Chiến thắng trước nhiều cây bút nổi danh của nền văn học thế giới như Tàn Tuyết (Trung Quốc), Haruki Murakami (Nhật Bản), Gerald Murnane (Úc), Ngũgĩ wa Thiong’o (Kenya),… nhà văn Han Kang đã nhận giải Nobel Văn học 2024. Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh nữ tác gia người Hàn Quốc bởi “áng văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt, đối diện với những tổn thương lịch sử và làm lộ rõ sự mong manh của đời người”.
Han Kang kế thừa tình yêu với văn chương từ bố, tiểu thuyết gia Han Seung-won và anh trai của cô, Han Dong-rim, cũng là một nhà văn. Định hướng được đam mê từ sớm, Han Kang theo học ngành văn học Hàn Quốc ở Đại học Yonsei. Nữ văn sĩ bắt đầu sự nghiệp cầm bút từ những năm 90 với tư cách là nhà thơ, khi những tác phẩm của cô được đăng trong tạp chí Văn học và Xã hội Hàn Quốc. Năm 1995, cô xuất bản tiểu thuyết đầu tay “Tình yêu ở Yeosu”, mở ra sự nghiệp của cây bút thực lực làm nên lịch sử của nền văn học Hàn.
Nỗ lực suốt 30 năm hành trình miệt mài sáng tạo những văn chương của cô cũng gặt hái nhiều trái ngọt. Han Kang đã giành được Giải thưởng Tiểu thuyết Hàn Quốc năm 1999 với truyện ngắn “Baby Buddha”, Giải thưởng Nghệ sĩ trẻ năm 2000, Giải thưởng Văn học Yi Sang năm 2005 với “Mongol Spot” và Giải thưởng Văn học Dongri năm 2010 với “Breath Fighting”,… Ở tuổi 53, Han Kang là nữ nhà văn đầu tiên của Hàn Quốc nói riêng và Châu Á nói chung đoạt giải Nobel Văn học. Bên cạnh thành công trong địa hạt văn chương, Han Kang có niềm đam mê với nghệ thuật thị giác và âm nhạc. Năm 2007, cô sáng tác 10 ca khúc, hát và thu âm thành một album, đính kèm cuốn tản văn “A Song to Sing Calmly”.
Tác phẩm thực sự đưa tên tuổi của nữ nhà văn đến gần hơn với quốc tế là liên truyện “Người ăn chay” (The Vegetarian, 2007) với giải thưởng Man Booker International Prize vào năm 2016. Sau đó, tiếp tục nhận được sự công nhận trong giới chuyên môn với giải Malaparte năm 2017 tại Italy, và giải San Clemente tại Tây Ban Nha năm 2019. Truyện kể về Yeong Hye, một người phụ nữ từ chối ăn thịt sau một giấc mơ kinh hoàng. Nhưng mong muốn ấy dường như là quá đáng trong một xã hội gia trưởng, nên nhân vật bị chính gia đình của mình ruồng bỏ. Lựa chọn ăn chay và muốn sống tự nhiên như một cái cây của cô là sự phản kháng mạnh mẽ nhất với những chấn thương tâm lý trải dài qua những ký ức thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Đó là nỗi đau thế hệ mà Yeong Hye phải trải qua khi bố cô, một cựu binh lính đem bạo lực chiến tranh về gia đình và đè nặng lên những đứa con. Ở đó là những tiêu chuẩn xã hội khắt khe áp đặt lên người phụ nữ, người chồng thờ ơ và coi sự chăm sóc của vợ là hiển nhiên. Dù trong hoàn cảnh tăm tối và đau khổ như vậy, những nhân vật nữ của Han Kang luôn tìm thấy sự tự do cho chính mình, ẩn tàng niềm thấu cảm của tác giả trong dòng chảy tính nữ đầy ắp sự chữa lành.
