Nhà thiết kế Minh Hạnh nhận giải thưởng Fukuoka Prize 2015

Phó Thị trưởng thành phố Fukuoka (Nhật Bản), ông Atsuhito Sadakari cho biết như vậy trong Lễ thông báo trao tặng Giải thưởng Nghệ thuật và Văn hóa cho nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh, diễn ra sáng nay (7/7), tại Hà Nội.

Theo đó, tháng Chín tới, nhà thiết kế Minh Hạnh sẽ cùng hai đại diện nữa đến từ Myanmar và Ấn Độ sang Fukuoka, Nhật Bản dự lễ trao giải Fukuoka Prize 2015 (17/9), cũng như tham dự các hoạt động giao lưu chính thức.


Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ về chuyến đi Fukuoka để gặp gỡ những nghệ nhân làm Kymono ở Nhật Bản vừa qua

Chặng đường gian nan gần 20 năm…

Chính thức thành lập từ năm 1990, trong một phần tư thế kỷ qua, tổng số người nhận giải Fukuoka Prize là số 99 cá nhân, đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Giáo sư Phan Huy Lê là người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Fukuoka vinh danh vào năm 1996. Từ đó đến nay, sau 19 năm, Việt Nam mới lại được xướng tên ở “sân chơi” uy tín của châu Á này.

Ban tổ chức cho biết, năm nay, giải tổ chức lần thứ 26, có 251 ứng cử viên từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ được chọn dự giải. Hội đồng giám khảo đã chọn ra 3 gương mặt xuất sắc nhất: nhà sử học Thant Myint-U (quốc tịch Myanmar, sinh 1966) nhận Giải Grand Prize; nhà sử học và xã hội học Ramachandra Guhu (quốc tịch Ấn Độ, sinh năm 1958) nhận Giải Academic Prize; nhà thiết kế Minh Hạnh (quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1961) nhận Giải Art and Culture Prize.

Đại diện của Việt Nam sẽ được ban tổ chức giới thiệu trong một sự kiện riêng có nhan đề “Sự sáng tạo của châu Á thông qua thời trang – Sự hấp dẫn của Việt Nam trong đường kim mũi chỉ của Minh Hạnh.”

Ông Phó Thị trưởng Atsuhito Sadakari chia sẻ tại lễ thông báo sáng nay, rằng: “Chúng tôi trao giải cho bà Minh Hạnh vì nhà thiết kế tiêu biểu của Việt Nam này đã có sự tìm tòi sâu sắc về nền văn hóa riêng biệt của Việt Nam và thông qua thời trang, bà đã sáng tạo ra các mẫu thiết kế hiện đại dung hòa tà áo dài với vải dệt thổ cẩm cũng như thêu tay của các dân tộc thiểu số.”

Bên cạnh đó, nhà thiết kế Minh Hạnh còn xây dựng và tổ chức các buổi trình diễn thời trang, sự kiện văn hóa tại nhiều nước trên thế giới, ở cả châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Hơn thế nữa, bà còn hoạt động tích cực trong việc đào tạo các nhà thiết kế thời trang trẻ và khai thác mở rộng thị trường để thúc đẩy sự phát triển ngành thời trang Việt, góp phần lớn vào việc tạo ra một phong cách thời trang riêng của châu Á.

“Chính những điều này đáng để chúng tôi trao cho bà Giải Nghệ thuật và Văn hóa Fukuoka Prize 2015,” ông Atsuhito Sadakari khẳng định.

