự sống, thời gian, vũ trụ, con người và sự biến đổi. 

“Không nên đặt ra những giới hạn cho sự cố gắng của con người. Mỗi chúng ta là khác biệt. Cuộc sống có thể khó lường, nhưng luôn có những điều mà bạn có thể làm và đạt được thành công. Còn sự sống là còn có hy vọng”, Stephen nói.

Như tựa phim tiếng Việt – “Thuyết yêu thương”, tình yêu là sợi dây xuyên suốt 120 phút của “Theory of Everything”. Câu chuyện tình cảm động của thiên tài và người vợ đầu sau này cũng là tiến sĩ về văn chương, mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Cùng với đó, cách cư xử vừa mang chữ “tình”, vừa mang chữ “nghĩa” của họ, gợi đến khán giả nhiều suy nghĩ. Sau bao thăng trầm, tình yêu của Stephen và Jane có thể khép lại, mỗi người tiếp tục cuộc hôn nhân khác; nhưng họ còn gì trong nhau, điều này đã được xử lý khá khéo léo. 

Nếu có một điểm khiến tôi chưa được thoả mãn mới bộ phim, đó là đạo diễn James Marsh đã mang phủ lên nhân vật chính một màu hồng. Có những góc khuất u tối trong con người nhà vật lý lý thuyết chưa được “phác hoạ” để chân dung một thiên tài hoàn thiện hơn. Ví dụ như việc Stephen thường coi mình ở vị thế độc tôn và nhiều khi độc đoán, nhất là khi sống trong hào quang danh vọng.

Chuyện tình của nhà khoa học lỗi lạc được xử lý rất tinh tế trên màn ảnh rộng

Như Jane đã miêu tả trong hồi ký, có những lúc, vai trò của cô với chồng “đơn giản chỉ là nói cho anh ấy biết rằng, anh ấy không phải là Chúa”. Cũng chính niềm tin khác nhau với tôn giáo khiến quan hệ của họ trở nên căng thẳng.

Sau tất cả, “Theory of Everything” vẫn là một trong những bộ phim hay nhất của năm 2014. Tôi còn nhớ rất rõ hai câu thoại cuối cùng trong phim. Khi gặp lại nhau, Jane hỏi Stephen: “Anh đang viết gì vậy?”. Stephen đáp: “Hãy nhìn những gì chúng ta đã có kìa”. Và họ cùng hướng về những đứa trẻ đang nô đùa. 

Chuyện tình của hai con người vĩ đại Jane và Stephen có thể coi như một trong những chuyện tình đẹp nhất tôi từng biết đến. Ngay phút đầu gặp gỡ, cả hai như thể đã thuộc về nhau. Về sau này, sau bao sóng gió, nghịch cảnh, càng thấy được thành công rực rỡ trong sự nghiệp của người chồng không thể thiếu sự hy sinh lớn lao của người vợ, và ngược lại. Chữ “tình” và cả chữ “nghĩa” của chuyện tình ấy lay động khán giả.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: CGV


logo 

Thực hiện: depweb

30/03/2015, 17:50