Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Đọc thơ Đỗ Nhật Nam, phải nói là tôi kinh ngạc”

Đỗ Nhật Nam – Phương Mỹ Chi: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”

Hai hành trình ngược chiều, dù trong cùng một kỳ nghỉ hè: Trong khi cô bé hát dân ca Phương Mỹ Chi tranh thủ qua Mỹ bay show để có thêm cơ hội giúp gia đình, thì “thầy giáo 14 tuổi” Đỗ Nhật Nam lại từ Mỹ trở về và dành trọn cả kỳ nghỉ của mình cho lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại Hà Nội do em khởi xướng và đứng lớp.

Trẻ con không đơn giản như người lớn nghĩ, nhưng người lớn thì thường phức tạp và ưa “quan trọng hóa vấn đề” hơn trẻ con. Nên bên cạnh những lượt like, cả hai “tài năng nhí” của chúng ta cũng đã từng không ít lần bị “ném đá”, vì lẽ này hay lẽ khác; hoặc gây nghi ngại: Liệu các em có đánh mất tuổi thơ của mình, khi sự nổi tiếng đến quá sớm?
        
“Đẹp + …” lần này mời thêm nhà thơ Trần Đăng Khoa – “thần đồng thơ” một thuở, để nói với hai “tài năng nhí”, và cả chúng ta, câu chuyện “Ai cũng có một ‘góc sân và khoảng trời’, trong mỗi đời người…”

Đọc thêm:
Đỗ Nhật Nam: “Nổi tiếng cũng là một que kẹo ngọt!”
Phương Mỹ Chi: “Người thắng cuộc cô đơn lắm!”

Nếu “khoảng trời” của Trần Đăng Khoa là bạn đọc, thì “khoảng trời” của Phương Mỹ Chi là công chúng, của Đỗ Nhật Nam là thế giới tri thức rộng lớn mà em đang không ngừng say mê khám phá… Sẽ là những “khoảng trời” đẹp, nếu như những đôi chân nhỏ được nâng niu từ chính “góc sân”!

Ngày xưa người ta ứng xử với các “tài năng nhí” thận trọng lắm!”

 Thật ra, thời tôi làm thơ, chẳng ai gọi tôi là “thần đồng thơ” cả, mà chỉ là “chú bé làm thơ” thôi (thậm chí, “chú bé tập làm thơ”). Từ “thần đồng” là mãi về sau này, nên “thần đồng” của tôi là một thứ “thần đồng truy lĩnh”.

Hồi đó người ta ứng xử với các “tài năng nhí” thận trọng lắm, từ cách gọi tên hiện tượng, thẩm định tài năng đến việc trao phần thưởng. Thay vì trả tiền nhuận bút (hồi đó được trả cao lắm, nhuận bút một tập thơ có khi đủ mua nửa căn nhà), các nhà xuất bản và các báo lại thường “quy ra thóc”, vì không muốn trẻ con sớm tiếp xúc với tiền và từ đó sẽ nảy sinh tâm lý “viết vì tiền”. Thế nên, nhuận bút của tôi có khi là… một cái chăn bông Mông Cổ, được chở đến giữa… trưa hè; khi lại là một cái đài bán dẫn mà để nghe được nó, mẹ tôi phải gánh 12 gánh bèo lên chợ huyện mới mua được 6 cục pin đại; và thường là cặp sách (hồi đó tôi có nhiều cặp sách đến nỗi phải mang đến phát cho cả lớp dùng)…
 
Chỉ duy nhất một tờ báo trả nhuận bút bằng tiền, là tờ Văn nghệ Quân đội, và trả tới 15 đồng/bài thơ, tương đương với 30 gánh bèo của mẹ tôi và đủ để nuôi nhà mình cả tháng, khiến mẹ tôi cứ phải tra hỏi mãi vì sợ tôi trót dại ăn cắp ở đâu. Lúc đầu tôi không có ý thức viết vì nhuận bút, và thường thì tiện đâu gửi đấy, nhưng quả thật, sau khi thấy mẹ đỡ phải gánh bèo, tôi cũng có ý “ưu tiên” báo Văn nghệ Quân đội hơn.

Việc thẩm định tài năng cũng được làm rất kỹ lưỡng. Có nhà xuất bản còn cử biên tập viên về ở nhà tôi nửa tháng trời, cùng sống, cùng sinh hoạt và ra đề ngay tại trận, xem có đúng là tôi biết làm thơ thật không. Bài thơ “Sao không về Vàng ơi” chính là “đơn đặt hàng” của nhà thơ Định Hải nhân vụ con chó nhà tôi bị chết… Hoặc, có nơi còn gửi thư về tận trường nhờ xác minh trường hợp “cậu bé làm thơ”…

Tung hô đúng còn hơn “ném đá” nhầm!

