Xin được mượn lời của dịch giả Trần Thiện Đạo để làm tên của bài phỏng vấn nhà văn Dạ Ngân, tác giả cuốn tiểu thuyết Gia đình bé mọn (đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2005, Hội Nhà văn Việt Nam 2006 và được tái bản lần thứ 3 trong vòng một năm). Nhân vật chính là một nữ nhà báo, nhà văn, đã có gia đình và hai con. Sau này, cô yêu một người đàn ông đã có gia đình. Cuộc sống, hôn nhân, cay đắng, nước mắt, buồn tủi… nhưng quyết liệt và chân tình, cuối cùng, cô đã có được người đàn ông của cuộc đời. Thẳng thắn, và chân thành, Dạ Ngân giờ đã là người đàn bà 55 tuổi, và người chồng của mình, nhà văn Nguyễn Quang Thân 72 tuổi, vẫn sống hạnh phúc trong căn nhà nhỏ, sau những năm tháng nhọc nhằn chịu đựng bao cay đắng vì tình yêu.
Có thể hiểu Gia đình bé mọn (GĐBM) là một lời tự thú?
Tôi thích định nghĩa của dịch giả Trần Thiện Đạo. Nó không phải tự truyện, không phải là tự thuật, nó là tự thú, một thể loại hẳn hoi ở phương Tây. Tự thú theo thuật ngữ văn học, và tự thú theo đúng nghĩa ngoài đời. “Yêu và sống” của Lê Vân theo tôi chưa hẳn là một tự truyện, bởi tự truyện là phải chân thật và sòng phẳng. Với GĐBM, gần như tôi đã bóc tách hết, phơi bày hết chính con người tôi, cuộc sống của tôi. Trần Đăng Khoa hỏi, bà chị đã tiêu đến đồng xu cuối cùng cho cuốn này chưa, tôi cười, tôi là một khối vuông ru-bích, tôi còn nhiều bộ mặt nữa nhưng với đề tài gia đình trong cái phông xã hội hậu chiến, tôi đã viết đến kỳ cùng cố gắng của tôi.
Con gái miền Tây, có cá tính, lại theo đường văn nghiệp, cô có biết người ta đánh giá mình là quá mạnh bạo, sắc sảo và ghê gớm không?
Không, không nhà văn nào quan tâm đến dư luận về chính con người mình. Hãy khen chê họ qua tác phẩm. Cá tính đậm là phẩm chất của văn xuôi đường trường. Nếu mình nhạt, vào văn, mình cũng sẽ nhạt lắm. Hơn nữa, cũng do nền tảng gia đình và miền đất sống. Con gái miền Tây mềm mại, phóng khoáng. Tôi giống cô Ràng (một nhân vật trong GĐBM) của tôi, có nhiều đàn ông ngưỡng mộ.
Tình yêu đối với cô?
Có yêu nhau, mới sống với nhau được. Mà đã yêu nhau, không điều kiện luôn. Không Nam, không Bắc, không trong, không ngoài nước, không xấu, không đẹp. Nhưng tình yêu chân chính, bao giờ cũng có sự khao khát được sống với người mình yêu. Ở chuyện tình của tôi, tôi phải xả thân, hy sinh rất nhiều. Tình yêu, luôn vừa phải lãng mạn, vừa thực tế, vừa phóng khoáng, lại đòi hỏi bao dung.
Cô đã từng thất bại trong cuộc tình với một nhà báo?
Lúc đó, tôi, hay chính nhân vật Tiệp của tôi, một người đàn bà có hai con, sau thất vọng với người chồng đầu tiên, bỗng thấy thật phí đời nếu sống mà chỉ có như vậy. Cái khác giữa một người đàn bà, với một cô gái là khi cần tình yêu, đàn bà họ rất quyết đoán, như bà Bovary của Flaubert hay Anna Karenina của Lep Tônxtoi. Họ có thể tuẫn tiết vì tình yêu, nhưng thôi, khi tôi nhận ra anh nhà báo đó không yêu gì mình, tôi cũng chẳng cay đắng, chẳng hận thù gì. Tự mình đến với người ta kia mà.
Lần đầu cô gặp nhà văn Nguyễn Quang Thân như thế nào?
Chúng tôi gặp nhau ở Trại sáng tác của Hội nhà văn ở Vũng Tàu vào tháng 4 năm 1982. Lúc ấy tôi đã trục trặc với chồng và có 2 con. Anh Thân cũng vậy, nhưng có tới 3 con, khao khát kiếm tìm. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy tôi đứng giúp chia cơm cho các mâm trong Trại, anh nói anh biết rằng đây là người phụ nữ mà anh ao ước. Anh bảo ở tôi có sự từng trải của người đi từ chiến tranh ra, có vẻ nền nã của gái miệt vườn và có sự đôn hậu của một nhà văn nhiều nữ tính, cái chính là tôi luôn buồn buồn như “Người đàn bà có con chó nhỏ” của Tchekhov. Đầu tiên, tôi thấy ngại cái ông Nghệ Tĩnh phong tình này nhưng sau rồi… anh đã chinh phục được tôi bằng hàm lượng trí tuệ, sự hóm hỉnh và cả cái kiểu cần cù của một ông “cá gỗ” nữa.
