Nhà ai cũng có thiên tài - Tạp chí Đẹp

Nhà ai cũng có thiên tài

Sống

Được xem là thần đồng khi đã lập hai kỷ lục Guinness Việt Nam: Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản và Dịch giả nhỏ tuổi nhất (từ năm 7 tuổi) cùng nhiều thành tích đáng nể khác như: 7 tuổi đã đạt điểm tuyệt đối Starters, Movers của trường Đại học Cambridge, thí sinh nhỏ tuổi nhất đạt điểm IELTS 8.0…, em là Đỗ Nhật Nam, năm nay chỉ mới 11 tuổi. Trò chuyện với chị Hồ Điệp, mẹ cậu bé đặc biệt thông minh này sẽ thấy, tài năng của em không chỉ là thiên bẩm mà phần lớn do cách giáo dưỡng của gia đình. Và, ai cũng có thể sinh ra những thiên tài!

Điều quan trọng nhất trong tất cả những điều chị Hồ Điệp học được từ các cuốn sách là: Trẻ em cần được dạy (có ý thức) càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chị không áp dụng “công thức” của các bà mẹ khác mà chỉ coi đó là cơ sở khoa học để tin vào những việc mình đang làm. Đây cũng là cách chị thường suy nghĩ về một cuốn sách tâm lý – giáo dục nào đó. Không thể áp dụng y nguyên những điều đã đọc trong cuốn sách nào đó để nuôi dạy con vì mỗi đứa trẻ có một tính cách, khí chất và hoàn cảnh gia đình cũng khác nhau.

 

Bố mẹ Nam đều là những giảng viên đại học 

– Sự phát triển nào của bé Đỗ Nhật Nam là kết quả rõ ràng nhất của việc được giáo dục ngay từ trong bụng mẹ?

– Tôi nghĩ là ngôn ngữ (cả nói và viết). Điều thành công nhất trong “sự nghiệp làm mẹ” của tôi là: Nam rất lanh lẹ, vui vẻ, yêu thương mọi người, biết cách cư xử và rất trung thực.

– Chị nhận thấy con mình có khả năng vượt trội hơn các bạn từ khi nào và đã giúp con phát triển những khả năng đó ra sao?

– Nam có các mốc phát triển bình thường như các bạn khác nhưng ở mỗi giai đoạn phát triển của con, vợ chồng tôi cố gắng tìm tòi tất cả những nguồn tư liệu để Nam vui chơi và học tập một cách thoải mái nhất. Về vấn đề bạn hỏi, Nam vừa cho  ra mắt cuốn “Những con chữ biết hát”. Trong đó, cháu ghi lại toàn bộ những trò chơi của bố mẹ, kỷ niệm tuổi thơ, những điều cháu được học từ bố mẹ để giúp việc học hành tốt hơn. Nếu bạn đọc quan tâm, xin vui lòng đón xem cuốn sách ấy.

– Chị có gặp “thất bại” nào trong quá trình giáo – dưỡng con?

– Nếu “thất bại” mà để lại hậu quả đến tính cách cũng như sự phát triển của Nam thì chưa, nhưng thất bại trong chiến lược giáo dục với Nam thì có. Ví dụ, có những thứ mình nghĩ là con sẽ rất thích, sẽ cộng tác với mình nhưng hóa ra không phải. Khi đó, mình sẽ phải tìm cách đổi hướng cho phù hợp hơn.

– Hầu như đôi vợ chồng nào cũng có những lúc bất đồng trong việc nuôi dạy con. Anh, chị có thường như thế?

– Quá trình dạy thì không nhưng chăm sóc thì có. Bố Nam rất dễ dãi trong việc cho Nam ăn uống nhưng tôi thì hơi nghiêm khắc. Bố thích cho con ăn nhiều nhưng mẹ thì không. Đây là chủ đề mà theo Nam nói là gây tranh luận nhiều nhất và xem chừng chưa có hồi kết (tỷ lệ theo tốc độ tăng cân của Nam).

– Chắc chắn chị cũng phải không ngừng học hỏi để nuôi dạy một đứa trẻ có năng lực vượt trội như Nhật Nam. Những điều chị học là gì? Từ đâu?

– Tôi thấy việc dạy con giống như mình theo học một khóa có tên “làm mẹ” suốt cả cuộc đời. Tôi học từ nhiều nguồn lắm, từ những bà mẹ khác, từ cuộc đời của mẹ mình, từ cuộc sống. Điều không thể thiếu là học qua sách vở. Hầu như tất cả các sách về tâm lý lứa tuổi hoặc sách về giáo dục, tôi đều đọc và rút ra điều gì đó cho riêng mình. Tôi cũng mê các loại tạp chí, nhiều khi có những chuyên trang tưởng như chẳng liên quan gì đến cách dạy con nhưng thực ra cũng vô cùng quan trọng. Tôi đọc cả những tạp chí mà ở lứa tuổi của mình có lẽ không nhiều người đọc như: Hoa học trò, Sinh viên, Thiếu niên Nhi đồng. Những câu chuyện ở đó giúp tôi rất nhiều trong việc giáo dục tính cách cho Nam.


