Một vị linh mục nói rằng thật khó quên với những đêm trăng tại nhà thờ đổ này. Câu nói của ông gợi lên khung cảnh những lữ khách đang đi dạo trên biển đêm hoang vắng. Chỉ vài bước chân thôi, ta sẽ gặp những đống đổ nát của một nhà thờ nằm chơ vơ trên bờ biển… Lúc ấy tiếng sóng biển vỗ rì rào, bàn chân trần bước trên bờ cát; trên cao, ánh trăng đang tỏa những ánh sáng diệu kỳ bí ẩn xuống bờ biển.
Dấu tích của quá khứ dường như vẫn phảng phất đâu đây. Đêm trên biển trở nên thú vị và kỳ bí hơn bởi những chiếc bóng nghiêng nghiêng trầm mặc đơn côi chịu nắng mưa gió bão biển từ bao đời. Thế nhưng có những ngày tại nơi này thật khác, bãi biển trở nên sống động hơn bởi lũ trẻ tới chơi.Chúng chạy tung tăng, trèo cả lên những bãi đổ nát còn lại của tòa tháp để chơi các trò chơi tuổi thơ. Ngày có gió, bọn trẻ thả diều trên biển hoặc lúi húi bắt những con don, con còng gió chạy loăng quăng trên bãi cát. Khung cảnh thanh bình biết bao.
Buổi chiều, đây chính là nơi ngắm hoàng hôn tuyệt vời nhất. Sắc màu của hoàng hôn cùng với màu nước biển và màu thời gian của những ngọn tháp khiến nơi này trở thành một bức tranh thiên nhiên hài hòa.
Trước kia, tại đây từng có ba nhà thờ. Nhà thờ có tháp nghiêng là nhà thờ bà thánh Marinade. Theo Kinh thánh, khi Chúa Giêsu sống lại, người mà Ngài đã gặp đầu tiên chính là bà. Cho nên nhà thờ này được xây dựng để kính bà thánh Marinade. Bên cạnh đó là nhà thờ thánh Pero thờ vị trưởng tông đồ của chúa Giêsu. Đây vốn là một nhà thờ họ lớn nhất của giáo xứ Xương Điền với hơn 200 giáo dân, đến bây giờ đã được công nhận là một trong những nhà thờ xứ.
Phía xa là nhà thờ Kính Trái tim chúa Giêsu, hay còn gọi là nhà thờ Trái tim. Quần thể nhà thờ này đều nằm trên bãi biển Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định. Xưa kia, cách đây 300 năm vùng đất này vốn là một bờ biển được bồi lên, có rất nhiều bãi sậy và sình lầy. Họ là những người gốc Hoành Hai, Hoành Nhị (Giao Thủy), từ Hải Dương di dân tới đây khai hoang phá khẩn lập nghiệp.
Theo lịch sử, các nhà truyền đạo vào Việt Nam từ năm 1553 theo đường biển, chính vì thế cư dân miền biển thường là những người đón nhận đạo rất sớm. Theo sách Khâm định Việt sử thì “năm Nguyên Hòa nguyên niên 1553 đời Lê Trang Tôn có một dương nhân tên là Inikhu đi đường biển lén vào giảng đạo Giatô tại làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân, và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy. Nhà vua đã ra lệnh cấm truyền bá đạo mới này.” Chính vì vậy, có thể nói vùng Hải Hậu – Nam Định chính là một trong những nơi xuất hiện đầu tiên của nhà thờ Việt Nam. Cho đến nay, hiện tại Hải Hậu có khoảng 44 giáo xứ với khoảng 40 ngàn giáo dân.
Một vị linh mục tại Giao Thủy cho biết: Hồi còn nhỏ, cha hay đi chơi ở khu vực nhà thờ bà thánh Marinade. Khi đó, nhà thờ đã được di chuyển lần thứ hai. Nếu tính nguyên thủy, nhà thờ đó đã được xây cách vị trí lần hai khoảng 3km, sau đó đã bị nước biển xâm thực nên người dân di chuyển nhà thờ tới vị trí này.
