Nhạc Việt, một thời đại không có ngôi sao - Tạp chí Đẹp

Nhạc Việt, một thời đại không có ngôi sao

Giải Trí

Mỗi khi nghĩ về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, tôi lại nghĩ về một bức tranh siêu thực của danh họa René Magritte, bức Golconda.

Trong bức tranh đó, những con người có ngoại hình và y phục giống hệt nhau lơ lửng giữa không trung như những giọt mưa. Không có ai thật sự nổi trội hay là trung tâm của bức hình, mỗi người họ khiêm tốn chiếm một ô không gian của riêng mình. Thị trường nhạc Việt cũng thế, không hoang cằn nhưng không đủ dưỡng chất để nuôi những thân cây cao lớn, chỉ toàn những hạt mầm còi cọc đâm lên như nấm mọc sau mưa – những tên tuổi mới đông đảo nhưng nhòa nhạt bay bay như đám đông của Magritte, và khan hiếm, hay không có, những ngôi sao pop đích thực.

Tác phẩm “Golconda” của danh họa René Magritte như phác họa chính đời sống âm nhạc Việt hiện nay.

Chỉ khoảng 10 năm trước, nhạc Việt không như thế. Dù vào khoảng thời gian ấy, con sóng thần K-pop đã cuộn trào, nhưng V-pop vẫn không thiếu những ngôi sao có bản sắc, có Hồ Ngọc Hà, có Đông Nhi, có Noo Phước Thịnh, có Thủy Tiên… 20 năm trước lại càng không thiếu, đó là thời đỉnh cao của V-pop, nhà nhà mở đĩa nhạc Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, và thanh thiếu niên đua nhau để tóc theo kiểu Đan Trường.

Còn giờ đây, những nghệ sĩ chính thống dường như chìm nghỉm trong biển những nghệ sĩ độc lập, underground. Những bài hát thịnh hành nhất thuộc về những cái tên lạ với hàng loạt nghệ danh khiến nhiều khán giả rơi vào trạng thái như đang đọc một cuốn tiểu thuyết của Gabriel Garcia Marquez, tức là rơi vào một mê hồn trận nơi bạn không còn nhớ được tên ai với ai.

Và ngoài Sơn Tùng M-TP, người mà hai năm trở lại đây chỉ hoạt động nhỏ giọt, người thực sự có khả năng bẻ lái dư luận và xứng đáng với chữ “icon”, chúng ta còn ai phù hợp với danh xưng ngôi sao nhạc pop?

Mỹ Tâm và Sơn Tùng M-TP là hai ca sĩ xứng đáng nhất với danh hiệu “pop star” của âm nhạc Việt hiện nay.

Định nghĩa về một ngôi sao nhạc pop

Bạn hẳn sẽ nghĩ ngay đến một loạt cái tên, nhưng trước khi khẳng định liệu họ có thật sự là ngôi sao, hãy thử khớp lại định nghĩa về một “pop star”!

Ngôi sao nhạc pop không đơn thuần là một ca sĩ sở hữu nhiều bài hát nổi tiếng (dù có nhiều bài hát nổi tiếng là điều kiện cần để trở thành ngôi sao nhạc pop). Nó là một danh xưng mang tính biểu tượng. Khi Lady Gaga được gọi là một siêu sao nhạc pop, danh tiếng của cô không chỉ là sự cộng dồn thành tích của những bản hit “Born this way”, “Poker Face”, “Bad Romance”, nó còn gắn với thứ phong cách sống kiểu Gaga, với những lớp hóa trang quái dị đóng dấu Haus of Gaga (đội ngũ sáng tạo của cô) – cái tên chỉ nghe thôi đã khiến người ta liên tưởng tới một trường phái thẩm mỹ kiểu Bauhaus. Haus of Gaga đích thực đã thiết kế cho Lady Gaga thứ hiệu ứng thị giác mang âm hưởng nghệ thuật phản nghệ thuật của cố họa sĩ Andy Warhol.

Tham khảo nhiều ý tưởng từ tiền bối Madonna, Lady Gaga vẫn tạo được cho mình một đế chế riêng và trở thành một biểu tượng đích thực của khái niệm ngôi sao nhạc pop.

