Nhà có con gái lớn…

Đốm tàn nhang nhỏ = bi kịch lớn

Quả vậy, ở độ tuổi này, các cô bé rất chú trọng đến vẻ ngoài. Chỉ một đốm tàn nhang nhỏ trên mũi cũng có thể trở thành bi kịch đối với các nàng. Và nếu người mẹ phẩy tay: “Ôi chuyện nhỏ ấy mà…” thì con gái sẽ một lần nữa tự nhủ: “Chả ai hiểu mình hết, kể cả mẹ”.

tuổi dậy thì, con tuổi teen, làm gì khi con đến tuổi dậy thì, tâm lý tuổi dậy thì

Với các quý cô tuổi teen, chẳng có gì là “chuyện nhỏ” cả. Chọn váy nào, giày nào để đi dự sinh nhật có thể khiến nàng trăn trở suốt cả tháng. Nhưng mẹ thử nhớ lại hồi mẹ bằng tuổi con đi. Nỗi niềm của mẹ chẳng xoay quanh mấy cái mụn trứng cá hay những cuộc cãi cọ với cô bạn thân đó sao?    

Thế nào rồi cũng đến lúc một cô gái quan tâm đến mỹ phẩm. Nhưng nếu con gái thích tô son điểm phấn sớm hơn so với thời điểm mà mẹ vẫn nghĩ thì sao? Dù thế nào thì nhẹ nhàng bật mí “bí kíp” trang điểm vẫn khôn ngoan hơn là gay gắt phán quyết: “Mới tí tuổi, không có son phấn gì hết!”. Sự cấm đoán rất dễ đẩy con gái đến chỗ làm đẹp lén lút, để rồi bất cứ con vẹt nào cũng phải ghen tị với nàng ta!

Còn nhớ năm lớp 9, khi tình cờ lượm được một cây mascara đã khô queo, tôi nhỏ nước vào rồi toan dùng nó để chải lông mi. Mấy cô bạn sành điệu trong lớp liền cười ngặt nghẽo: “Bà định lấy cái chổi cùn này mà quét lên mắt à?”, khiến tôi ngượng chín mặt. Không biết mẹ có biết chuyện “chổi cùn” không, chỉ biết là lần đi dự sinh nhật sau đó, chính mẹ đã bảo tôi lấy cây mascara mới của mẹ mà dùng. Và tôi đã biết ơn mẹ vô cùng…

Con trẻ rất cần sự tôn trọng từ cha mẹ. Và càng cần hơn lúc chúng bước sang tuổi thiếu niên. Ở độ tuổi rất nhạy cảm này, sự thiếu tế nhị của người lớn sẽ khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc hơn, dai dẳng  hơn. Ví như con gái bạn với một vẻ bí mật kinh khủng tiết lộ với bạn điều thầm kín của nó, còn bạn cũng với vẻ bí mật không kém “buôn” lại cho bố nó, rồi ông bố với niềm tin sâu sắc rằng “chuyện ấy là chuyện nhỏ” lại lôi ra trêu chọc con… thì lần sau, 99,99% là con gái sẽ không thổ lộ gì với mẹ nữa. Và nữa, cách đây 10 năm, trước mặt mọi người, mẹ có thể vô tư kêu toáng lên: “Ôi, con có cái mụn trên má kìa!” thì giờ đây, cũng câu đó, mẹ mà nói trước mặt người khác, mẹ sẽ trở thành “kẻ phản bội” thực sự trong mắt con gái.

Quan hệ giữa bố với cô con gái lớn cũng thay đổi rất đáng kể. Bố trong mắt con không đơn thuần là đấng sinh thành mà còn là đại biểu cho “một nửa thế giới”. Bởi vậy, ánh mắt tán dương của người bố trước một chiếc váy đẹp, một kiểu tóc mới của con gái giờ đây có giá trị hơn bất kỳ lời khen tặng nào từ người cùng giới.

Độ tuổi ẩm ương, tình huống nan giải

Hè năm ngoái, chị Lan bạn tôi đưa cô con gái 14 tuổi đi nghỉ ở một resort. Sau một thời gian dài bù đầu học thi, con bé như muốn xả hơi. Theo nhóm bạn mới quen cùng lứa ở khu nghỉ, nó thức cả đêm để đàn hát, tán dóc. Đến bữa ăn, nhiều khi nó cũng mất hút. Chị Lan bực lắm. Thêm vào đó, chị phát hiện thấy có đứa trong nhóm bạn kia phì phèo thuốc lá. Sợ “gần mực thì đen”, rốt cuộc chị Lan quyết định về sớm hơn so với dự định. Con gái im lặng thu dọn đồ đạc. Nhưng nó đã khóc suốt trên đường về.  