– Chị đã hỗ trợ con thế nào để bé Nam có thể học giỏi ngoại ngữ?

– Điều này Nam đã chia sẻ nhiều rồi. Giai đoạn tôi dạy Nam học quá ngắn vì kiến thức của tôi nhanh chóng bị Nam vượt qua. Giai đoạn sau này, Nam hướng dẫn mẹ thì chính xác hơn. Tuy nhiên, tôi lại ở bên cạnh Nam trong lúc cháu học với nhiệm vụ vô cùng quan trọng là kích thích đam mê và dạy con yêu vẻ đẹp của… tiếng Việt. Tôi có suy nghĩ rằng, muốn học giỏi tiếng Anh, trước hết con phải giỏi tiếng Việt. Vì thế, tôi kiên trì đi theo hướng phát triển song song giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Nam không đi học tiếng Anh ở trung tâm nên tôi chọn cho con những “người thầy” khác bằng việc mua sách. Vợ chồng tôi coi việc đi mua sách cho Nam là một niềm hạnh phúc.

– Chị có thực sự thấy môi trường và nội dung giảng dạy ở trường đã giúp con mình phát huy được hết mọi khả năng vượt trội hơn so với các bạn?

– Nam yêu thương thầy cô giáo và bạn bè rất nhiệt thành, hồn nhiên. Tôi nghĩ đó là điều giúp Nam luôn vui vẻ, lạc quan. Và sự vui vẻ này đã dẫn dắt con đường học hành của cháu, giúp chúng trở nên nhẹ nhàng, không chịu áp lực gì. Theo quan điểm của tôi, chỉ cần trẻ thấy vui vẻ, không áp lực là sẽ có những sáng tạo bất ngờ.

– Các thầy cô giáo ở trường học của Nam đã góp phần giúp bé phát huy năng lực của mình như thế nào?

– Thầy cô giúp Nam biết cách điều chỉnh bản thân để phù hợp với môi trường xung quanh. Các thầy cô là người mở ra cánh cửa niềm vui chỉ có ở tuổi học trò. Điều này trong cuốn sách của mình, cháu cũng dành hẳn một chương để nói về thầy cô và bè bạn bằng những từ ngữ yêu thương nhất, ấm áp nhất.

– Hầu hết mọi đứa trẻ đều có khuynh hướng không thích, thậm chí là chán học những điều bé đã biết. Nam có gặp tình trạng này ở một số môn học?

– Có vài lần tôi cũng hỏi Nam câu hỏi này. Nam trả lời mẹ bằng câu hỏi: “Mẹ đã xem chương trình ‘Ai thông minh hơn học sinh lớp 5’ chưa ạ?”. Trong khi tôi còn ngạc nhiên chưa hiểu thì Nam đã nói luôn: “Các cô, các chú tham gia chương trình đều rất giỏi, rất hiểu biết về những lĩnh vực nào đó, nhưng khi tham gia chương trình hầu hết đều bó tay trước những bạn học sinh. Lý do hoặc bởi vì các cô chú ấy đã quên hoặc các cô các chú ấy nghĩ đến những điều lớn lao hơn mà ít khi để ý đến những điều nhỏ hơn. Mẹ hiểu câu trả lời của con chưa ạ?”. Đến đây thì tôi hiểu, thông điệp của Nam là: không chủ quan, học từ những điều nhỏ nhất, bất cứ trong lĩnh vực nào, trong hoàn cảnh nào mình cũng có thể học được một điều gì đó.

 

– Nhật Nam có không thích học hay học kém môn nào hơn không?

– Nam yêu thích tất cả các môn học, đặc biệt các môn như Địa lý, Lịch sử, Vật lý, Khoa học, tiếng Anh. Nam hơi sợ môn Toán.

– Nam phân bổ thời gian học, chơi và làm các việc khác như thế nào?

– Nam không học nhiều nhưng đã học thì rất tập trung. Nam không bao giờ vừa học vừa nói chuyện hay đứng dậy, làm việc riêng. Về điều này, Nam rất có tư chất của một nhà khoa học. Nam cũng biết cách phân bổ thời gian của mình, không để chồng chéo, không có kiểu học vẹt hoặc “nước đến chân mới nhảy”.  Nam rất thích sáng tạo nhiều kiểu học như có giai đoạn thì tự chấm điểm bài làm của mình; học trực tuyến (Nam thường xuyên xin bài giảng của các giáo sư nước ngoài để học); có giai đoạn thì học bằng sơ đồ tư duy… Chính những cách học này khiến cho việc học của Nam trở nên thú vị và không mất nhiều thời gian. Buổi tối cháu chỉ học đến đúng 9 giờ, sau đó là đọc sách hoặc xem ti vi. Nam thường đi làm chương trình truyền hình vào các ngày nghỉ. Nam cũng duy trì việc viết sách của mình, đều đặn mỗi ngày khoảng 5 trang.

