Nghe tin con gái và cháu ngoại về quê ăn Tết, ông bà Bùi Đình Thanh (58 tuổi, Thanh Hóa) loan tin đi khắp làng. Mọi người trong nhà sửa soạn nhà cửa, sắm thêm vật dụng mới… để lo đón “khách quý”.
“Rồng rắn” kéo nhau đón Việt kiều
Con gái ông Thanh là chị Nguyễn Thanh Nga (28 tuổi) từ khi lấy chồng Hàn Quốc đến giờ cũng ngót nghét 7 năm, con gái chị Nga đã tròn 5 tuổi. Do cuộc sống lúc mới ra nước ngoài cũng hơi khó khăn, 2 năm sau đó thì sinh con, nuôi con nên mãi đến năm ngoái hai mẹ con mới về Việt Nam ăn Tết lần đầu tiên.
Trước khi lên máy bay về nước, chị Nga đã dặn bố mẹ cứ ở nhà không phải lên Hà Nội đón chị cho vất vả, mẹ con chị tự bắt xe ô tô về. Nhưng bước ra cổng soát vé của sân bay Nội Bài, chị đã bất ngờ khi thấy cả đoàn người ở quê lên đón hai mẹ con chị. Từ bố mẹ, các em, một vài người anh em họ hàng và cả một chú… hàng xóm nữa. Niềm vui sướng vỡ òa, mắt chị đỏ hoe. Nhưng không khí đã nhanh chóng thay đổi sau đó nhờ những tiếng cười nói rộn rã trên xe.
Trên đường về nhà, đang nghĩ sẽ tìm một quán ăn sạch sẽ, thoáng mát mời cả đoàn bữa cơm thân mật tại thủ đô, bởi cũng chả mấy khi có dịp thì chị Nga đã thấy chiếc xe rẽ lối vào cổng một nhà hàng sang trọng gần hồ Hoàn Kiếm. Nghĩ lâu năm mới có dịp về Việt Nam nên đãi họ hàng một bữa sang trọng cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, cầm thực đơn nhà hàng trong tay mà chị thấy toát mồ hôi vì món rẻ nhất cũng tầm 300 ngàn. Hóa đơn thanh toán hơn 4 triệu đồng khiến lòng chị buồn thiu mà mặt ngoài phải cố gượng cười cho đẹp mặt song thân.
Kế hoạch ăn Tết tiết kiệm trong khoản tiền mà chị mang theo về Việt Nam gần như bị phá sản vì mẹ chị thường xuyên bày biện nấu ăn rồi mời cô bác, họ hàng tới chung vui. Món hàng nào giao tới nhà, chị Nga cũng phải “xì” tiền vì chẳng lẽ để mẹ và cô em dâu trả. Bên cạnh đó, một loạt khoản khác chị lại phải chi, nào tiền quà cáp, tiền lì xì, tiền ủng hộ xã làm đường, tiền xây nhà thợ họ… Ở nhà hơn hai tuần, số tiền chị mang về đã tiêu gần một nửa. Thấy tình hình không ổn, chị phải tính đường đặt vé máy bay để về lại Hàn Quốc sớm hơn dự tính. Trước khi đi, chị đã có những chia sẻ thật với bố mẹ về công việc cũng như cuộc sống của mình ở nước ngoài để họ hiểu và thông cảm cho chị hơn. Đồng lương công nhân ở nước nào cũng không quá dư dả để học làm sang, chỉ là chị biết tích cóp nên đôi ba tháng mới có tiền gửi về cho bố mẹ và các em. Chị Nga đùa: “Thà mang tiếng Việt kiều nghèo còn hơn sĩ diện mà gồng mình phô trương thái quá. Nhưng như vậy mà hay, vì cảm giác không ai kỳ vọng nhiều vào mình sẽ thấy vui vẻ, thoải mái hơn. Năm 2013 này, chồng chị cũng đòi tháp tùng với vợ về Việt Nam ăn Tết. Bố mẹ đã hứa sẽ không để chị ăn cái Tết tốn kém như năm trước”.
Khổ vì cô “sang chảnh”
Nhiều người khi nghe người khác bảo rằng, nhà sắp có người thân về thăm thì trầm trồ: “Sướng, nhà sắp có Việt kiều!”. Thế nhưng khi hỏi “sao lại sướng?” thì họ chỉ cười vì thật sự khái niệm “sướng hay không sướng” chỉ có người trong nhà mới biết rõ. Riêng đối với anh Nguyễn Việt Thắng, 29 tuổi, Q7, TP.HCM thì nhăn mặt bảo: “Cứ năm nào cô tôi, Việt kiều Mỹ về ăn Tết là tôi thành ô sin độc quyền, chạy như vịt để phục vụ cô”. Riêng chuyện ăn uống của cô đủ khiến thói quen sinh hoạt của gia đình bị xáo trộn. Cô anh Thắng chỉ thích ăn bánh mì mà phải là loại bánh mì dài dài bán ở siêu thị Big C. Cô cũng chỉ ăn cơm khô, không ăn cơm dẻo, mà nhà anh Thắng thì có thói quen ăn cơm dẻo. Gần như hôm nào mẹ anh cũng phải nấu hai nồi cơm khác nhau. Quần áo của cô phải mang đi giặt ở một tiệm giặt ủi quen ở chợ Tân Định chứ nhất quyết không chịu giặt máy hay giặt tay ở nhà.
Lúc vào bếp, cô cứ liên tục phát tay “no no” (không không) vì thấy mẹ anh không mang bao tay trong khi chế biến thức ăn. Cô bảo làm vậy là mất vệ sinh trong khi mẹ thường ngày vẫn thao tác như thế nên nhiều khi đâm tự ái. Cũng may tính mẹ anh xuề xòa, cô cũng xởi lởi nên hai người sau đấy lại vui vẻ với nhau.
Gắn kết tình thân
Con người ta dù sang giàu hay nghèo khó gì cũng có một quê hương để mà nhớ, mà về. Sau những ngày tháng bôn ba nơi đất khách, ai cũng muốn có những giây phút sum vầy, ấm áp bên người thân, bạn bè. Tuy nhiên, do khoảng cách về mặt địa lý, điều kiện, môi trường sống khác nhau, thói quen, nếp nghĩ khác nhau nên đôi khi cả người ở quê lẫn Việt kiều cần có sự dung hòa. Việc tiếp đón, chiêu đãi không mang tiếng thiếu sự ân cần, nồng hậu nhưng cũng không cần quá phô trương, bày vẽ, không khéo lại gây áp lực vô hình lên người thân mới từ nước ngoài về. Cũng đừng đánh đồng “Việt kiều = đô la” bởi không phải ai ở nước ngoài cũng giàu có và xài tiền vô tội vạ. Chỉ có sự thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với nhau một cách thân tình mới giúp người thân ở quê lẫn Việt kiều có cái Tết vui vẻ, đầm ấm, gắn kết hơn.
Theo Thế giới Gia đình