Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Tôi muốn đi xuyên mọi cấm kỵ

Đích thị là một ca “hack não” của làng cầm bút Việt, một cô gái luôn trong bộ dạng “ta đã sống rất ơ hờ” một khi đã “máu” thì đừng hỏi: lần lượt ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết trong chỉ 5 năm, một mình “cân” cả một kịch bản phim dài 50 tập viết quần quật trong vòng 8 tháng…

Như những nhân vật của mình, cô đã kịp làm đủ trò phù phiếm, chất ngất mâu thuẫn, từng trải qua trầm cảm, rồi lao vào viết tiểu thuyết nghiến ngấu kiểu “một lần chơi lớn xem thiên hạ có trầm trồ”, mà thật ra là hành trình lãnh đạm trước chính mình: “Mình cứ phải ở trong cuộc, để lại vết tích; rồi lại tách khỏi, để lại sự quan sát”.

Âu cũng là một nỗ lực khắc tên mình: Nguyễn Khắc Ngân Vi.

Đôi khi người ta nhầm lẫn giữa thú vị và… hư

“Đàn bà hư ảo”, “Vạn sắc hư vô” (các tựa sách của Vi), sao toàn “hư” thế nhỉ! Liệu hai từ “hư ảo” và “hư vô” có phải là một?

Khác chứ! Trong tiếng Trung, rất khó dịch từ “hư ảo”. “Hư ảo” đóng khuôn ở giới hơn, còn “hư vô”, nó là cả cuộc đời. Nhưng nó phải thế, mình phải hiểu mình đã, rồi mình mới yêu con người. Đương nhiên đàn ông thì vẫn có thể hư ảo.

Phù phiếm là đặc điểm nổi bật ở những nhân vật nữ của chị. Đó là đặc sản ở phụ nữ, hay là một đặc quyền?

Trong cuốn “Vạn sắc hư vô”, trong một cuộc tranh luận gay gắt giữa một đám đàn ông và một người đàn bà, nhân vật nữ đột nhiên buông một câu: “Nhưng các anh không cảm thấy buồn vì một người phụ nữ già đi à…”, thế là kết thúc một câu chuyện vĩ mô của đám đàn ông, nào là kinh tế, chính trị, thời cuộc. Một câu khác, về nhân vật nữ chính: “Chỉ Kỳ là đại diện hoàn hảo cho định nghĩa ‘đàn bà xứ mình’: đáng tin bởi chân thành, chân thành bởi nhẹ dạ”. Bất kể chuyện đang đề cập là chuyện gì, vĩ đại hay nhỏ nhặt, thì đàn bà cũng sẽ đặt riêng tư ở đấy. Và quan trọng hơn cả, đàn bà tin rằng họ nợ đàn ông. Cái sự phù phiếm nhất mà tôi đặt vào nhân vật của mình chính là niềm tin ấy.

Nó là đặc sản, vì phụ nữ nhẹ dạ mà, mà nó cũng là đặc quyền, bởi họ được phép nhẹ dạ.

Chính xác thì đàn bà “nợ đàn ông” cái gì?

… cái xương sườn. Đùa đấy! Kiểu mình thấy cỡ nào cũng đẻ ra được đàn ông, nên mình cứ phải nợ họ một cuộc đời lý tưởng. Nhưng làm gì có một cuộc đời lý tưởng nào ở đây. Thế là khi thấy đàn ông vấp váp, háo thắng, thất bại, vĩ cuồng…, mình cứ thấy tuyệt vọng vì không thể giúp gì hơn. Đàn bà mình thật ra rất bao dung với đàn ông, còn có bao dung với nhau hay không thì chưa biết.

Trong cách mà các nhân vật nữ của chị loay hoay vật lộn với bản năng hay bản lĩnh ở họ, chị nghĩ thật ra họ đang đi chống lại điều gì? Sự tù túng của giới? Sự nhàm chán của đời sống? Hay một “kẻ thù” nào khác?

Thật ra nhân vật nữ của tôi không chống lại gì cả, họ thả trôi nhiều hơn. Còn “giới” thì luôn tù túng, không chỉ đàn bà mà cả đàn ông. Hãy nhìn giống đực, tôi thường thấy họ mệt mỏi hơn cả phụ nữ chúng ta.

Cuộc sống không nhàm chán, mà nó hư vô, nghĩa là nó có thú vị hay nhạt nhẽo, thì chắc chắn một lúc nào đấy, mình cũng sẽ cảm nhận được cái sự hư vô ấy. Con người ta không có sức chống đỡ sự hư vô, vì ta đang trôi về nó. Không phải tôi đang cố thuyết giảng một cái đạo gì đó đâu, bởi vì không có đạo nào cứu rỗi được sự trống rỗng (đôi khi) của kiếp người này.

