Nhà nước neo thuế, DN tăng giá, dân chịu thiệt

Doanh nghiệp xăng dầu “khó xử”?

Thị trường xăng dầu không phải chưa bao giờ tăng dồn dập và tăng sốc. Ngay đầu năm nay, ngày 7/3, giá xăng đã nhảy vọt tới 2.100 đồng, madut cũng tăng đột biến 2.000 đồng/kg. Tháng 3 năm 2011, giá xăng dầu đã có lúc tăng tới 2.900 đồng/lít. Ba lần tăng liên tiếp vừa qua có tổng mức tăng là 2.400 đồng/lít đối với xăng, vẫn thấp hơn so với tổng mức 3.000 đồng chỉ trong 2 lần tăng đầu năm.

Tuy nhiên, việc tăng 3 lần trong vòng chưa đầy 1 tháng, lại xuất phát từ quyền chủ động của DN khiến dư luận không khỏi nghi ngại.

Theo Nghị định 84, trong phạm vi giá cơ sở chênh lệch cao hơn so với giá bán lẻ 7%, các DN được quyền tăng giá tương ứng nhưng thời gian giữa 2 lần tăng phải cách nhau tối thiểu 10 ngày. Quy định này nhằm khống chế nguy cơ tần suất tăng dày đặc của giá xăng dầu nhưng rốt cục, lại mở ra một kịch bản nhãn tiền: 10 ngày một lần tăng, 1 tháng có thể tăng 3 lần.

Và nửa cuối tháng 8, nếu như giá xăng thế giới tiếp tục leo thang thì giá xăng dầu trong nước còn được tăng tới 2 lần nữa. Đến khi đó, xăng dầu không dừng lại ở cảnh rục rịch, nhấp nhổm tăng mà là ồn ào, dồn dập tăng giá.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex lo ngại: “Theo nhiều dự báo, giá xăng dầu thế giới hiện chưa tới đỉnh. Nếu tiếp tục phải tăng thì thực sự, cũng rất bất lợi cho cả chính DN”.

“Khi giá thành là 10 mà bảo DN bán 9 thì rất khó. Giả sử, thị trường có lóe lên cơ hội cho phép DN có thể bù lại được ở giai đoạn sau thì DN có thể nín giá. Nhưng tại thời điểm này, chưa thấy khả năng đó ở đâu cả”, ông Năm khẳng định.

Phó tổng Tập đoàn xăng dầu than phiền: “Nhà nước giao quyền định giá trở lại cho DN nhưng không may, lại trúng hoàn cảnh giá thế giới “cứ độc” lên thế này! Chúng tôi chỉ mong, giá thế giới được như hồi tháng 5, giảm xuống thì 10 ngày tới, chúng tôi sẽ giảm ngay. Như vậy, thị trường có tăng, có giảm, người dân, DN cũng đều thấy vui vẻ. Hiện nay, người dân phản ứng nhưng tình thế này rất khó cho DN đầu mối. Tâm lý DN cũng rất nặng nề’.

Trước thời điểm Bộ Tài chính ra văn bản đồng ý tăng giá sáng 13/8, một DN phía Nam chia sẻ: “Quy định cho phép nếu Bộ không hồi âm trong 3 ngày thì DN có quyền tăng giá như đã đăng ký. Lý thuyết là thế nhưng DN có dám tự do quyết không lại là vấn đề khác!”

Trong khi đó, thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, Bộ Công Thương cho biết, vừa rồi, khi tăng giá liên tiếp thì người tiêu dùng sẽ kêu. Nhưng ở góc độ kinh tế thì các DN cũng đang ở mức tập sự của cơ chế thị trường. Sau này, giá xăng dầu cần phải tiến tới như giá gạo, giá gas. Người tiêu dùng cũng cần phải chấp nhận và làm quen với việc giá trong nước tăng do giá thế giới tăng. Có như vậy, xăng dầu trong nước mới có thể đảm bảo mục tiêu theo cơ chế thị trường một cách thực sự và ổn định.

Neo thuế: gây áp lực tăng giá

Cuối tháng 6, Chính phủ đã chỉ đạo vận hành hoàn toàn, đầy đủ theo Nghị định 84 về cơ chế kinh doanh xăng dầu. Lý do là bởi các nguyên tắc về điều hành giá ở Nghị định 84 chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu năm 2009, hơn 2 năm qua Nhà nước quay trở lại định giá.

