Nguyệt Anh: "Muốn quyến rũ phải biết đớn đau" - Tạp chí Đẹp

Nguyệt Anh: “Muốn quyến rũ phải biết đớn đau”

Bộ Sưu Tập

Nguyệt Anh lặng lẽ rời Việt Nam, khi mà khán giả gần như quên mất giọng hát của chị. Có tin chị mất giọng. Và chị cô độc, bơ vơ ở Sài Gòn suốt hai năm khi không còn hát được và cuộc hôn nhân đầu tan vỡ.

Hơn một năm sau, Nguyệt Anh xuất hiện trên các cuốn DVD của một trung tâm ca nhạc hải ngoại, quyến rũ hơn và hát cũng nồng nàn hơn. Ba năm sau, chị trở về, chuẩn bị cho việc phát hành album đầu tay. Như thể chị đã “undo” cuộc đời mình, bắt đầu lại, nhẹ nhàng không đớn đau…

Quyến rũ – không cố mà được!

Hình ảnh của chị trên các chương trình tại hải ngoại ngày càng gợi cảm hơn. Tôi biết, nó có sự trợ giúp của ánh sáng, makeup… Nhưng mặt khác, nó cũng thể hiện tinh thần của chị, dường như chị sống và hát thoải mái hơn?

Để có được điều đó, tôi nghĩ cần nhiều yếu tố. Từ một thiếu nữ thành một người đàn bà quyến rũ theo tôi cần phải có thời gian. Phải đến một lứa tuổi nhất định, người ta mới có thể trở nên quyến rũ, như một thứ trái bước vào tuổi chín vậy. Và nó còn phụ thuộc vào sự trải nghiệm trong đời sống của mình.

Nó làm mình chín chắn hơn, quyến rũ hơn và đàn bà hơn. Và, phải trải nghiệm, phải biết đau đớn, như hoa sau bão, mà vẫn đẹp thì nó mới làm người ta nhớ. Tôi thấy một số em gái sau này cũng cố làm cho mình gợi cảm, nhưng cái gợi cảm ấy nó không tự nhiên, nó phô diễn nhục dục quá nhiều. Trái chín ép và trái chín cây khác nhau hoàn toàn. Quyến rũ, theo tôi, không cố mà được.

Một ca sỹ ở hải ngoại về nói, giới biểu diễn ở Mỹ mà ai đó không đi chỉnh sửa sắc đẹp thì thực sự là chuyện lạ. Sự quyến rũ của chị hẳn là có sự can thiệp của công nghệ này?

Tôi nào có khác gì ngày trước đâu nhỉ? Vẫn giản dị thế mà!

Chuyện đụng dao đụng kéo giờ là thường, đâu có gì mà phải giấu…

Phải rồi, phụ nữ thì luôn có quyền làm đẹp. Chỉ có điều, tôi thấy ngoại hình của mình… OK lắm rồi, nên cũng không nghĩ nhiều đến chuyện thẩm mỹ.

Ở Mỹ, chị có thường gặp những bạn đồng nghiệp cũ, như Ngọc Anh, Bằng Kiều, Thu Phương…?

Có chứ! Nhưng không thường xuyên vì ở bên đó, ai cũng có cuộc sống riêng, gia đình riêng, ai cũng bận rộn với công việc của mình. Bên đó không có chuyện thích thì gọi điện rủ nhau đi cafe tán gẫu. Chỉ có khi đi hát, ngày lễ hoặc sinh nhật. Tôi thấy không gặp nhiều cũng không sao. Quan trọng là mình nghĩ về bạn thế nào.

Vậy chị nghĩ về họ thế nào?

Mỗi người đều có được một vị trí riêng, có những thành công, đó là một niềm vui. Tất nhiên, ai cũng có những khó khăn phải đối mặt. Mà thực ra thì ở đâu cũng sẽ phải đối mặt với một khó khăn nào đó. Để mình lớn lên thôi.

Chắc gì đã “lớn” được, về mặt nghề nghiệp, khi mà để chiều lòng khán giả hải ngoại, chị, cũng như Ngọc Anh, Thu Phương và ngay cả Hà Trần… cũng đã chủ yếu chọn những bài hát cũ, quen tai, thay vì mạnh dạn đưa ra những phá cách, thử nghiệm như hồi còn trong nước. Chị có thấy tiếc?