Bên cạnh “Người ăn chay”, độc giả Việt Nam còn có thể tiếp cận đến hai tác phẩm xuất sắc khác của Han Kang với bản dịch tiếng Việt là “Bản chất của người” (“Human Acts”) và “Trắng” (“The White Book”). Trong đó, “Bản chất của người” là tiếng nói đầy đau thương của dân tộc từ những mất mát trong quá khứ. Han Kang có 10 năm tuổi thơ ở Gwangju, nơi xảy ra cuộc thảm sát đẫm máu tạo thành “vết sẹo hơn 4 thập kỷ của Hàn Quốc”. Bằng sự gắn bó với mảnh đất khai sinh, và dựa hơn 2000 trang lời khai của những người tham gia biểu tình bị cảnh sát bức cung năm 1980, nữ nhà văn đã mạnh mẽ lột trần lịch sử bạo lực, chất vấn về lương tâm và sau cùng là đặt vấn đề về “bản chất con người”.
Nếu “Người ăn chay” và “Bản chất của người” đặt ra những vấn đề xã hội phổ quát, đậm nét nhân văn thì “Trắng” lại là bản tự sự mang nhiều màu sắc cá nhân, có phần u uẩn, buồn bã. Không có chủ đề thống nhất, Han Kang chỉ tản mạn về nỗi buồn ở những điều ngẫu nhiên, với nhiều cấp độ: từ sự vật, không gian cho đến sự lạc lõng của con người, một quá khứ tang thương. Dẫu vậy, tổng thể tác phẩm không trở nên nặng nề và không có những nỗi đau luẩn quẩn bởi những tổn thương được đề cập đều là đã lành. “Trắng” tựa hồ như một nỗi suy tư thoáng chốc vụt qua mỗi người, để ta ngẫm nghĩ, ngắm nhìn và rồi tản mác không hình dáng.
Giành được giải Nobel Văn học không chỉ là chiến thắng của riêng Han Kang và còn là niềm tự hào của Hàn Quốc. Khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố người đoạt giải năm nay đã nhanh chóng tạo ra sự chú ý và quan tâm cực lớn giành cho nữ nhà văn. Chỉ trong 3 ngày, từ từ chiều 10/10 đến chiều 13/10, có khoảng 530.000 cuốn sách của cô đã được bán hết tại Hàn Quốc, theo hãng thông tấn Yonhap. Điều này còn giúp cổ phiếu của một số nhà sách tăng mạnh. Hiệu sách Onulbooks của Han Kang mở tại Seoul (Hàn Quốc) cũng nhanh chóng trở thành điểm đến nổi tiếng, với hàng dài khách xếp hàng chờ đến giờ mở cửa.
“Cơn sốt Han Kang” còn ảnh hưởng tới ngành giải trí Hàn Quốc. Bài hát được nữ nhà văn yêu thích là “How Can I Love the Heartbreak” (2019) của AKMU dù đã ra mắt 5 năm trước được khán giả chia sẻ rầm rộ, lọt vào top 10 trên bảng xếp hạng Melon. Ngoài ra, hai phim dựa trên tiểu thuyết của Han Kang là “The Vegetarian” (2009) và “Scars” (2011) sẽ được mở lại tại rạp để ăn mừng cho chiến Nobel văn chương của nữ văn sĩ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dù đang có chuyến công du tại Lào cũng chúc mừng Han Kang sau đoạt giải: “Chiến thắng này là một thành tựu to lớn đối với lịch sử văn học Hàn Quốc và cũng là ngày lễ quốc gia – mang lại niềm vui cho người dân. Bà đã biến những vết thương đau đớn của lịch sử hiện đại thành những tác phẩm văn học tuyệt vời”. Hiệp hội Nhà văn xứ Kim chi cũng lên tiếng khẳng định chiến thắng giải Nobel của Han Kang mang tính bước ngoặt, thiết lập vững chắc vị trí của văn học Hàn Quốc trên toàn thế giới.