Độ tuổi ẩm ương thường đặt cha mẹ vào những cảnh huống rất nan giải. Rồi trong cơn bối rối, nhiều cha mẹ đã chọn giải pháp tách con khỏi cảnh huống đó. Nhưng cảnh huống đó rồi sẽ lặp lại, trong khi khả năng đối thoại giữa cha mẹ và con rất có thể đã bị khép lại mãi mãi. Cách ly hay răn đe nói chung không giải quyết được tận gốc vấn đề. Điều người mẹ cần là làm sao khiến con tin cậy mẹ, coi mẹ như một “sư mẫu” thông thái. Khi đó, ý kiến của mẹ sẽ được con quan tâm, lời khuyên của mẹ sẽ được con ghi nhớ.

tuổi dậy thì, con tuổi teen, làm gì khi con đến tuổi dậy thì, tâm lý tuổi dậy thì

Ngoài ra, ngay từ lúc con còn nhỏ, nếu mẹ luôn sẵn lòng lắng nghe mọi băn khoăn thắc mắc của con (thay vì mắng át đi “Chuyện người lớn, hỏi làm gì?”) thì sau này con cũng dễ dàng thổ lộ những chuyện “khó nói” với mẹ hơn. Các cô gái trẻ thường nhầm tưởng sự si mê dáng vẻ bên ngoài với tình yêu lớn. Vì vậy, các nàng sẽ rất may mắn nếu có mẹ là một “cố vấn ái tình” anh minh.

Mẹ cũng cần giúp con gái hiểu về mọi chuyện sẽ xảy ra đối với cơ thể mình. Hãy bổ sung cho giá sách của con những cuốn về giáo dục giới tính, để nếu ngại hỏi mẹ, con gái có thể tự tìm thông tin từ các nguồn đáng tin cậy. Mẹ cũng không nên chờ đến lúc con hỏi thì mới mua loại sách này nhé. Không thiếu những cuốn sách giải thích một cách dễ hiểu, đúng đắn về giới tính mà ngay cả trẻ 7 tuổi cũng có thể đọc. 

Dậy thì không chỉ là thời điểm bắt đầu “chín” về mặt giới tính. Đó còn là giai đoạn bùng nổ của tư duy, sức sáng tạo và bọn trẻ thường cố gắng thử sức trong nhiều lĩnh vực. Con gái bạn có thể không chỉ học nấu ăn, may vá mà lại thích nhảy hip hop hay lập hội những người “phát cuồng” về một “sao” Hàn chẳng hạn. Thay vì xét nét, bạn nên tạo điều kiện cho con thử khẳng định bản thân. Có trải nghiệm, con mới biết mình hay ở đâu, dở chỗ nào và từ đó sẽ có định hướng đúng hơn cho tương lai. Mẹ cũng đừng buồn nếu con thích giao du với lũ bạn tồ tệch hơn là theo mẹ đi gặp gỡ các quý cô thanh lịch. Mẹ cũng đừng lo khi con liều mình với món nhảy cheerleading thay vì duyên dáng với belly dance. Con đã lớn rồi và cần học cách tự sống cuộc sống của mình.

Lời khuyên cho những bà mẹ có con gái lớn

Tôn trọng việc con nỗ lực để trở nên xinh đẹp hơn. Giúp con chỉnh sửa những khiếm khuyết về ngoại hình, tư vấn cho con về kiểu tóc, trang phục, các sản phẩm dưỡng da, dưỡng tóc…

Làm gương tốt về gu thẩm mỹ để những lời khuyên của bạn có thể chinh phục con.

Quan tâm đến những băn khoăn của con cho dù là trong mắt bạn, chúng thật sự vặt vãnh.  

Uốn lưỡi… 70 lần trước khi “nói xấu” con.

Nếu con quan tâm đến mỹ phẩm, giúp con mua những món trang điểm nhẹ nhàng để dùng trong những dịp “trọng đại”.

Lưu ý bố hãy để mắt đến vẻ ngoài của con gái và đừng quên tán dương con.

Mua cho con những cuốn sách hữu ích về tâm sinh lý.

Kể cho con về thời trẻ của chính mẹ với những trăn trở, nhầm tưởng. Điều này sẽ khiến con thấy mẹ gần gũi hơn và có cảm giác rằng con không đơn độc trong các vấn đề của mình.

Nới lỏng “dây cương” với con. Ví dụ, thỏa thuận rằng sau giờ học, con có thể đi chơi với bạn nếu báo cho mẹ biết con đi với ai, đến đâu.

Cùng con bàn luận về các mối quan tâm, sở thích của con. Tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động lành mạnh mà con thấy hứng thú.

Bài: Bình Minh Mưa

logo


From the same category