Nhà tập thể cũ qua lăng kính Nguyễn Mạnh Hùng - Tạp chí Đẹp

Nhà tập thể cũ qua lăng kính Nguyễn Mạnh Hùng

Review

Bốn sắp đặt liên đới tới các chủ để quen thuộc với người yêu thích nghệ thuật của Hùng: những chiến cơ được khắc họa theo cách nhân từ hơn là những thực thể phá hủy, con người đang thống trị tự nhiên, ngôi làng đang trong quá trình đô thị hóa cao độ ở Hà Nội…

Hình ảnh tại triển lãm

Tác phẩm cuối cùng, nổi tiếng hơn cả và cũng có quy mô lớn hơn cả trong triển lãm này. Nó là khám phá tiếp theo của nghệ sĩ về cuộc sống bị nhồi nhét chật chội, các khu tập thể, chung cư cao tầng ở đô thị. Trong tác phẩm lần này cũng như những lần trước đó, chúng được giới thiệu là các khu nhà tập thể theo kiểu Liên Xô, xây dựng ở Hà Nội trong khoảng những năm 1960 và vẫn còn được sử dụng đến tận hôm nay, cho dù đang trở thành những mối đe dọa cho tính mạng con người.

 

Thường thì khi sống chen chúc, chật chội trong những cái làng đô thị như vậy, bản năng sinh tồn mách bảo người ta phải tìm mọi cách cơi nới, rộng hơn chút nào hay chút đó, rồi khi giàu có hơn, lại cá nhân hóa không gian của mình bằng mọi thứ có thể, nhằm kiểm soát được mọi thứ mà nguời ta thấy là chúng hoàn toàn là của mình.

Hùng lớn lên trong một khu tập thể có thực ngoài đời như vậy, như mọi đứa trẻ khác, anh cũng vui thú những trải nghiệm sống cộng đồng láng giềng, song đồng thời lại tách mình khỏi những chuyện cãi vã lặt vặt, chia rẽ nhau nhỏ to hay sôi sục – vốn khiến cho cuộc sống tập thể làng xã thành như tòa án cùng với bao phiền não. Bởi vậy, những người sống ở đó đã biến căn hộ của mình thành “chướng ngại vật”, có thể cách ngăn họ với những kẻ hàng xóm tò mò tọc mạch, ngồi lê đôi mách, ghen ăn tức ở và cả cứng đầu cứng cổ nữa, trong khi viên chức chính quyền lại quyết muốn phá dỡ tất cả mọi cơi nới đó đi…


 

Tác phẩm cao hai mét này được dựng lại một cách trác tuyệt, cho dù phải vận chuyển từ tận Sài Gòn ra Hà Nội, dễ dàng vừa vặn thành nhiều gian tách biệt. Nếu là một kẻ tọc mạch, khi tiến đến gần hơn, nhìn săm soi vào những ô cửa sổ hoặc cửa chớp được thu lại nhỏ xíu, bạn vẫn có thể tưởng tượng ra họ (những con người tập thể) cùng tiếng huyên náo cộng đồng ở đó…

 

Hùng gọi sắp đặt mới nhất là này “Chiến lũy” và đặt trên đỉnh của nó nhiều bao tải lớn đầy cát, có lẽ biến cả tòa nhà thành một phép ẩn dụ cho từng không gian sống cá nhân, song cũng thêm vào đó một cảm thức về sự thật khi bạn nhìn và ngẫm về nỗi giằng co căng thẳng của những cư dân trong diện phải giải tỏa, di dời, nếu chỗ ở có giá trong nội đô của họ bị ép định giá thấp hơn thị trường nhiều lần, mở đường cho tầng lớp trên trỗi dậy và rồi sau đó, họ thường được đề xuất nhận nhà ở ngoại ô, nơi cả cộng đồng lại tiếp tục quy trình “dựng chướng ngại vật”…

Ai đó tự hỏi nếu giả sử chúng ta đến giai đoạn khi các tòa nhà này trở thành những thứ “bị đe dọa tuyệt chủng”, có thể việc lên danh sách di sản phải được áp dụng với một vài tòa nhà còn sót lại, hoặc làm như những nước giàu có khác, bảo tồn mặt trước và xây dựng mới ngay phía sau. Ai đó có thể tự hỏi nếu tự bạch nghệ thuật mang tính châm biếm của Hùng có thể kết thúc như một công trình tưởng niệm đơn độc cho một quá khứ sống cộng đồng chen chúc. Tôi thì chắc chắn biết rằng những thứ được (cơi nới, đặt để) ở mặt trước tòa nhà là rất đáng vào danh sách bảo tồn.


