Bây giờ mà vớ lấy một tờ báo (nhất là dạng tạp chí) rồi mở ra thì thế nào cũng va phải một người mẫu, một diễn viên, một ca sĩ hoặc là cả ba cộng lại. Họ được in ảnh, được tường thuật những gì đã, đang và sắp làm, đặc biệt là được phỏng vấn với đủ mọi tâm trạng, mọi khát khao và mọi mưu đồ.
Có một số nhà báo (và một số nhà điều hành) coi việc trò chuyện với ngôi sao là hấp dẫn nhất, thú vị nhất và… báo nhất. Câu cửa miệng của họ là: Số tới đến lượt ai?
Khác hẳn với lượng vừng phong phú rắc trên bánh đa, ngôi sao trên bầu trời xã hội (đặc biệt là sao đích thực) rất hiếm hoi, đơn giản vì nếu không hiếm đâu gọi là sao! Nhìn trong tất cả các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, thời trang cũng chỉ loanh quanh có một nhóm người.
Số lượng như thế tất nhiên không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của nghệ thuật, cũng như tốc độ ra đời của ấn phẩm. Không biết nạn cướp giật điện thoại di động dạo này rộ lên thế nào, chứ nghe đâu nạn cướp giật ngôi sao trên các báo cũng bắt đầu đến thời kỳ gay cấn.
Hậu quả là cuộc “xào xáo” diễn ra. Tranh cướp ngôi sao, tranh cướp các scandal và những thứ tưởng là scandal.
Ngôi sao là gì?
Nhà báo và ngôi sao nhậu với nhau, thủ thỉ với nhau, sau đó cấm cửa nhau, bêu riếu nhau và dọa đánh nhau đều có cả. Cả hai phe đều đầy uất hận, đều kêu “địch” là vô ơn, là bạc tình, đều thề sẽ cạch tới già và đều vội vã đi tìm… nhà báo và ngôi sao khác. |
Rõ ràng là con người. Thỉnh thoảng lắm mới là con heo (ví dụ như trong phim “Chú heo chăn cừu”) và luôn được chia làm hai giai đoạn: lúc chưa thành tinh tú và lúc đã tỏa sáng (không kể lúc rớt xuống gọi là “sao băng”).
Thuở mới lóe lên, họ dễ thương khủng khiếp. Gần như bất cứ nhà báo (và nhà cộng tác viên) nào cũng có thể gặp được. Họ sẵn sàng thổ lộ hết tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, sẵn sàng chụp ảnh và gửi ảnh, hăng hái tặng vé mời và vé… bỏ tiền túi ra mua.
Hiểu được “bản chất” quý báu này, một số nhà báo nhanh trí định hướng cho mình chỉ gặp những ngôi sao sắp nổi. Rất dễ chịu, rất “ngon”. Năng nhặt chặt bị, bất cứ lúc nào trang “hở” ra là họ có thể “đẩy” vào vài chân dung kiểu như “Lê Mít, một giọng ca hứa hẹn” hoặc “Ngọc Dừa, bước khởi đầu đam mê”.
Rất nhiều ngôi sao kiểu ấy “rụng” trước khi trời sáng, nhưng chả có hại gì. Song một tờ báo “hoành tráng” đâu chịu chỉ đơn giản thế. Cái đinh của nó là “diva” hoặc “Men diva” thực sự kia.
Những tinh tú lấp lánh này thì kinh lắm. Họ chọn báo, chọn mặt, chọn giờ và chọn chỗ để gặp. Họ bận (hoặc ra vẻ bận). Họ cân nhắc câu nói, cử chỉ và hình ảnh. Họ có khả năng mở đầu cuộc gặp một nhà báo bằng việc kể là đang sắp kiện một nhà báo khác! Âu cũng là thường. Cả thế giới đều như vậy hết.
Nhà báo là gì?
Nhà báo là nhà viết báo (tất nhiên) và cũng chia làm hai dạng: mới viết và viết đã lâu. (Không nói tới dạng thứ ba, là viết lâu mà cứ như mới viết).
