Chỉ thị vừa được gửi cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở TT&TT các địa phương, các DN thông tin & truyền thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, Internet tổ chức rà soát, kiểm tra đo thử, bảo dưỡng các hệ thống thiết bị, đường truyền; điều chỉnh, sắp xếp hợp lý mạng lưới, bố trí đủ kênh, đủ luồng bảo đảm cho mạng lưới hoạt động tốt.
Doanh nghiệp cần xây dựng các phương án tối ưu dự phòng phân tải, ứng cứu tình huống, sự cố bất thường gây tắc nghẽn các mạng dịch vụ viễn thông, di động cũng như cố định; Có biện pháp hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ để phân tải lưu lượng, đặc biệt đối với thời điểm giao thừa. Mục tiêu là phải “đảm bảo cho mạng lưới bưu chính, viễn thông hoạt động thông suốt 24 giờ trong ngày”.
Nhà mạng và các ISP cũng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng lưới viễn thông và Internet để gửi, phát tán thư điện tử, điện thoại, điện tín có nội dung trái pháp luật và phát tán virus phá hoại các trang thông tin điện tử của tin tặc.
Đối với các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát, Chỉ thị yêu cầu phải niêm yết Thông báo thời gian mở, đóng cửa giao dịch trong dịp đón Tết tại các điểm giao dịch; chuyển phát nhanh chóng, kịp thời báo chí, bưu phẩm, bưu kiện, điện tín, điện hoa, thư công phát sinh trong dịp Tết; đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng lưới bưu chính, chuyển phát để vận chuyển, phát tán hàng cấm, hàng lậu và các ấn phẩm có nội dung vi phạm pháp luật.
Cuối cùng, các Sở Thông tin và Truyền thông chủ động đề xuất, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và internet trên địa bàn đảm bảo tốt thông tin liên lạc trong dịp Tết.