Rồi tới những năm 90, nước biển lại xâm thực rất nhanh, trong 20 năm, nước biển ăn lấn tới 200m vào đất liền. Trước tình hình nhà thờ lại bị biển lấn dần đến sát chân, năm 1996 -1997, giáo dân bắt đầu di chuyển nhà thờ lần thứ 3, cách khoảng 2km.
Như vậy, tính đến ngày nay, nhà thờ đổ đã 3 lần di chuyển bởi sự xâm thực của nước biển. Trước khi di dời, người dân thường giữ lấy những cột gỗ lim, cột vì kèo, bàn cổ… chuyển về nhà thờ mới. Sau những cuộc di dời tránh xâm thực ấy, dấu vết xưa dần dần bị hủy hoại, đổ nát trước sự phá hủy của gió và nước biển.
Cuối tháng 8/2010, trên đường chúng tôi trở lại nhà thờ đổ, hàng cây thông ven biển chắn gió, cát, và sóng đã bị úa vàng sạt cả một bên vì gió biển. Tháp nghiêng đã bị đổ hoàn toàn sau một cơn bão lớn. Thế mới biết sức tàn phá của thiên nhiên có thể ập tới bất cứ lúc nào. Vậy là hình bóng nghiêng nghiêng như tháp Pisa của nhà thờ bà thánh Marinade đã không còn nữa. Sau cơn bão, người dân đã tổ chức lễ rước bức tượng chúa Giêsu trên đỉnh tháp – một bức tượng đã đi cùng năm tháng đương đầu với sóng gió ngoài biển – chịu đựng đến tận cùng trước sự hủy diệt của tự nhiên. Bức tượng Chúa đã được người dân rước về ngôi nhà thờ mới.
Hiện nay, trên bãi biển chỉ còn lại những cái móng trên nền gạch đổ nát, vỡ vụn và buồn bã. Chúng tôi vô tình tìm thấy những mảnh vỡ của những chiếc bát cúng cổ xưa nằm chìm trong đống gạch cùng với đống vỏ ốc ẩn mình dưới cát. Những con hà bắt đầu bám vào tường trong công cuộc ăn mòn vật thể trên biển. Đó đây những chiếc chân cột bằng đá có hoa văn nằm chơ vơ…
Luyến tiếc, nhưng không biết làm gì hơn, chúng tôi chỉ chụp lại những tấm ảnh lưu lại chút dư âm của nhà thờ đổ. Vẻ đẹp hoang phế của sự tàn lụi ấy khiến cho lòng người không khỏi bâng khuâng và thoảng chốc chua xót ngậm ngùi.Tất cả lại cũng chỉ là cát bụi mà thôi.
Lịch trình: 1-2 ngày
– Điểm đến: Nên kết hợp với đi bãi biển Thịnh Long ở gần đó kèm theo lịch trình ngắm các công trình kiến trúc nhiều nhà thờ vùng Hải Hậu. – Vị trí: 180km từ Hà Nội, có 2 cung đường: + Hà Nội – Phủ Lý – Nam Định – Giao Thủy (qua cầu Đò Quan) – Bãi biển Thịnh Long – Theo đê biển đi 10km – tới nhà thờ đổ. + Hà Nội – Phủ Lý – Nam Định – Đường S2 mới – Rẽ trái đi Liễu Đề – Bến phà Thịnh Long – Bãi Thịnh Long – Theo đê biển 10km (Rẽ phải) – tới nhà thờ đổ. – Nơi nghỉ: Nhà nghỉ dưỡng Thịnh Long, ĐT: (84-350) 224 11550; Nhà nghỉ Công đoàn. ĐT: (84-350) 387 6033/ 387 6133 – Ẩm thực: Hải sản, đặc biệt là cá vược. Giá cả bình dân. |
Ảnh: Minh Tuấn