Chẳng có tòa soạn nào, dù thương mại bậc nhất, nhận phóng viên chỉ để viết về nhân vật. Mới cầm bút được một phút, người phóng viên cũng hiểu rằng nhiệm vụ của mình là phản ánh những vấn đề không hay của xã hội, trong tất cả các lĩnh vực, các con người.
Song cũng có hai loại vấn đề: loại thứ nhất phải tự rút ra. Nó đòi hỏi người viết phải có óc quan sát, óc suy luận, óc khái quát. Rắc rối quá. Thôi thì hơn cả chọn loại thứ hai: đó là vấn đề có sẵn.
Chả gì sẵn mà tiện hơn các ngôi sao. Họ có nghệ thuật, có đời tư, có scandal, có sự quan tâm của công chúng. Quá tuyệt!
Chưa kể người viết, cũng như mọi thứ người cao quý trên đời, cũng mang khát vọng thầm kín (hay lộ liễu) nổi danh. Mà nếu không tự nổi danh thì đứng gần những ai nổi danh cũng… giống lắm.
Nếu bạn là một người bình thường, dù có những phẩm chất hoàn hảo, cũng không thể gọi điện cho một ngôi sao và hẹn gặp. Nhưng bất cứ nhà báo nào cũng có khả năng và có cớ để làm chuyện ấy. Khoái quá phải không?
Thế là nhiều “ký giả” luôn luôn chỉ còn một nỗi canh cánh trong lòng: gặp được vĩ nhân A trò chuyện với vĩ nhân B, nghe tâm sự của vĩ nhân C. Không có chỗ cho người thường trong tâm trí, hay ít ra trong ngòi bút họ nữa.
Căn bệnh này trầm trọng đến nỗi khối nhà báo coi đó là toàn bộ sự nghiệp của mình một cách dĩ nhiên. Những năm tháng của đời “nhật trình” chỉ đơn giản là gặp được bao nhiêu người, viết được bao nhiêu bài phỏng vấn. Họ còn tự hào khi nói về thần tượng X, thần tượng Y là anh hay chị ấy với mình quen lắm, thân lắm, vui lắm. Khốn khổ thay, nhiều ban biên tập còn khuyến khích chuyện này, vì nghĩ báo mình như thế cũng sang và cũng dễ bán.
Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Tất cả các vĩ nhân đều thất thường. Đặc biệt, khen bao nhiêu cũng không đủ, chê một cái là nhớ đời.
Phóng viên nhà ta thường ỷ vào tình cảm, coi thường… chứng từ. Sự chặt chẽ về pháp luật, về sự rành mạch cái gì của mình, cái gì của ngôi sao hay bị lẫn lộn.
Thêm một chuyện nữa, là các phóng viên không phải ai cũng chuyên sâu. Nay gặp dân nhạc, mai gặp dân phim, mốt gặp dân hội họa thành ra cũng chả nắm vững thực sự một vấn đề nào. Các cuộc phỏng vấn rốt cuộc chỉ là “mồi” cho danh nhân “nổ”, chả mấy khi người hỏi và người trả lời tranh luận bình đẳng và hay. Khổ nỗi, sự “thập cẩm” này rất dễ nhầm là “đa dạng”.
Cho nên cứ lâu lâu lại “đùng đoàng” chuyện ca sĩ này kiện phóng viên kia, diễn viên nọ khóc với tổng biên tập nọ. Máu thì không biết, chứ nước mắt và mồ hôi thì chắc chắn đổ nhiều.
Nhà báo và ngôi sao nhậu với nhau, thủ thỉ với nhau, sau đó cấm cửa nhau, bêu riếu nhau và dọa đánh nhau đều có cả.
Cả hai phe đều đầy uất hận, đều kêu “địch” là vô ơn, là bạc tình, đều thề sẽ cạch tới già và đều vội vã đi tìm… nhà báo và ngôi sao khác.
Để kết luận bài này, tôi đành phải viết một câu có thể ai đó cho là sáo rỗng: những người bình thường là vĩ nhân quan trọng nhất của báo chí. Thật bi kịch cho ai không thấy họ là ngôi sao!