Hiện nay, Bộ Công Thương sẽ chủ trì rà soát lại Nghị định 84, báo cáo Chính phủ trước 31/12/2012. Quan điểm của Liên Bộ Tài chính- Công Thương đang rất kiên định với mục tiêu theo cơ chế thị trường mà biểu hiện rõ nét nhất là trao công cụ định giá cho DN.

Để đi đến quyết định trên, Nhà nước đã mất hơn 2 năm “trì hoãn” thì không dễ gì, chỉ sau hơn 1 tháng “thả nổi” giá cho DN, Nhà nước sẽ rút lại quyền này.

Nếu như thời gian trước đây, lý do cho việc không thể áp dụng hoàn toàn Nghị định 84 là vì lạm phát cao thì hiện nay, lý do này không còn. Lạm phát đang thấp và nền kinh tế được cho là chưa suy giảm thì khó mà trông chờ việc, Nhà nước sẽ hoãn lần thứ 2 cơ chế thị trường hóa xăng dầu.

Từ phía DN, khoản lỗ kinh doanh xăng dầu tích lũy 5.000 tỷ đồng vẫn treo chưa có cơ chế xử lý, Quỹ bình ổn âm 2.300 tỷ đồng đến nay chưa trích bù đủ. Với một xuất phát điểm đầy ảm đảm đó, tất yếu giá thế giới tăng, DN sẽ tăng ngay theo. Nói cho dễ hiểu là: “cờ đến tay thì DN chỉ có phất”.

Dư địa để thị trường xăng dầu trong nước giảm nhiệt chỉ còn thuế và phí. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn quyết không giảm thuế.

Hiện nay, xăng gánh tới 36% thuế phí và các mặt hàng dầu gánh hơn 22-25% thuế phí. Trong đó, thuế nhập khẩu xăng đang là 12%, các mặt hàng dầu đều có thuế nhập khẩu là 10%, thuế VAT 10%, phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít, tương ứng khoảng 2-4% giá bán lẻ. Riêng với xăng còn chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp mới đây về xăng dầu, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm rằng, thuế xăng dầu hiện nay là thấp. Quả thật, nếu so với mức barem kịch trần 30% đối với xăng, 25% đối với dầu thì thuế chưa đến ½ có thể là thấp. Tuy nhiên, với các chuyên gia kinh tế thì mức thuế này vẫn là cao và bất hợp lý

TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Giảm thuế là cần thiết, nhất là khi DN sản xuất đang khó khăn, đình trệ. Đây là lúc Nhà nước nên chia sẻ với người dân. Các năm trước, thu ngân sách vẫn tăng”.

Bản thân phía DN, ông Lê Thanh Mân, Phó Tổng Giám đốc Petimex cũng cho hay: “Để hạn chế mức tăng giá quá cao, Bộ Tài chính nên giảm thuế. Như vậy, DN vừa đỡ khó khăn và người tiêu dùng cũng không chịu ảnh hưởng lớn. Chúng tôi cho là hướng điều hành này sẽ phù hợp khi đời sống kinh tế còn khó khăn”.

Theo một tính toán của Saigon Petro, giảm 2% thuế, mức tăng của giá xăng dầu có thể thấp hơn tới 400-500 đồng/lít.

Một chuyên gia trong ngành xăng dầu bày tỏ, lo ngại của cơ quan quản lý chính là sợ hết dư địa cần bình ổn trong điều hành giá nếu như giảm thuế ngay bây giờ. Tương lai giá xăng thế giới tiếp tục tăng, Quỹ quay trở lại mức âm và thuế nếu giảm về 0%, toàn bộ tác động của thị trường bên ngoài sẽ dồn vào giá. Đó cũng là một xu hướng bất lợi cho các cơ quan quản lý giá cả với nhiệm vụ lo kiềm chế lạm phát. Đến khi đó, câu chuyện giá xăng có thể nhảy vọt vài nghìn đồng/lít như đầu năm 2011.

Tuy nhiên, nếu thả theo thị trường và để giá xăng liên tục tăng dồn dập thì độ trễ 6 tháng tới, chắc chắn giá xăng sẽ ngấm vào hàng hóa dịch vụ, đẩy lạm phát cao quay trở lại.

Theo Vietnamnet


From the same category