Tất nhiên, sự so sánh với Lady Gaga là khập khiễng với bất cứ ngôi sao nhạc Việt nào, nhưng một cách cơ bản, Gaga là hình mẫu chung nhất về khái niệm một ngôi sao nhạc pop. Thật kỳ lạ khi chúng ta đang sống trong thời đại vàng của ngành giải trí, có nhiều cuộc thi ca hát hơn, nhiều cách thức phát hành hơn, nhưng Sơn Tùng M-TP lại là ngôi sao pop duy nhất của thế hệ đương đại.

Còn Issac? Tự Issac cũng thừa nhận rằng anh không có một bản hit nào. Hay Soobin Hoàng Sơn? Chưa đủ tố chất để trở thành Midas – người biến mọi thứ trong tay hóa vàng. Ca khúc gần nhất của anh cho thấy phong độ tụt dốc không phanh. Min ư? Một tuyển tập các bản hit cho giới trẻ là chưa đủ. Hương Tràm? Một giọng ca xuất chúng đấy, hay như những lời tán dương – “một tiểu diva”, nhưng về phong cách cá nhân, chưa bao giờ là một trendsetter. Tóc Tiên ư? Rất cá tính, nhưng hiệu ứng từ cô không ổn định.

Tại sao?

Tóc Tiên ư? Rất cá tính, nhưng hiệu ứng từ cô không ổn định.

Thế kiềng ba chân của truyền thông đã vỡ

Khoảng 50 năm trước, Andy Warhol từng viết rằng “trong tương lai, ai cũng có thể nổi tiếng trong vòng 15 phút”. Tương lai đó đã đến. Với Facebook, YouTube và một hệ thống chằng chịt mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành người nổi tiếng. Với những người ôm giấc mộng cầm ca, điều đó càng dễ dàng hơn. Mạng xã hội tạo ra một thế trận hết sức bình đẳng giữa cả những tên tuổi được o bế với những kẻ vô danh.

Thế thống trị kiềng ba chân của những phương tiện truyền thông truyền thống là truyền hình – radio – báo chí nay gãy vỡ. Bạn chẳng cần lên TV để quảng bá sản phẩm, bạn cũng có thể nổi tiếng hơn cả các ca sĩ xuất hiện trên truyền hình. Thị hiếu công chúng vì thế cũng ngày một phân mảnh. “Hồng nhan bạc phận” của Jack có thể đạt tới 100 triệu lượt xem – con số lớn hơn dân số Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa nó là bài hát của mọi nhà. Sự phổ cập tưởng rằng dễ dàng hơn trong thời đại công nghệ, cuối cùng lại trở nên thách đố hơn.

Những dự đoán cách đây nửa thế kỷ của Andy Warhol đã sớm xảy ra trong thời đại này. Ngày nay, sự nổi tiếng không còn là đặc quyền của những ngôi sao.

Từ tất cả mọi ngóc ngách, chẳng chừa chốn nào, những nghệ sĩ độc lập, underground lách mình vươn lên. Và khi nhiều ngôi sao chính thống tù túng trong thứ nhạc rập khuôn, câu từ sáo rỗng, thì các nghệ sĩ của thế giới ngầm lại làm nhạc theo kiểu “điếc không sợ súng” – họ phá tung mọi lồng xích, họ hát thứ âm nhạc của đời mình, một thứ nhạc không hoàn chỉnh nhưng rất tự do, với những lời ca không trau chuốt nhưng tung tẩy tự tại, giọng hát chênh vênh đầy lỗi kỹ thuật nhưng có sức gây nghiện. Họ nhiều khi chiếm luôn cả vị trí của những ca sĩ chính thống trên các bảng xếp hạng thịnh hành.

Dẫu vậy, sự chia năm xẻ bảy khán giả không phải lý do cốt yếu nhất khiến những ngôi sao nhạc pop không thể được “thai nghén” trong bối cảnh âm nhạc hiện đại. Thế giới cũng chia năm xẻ bảy, mà họ vẫn có Ariana Grande, vẫn có BTS, tại sao chúng ta lại không có ai? Và chúng ta vẫn biết Sơn Tùng M-TP đã đi lên từ thế giới ngầm. Nhưng chúng ta lại không thể có thêm một, hai Sơn Tùng M-TP nữa.