Tôi không nghĩ là phải hát toàn bộ bài hát cũ đâu! Như đĩa Thúy Nga mới, Trần Thu Hà hát “Dệt tầm gai”, tôi cho đó là đánh dấu một phong cách mới.

Nhưng với khán giả trong nước, “Dệt tầm gai” đã tạo dấu ấn từ lâu rồi. Phải chăng ở hải ngoại, việc tiếp cận với âm nhạc trong nước cũng chậm hơn rất nhiều. Cái mới, lẽ nào đến từ… sự chậm?

Câu này hơi tế nhị, xin đừng bắt tôi trả lời… Với bản thân tôi, hình ảnh của tôi có mới mẻ hay không, xin cho tôi giữ tới khi phát hành đồng thời tại Việt Nam và Mỹ album đầu tay vào năm 2010.

Chưa dám làm single mom

Chị thấy chị khác mình 10 năm trước không?

Khác nhiều. Tôi tự lo được nhiều thứ. Tôi hát cũng khác xưa.

Còn đời sống riêng tư và chuyện tình cảm?

Tôi từng yêu, từng lấy chồng, còn bây giờ thì sống một mình.

Nghe đồn Nguyệt Anh đang có người yêu bên Mỹ, mà là người yêu cũ của một đồng nghiệp cũng mới từ Việt Nam qua?

Đó chỉ là tin đồn!

Gặp lại Hà Nội, cảm giác của chị thế nào?

Giờ tôi chỉ tìm thấy Hà Nội của mình khi đêm về, nó đẹp và lãng mạn, những con ngõ dịu dàng. Ban ngày thì người đông khủng khiếp, cũng tất bật và khói bụi như nhiều thành phố khác. Ở Mỹ, cứ nghĩ tới Hà Nội là tôi nghĩ tới mẹ.

Mẹ đang sống một mình trên phố Hàng Khay, nhìn ra hồ Gươm. Hồi trước nhớ nhà nhớ mẹ thì khóc. Giờ thì nó là động lực để mình thấy, dù sao đi nữa, mình vẫn còn một nơi chốn để thuộc về, còn có một người để nhớ đến…

Khi chị vào Sài Gòn, có rất nhiều người biết chuyện xảy ra trước đó. Bây giờ nghĩ lại, chị cho rằng đó sai lầm chốc lát của mình, hay là nghiệp chướng khó tránh khỏi?

Là người, không ai là hoàn hảo, không ai là không phạm sai lầm. Nhưng quan trọng là đừng để mình phải làm điều gì để sau này hối hận. Tôi đã làm hết sức mình trong bất cứ chuyện gì.

Đã bao giờ chị phải cay đắng: “Sao duyên số của mình ngắn thế?”

Thật ra cũng đâu có ngắn (cười). Gần 10 năm đấy chứ! Thế nên mới nhiều người biết chuyện và nhớ lâu. Mọi chuyện xảy ra đều không thể đem ra cân đo đong đếm được. Chỉ biết, qua đó, mình tự thấy mình lớn hơn, trải nghiệm hơn, sâu sắc hơn…

Hiểu đàn ông hơn, xem ra càng khó yêu hơn?

Đó có thể là một trở ngại. nhưng cũng có thể chỉ là do duyên số. Nếu gặp đúng người thì đó là duyên. Với tôi, yêu thì phải được vui và mình cũng phải làm cho người ta vui. Yêu là phải công bằng…

Không hợp với đàn ông Việt Nam, sao chị không tìm một người ngoại quốc?

Thì đúng là ngày xưa, khi còn ở Việt Nam, tôi cũng đã từng yêu một người ngoại quốc và từng thấy, không có gì quá khác biệt. Thế nhưng, khi sang Mỹ, tôi lại thấy, phải là người Việt với nhau thì mới dễ chia sẻ…

Chị còn giữ liên lạc đều với các cựu thành viên của nhóm Con Gái?

Thì tan nhóm nhưng không tan tình bạn. Đợt rồi về Hà Nội được hai ngày thôi, nhưng cũng gặp được bạn bè trong nhóm. Ai cũng ổn cả. Xuân Nhị giờ đã có gia đình con cái, cuộc sống viên mãn rồi.

Ngày xưa tôi và Bông Mai xung khắc lắm, đi hát cãi nhau cự nhau hoài. Nhưng rồi khi tan nhóm, hai đứa lại thân thiết, chia sẻ với nhau được rất nhiều điều. Khi tôi qua Mỹ, hai đứa vẫn còn giữ liên lạc và thường tâm sự nhiều.