Còn nếu nói về chống lại, tôi nghĩ phụ nữ chỉ chống lại cái sự phù phiếm của chính mình, như tôi nói ở trên, là niềm tin, ngay cả niềm tin họ nợ đàn ông. Mà tại sao họ phải chống đỡ? Bởi vì họ sẽ không bao giờ làm được.

Và cách chống đỡ sự hư vô là… đi làm một người đàn bà “hư”?

Có hai dạng phụ nữ tôi không thích ngang nhau, một là cố gắng tỏ ra mình ngoan, hai là chấp niệm với thứ chị vừa nói, đàn bà hư. Bởi vì cái nào cũng thiếu tự nhiên. Tôi nghĩ phụ nữ kém tinh tế và thiếu duyên dáng thường xuất phát từ sự đánh mất nguyên bản mà ra.

À, còn nữa, tôi căm ghét cái từ “cá tính”, dở hơi! Cái cách người ta mô tả một phụ nữ là cá tính nó giống như nhà phê bình điện ảnh luận một bộ phim là tử tế hay chỉn chu vậy, nó vô nghĩa. Thực ra kiểu người ấy và bộ phim ấy còn kém đặc sắc để nhận được một tính từ mang hàm ý chê.

Đôi khi người ta nhầm lẫn giữa thú vị và hư. Trong hình dung của mọi người, một phụ nữ hư là thế nào? Uống rượu như nước lã? Hút thuốc lá như điên? Trải nghiệm tình dục phong phú? Nếu buộc tôi phải định nghĩa ngoan và hư, thì đây này. Ngoan là họ uống rượu, hút thuốc, làm tình vì họ có nhu cầu giãi bày với chính họ, trong chừng mực không làm phiền người khác. Còn hư à? Là cố gắng làm những điều đó chỉ vì muốn trở nên thú vị hay hư, mà càng làm thì họ càng xa lạ với nguyên bản của mình. Họ đang tạo ra một lời nói dối. Tức là họ làm vì chiều chuộng suy nghĩ của người khác nhiều hơn là phục vụ bản thân. Người không vì mình chưa đến mức trời tru đất diệt đâu, nhưng rõ là kém ngoan rồi.

Còn để chống đỡ sự hư vô ư? Chỉ có cách mở lòng thôi, đón nhận mọi sự phi lý của thế giới này, và đôi khi đàn ông trong tương quan với đàn bà chính là điều phi lý lớn nhất.

Nếu tôi trầm cảm, đó là một nỗi đau

Vậy còn khái niệm “người đàn bà quyền lực”? Trong truyện của chị, dường như đó là những người đàn bà được mặc sức thao túng đàn ông, bắt họ phải đứng ngoài thế giới riêng của mình, hoặc bước vào, đồng lõa, chấp nhận nó, và thậm chí bị đồng hóa?

Không ai bắt được đàn ông làm điều gì họ không muốn. Đàn ông họ phũ lắm. Họ cho phép đàn bà thao túng thôi. Nói tới đây thì chị hiểu ai mới là kẻ thao túng thực sự rồi đấy.

Nhưng chắc chắn là có “người đàn bà quyền lực”, đó là khi họ được yêu, hay họ làm một phần đời của đàn ông trở nên sống động, vượt ra khỏi tẻ nhạt như cuộc sống vốn thế. Song cũng phải cẩn thận, sống động đều đặn cũng là một hình thái của tẻ nhạt. Không biết chị đã đọc một truyện ngắn tên là “Thủy Nguyệt” của Kawabata Yasunari chưa? Đấy, quyền lực có khi đến chỉ từ một chiếc gáy đẹp. Người chồng ốm yếu nằm liệt một chỗ, người anh ta tiếp cận duy nhất là cô vợ của mình. Đối với anh ta, chiếc gáy của vợ là hiện thân của cái đẹp, và là những rung động về cuộc sống. Anh ta có nhu cầu nhìn gáy vợ mình mỗi ngày, trông anh chẳng khác gì nô lệ của chiếc gáy xinh đẹp ấy. Cái quyền lực mình tưởng là thao túng đàn ông ấy, thực ra nó là chuyện một người đàn ông ban cho người đàn bà để anh ta gián tiếp hưởng lợi từ cái quyền lực cho đi, dù có khi cái lợi ấy cũng là cái chết.

Nếu mình có quyền lực với một con mèo hay một gã đàn ông, là vì con mèo hay gã đàn ông ấy cho phép mình.

Trước giờ đàn ông vẫn được mặc định là “kẻ đi săn”. Nhưng dưới nét bút của chị, đàn bà lại hiện ra như những “kẻ đi câu”. Dù cái họ câu được đôi khi không phải là con mồi mà chỉ là những mảnh vỡ từ một con tàu đắm. Kẻ vác súng không đáng thương bằng kẻ vác cần câu?