Tuy nhiên, cũng không thể lấy cái ngày xưa để phán xét cái bây giờ. Giờ, tôi thấy, cũng có nhiều em bé tài năng thật sự đấy chứ! Chẳng hạn như mấy em thi hát trên The Voice Kids, hay Đồ Rê Mí… Các em không chỉ có giọng hát, kỹ thuật mà còn hát rất có cảm xúc nữa, trước không chỉ khán phòng mà còn hàng triệu khán giả truyền hình… – ai dám bảo là không giỏi? Tôi rất thích xem các tiết mục của các em Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân…, không phải vì để gặp lại tuổi thơ của mình mà còn vì cảm thấy mừng trước một sự sinh sôi tiếp diễn, dù không cùng lĩnh vực.

Riêng em Đỗ Nhật Nam thì hoàn toàn xứng đáng được gọi là “thần đồng”. Trần Đăng Khoa ngày trước còn chỉ thu hẹp trong một lĩnh vực, đây Đỗ Nhật Nam hiểu biết rất nhiều lĩnh vực mà em quan sát. Đọc bài thơ “Nghề của bố” do em sáng tác, phải nói tôi vô cùng kinh ngạc vì sao một cậu bé giỏi tiếng Tây mà lại viết rất truyền thống. Gọi tên cái nghề cao quý nhất của bố là “nghề làm cha”, và “không bao giờ thất nghiệp” thì quả là giỏi quá! Một cái tứ rất đắt!

Tuổi thơ, dù giàu hay nghèo, sớm nổi tiếng hay không nổi tiếng, thì ai cũng có một ông trăng tròn cả. Nên đừng lo các em sẽ đánh mất tuổi thơ. Đành rằng, tôi từng nói vui, khi được in bài thơ đầu tiên trên báo thì coi như tôi đã chính thức từ giã tuổi thơ của mình để trở thành một người phát ngôn cho thế hệ tuổi thơ của mình cũng như thời đại mình đang sống. Nhưng mặc dù vậy, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy tự hào về tuổi thơ của mình, trong cách tôi đã “chia vui” tới mọi người một cách hồn nhiên nhất có thể.

Thời đại của truyền thông, tung hô tài năng, kể cả những tài năng nhí, tôi thấy cũng không sao cả, miễn là tung hô đúng người đúng việc. Ai dù hay dù dở cũng luôn cần những lời khích lệ, động viên, nhất là khi ta còn bé. Tung hô nếu đúng cũng là một sự định hướng tốt. Tung hô đúng còn hơn là “ném đá” nhầm. Tôi từng lên tiếng phản đối những ý kiến “ném đá” Đỗ Nhật Nam cũng bởi tôi quan niệm: Không nên dùng một chiếc áo của người bình thường để quy chụp lên một “thần đồng”, vì đơn giản, “thần đồng” thuộc về một “size áo” khác.

Ai cũng có một “góc sân và khoảng trời”. “Góc sân”, là nơi ta tập những bước đi đầu tiên. “Khoảng trời”, là cái đích mà ta vươn tới. Nếu khoảng trời của Trần Đăng Khoa là bạn đọc, thì “khoảng trời” của Phương Mỹ Chi là công chúng, và của Đỗ Nhật Nam là thế giới tri thức rộng lớn mà em đang không ngừng say mê khám phá…

Sẽ là những “khoảng trời” đẹp, nếu như những đôi chân nhỏ được nâng niu từ chính “góc sân”!

Nghề của bố

“Ấu thơ con thường hay hỏi
Bố ơi, bố làm nghề gì?
Bố ôm vai con nói nhỏ
Bố làm nhiều nghề lắm nha.

Bố có nghề… yêu ông bà
Sớm hôm ngọt lành nâng giấc
Nắng nôi hay tràn gió bấc
Lui cui ấm áp hiền hòa

Bố làm nghề… thương chị cả
Suốt đời sống với đớn đau
Mong nước mắt bác khô mau
Dựa hơi ấm từ vai bố

Bố làm nghề… chăm các cháu
Lóc nhóc sắn khoai lòng thòng
Mũi dãi ốm sốt quay mòng
Bố thành người cha vĩ đại

Hạnh phúc với nghề… thương mẹ
Tỉ tê dành dụm niềm vui
Sẻ chia gánh nặng lo toan
Cho mẹ nụ cười dịu nhẹ

Và con ơi, “nghề” thật đẹp
Bố gọi là nghề “làm cha”
Tim bố luôn ngập tràn hoa
Mỗi ngày gần con ríu rít

Con vui nô đùa tíu tít
Con nằm hiền như chú mèo
Con ôm cổ bố thì thào
Con lành như sương buổi sớm…

Ôi chao, những “nghề” của bố
Mặn mòi giọt giọt mồ hôi
Ngọt lành triệu đóa hoa buông
Lung linh đường xa mây trắng

Bố ơi, lòng sông sâu lắng
Dạt dào bãi mía nương dâu
Bên bố trọn những nông sâu
Bố không bao giờ… thất nghiệp!

                                                 Đỗ Nhật Nam hồi 8 tuổi

 Thư Quỳnh (ghi)


logo 


From the same category