Chúng ta vẫn biết Sơn Tùng M-TP đã đi lên từ thế giới ngầm. Nhưng chúng ta lại không thể có thêm một, hai Sơn Tùng M-TP nữa.

Đó không chỉ là vấn đề của riêng V-pop. Nhà báo Lê Hồng Lâm cũng từng đề cập tới nền điện ảnh Việt Nam, một nền điện ảnh không có ngôi sao phòng vé, chỉ có những ngôi sao chớp lóe rồi biến mất. Sự trường hơi đối với các nghệ sĩ Việt đương đại dường như là một xa xỉ phẩm.

Những vỏ ốc đẹp mà rỗng

Sự trường hơi ấy, tôi cho rằng nó phụ thuộc vào một phông văn hóa đủ vững vàng. Lady Gaga không bao giờ chỉ là một cô nàng thay hình đổi dạng nhanh như chong chóng. Hàm ẩn trong từng bước chuyển hóa của Gaga còn là triết lý “nghệ thuật phải ý nghĩa theo cách nông cạn nhất”, một triết lý được thừa hưởng từ Warhol.

Hãy nhìn BTS, họ thu phục được cả người Mỹ không chỉ nhờ sự nổi loạn về mặt hình thức, mà sự nổi loạn ấy lấy căn cứ từ “Hoa dạng niên hoa”, từ câu chuyện về tuổi trẻ của Emil Sinclair, từ những khái niệm phức tạp về “mặt nạ”, “cái tôi” trong phân tâm học của Carl Jung.

Nhóm nhạc nam BTS đến từ Hàn Quốc được mệnh danh là một hiện tượng toàn cầu.

Và dù có tranh cãi nhiều đến mấy về Sơn Tùng M-TP, thì đây vẫn là một trong những ca sĩ trẻ hiếm hoi thực sự hiểu mình đang làm gì chứ không chỉ là sự sao chép nguyên si từ những ngôi sao quốc tế. Phong cách unisex của anh bị những người hâm mộ K-pop cho rằng đạo nhái từ ngôi sao Hàn Quốc, trong khi người ta có thể truy dấu những thứ anh thực hiện từ thời của huyền thoại Prince.

Trong khi đó, đa phần các ca sĩ V-pop trẻ ngày nay, cả chính thống và không chính thống, đều chưa có một cái gốc đủ sâu để tạo dựng nên phong cách độc đáo của riêng mình. Họ hát chỉ để mà hát, một chuỗi những ca khúc như kiểu “Sau tất cả”, “Đừng yêu nữa em mệt rồi”… có thể rất dễ nghe, rất nhiều lượt nghe, nhưng thiếu hụt dấu ấn cá nhân, không có sự tiến triển về mặt trình độ, và tất nhiên, không thể mong chờ rằng chúng được cài cắm những ẩn dụ chờ người nghe lật mở. Họ là những cuốn sách đã giở, không bí ẩn, không chiều sâu. Đáng tiếc hơn, họ đã muốn đi quá nhanh bằng những sản phẩm âm nhạc lẻ tẻ mà không tôi luyện tư duy làm âm nhạc đường dài như cách phát hành album nhạc.

Và chẳng riêng gì những ca sĩ chính thống, cả những nghệ sĩ độc lập cũng luôn tự dẫm vào cái bóng của chính mình. Osad từng nói: “Tôi hoàn toàn không có kiến thức âm nhạc nhưng từ bé đã tham gia các hoạt động văn nghệ và cũng có chút năng khiếu. Với tôi, âm nhạc xuất phát từ cảm nhận tự nhiên chứ không học tập ở bất cứ trường lớp nào. Thông thường, tôi viết rap dựa trên những bản beat có sẵn trên mạng”. Đó là điều nguy hiểm bậc nhất. Mỏ sáng tạo nếu không được khai thác bền vững thì sẽ chẳng mấy chốc đến hồi suy kiệt.

Tác giả: Hiền Trang

05/06/2019, 16:46