Với Iris Cao, hôn nhân không phải là mồ chôn của tình yêu, mà là điều tuyệt vời nhất mà cô đã và đang trải qua. Mới đây, nữ nhà văn đã có những chia sẻ về cuộc sống hôn nhân sau khi có thêm thành viên nhỏ trong gia đình, đồng thời hé lộ công thức giữ lửa cho một cuộc hôn nhân bền vững.
Để chuẩn bị cho một hành trang hôn nhân, sự trưởng thành trong suy nghĩ và tính cách là điều cần thiết. Iris Cao cho rằng, trưởng thành ở đây không xét về độ tuổi mà xét về suy nghĩ, nhận thức, tài chính, sức khỏe… Chia sẻ về trải nghiệm của bản thân, tác giả của cuốn sách “Thương nhau để đó” đã có một thanh xuân cháy hết mình trước khi bước vào đời sống hôn nhân. “Có những người trưởng thành sớm, có một số khác trưởng thành trễ. Tôi nằm ở nhóm trưởng thành trễ. Tôi dành rất nhiều thời gian từ năm 19-29 tuổi để học hành, chơi bời, làm việc, du lịch, khám phá bản thân. Khi ngoài kia những người cùng trang lứa kết hôn, một nách 2 con, tôi vẫn tưng bừng mỗi đêm ở khu Bùi Viện cho đến khi trời hừng sáng.” – cô chia sẻ.
Hôn nhân là chuyện cả đời, Iris Cao cho rằng sẽ không kết hôn vì gia đình, họ hàng hối thúc, không kết hôn vì thấy bạn bè cùng trang lứa ai cũng đã yên bề gia thất. Nữ nhà văn không muốn bước sang một chương mới của cuộc đời, khi bản thân chưa toàn tâm toàn ý, không muốn bị bó buộc, không tìm được ý nghĩa của hôn nhân.
“Hôn nhân với mình là câu chuyện của hai người, mãi mãi là của hai người.” – nhà văn chia sẻ. Trong các mối quan hệ, thì hôn nhân là mối quan hệ mang tính thử thách cao nhất vì nó đòi hỏi sự chung sống lâu dài, nhường nhịn, chia sẻ về tất cả mọi thứ từ hai người xa lạ. Hôn nhân cũng được xem như một cuộc cá cược, hoặc là hạnh phúc hoặc là đau khổ về sau. Vậy nên một khi sẵn sàng kết hôn nghĩa là hai người đều muốn sống một cuộc đời vì nhau, có nhau. Iris Cao tâm sự rằng, cô đã từng rất lo sợ việc có con trước hôn nhân, bởi vì bản thân sẽ không biết chính xác họ sống chung với mình vì trách nhiệm, vì đứa bé hay chính xác là vì người họ yêu là mình. Thế nên, chuyện kết hôn đừng vì ai cả, hãy cứ vì nhau trước đã. Nếu bắt đầu câu chuyện đã không vì nhau thì sau này khó có thể vì nhau mà nhẫn nhịn, bao dung.
Cuộc hôn nhân của nữ tác giả và ông xã Stuart Fensom luôn có sự thống nhất về mỗi hành trình. Sau khi về chung một nhà, họ đã có gần 3 năm “tuần trăng mật”, tận hưởng cuộc sống với nhau. Đối với cô, thời điểm xây dựng mối quan hệ hôn nhân là thời gian vàng, nền tảng, mấu chốt cho cuộc sống vợ chồng sau này. Ý niệm về hôn nhân của Iris Cao không chỉ đơn thuần là trách nhiệm, nghĩa vụ mà là sự chuyển giao sâu sắc trong quá trình yêu đương của hai người. Lúc yêu nhau chỉ biết yêu ngọt ngào, điên dại, khi kết hôn mới thực sự là giai đoạn tìm hiểu sâu sắc về đối phương.
Cô cho biết thêm: “Có em bé ngay sau khi kết hôn vẫn là một điều hạnh phúc, thế nhưng khoảng thời gian vàng sau hôn nhân không còn. Thêm vào đó, khi một đứa trẻ chào đời, người mẹ thường sẽ dành rất nhiều thời gian và công sức để chăm sóc cho con. Vô hình trung, tình cảm vợ chồng chưa được gắn kết lại bị đẩy ra xa thêm, từ đó dù chỉ một mâu thuẫn nhỏ xảy ra cũng dễ to tiếng, cãi vã.” Thế nên cô đưa ra lời khuyên, rằng hãy dành một vài năm tận hưởng cái gọi là “hôn nhân”. Bởi mối quan hệ giữa hai người không chỉ là hai chữ ký trên một tờ giấy, mà còn là sự gắn kết trọn đời với một người sẽ là người thân của con mình và cũng là người bạn đi cùng chúng ta suốt chặng đường còn lại.
Iris Cao tiết lộ, chúng ta không nhất thiết phải biết những thứ cơ bản như tài khoản, mạng xã hội, email, mật khẩu điện thoại, máy tính. Giữ cho nhau một không gian riêng sẽ làm tăng tính thú vị của đối phương. Tất nhiên, nếu muốn làm được những điều này, cả hai đã phải xây dựng một thành trì niềm tin rất lớn từ trước. Khi mỗi cá nhân có cuộc sống riêng tư nhất định, bản thân chúng ta sẽ cảm thấy rất thoải mái, đó có thể là những sở thích, niềm vui nho nhỏ của đối phương muốn giữ cho riêng mình, và điều này không đồng nghĩa với sự giấu giếm. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ học được cách tôn trọng sự riêng tư của bạn đời, mỗi người luôn tự làm mới và cảm thấy thú vị về nhau.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, các chị em thường quan niệm rằng chúng ta cần là người nắm giữ hết tài chính để quán xuyến mọi việc trong nhà. Thế nhưng, tự chủ kinh tế không có nghĩa là thâu tóm hoàn toàn kinh tế từ người chồng của mình. Nữ nhà văn dí dỏm nói: “Tôi thấy một người đàn ông hấp dẫn khi họ ra đường có tiền trong túi, những dịp lễ tết không cần suy nghĩ có thể mua những món quà bất ngờ tặng vợ.” Cô cho rằng, phụ nữ không thể giữ hết tiền của chồng sau đó lại than vãn anh ấy hông lãng mạn, chẳng bao giờ tặng quà cho vợ. Hãy nên có quỹ chung trong gia đình để đảm bảo về những chi phí cơ bản hàng tháng, tiền tiết kiệm cho con và cho bản thân về già.