Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Tự mình bảo vệ mình

Tôi muốn hỏi các nhà kinh doanh mũ bảo hiểm của chúng ta xem họ đã học những bài học về đạo đức kinh doanh hay chưa. Chính sự vô cảm của con người với nhau trong thời đại này khiến cuộc sống thêm ngột ngạt. Vì vậy, phải tự mình bảo vệ mình thôi!

Anh đã tuân theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ chưa vậy?

Tôi tuy liều lĩnh, sống không sợ trời, không sợ đất nhưng rất quý cái não bộ mà ông trời phú cho. Do vậy, trước khi có cái Nghị quyết mà cô vừa nói, thì mỗi lúc đi xa, tôi đều chụp lên đầu cái mũ bảo hiểm nặng như chì ấy.

Với lại, tôi đã từng chứng kiến nhiều người bạn, người thân ra đi hoặc sống mà không biết gì nên thôi, chịu khó tí để đổi lại sự an toàn.

Nghe thật khó tin, bởi tâm hồn thi sĩ thường bay bổng, nào chịu để hồn thơ bị buộc cánh?

Nói thật, đây là một trở ngại lớn của thi ca. Đối với người bình thường, bảo vệ cái đầu là quan trọng, thi sĩ còn quan trọng hơn, họ muốn được bảo vệ cái bên trên cái đầu nữa – sự lãng mạn.

Nếu bị đè nén bởi một cái gì đó thì khó mà sáng tạo được, vì sáng tạo cần phải có sự thăng hoa. Nhưng nếu chỉ thăng hoa một phút rồi đi tong cả đời thì lỗ to phải không? Hy sinh nghệ thuật trong chốc lát để sinh tồn cái đã rồi tính sau.

Nhưng mà… từ nay, đàn ông chúng tôi sẽ không được “rửa mắt” khi ra đường nữa rồi. Giờ chỉ biết nhìn dáng vóc mà đoán nhan sắc của chị em thôi. Ôi, thật là đáng tiếc!

Thế theo anh, chị em phải làm sao để vừa đảm bảo an toàn vừa được làm đẹp và tạo cơ hội cho các anh nhìn ngắm dung nhan?

Có lẽ chị em không đi xe máy nữa, chuyển sang đi bộ hoặc đi xe hơi thôi. Giá mà có ai đó chế tạo ra cái mũ bảo hiểm trong suốt mà vẫn đảm bảo độ an toàn nhỉ? Giả sử như, khi hai người khác giới cảm thấy có một tiếng sét giáng xuống thì phải tháo mũ bảo hiểm ra, nhìn nhau và trước khi bị chú cảnh sát giao thông toét còi thì đội mũ lại, tiếp tục đi, chứ không được thoải mái trao tình ý cho nhau nữa rồi.

Tôi lại có thơ rằng: “Thơ dọc đường của chúng ta/ Có đàn ông có đàn bà yêu nhau/ Có em đi trước ngoái đầu/ Có anh lẽo đẽo theo sau cười ruồi/ Bây giờ đội mũ em ơi/ Hết còn nhan sắc cho đời ngẩn ngơ”.

Nhiều người có ý kiến với việc đội mũ bảo hiểm trong khu vực nội thành, còn anh thì sao?

Tôi thấy quyết định trên của cơ quan có thẩm quyền là đúng đắn. Ai chẳng biết, trong thành phố chật chội, nóng nực mà còn phải đội thêm cái mũ bảo hiểm thì khó chịu lắm, rồi nhìn từ trên cao, người ta trở thành robot cả.

Nhưng đừng viện lý do chị em mất đi vẻ đẹp nữ tính, đàn ông thì không còn nét nam tính nữa mà lơ là trong việc bảo vệ cái phần quý giá nhất ông trời ban cho mỗi người.
Thêm nữa, hành động đó còn có thể làm hại đến những người sẽ cưu mang, nuôi mình. Thôi thì, mình vì bản thân và vì mọi người đi!

Nhưng cứ kè kè cái mũ bảo hiểm kể ra cũng hơi khó chịu nhỉ?

Ừ! Không nhẽ đi đâu cũng ôm kè kè cái mũ? Mà cứ để thế thì nhỡ đâu, anh nào vui tính cầm nhầm cái mũ xịn của mình thì cay cú lắm! Rồi không có mũ, làm sao mà về?

Cảnh sát toét còi thì chết! Thế thì phải gửi mũ bảo hiểm thôi. Giá cả cái gì cũng leo thang, giờ thêm cái khoản nho nhỏ “gửi mũ bảo hiểm”! Giá mà có quy định giữ xe giữ cả mũ bảo hiểm nhỉ?!

Anh có cho rằng, nếu thế, người ta sẽ vui vẻ đội mũ bảo hiểm?

Rõ ràng đây là chính sách đúng đắn – bảo vệ sinh mạng con người. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự chuẩn bị một cách đồng bộ từ đường sá, chất lượng mũ cho đến việc cất, giữ, vệ sinh mũ như thế nào để đảm bảo vệ sinh… đều còn bỏ ngỏ.

Chỉ khi nào giải quyết được tất cả những vấn đề trên thì tự khắc người dân sẽ tự giác tuân theo nghị quyết nhằm mục đích bảo vệ tính mạng con người.

Nhưng không có gì đảm bảo cứ đội mũ thì sẽ… an toàn tuyệt đối, đúng không?

Chà, một câu hỏi khó, ngoài tầm với của tôi đấy! Ở nước mình, chuyện đường sá làm xong rồi đào lên, đào xong lấp xuống tạo thành hàng loạt cái bẫy hẳn sẽ là nguyên nhân gây nên nhiều cái chết không vì thiếu mũ bảo hiểm.

Như anh phóng viên của báo Tuổi trẻ, sau khi ngã xuống một cái hố voi, anh ta bị dây mũ bảo hiểm siết chặt cổ, làm ngạt thở. Rồi còn chất lượng mũ bảo hiểm nữa chứ! Nỗi lo lớn nhất của người dân là đây.

Bởi tuy các cơ quan có thẩm quyền đã công bố danh sách các nhãn hiệu đạt chất lượng, nhưng vẫn không có gì đảm bảo người tiêu dùng sẽ mua được loại mũ tốt.

Có phải vì vậy mà anh chấp nhận bỏ ra một số tiền khá lớn để mua mũ bảo hiểm của nước ngoài không?

Tôi bị vài người mắng là sính ngoại đấy! Nhưng làm sao mà trách tôi được, khi tôi không tin vào hàng trong nước! Thứ nhất, đây là công nghệ khá mới mẻ với chúng ta, lại thêm, nhà sản xuất phải hạ giá thành để phục vụ nhiều người với mức thu nhập khác nhau.

Thứ hai, thử nghĩ xem, để làm ra một số lượng lớn mũ bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của hơn 80 triệu dân Việt thì có khó tránh sự gian dối không? Tôi thấy thương đồng bào của mình lắm.

Họ đội mũ để tuân thủ theo pháp luật, nhưng vì đồng lương nên vẫn cứ thấp thỏm lo âu, không biết mình có an toàn thật sự không!

Nếu các nhà sản xuất làm ra hàng tốt, không chiêu dụ người tiêu dùng bằng vẻ đẹp bên ngoài, bằng những mánh khóe khuyến mại thì chắc chắn, người ta sẽ tự giác mua hàng trong nước đấy!

 Ngọc Ái
Ảnh: Jundat

 

 

 

 


From the same category