– Chị có chú trọng vấn đề dinh dưỡng để phát triển trí thông minh cho con?

– Từ bé, tôi chỉ kiên trì với việc cho Nam uống sữa. Còn lại ăn uống thì thoải mái, tất nhiên cũng cố gắng cân bằng giữa các tỷ lệ dinh dưỡng. Nam dễ ăn lắm, ăn gì cũng ngon nên tôi chẳng bao giờ đặt nặng vấn đề ăn uống. Bây giờ, chính Nam là người lựa chọn chế độ dinh dưỡng cho mẹ, như mua sữa chống loãng xương, mua bơ để mẹ ăn cho đẹp da…

– Có người lựa chọn cho con nghỉ học hoàn toàn ở trường khi bé thấy việc học không có gì vui (không phải vì lý do kinh tế, bệnh tật…), rồi bé ở nhà chỉ học những gì ưa thích. Chị nghĩ thế nào về lựa chọn này?

– Về cá nhân, tôi không đồng ý. Nhà trường có những chức năng mà không gia đình nào thay thế được. Tôi luôn nói cho Nam hiểu và cảm nhận rằng, thầy cô luôn giữ một vị trí thiêng liêng trong trái tim mình. Tất cả những điều con học được từ nhà trường sẽ là một phần trong cuộc sống của con. Nam từng có khoảng thời gian ba tháng nghỉ học ở trường mẫu giáo vì bị ốm. Tôi rất căng thẳng, không phải để bù đắp kiến thức cho con mà để tạo một không gian, không khí như trường học, nhưng tất cả chỉ là “gần như” thôi, không thay thế trường học được. Hiện tại, Nam học lớp 6 nhưng được học cùng với các anh chị lớp 8. Điều này giúp Nam phát triển khả năng của mình mà vẫn không tách rời môi trường học đường.

– Có điều gì chị chưa hài lòng ở “thiên tài nhỏ” của mình không?

– Có. Nam hơi hậu đậu, làm đâu đổ đó, tay chân lóng ngóng, vụng về. Nam rất thích làm bếp cùng mẹ nhưng mỗi lần vào bếp xong là tôi phải đi thu dọn những thứ đổ vỡ mất nửa tiếng.

– Nếu cần làm lại từ đầu, chị có thay đổi điều gì trong suốt quá trình từ mang thai cho đến nuôi dạy bé Nam bây giờ?

– Chắc tôi sẽ bản lĩnh hơn trong việc cho con ăn uống. Tôi hay bị thỏa hiệp với bố Nam trong việc ăn uống nên hệ quả là bây giờ con hơi thừa cân. Xuống cân đối với Nam là một việc rất khó vì con ăn uống quá ngon miệng.

– Chị và bố Nhật Nam vẫn còn đồng hành với con một chặng đường dài sau này. Anh, chị sẽ làm những gì để giúp con “giữ phong độ” và còn phát huy được nhiều khả năng hơn nữa?

– Tôi cũng chưa nghĩ dài hơi như thế. Tôi thích lời răn của Phật, trong mọi chuyện: tĩnh tâm khi thở vào và khi thở ra nở một nụ cười. Chúng tôi muốn phủ lên Nam tình yêu thương ấm áp. Tình yêu đó là động lực để con phát triển. Mềm mỏng nhưng cương quyết, yêu thương một cách có lý trí, tôi nghĩ đó mãi là “phương châm” của chúng tôi trong việc nuôi dạy Nam.

– Chị sẽ nói điều gì với những bà mẹ muốn con mình là một thiên tài, ở bất cứ lĩnh vực nào?

– Tôi chỉ nghĩ rằng, điều quan trọng là hãy dạy con biết học trong niềm vui, học trong cả nỗi buồn, học trong thành công, học trong sự thất bại, học trong vinh quang và học trong cay đắng. Và quan trọng nhất, đứa trẻ phải được là chính mình, được sáng tạo tối đa, được kích thích để đam mê đến tận cùng. Khi nào một đứa trẻ biết dung hòa được những điều đó, tài năng của cháu sẽ được phát triển rực rỡ.

Thực hiện: Như Thảo 

 

Bạn có mẹo hay trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần các con yêu? Hãy cùng chia sẻ với bạn đọc của Đẹp Online bằng cách gửi thông tin về địa chỉ email: giadinh@dep.com.vn.

Thực hiện: depweb

03/06/2013, 17:58