Nghe cứ như “con nai vàng ngơ ngác, đi tìm bác thợ săn” ấy nhỉ! Tôi nghĩ trong bất kỳ mối quan hệ nào, con người ta cũng có sự ngầm phân vai ở đấy, nếu họ thực sự cần nhau. Không phải lúc nào đứng yên như con nai vàng ngơ ngác cũng là con mồi. Còn để nói về những “kẻ đi câu” trong tiểu thuyết của tôi thì thực ra là họ có câu đấy, họ câu những ảo mộng đẹp. Nên tất nhiên là luôn đáng thương.

Mọi vật vã nổi loạn cuối cùng chỉ để giành về cho mình món phần thưởng: tự do. Nhưng tự do đôi khi lại mang gương mặt của cô độc. Chị có nghĩ có những phần thưởng đáng ra không nên tự thưởng cho mình?

Tôi rất thích một câu trong bài “Gọi tên bốn mùa” của Trịnh Công Sơn: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Không có tự do chị ạ, tự do chỉ là một từ tương đối mô tả tâm hồn mình ở một thời khắc ngắn hạn, mà kiếp người thì dài. Nhưng ngay cả khi không có tự do thì con người vẫn cô độc. Khi mình ngủ đi, mình chẳng thể nắm tay ai cho đến sáng! Tuy nhiên, tôi nghĩ không phải tự thưởng, mà tưởng thưởng mới là thứ cần.

Như An trong “Đàn bà hư ảo”, chị từng trầm cảm?

Khi viết “Đàn bà hư ảo”, tôi viết bằng bản năng nhiều hơn, và tôi ghét điều đó. Tôi thích cuốn “Phúc âm cho một người” và “Vạn sắc hư vô” hơn, vì ở đó có cái chết của tác giả, tôi không đặt bản thân mình vào nhiều. “Đàn bà hư ảo” là câu chuyện của năm 2016: tôi rời toà soạn báo, đi du học ở Thượng Hải, rồi ba năm dịch, quá khứ như lùi lại rất xa thời điểm thật của nó.

Tôi vẫn luôn trầm cảm, không chỉ năm 2016. Nhưng văn chương của tôi hiện tại đã khác lúc đó, nghĩa là tôi đã phân biệt được rõ ràng giữa trải nghiệm và biểu hiện. An trầm cảm, ấy là cách biểu hiện của tôi khi muốn viết về hiện sinh ở những đô thị đang phát triển. Tôi trầm cảm, đó là một trạng thái mà có lúc tôi tưởng mình không vượt lên được, và tôi không cần phải biểu hiện gì cả, vì đấy là cuộc sống thực. Nếu An trầm cảm, thì An tạo nghĩa cho một điều gì đó tôi muốn nói trong tiểu thuyết. Nếu tôi trầm cảm, đó là một nỗi đau.

Khuôn mẫu giới hay định kiến giới đều độc hại cho cả đàn ông lẫn đàn bà

Có đúng chị chính là An, với những cuộc tình song giới? Cảm giác phân thân và song hành giữa hai thế giới ấy thế nào? Nó khiến chị thấy làm đàn ông hay đàn bà khổ hơn?

Khi yêu, tôi không phân biệt giới tính, vì có khi tôi yêu cả “gay” cơ! Nhưng quả thật tôi say mê tính nữ, ngay cả những người đàn ông tôi yêu mến cũng có một sự dịu dàng kỳ lạ.

Khi tôi còn trẻ, tôi đi vào từng số phận. Giống như bạn coi phim hay đọc sách, bạn thích những tính cách đặc biệt, với số phận kỳ lạ, hành xử khác người, kiểu nhân vật cô giáo trong “Piano teacher” ấy. Khi tôi lớn tuổi hơn, tôi đi vào cuộc đời chung. Nghĩa là ta nhìn thấy một cuộc đời chung bị mắc kẹt ở đó, và nó được biểu hiện qua cô giáo kia. Không có thế giới này hay thế giới kia. Hành vi tình dục cũng tương tự thế, nếu có gì khác thì chắc là cấu trúc cơ thể của đàn ông và đàn bà không giống nhau. Và đàn bà thì… có kinh. Nhưng không vì đàn bà có kinh mà tôi thấy họ khổ hơn. Để nói về mặt sinh lý, bao giờ hành kinh cũng vật vã, nhưng khi hành kinh xong, đàn bà đều đẹp hơn. Tôi thấy làm người là khổ, chứ không phải làm đàn ông hay đàn bà.