Và chấp nhận yêu một người đàn ông đang có vợ?
Vâng. Và đau khổ. Biết bao nhiêu nước mắt đã chảy. Hơn mười một năm trời, hồi ấy đã ai có điện thoại riêng đâu. Chúng tôi liên lạc với nhau bằng điện tín, bằng thư, những lần gặp nhau cách quãng, người Nam, kẻ Bắc. Tôi vẫn còn nguyên cái kho thư tình, khoảng nửa tháng thư vào thì nửa tháng thư ra, mỗi bên 99 lá của ngần ấy năm. Anh Thân viết thư hay hơn tôi, sâu sắc yêu thương, còn thư tôi thì toàn cằn nhằn thôi à. Nếu anh Thân yêu ít mãnh liệt hơn và ít bền bỉ hơn chắc tôi “chạy thoát” rồi.
Tại sao lại toàn những lời cằn nhằn?
Vì khổ quá. Vì sức ép chính danh của tổ chức, của gia tộc, của con cái, của bạn bè, nói chung là càng nhiều thâm niên yêu thì sự “câu lưu” nhau càng vô lý chỉ vì chưa có một cái giấy cởi trói cho anh ấy.
Còn dư luận xung quanh thì sao?
Dư luận bao giờ mà chẳng phù thịnh đạp suy? Các cuộc họp kiểm điểm do những lá thư tố cáo của người đàn bà kia, và sự từ bỏ của gia tộc vì tôi đã làm “xấu mặt” người thân của mình… Nhiều thứ áp lực như thể tôi bị nhốt vào thùng phuy mà nện vậy.
Có bao giờ cô tự dằn vặt mình là người phá hoại hạnh phúc của người khác không?
Không. Tôi có quan niệm tận cùng của một nhà văn trong vấn đề này. Một khi người ta chán nhau thì người thứ ba sẽ xuất hiện, nếu không phải là tôi, anh Thân cũng sẽ có người khác và phía tôi cũng vậy. Nếu tôi mặc cảm, tôi sẽ không dám làm gì cả. Mẹ anh Thân, các em của anh ấy và con cái hai bên đều âm thầm chấp nhận mối tình của chúng tôi. Vấn đề vẫn là làm thế nào để chính danh và được ngẩng mặt dưới ánh mặt trời.
Tâm trạng của cô chú trong ngày đi đăng ký kết hôn, khi cô đã 41, còn chú 58 tuổi?
Khó tả lắm. Cầm tờ giấy đăng ký trong tay, trao nhau đôi nhẫn cưới, mà chiếc nhẫn của anh Thân to đến nỗi bà chủ tiệm vàng đeo vào ngón chân vẫn vừa ấy, chúng tôi đặt vài chục thiếp báo hỷ rằng chúng tôi đã đăng ký kết hôn với nhau. Đơn giản vậy thôi, nhưng nó đã giúp mình cởi bỏ hết xiềng xích trong tâm trạng của chính mình.
Và hết bị mang tiếng?
Vâng. Hết bị mang tiếng lăng nhăng, cho dù hơn 11 năm xa cách, chúng tôi chỉ “lăng nhăng” với nhau, chứ không lăng nhăng với ai khác. Tôi cảm thấy may mắn vì đã tìm được người bạn đời, người đồng nghiệp giỏi hơn tôi, góc cạnh hơn tôi để có thể chịu được tôi và để tôi vừa yêu vừa nể trọng.
Cô chú có con chung nào không?
Không. Chúng tôi đã có quá đủ. Con chung của chúng tôi là văn chương. Con cái, không thể nào ràng buộc được nếu như người ta không chịu được sự ràng buộc. Cả hai gộp lại năm đứa, nhiều đến phát mệt đi rồi.
Nhân vật nữ của cô luôn có sự mạnh mẽ trong tình dục?
Đúng. Đời sống tình dục của vợ chồng hiện đại đều phải như thế. Đàn ông thích người vợ đôi khi cũng chủ động, chứ không phải lúc nào cũng e ấp.
Thật bất ngờ khi được biết cô chính là Dạ Hương – chuyên gỡ rối tâm tình cho các bạn trẻ trên báo Nông Nghiệp Việt Nam suốt 5 năm qua. Có khi nào, cô gặp những cảnh ngộ giống như mình chưa?
Bi kịch, mỗi người một kiểu, không ai giống ai hoàn toàn. Với bi kịch tình yêu của một người đã có gia đình, tôi sẽ tùy theo từng hoàn cảnh mà khuyên người ta nên theo, hay bỏ mối tình đó. Bởi con đường đến đích bao giờ cũng đòi hỏi một tình yêu hai chiều, đòi hỏi sự hy sinh ghê gớm mới có hạnh phúc, nó khác với sự lựa chọn chính xác từ đầu.