“Người cha yêu dấu của chúng tôi đã từ giã cõi đời trong ngày hôm nay. Ông ấy là nhà khoa học vĩ đại, người mà di sản để lại vẫn còn sống mãi trong nhiều năm nữa,” các con của giáo sư Hawking gồm Lucy, Robert và Tim cùng đứng tên trong thông cáo được hãng tin Anh PA phát đi.
Giáo sư Hawking sinh ngày 8/1/1942, đúng 300 năm sau sự ra đi của Galileo Galilei, cha đẻ của khoa học hiện đại. Vì thế, giới khoa học tin rằng đó chính là số mệnh của Hawking, người có ảnh hưởng sâu đậm tới những nghiên cứu về vũ trụ, hệ Mặt trời, hay sự sống ngoài Trái đất.
Nhưng dù có bộ não thiên tài, Hawking lại gắn chặt gần như cả đời mình với chiếc xe lăn do mắc chứng ALS, chứng xơ cứng động mạch liên quan tới hệ thần kinh vận động.
Tuy nhiên, qua chiếc xe lăn được thiết kế đặc biệt, ông vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu, tham gia giảng dạy, truyền cảm hứng đến các thế hệ làm khoa học.
Năm 1974, Hawking trở thành thành viên trẻ nhất của Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh khi mới 32 tuổi.
Năm 1979, ông được phong làm Giáo sư Toán học Lucas tại Đại học danh giá Cambrige, sau khi chuyển tới từ đại học Oxford, để tiếp tục nghiên cứu về thiên văn học và vũ trụ học.
Người có vinh dự nắm giữ danh hiệu này trước đó là Isaac Newton. Năm 2007, Hawking đã chứng minh thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton trong thực tế.
Theo từ điển Wikipedia, trong số những công trình khoa học quan trọng của Hawking, nổi bật nhất là lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát (hợp tác với Roger Penrose), và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking).
Hawking là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải nhiều thế giới về cơ học lượng tử.
Ông nhận nhiều vinh dự khác nhau, trong đó có Huân chương Tự do Tổng thống, Giải Wolf, là thành viên của Hội Nghệ thuật Hoàng gia và Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng.
Năm 2002, Hawking được xếp đứng thứ 25 trong cuộc bình chọn 100 người Anh vĩ đại nhất của BBC.