Mỗi năm một lần, vào mùa xuân, vợ chồng tôi có thói quen đi xuyên Việt cùng hai chú chó. Năm nay cũng vậy, chuyến đi kéo dài gần 2 tháng, chúng tôi đã nán lại tổng cộng bao nhiêu điểm thật chẳng nhớ nổi, không ai buồn lên kế hoạch đi đâu, làm gì cho mỗi ngày. Một chuyến road trip dài ngày ắt hẳn không chỉ cho phép chúng tôi nán lại ở bất kỳ đâu mình thích, mà còn đem đến những mối nhân duyên lạ lùng đầy thương mến. Theo thời gian, ký ức chẳng xói mòn mà chỉ đầy thêm.
Những tưởng chuyến này lên Hà Giang chỉ thăm lại vài chỗ thân quen, nhưng rồi cái duyên đưa đẩy chúng tôi lạc vào một khung cảnh mới. Men theo cung đường khúc khuỷu nằm giữa hai vách đá sừng sững bàng bạc mây, bản Lao Xa (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) mang một vẻ đẹp mộng mị, hiền hòa. Mỗi bông hoa, ngọn cỏ, hòn đá, bức tường dường như đang kể câu chuyện riêng bằng chất giọng mềm mại của người thiếu nữ. Mỗi đường nét hiện lên trước mắt chúng tôi đều duyên dáng đến lạ lùng.
Bầy trẻ nhỏ trong những tấm áo thổ cẩm đủ sắc màu vừa đến giờ tan trường, ùa ra cổng, nắm tay nhau đi bộ băng qua cánh đồng hoa cải về nhà. Sâu trong bản, từng ngôi nhà trình tường lần lượt hiện ra, màu nâu trầm phai theo thời gian trên từng viên ngói, màu xám rêu phong của hàng tường bao ôm lấy màu vàng rơm ươm trên những vách đất cũ kỹ. Màu hồng lơ đãng của những bụi đào đang bung nở chen lẫn màu trắng thơ ngây của hoa mận đương tuổi xuân thì. Màu xanh mong manh của bầu trời ẩn dưới làn mây mỏng. Tất cả quyện vào nhau thật nên thơ.
Trong bản có một ngôi nhà cổ từ những năm 50 thế kỷ trước nay được cải tạo thành quán cà phê mang tên Nhà Cổ Lao Xa. Gọi là quán chứ chẳng có mấy chỗ ngồi, bộ bàn ghế con con trước hiên cùng lắm ngồi được 4-5 người. Chủ quán là một anh con trai trẻ tuổi, thật thà, nói tiếng Kinh lơ lớ. Chúng tôi hỏi: “Bạn bán cả mật ong à?” vì trước cổng có ghi “Mật ong bạc hà”, anh thanh niên cười bảo: “Em bán trà mật ong bạc hà nhưng bảng hết chỗ nên bỏ luôn chữ trà”. “Vậy còn rượu ngô?”. “Bảng ghi 40 nghìn một lít là em ghi để khách biết giá bán ở trên này chứ em không bán”. Cả bọn phá lên cười.
Từ Đồng Văn qua đèo Mã Pí Lèng tới thị trấn Mèo Vạc, theo chỉ dẫn, xe chúng tôi đi vào một con ngõ yên tĩnh, dừng lại ở lưng chừng dốc, rồi chúng tôi đi bộ tiếp một đoạn đến Auberge de Meovac hay còn gọi là Chúng Pủa (trong tiếng H’Mông nghĩa là “bên suối”). Một người đàn ông trung tuổi dáng người nhỏ nhắn nói tiếng Kinh không rành rọt kéo theo chiếc xe cải tiến (loại xe 3 bánh được kéo hoặc đẩy bằng sức người) giúp chúng tôi đưa hành lý vào nhà.
Ngôi nhà cổ xinh xắn hiện ra với hàng tường bao bằng đá, mái ngói âm dương, tường được trình bằng đất. Cửa nhà rất nhỏ, muốn vào phải bước qua một bậc gỗ cao tầm mười phân, cúi khum người. Bên trong nhà kín và tối, đồ đạc hầu hết làm bằng gỗ. Cách đây 3 năm, vợ chồng tôi từng ghé thăm nhà trình tường của người Hà Nhì ở bản San, Lào Cai. Cảm giác bước vào Chúng Pủa lần này không khác gì với cảm giác năm xưa chúng tôi bước vào nhà của người Hà Nhì, chỉ khác ở chỗ Chúng Pủa được trang trí, chăm chút với những tiện nghi theo thẩm mỹ đương đại. Một điểm khác nữa là ở phần mái. Nếu những ngôi nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì có phần mái lợp rơm làm từ cỏ tranh rêu phủ xanh rì thì Chúng Pủa còn lưu lại mái ngói âm dương – một loại mái ngói đặc biệt mà người Tày, Nùng thường sử dụng với một viên ngói dương có dạng nửa hình trụ lợp úp và một viên ngói âm có dạng hình chữ nhật lợp ngửa. Ở đây tuyệt đối yên tĩnh, cả ngày có thể nghe tiếng chim hót, tiếng lá cây xao động, tiếng thở dịu dàng của những vách đất. Chị chủ nhà người Tày hoạt bát, thân thiện và nấu ăn rất ngon. Thịt lợn xông khói, lạp xưởng, gà luộc, cải ngồng xào, su su xào… món nào qua tay chị nêm nếm cũng thật vừa vặn và tinh tế. Được thỏa mãn đủ đầy mọi giác quan, chúng tôi thật sự đã quên bẵng mất chuyến hành trình, thả trôi mình vào không gian, cuộc sống, con người nơi vùng đá nguyên sơ.