Các thiết kế áo dài của NTK Minh Hạnh luôn rất khác biệt và độc đáo

“Sự mở đầu của một câu chuyện khác”

Nhận được thông báo chỉ sau ba ngày vừa trở về từ Nhật Bản, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Ngày hôm nay, tôi rất xúc động và tự hào. Niềm tự hào không chỉ dành cho riêng tôi mà dành cho tất cả những người làm văn hóa, thời trang ở Việt Nam. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến thành phố Fukuoka, Ủy ban giải thưởng Fukuoka – những người bạn, nơi đã kiên trì và thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của bản sắc văn hóa châu Á. Tôi xin được đặc biệt cảm ơn những bà con dân tộc đã cùng đồng hành với tôi trong rất nhiều năm qua – những người thợ miệt mài sống ở những ngôi làng nhỏ…”

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, vinh dự này sẽ không chỉ dừng lại ở một giải thưởng mà chính là sự khởi đầu cho một câu chuyện khác, trong mối quan hệ hợp tác của lĩnh vực văn hóa và thời trang với những nước có ngành công nghiệp thời trang phát triển như Pháp và Italy. Giải thưởng sẽ là nguyên cớ để những năm tháng còn lại của nhà thiết kế Minh Hạnh cùng với những nhà thiết kế trẻ, sẽ nỗ lực hết sức cho thời trang Việt Nam và Nhật Bản.

“Thời trang Việt Nam tuy chưa thực sự phát triển nhiều nhưng với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, tôi tin sẽ tạo ra được những giá trị mới. Bởi tôi luôn tâm niệm rằng, văn hóa chính là điều sẽ cứu rỗi thế giới,” “cánh chim đầu đàn” của thời trang Việt Nam bày tỏ.

Những thiết kế có chất liệu từ thổ cẩm của các dân tộc thiểu số Việt Nam

Chân dung người xây thương hiệu cho thời trang Việt

Sinh năm 1961 tại Pleiku, từ khi còn nhỏ Minh Hạnh đã tự may áo váy cho búp bê và năm 11 tuổi bà tự may áo dài đi học cho mình.

Trong chính sách đổi mới bắt đầu từ năm 1986, sự nghiệp của nhà thiết kế Minh Hạnh có bước chuyển lớn, trở thành Giám đốc Lega Fashion – Trung tâm thời trang đầu tiên ở Việt Nam. Cùng với các hoạt động sáng tác, bà đã đứng ra tổ chức những chương trình “Việt Nam Fashion Week,” “Việt Nam Collection Grand Prix” cùng nhiều chương trình thời trang khác để đào tạo các nhà thiết kế thời trang trẻ và khai thác mở rộng thị trường.

Trong thời gian này, nhà thiết kế Minh Hạnh đã tìm tòi thiết kế màu sắc cũng như hoa văn táo bạo, hiện đại nhưng cũng rất tinh tế qua việc đưa kiểu thêu tay và vải dệt truyền thống của người dân tộc thiểu số vào các các thiết kế của riêng mình. Bà đã góp phần đưa vải tơ tằm, sản phẩm mỹ nghệ thủ công truyền thống lên tầm cao mới.

Những cống hiến của nhà thiết kế Minh Hạnh vì thế được đánh giá cao. Năm 1997, bà đoạt giải Đặc biệt tại cuộc thi Asia Collection (Makuhari, Nhật Bản) – cơ hội thử thách tầm cỡ quốc tế đầu tiên. Hiện bà đang là giám đốc cấp cao cho các chương trình nghệ thuật tại các kỳ Festival Huế.

Năm 2006, nhà thiết kế Minh Hạnh được chính phủ Pháp tấn phong danh hiệu Hiệp sỹ Nghệ thuật và Văn chương. Bà còn tổ chức những chương trình biểu diễn thời trang tại châu Mỹ và châu Á, giới thiệu rộng rãi với thế giới sự hấp dẫn của Việt Nam thông qua văn hóa thời trang…

Có lẽ, vài nét phác họa về chân dung người phụ nữ đã xây nên thương hiệu cho thời trang Việt Nam như vậy là quá ít ỏi. Nhưng đóng góp của bà cho văn hóa và thời trang Việt đã trở thành biểu tượng cho sự mẫu mực để các thế hệ nhà tạo mẫu trẻ soi vào làm gương – một nhà thiết kế có tâm và không ngừng tìm tòi, sáng tạo từ những giá trị truyền thống.

Bài và ảnh: Xuân Mai/Vietnamplus


From the same category