Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 9/5, ông Goodall (104 tuổi) đã có buổi họp báo cuối cùng tại thành phố Basel, Tây Bắc Thụy Sĩ, để giãi bày ý nguyện của mình.
Trước khoảng 50 nhà báo từ Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc, Mỹ và Australia, ông Goodall chia sẻ: “Những người cao tuổi nên có quyền được tự quyết định khi nào và ở đâu họ mong muốn được chấm dứt cuộc đời mình.”
Ông cũng bày tỏ ngạc nhiên về việc báo chí truyền thông quan tâm đến việc ông ra đi theo ý nguyện, đồng thời hy vọng sẽ làm thay đổi quan niệm về vấn đề trợ tử tại Australia – nơi luật pháp hiện vẫn cấm mọi hình thức trợ giúp y tế cho người muốn được chết.
Nhà khoa học sinh năm 1914 này nhấn mạnh tâm nguyện được trút hơi thở cuối cùng ngay tại quê nhà. Ông cho biết từng định tự tử vì chất lượng sống của ông đã giảm sút đáng kể trong hai năm qua. Tuy nhiên nỗ lực này đã thất bại, sau đó ông quyết định tìm kiếm sự trợ giúp từ giới chuyên môn.
Ông Goodall chia sẻ: “Đây là quyết định của bản thân tôi. Tôi muốn kết thúc cuộc đời mình. Tôi biết ơn vì có thể thực hiện được ý nguyện tại Thụy Sĩ.”
Ông Goodall tuy không bị mắc bệnh mãn tính nào ở giai đoạn cuối, song đang mất dần thị lực và thính lực.
Theo tổ chức trợ tử Exit, nhà khoa học Goodall không phải là công dân Australia đầu tiên tìm đến dịch vụ trợ giúp y tế để được ra đi theo ý nguyện tại Thụy Sĩ, điều mà nhiều người châu Âu đã làm. Tuy nhiên các trường hợp của công dân Australia tìm đến với trợ tử tại Thụy Sĩ khá hiếm vì thời gian và chi phí tốn kém cho chuyến đi đường dài từ Australia sang Tây Âu. Hiện mới chỉ có 40 người Australia tìm đến trợ tử kể từ khi dịch vụ này ra đời.
Theo kế hoạch, sáng 10/5 (giờ địa phương), bên những người thân của mình, ông Goodall sẽ tự tay tiêm thuốc trợ tử vào cơ thể.
Nhà khoa học David Goodall làm việc tại Đại học Edith Cowan ở thành phố Perth (Australia), cho đến khi ông 102 tuổi. Ông đã xuất bản hàng chục công trình nghiên cứu và vẫn cộng tác thường xuyên với các tạp chí khoa học.
Trợ tử là bất hợp pháp tại phần lớn các quốc gia trên thế giới. Trợ tử từng hoàn toàn bị cầm tại Australia cho đến khi tiểu bang Victoria hợp pháp hóa trợ tử vào năm ngoái. Tuy nhiên luật này sẽ chỉ có hiệu lực vào tháng 6/2019 và chỉ được thực hiện đối với những người mắc bệnh nan y có thời gian sống còn lại không quá sáu tháng.