Trang 31 tuổi, cao 1m54, nặng 40kg, là một thủ lĩnh trẻ trong các phong trào bảo vệ môi trường. Trang từng có một tuổi thơ nhiều ám ảnh. Cô sinh ra trong khu ổ chuột, chứng kiến đủ tệ nạn xã hội lẫn phân biệt vùng miền, cô bị xâm hại tình dục lúc 5 tuổi. Tháng 11 vừa qua, Trang được vinh danh là 1 trong 200 nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc của châu Á – Thái Bình Dương trong chương trình Obama Foundation Leaders Asia – Pacific.
Từng bị bạn bè ném đá đến chảy máu chỉ vì nói giọng Bắc giữa đất Nam, bạn đã vượt qua tuổi thơ buồn tủi đó như thế nào?
Tôi chọn cách đối mặt thẳng thắn để giải quyết vấn đề của mình. Năm 4 tuổi, tôi chạy sang nhà một đứa bạn từng ném đá mình, gào lên trước cổng nhà nó để bố mẹ nó biết con họ đã hành hạ tôi như thế nào. Năm lớp 8, tôi dám thẳng tay tát một cậu bạn vì cậu ta khinh thường gốc gác của tôi. “Đây sẽ là lần cuối cùng trong cuộc đời cậu được phép nói ra điều này”, tôi bảo cậu ta thế. Tôi nghĩ tự vệ đúng cách nghĩa là chúng ta chỉ cho phép người khác đối xử tệ với mình đến một giới hạn nhất định thôi.
Sinh ra và lớn lên ở một khu ổ chuột đầy rẫy những tệ nạn xã hội, chứng kiến nhiều người xung quanh mình vướng vào tù tội, điều gì giữ bạn bước đi vững vàng trên một con đường khác họ?
Ngày còn bé, tôi theo bố mẹ ra chợ bán hàng, tiếp xúc với những cô bác lao động chân tay và gặp nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh giống mình. Tôi nhận ra dù chung một môi trường sống, vẫn có nhiều người chọn lao động lương thiện để mưu sinh. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất giúp mình tránh khỏi cạm bẫy là việc được thụ hưởng một nền giáo dục tử tế. Nguồn gốc lớn lên không biến chúng ta thành người xấu, chỉ cần có cơ hội được học hành, tôi tin bản thân mỗi người sẽ thay đổi, từ cách nhìn nhận, tiếp xúc và giải quyết vấn đề.
• Sinh năm 1988
• Từng là CTV ảnh, tình nguyện viên cho các chiến dịch phi chính phủ trong và ngoài nước về môi trường, khí hậu, bảo vệ quyền trẻ em…
• Người sáng lập và điều hành tổ chức xã hội Saigon Compass với hơn 30.000 thành viên trực tuyến, hơn 1.000 tình nguyện viên và cộng tác viên.
Những kí ức trong quá khứ có ảnh hưởng thế nào đến con người hiện tại của bạn?
Tôi cố gắng đem tất cả những điều mình học được từ tuổi thơ đầy sóng gió vào các hoạt động xã hội của mình, đặc biệt nhắm tới đối tượng trẻ em. Khi còn làm tình nguyện viên cho UNICEF, tôi nhận ra có khá nhiều quyền của trẻ em chưa được người lớn thực sự quan tâm, ví dụ như quyền vui chơi, học tập an toàn. Một đứa trẻ ở thành phố không nhất thiết cần đến iPad hay công nghệ để học tập, điều chúng cần hơn là được bổ sung những kỹ năng như phòng chống xâm hại, sơ cấp cứu, sinh tồn, hiểu biết về giới tính. Thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề mới như khí hậu, rác thải, an toàn thực phẩm…, vậy nên một nền giáo dục toàn diện là rất cần thiết với trẻ em.
Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện các công tác xã hội có phải vấn đề tài chính?
Chúng tôi thường tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng, lợi nhuận thu được dùng để chi trả cho việc vận hành và duy trì tổ chức Saigon Compass. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện hô hào ủng hộ. Khi hiểu được trách nhiệm của mình thì tiền bạc không phải là gánh nặng.
Khó khăn lớn nhất để vận hành những công việc này, thực chất là lòng tin. Vẫn còn rất nhiều người chỉ muốn nhìn vào trở ngại để không hành động. Chính bản thân tôi đôi khi cũng tự hỏi liệu việc mình làm có thực sự hữu ích hay không. Nên tôi muốn chân mình luôn chạm đất, tay mình luôn tham gia vào mọi việc để nhìn nhận đúng thực tế. Không cần biết đường đến đích có xa, có gian khổ, chỉ cần biết tôi có thực sự muốn tới đó hay không.
Bạn có nản không nếu trên con đường đó, có lúc bạn phải đi một mình?
Trước đây tôi nghĩ với đặc thù công việc đang theo đuổi, tôi phải có bạn đồng hành mới có thể làm tốt. Lâu dần tôi nghiệm ra, cuộc đời giống như một chuyến tàu, có người lên kẻ xuống, có người chỉ đủ sức đồng hành với mình một chặng đường ngắn. Tôi cần học cách làm việc độc lập cho dù không còn ai bên cạnh.
Đâu là tính cách nên thay đổi nhất, ở bạn nói riêng hoặc tất cả chúng ta nói chung?
Có lẽ là tính bao đồng. Tôi bao đồng nhiều quá, phần vì thấy chuyện gì cũng cần giải quyết nhanh, phần vì biết mình có khả năng làm được. Nhưng chuyện mình ôm đồm không
khiến người khác thay đổi cách làm việc. Dạo này tôi bắt đầu nói “không” nhiều hơn rồi.
Bạn học cách từ chối như thế nào?
Trước đây, cảm giác tội lỗi khiến tôi không thể từ chối ai. Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng những người mang việc đến cho tôi thật ra chẳng hề chú ý đến cảm giác của tôi. Bạn có nghĩ rằng trong một số trường hợp, từ chối cũng là cách giúp đỡ người khác không? Khi bạn luôn sẵn sàng làm hộ họ, vô hình trung bạn đang tước đi những quyền cơ bản như quyền được tự làm, tự quyết, tự sai và tự thất bại của người đó.
Điều bạn tự hào nhất ở bản thân mình là gì?
Suốt thời gian học đại học, tôi cố gắng tham gia và theo đuổi mọi sở thích của mình, từ nhiếp ảnh, thiên văn học cho đến các hoạt động xã hội. Những hoạt động đó đưa tôi đến nhiều vùng đất mới, mở rộng mạng lưới bạn bè, cho tôi chứng kiến những lịch sử khác với quê hương mình. Cộng với những chuyện trong quá khứ, tôi hiểu thêm rất nhiều về thế giới xung quanh và dễ dàng thông cảm với người khác. Tôi không có thói quen phán xét, tôi có thể kết bạn và nói chuyện được với mọi tầng lớp trong xã hội. Trải nghiệm dù buồn hay vui đều mang đến cho tôi một thế giới quan sống động và tâm hồn rộng mở với mọi điều.
Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
10s Q&A
Tác giả yêu thích của bạn?
Antoine de Saint-Exupéry, tác giả cuốn “Hoàng tử bé”.
Bạn thích chi tiết nào nhất trong truyện?
Khi hoàng tử bé cùng bạn đồng hành đi tìm giếng nước ở sa mạc, họ giống như đang đi tìm hy vọng.
Bạn là người quan tâm đến kết quả hay cách thực hiện?
Cả hai, vì nếu làm việc sơ sài, ta không thể mong kết quả tốt.