Mỗi lần đặt chân lên một vùng đất mới, tôi thường gạt bỏ hết những hình dung từng có về nơi chốn đó, cho phép bản thân cảm nhận trung thực bằng tất cả các giác quan. Từ lúc bắt đầu lên phà Gót (Hải Phòng) di chuyển sang đảo Cát Bà, giác quan của tôi đã chiến thắng mọi hình ảnh từng ngắm, mọi câu chuyện từng nghe về quần đảo này. Đến đây vào thời điểm du lịch chưa có vẻ gì khởi sắc sau 2 năm dịch dã nên chúng tôi gần như là những du khách hiếm hoi trên đảo. Nhờ sự vắng vẻ ấy mà chúng tôi có thể bung lều cắm trại ở bất cứ chỗ nào ưng bụng, kể cả giữa đường.
Sau một hồi chạy xe loanh quanh tìm góc chụp ảnh, chúng tôi vô tình lạc vào thung lũng Bướm. Nghe bảo vào mùa hè, thung lũng tràn ngập những đàn bướm đẹp mê li. Chúng tôi quyết định hạ trại, pha trà nhâm nhi. Chỗ cắm trại ngay dưới vách đá cao, lúc đó trời mưa lất phất. Mùi đất ẩm, mùi cỏ ngai ngái dậy lên thật khoan khoái.
Hai ngày tiếp theo rơi đúng vào đợt mưa to gió lạnh. Cơ thể quen với khí hậu miền Nam của tôi run lên bần bật. Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là “mưa thối đất thối cát”. Nhưng như vậy lại hóa hay, chúng tôi được dịp không làm gì cả, chỉ ngồi quanh bếp củi đọc sách, uống cà phê, nướng khoai, nướng gà, nói chuyện trên trời dưới bể.
Đi dọc theo đường Hồ Chí Minh, qua xã Thanh An, Thanh Chương, di chuyển khoảng 200 mét sẽ đến đảo chè Thanh Chương. Người dân địa phương đã bắt đầu trồng chè trên những hòn đảo lớn nhỏ ở khu vực này từ hàng chục năm trước. Nhờ địa thế đẹp và thuận lợi nên những cây chè lớn lên khỏe mạnh không cần phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích. Đất đai màu mỡ và làn nước mát lành nơi đây cũng giúp lá chè sau khi sấy khô có vị đắng nhưng không chát, trái lại, rất thanh.
Sớm tinh mơ, đảo chè hiện ra nhấp nhô, trải rộng mênh mang. Ký gửi xe và toàn bộ vật dụng ở một điểm dừng, chúng tôi lên thuyền, sau 5 phút là ra đến đảo lớn. Những hàng chè thẳng thớm, xanh mát làm tâm trạng ai nấy đều phấn khởi. Trên đảo có mấy cô hàng nước dễ thương. Sau khi đi dạo chán chê, bạn có thể ghé hàng nước uống chè, ăn bưởi và mua những túi chè mang hương vị thanh nhã ấy về phố thị làm quà. Vào mùa hè và mùa thu, bạn còn có thể đi trekking leo đồi, ngắm toàn cảnh đồi chè từ trên cao hoặc đi thăm rừng Trường Sơn, ngắm thác mưa và khám phá đời sống đồng bào dân tộc Thái.
Vài năm trước, chúng tôi từng lạc chân đến đảo chè Thanh Chương trong lúc tìm địa điểm nghỉ qua đêm trên hành trình từ Nam ra Bắc. Chuyến trở lại này, cảm giác dễ chịu vẫn vẹn nguyên trong chúng tôi. Anh chủ Gió Lào Eco Lodge – nơi duy nhất ở vùng này đón tiếp khách du lịch – hồ hởi đón vợ chồng tôi vào căn nhà gỗ mới dựng cách đây chưa lâu, hỏi: “Có thấy khác gì không?” như thể đang hỏi một người đi xa vừa mới trở về nhà. Chúng tôi nhoẻn miệng cười, bảo: “Đẹp hơn anh ạ!”. Có lẽ chẳng ai tìm kiếm ở đây một vẻ đẹp mĩ miều, mà sẽ yêu nơi này bởi sự hồn nhiên khiến lòng người thư thái.