 

Không may là việc lập danh sách bảo tồn sẽ không cung cấp được chỗ ở cho những người từng cư ngụ trong các khu tập thể ấy, và tất nhiên, đó là phần cơ bản trong bất cứ cách đọc hiểu nào về các tòa chung cư của Hùng. Tất cả, khi được thể hiện trong tranh hay điêu khắc của Hùng, đều có thể được diễn giải như là những hành tinh có người ở riêng lẻ, xoay quanh quỹ đạo mặt trời siêu thực do tài năng phi thường của Hùng tạo nên.

Tôi có tìm hiểu phần nào về thực tế này và biết là có những khu nhà tập thể gắn liền với các cơ quan, cục vụ viện nhà nước, mang tên của những nơi đó vì đơn giản, chúng được xây rồi phân chia cho cán bộ nhân viên trong biên chế cơ quan. Những căn hộ nhỏ, có khi chỉ là 23m2, sau khi được chia, người ta cũng có thể bán đi. Khi ngày giải tỏa đến, nhiều chủ sở hữu vẫn chây ì vì có lẽ cố đợi vận may, làm tiền, hoặc cũng chỉ là chịu đựng sự thay đổi và việc ra quân giải tỏa của chính quyền.

 

Hùng tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu “suy nghĩ về cộng đồng, những sự mâu thuẫn tồn tại trong và ngoài những xã hội được dựng nên, và những rắc rối của phát triển đô thị cũng như trách nhiệm cá nhân.” Nó cũng giống như sự nghiên cứu cần thiết và thường vẫn đang tiếp tục diễn ra ở trong tất cả các xã hội, nơi cuộc sống đô thị vốn dành cho tất cả nhưng sự giàu có thì là một sắp xếp của cho và nhận, song hành với tình trạng những bộ phận cư dân nghèo khổ nhất lại bị ngược đãi.

Tất cả các bộ phận (xã hội) đều dựng lên chướng ngại vật của họ. Vùng đất “sinh thái” mới đây nhất, dành cho cuộc sống tốt đẹp hơn ở gần làng gốm Bát Tràng, là một ví dụ của tình trạng người giàu đã dựng các chướng ngại vật đối với những kẻ thuộc thế giới bên ngoài nhưng có việc phải ra vào đó bởi một lực lượng bảo vệ riêng – một số nhà còn dựng các hàng rào, hào bảo vệ mang tính tượng trưng bao quanh.

Những người nghèo nông thôn nhập cư vào thành phố thì dựng nên các barie mỏng manh, cá nhân trong khu ổ chuột của mình, xác định không gian cá nhân có giới hạn và hi vọng chúng sẽ bảo vệ họ trước những gì bạo lực hơn….

Như đã nói, các sáng tác của Hùng luôn cho tôi đủ thứ để ngẫm ngợi. Một triển lãm đỉnh cao… Cảm ơn Manzi đã nhìn xa trông rộng, đem triển lãm này về đây và là cơ hội để một trong những nghệ sĩ tài năng nhất Việt Nam về lại cội gốc của mình. Trong thông cáo báo chí của Manzi, có đoạn Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những nghệ sĩ trẻ quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Một trong NHỮNG NGƯỜI QUAN TRỌNG NHẤT, đúng vậy! Cho dù ở tuổi 37! Tôi, có lẽ muốn gọi anh ấy là một trong những nghệ sĩ ở giữa sự nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam – điều này thì không ai có thể chối cãi được!

Bài: Kiếm Văn Tìm (Hanoi Grapevine)

Ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng, Trung tâm Manzi


Bạn quan tâm tới đời sống showbiz thế giới và Việt Nam. Bạn có trong tay những thông tin chính xác mới nhất, “nóng” nhất về những người nổi tiếng? Bạn thích thú biên dịch các bài viết về “sao”, về thế giới văn hóa – nghệ thuật, về các sự kiện đình đám…? Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

21/07/2013, 10:48