Nhà giàu “giam” trẻ!

Đang ngồi một mình với đống đồ chơi đắt tiền trong nhà, nghe tiếng lũ trẻ hàng xóm chạy nhảy nô đùa, bé Anh Vũ, 7 tuổi, con chị Mỹ Nga (34 tuổi, Q. 2, TP. HCM) liền chạy ào ra cổng. Bé háo hức chạy ào ra ngoài, đôi chân nhấp nhổm như muốn “bay” khỏi cánh cổng sắt cao vút để được vui chơi cùng chúng bạn. Thấy vậy, cô giúp việc liền chạy ra kéo Vũ vào: “Vô nhà đi con, mẹ về thấy con ngóng ra ngoài là bị đòn đó!”. Cậu bé lò dò theo cô ôsin trở vào nhà với khuôn mặt buồn xo.

Từ “nhốt” con…

Số là,vợ chồng chị Nga mời dọn về ở trong căn biệt thự sang trọng này được 5 tháng. Trong xóm này, gia đình chị Nga là khá giả nhất, cánh cổng sắt bao giờ cũng đóng im lìm, trừ khi có xe hơi ra vào. Sáng, trước khi đi làm, chị luôn dặn người giúp việc: “Ở nhà, chị giữ bé Vũ cẩn thận, tuyệt đối không được cho bé chơi với đám con nít trong xóm. Tụi nó dơ dáy, dễ lây bệnh cho thằng nhỏ lắm!”. Thế là, trừ giờ được xe hơi đưa đón đến trường, bé Vũ vừa về đến nhà là bị “nhốt” ngay lại, chỉ quẩn quanh với người giúp việc.

Ban đầu, bọn trẻ trong xóm cũng muốn rủ bé Vũ chơi cùng nhưng lần nào lấp ló ở cổng cũng bị chị Nga đuổi thẳng: “Mấy đứa về đi nha, không được tới rủ Vũ nhà cô chơi nữa!”. Kể từ đó, trẻ con trong xóm không dám bén mảng tới nhà Vũ và thường gọi Vũ là “thằng nhà giàu” khi thấy cậu đi ngang qua.

 

Đến thuê người quản con

Không chỉ trẻ nhỏ mới bị quản thúc quá đà, nhiều cô cậu tuổi mới lớn cũng rơi vào bị kịch “cấm cung”. Cô bé Ái Nhi, học sinh lớp 11 tại TP. HCM luôn bị gia đình quản theo kiểu “đại gia”. Ở nhà, Nhi không phải động tay đến bất cứ việc gì vì đã có người giúp việc phục vụ từ A đến Z. Sợ con bị bạn bè “lôi kéo”, “dụ dỗ”, gia đình thuê hẳn một tài xế riêng “tháp tùng” Nhi. Tan học, Nhi phải leo lên xe về nhà, không được đứng “tán” với bạn, chuyện đi chơi với lớp của Nhi càng là… ước mơ xa xỉ.

Chẳng những theo dõi lịch trình đi đứng của con, danh bạ điện thoại của Nhi cũng được (bị) ba mẹ nắm rõ từng… centimet. Anh chị hỏi rõ thân thế gia đình từng người có tên trong danh bạ, ai có “nhà mặt phố bố làm to” thì mới cho Nhi giữ số điện thoại lại, không là phải xóa đi. Dần dần, khi bạn bè biết đến độ “chảnh” khét tiếng của ba mẹ Nhi, cô bạn dần bị bạn bè tẩy chay, lớp có hoạt động hay tiệc tùng gì, Nhi đều bị cho ra rìa.

Hỏi chuyện anh Hùng Vinh, cha Ái Nhi, anh cho biết: “Thời buổi giờ ghê lắm, thôi thì quản con kỹ cho chắc. Vợ chồng tôi hàng tháng mất 8 triệu trả tiền công cho ôsin và tài xế riêng cho con, nhưng chịu thôi, đầu tư cho con mà!”. Thấy Nhi khổ sở, mẹ Nhi dứt khoát: “Lựa bạn sang mà chơi, đời con mới phát lên được!”

Dồn trẻ đến chân tường

“Cha mẹ cần uốn nắn, nhắc nhở con phù hợp chứ không phải dồn con đến chân tường bằng những quy định khắt khe, vô lý. Như thế, có thể trẻ sẽ phản ứng lại theo cách tiêu cực”, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (công ty Tâm lý Trẻ) chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia Minh Huệ, với trẻ, việc kết bạn là sự bù trừ qua lại, học hỏi lẫn nhau. Nếu chỉ tiếp xúc với bạn “cùng đẳng cấp”, trẻ có thể phát triển thiển cận. Chưa kể, sự phân biệt giàu nghèo từ nhỏ sẽ ăn sâu vào tâm trí trẻ, khiến trẻ có cái nhìn vô cảm với người có hoàn cảnh khó khăn, chỉ đánh giá người khác qua đồng tiền, địa vị, sang hèn.

Đối với những trẻ trong độ tuổi dậy thì, khi bị gia đình quản lý gay gắt, trẻ dễ bị cô lập, cảm thấy xấu hổ, dẫn đến trầm cảm, thu mình, không dám khẳng định bản thân. Tiền bạc còn tạo áp lực lớn cho trẻ, khiến chúng không thể sống vô tư đúng lứa tuổi của mình.

Theo Thế giới Gia đình


From the same category