Ví dụ, có sự phân biệt rất lớn về hai chữ “thành công” trong tương quan giới. Một người phụ nữ nỗ lực tạo dựng sự nghiệp, nếu thất bại, họ đi lấy chồng, nếu may mắn có một người chồng tốt thì họ được nhìn là thành công. Còn một người đàn ông, cũng nỗ lực tạo dựng sự nghiệp, nếu họ không đạt được bất kỳ thành tựu nào mà họ còn đi cưới vợ, bất kể người vợ ấy giỏi giang hay không, thì người ta đều nhìn họ “thất bại x 2”. Nhưng ngay cả sự dễ dãi dành cho phụ nữ ấy cũng là khiến phụ nữ khổ, bởi nó cho thấy được cái khuôn mẫu giới. Mà khuôn mẫu giới hay định kiến giới đều độc hại cho cả đàn ông lẫn đàn bà.

Vì sao nhân vật nữ của chị thường bị ám ảnh về cái chết?

Mở đầu cuốn “Vạn sắc hư vô” có hai hình ảnh của cái chết. Một là nhân vật Chỉ Kỳ được nhắc tới qua lời kể của nhân vật chính là Nhàn. Hai là một nhân vật trong phim “Cung điện mùa hè” của Lâu Diệp, phim tiếng Hoa tôi yêu nhất, bị cấm chiếu ở Trung Quốc. Cái chết, nó bình thường. Tự sát mới là cấm kỵ. Albert Camus bảo chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc, đó là tự sát.

Tôi nghĩ nhân vật nữ của tôi không phải thường bị ám ảnh về cái chết, mà là ám ảnh về việc làm sao để có thể tiếp tục sống. Có những người không hạnh phúc với cuộc sống, họ muốn đến đích sớm hơn, hoặc thực ra có những người tâm hồn đã chết rất lâu trước khi thể xác chạm vào cái chết. Tôi theo đạo Thiên Chúa, tôi không ủng hộ tự sát. Nhưng tôi muốn đi xuyên mọi cấm kỵ: tình dục, chất kích thích, và cả tự sát, như đi xuyên qua bóng tối. Con người ta cần soi mình qua bóng tối, chứ không phải ánh sáng, mới nhìn trở ngược vào bên trong mình được.

“Tôi đang có kinh” là câu nói cửa miệng của chị, cũng như nhân vật “tự truyện” của chị. Chu kỳ (nói chung), với các vòng lặp lại của nó hẳn là một ám ảnh với chị?

Phải nói rõ rằng, không có nhân vật nào “tự truyện” ở đây. Nếu ai đó thấy nhân vật nữ của tôi có nét giống tôi, là vì tất cả chúng tôi đều… có kinh. Một khi đến kỳ kinh rồi, phụ nữ đều có tâm trạng và hành xử na ná nhau.

Tôi nghĩ nếu có ám ảnh, thì đó là ám ảnh về mặt vật lý, vì cơ thể tôi phải chịu đựng những cơn hưng cảm, trầm cảm dồn dập. Năm mười tám tuổi, tôi đã có lần đòi vào bệnh viện để… cắt luôn buồng trứng. Vì lúc ấy tôi nghĩ phụ nữ bị hạn chế rất nhiều bởi việc hành kinh, có những việc đàn ông làm giỏi hơn vì họ không có kinh. Nhưng đó là khi người ta nói về những hạn chế ấy trong tương quan với đàn ông, và phụ nữ tự dưng nữ quyền cực đoan bằng cách đuổi theo để vượt lên đàn ông. Giờ thì sao? Để đàn ông làm giỏi những việc phù hợp cấu trúc cơ thể họ, còn phụ nữ chúng tôi đi cống hiến những việc tương ứng với cấu trúc của chúng tôi, nói thẳng ra là hành kinh đấy. Như việc… viết văn chẳng hạn.

Thay vì nhấn về giới, tôi thích nói về con người hơn. Chỉ là khi tôi nói về con người, mà tôi lại mang cơ thể đàn bà, thì tất cả những kinh nghiệm cũng như trăn trở của tôi hiện trên trang giấy nó tình cờ trở thành việc thực hành nữ quyền. Đơn giản thế thôi.

Chị có tự thấy mình là một khối mâu thuẫn chan chát: lười biếng và chăm chỉ, thả lỏng và gồng lên, trôi vô phương và lao đi đầy mục đích, ơ hờ và riết róng, bất cần mà cần đủ thứ…?

Tôi không nghĩ có gì mâu thuẫn. Khi một người đang ở trạng thái nào, thì trạng thái đó đều có ý nghĩa phục vụ chính họ. Hãy thử thay thế “và” bằng “để” đi, được đấy!

Bài: Thư Quỳnh
Nhiếp ảnh: Tang Tang


From the same category