Chị có nghĩ, chị và Bông Mai – những “nàng công chúa” được cưng chiều, xinh đẹp hát hay, nên bị… Trời bắt phạt, chuyện gia đình thường truân chuyên?

Khó nói chung chung được, duyên số thôi. Với Mai, tôi vẫn nói, mọi chuyện là tại Mai và là “tội” của Mai. Mai rất chủ động trong cuộc sống. Nhưng, dẫu vậy thì Mai vẫn thua thiệt nhiều, phụ nữ mà! Còn tôi, thực sự duyên cạn nên buộc mình phải ra đi. Tôi không may mắn trong chuyện đó.

Tình duyên khó nói, nhưng con cái là chuyện mình tính được. Chị có tính gì không?

Phụ nữ thì hầu hết đều muốn có con. Nhưng tôi đang mâu thuẫn ghê gớm. Đôi khi tôi sợ con tôi sinh ra nó cứ hỏi, bố nó là ai, như vậy tội nó. Và tôi thấy vậy là mình ích kỷ. Sau này thì chưa biết sao, chứ giờ thì tôi chưa dám làm single mom.

Ép xác lúc này để làm gì?

Minh Tuyết, một đàn chị, đi trước và cũng trở về sớm, làm liveshow vào cuối năm 2009. Điều này có khiến chị suy nghĩ?

Chị Tuyết có được sự hậu thuẫn tuyệt vời của gia đình. Còn tôi thì thực sự chưa dám nghĩ tới, xa xôi quá. Album đầu tay tôi còn chưa làm xong nữa kìa!

Chị cứ thủng thẳng thế này đến bao giờ đây?

Thêm một tuổi, thêm một kinh nghiệm sống, buồn vui đủ cả, biết bao sóng gió đi qua, làm mình bình tĩnh trước mọi chuyện. Chính vì thế, mình phải chọn cách sống sao cho phù hợp với mình, làm mình thoải mái. Ép xác làm gì vào lúc này nữa nhỉ?

Có phải vì từng trải qua mọi thứ, kể cả việc phải đối mặt với chuyện mất đi tài sản lớn nhất của mình: đó là giọng hát, nên giờ chị cố gắng nâng niu từng ngày đang có của mình, sống từ từ, hát từ từ?

Tôi qua Mỹ 3 năm, bệnh ở cổ họng cũng khỏi rồi, nhưng nó như một vết thương, dù đã lành sẹo nhưng chỉ cần đụng tới thì nó sẽ đau nhức. Nên giờ mình phải sống giữ gìn hơn. Thời gian đầu qua Mỹ, tôi đi diễn show, khán giả chưa biết nhiều.

Hai năm qua, nhờ các chương trình ghi hình DVD của Thúy Nga, hình ảnh của tôi được biết đến nhiều hơn. Nói chung, tôi rất dễ thích nghi, nhưng quả thực, để sống ở Mỹ không dễ.

Rất vất vả. Nhưng khi đã quen thì bạn sẽ dễ có được sự cân bằng. Tôi nghĩ sự “từ từ” mà anh vừa nói là kết quả của việc thích nghi này. Tôi cũng nghĩ, “enjoy” được cuộc sống là điều tốt nhất, nhất là khi ta độc thân và sống trong một thành phố hầu hết là người lạ.

Đã bao giờ chị tính sẽ làm một nghề khác, phòng khi nhỡ đâu, giọng hát lại phụ mình?

Đi hát vẫn là ưu tiên nhất, vẫn quan trọng nhất ở hiện tại. Còn lại thì chưa tính gì được. Tôi không khao khát tiền bạc nhiều, nên không mặn mà gì với việc kinh doanh. Nên chắc là sẽ đi học.

Có quá nhiều thứ làm mình muốn học. Tôi rất cảm động khi nhìn thấy những người lớn tuổi vẫn hàng ngày tới giảng đường. Họ học như là một niềm vui vậy!

Nhưng làm sao có thể vui được, khi ta sống một mình, không tình yêu, cũng không tri kỷ?

Mọi thứ tôi phải tự học, tự tiếp cận mọi thứ vì tôi qua Mỹ vào lúc khủng hoảng kinh tế. Và đặc biệt là tôi không có gia đình, không có người thân. Ngôn ngữ cũng là vấn đề. Tôi có thể giao tiếp và nói chuyện thoải mái những chuyện “tám” hàng ngày, nhưng đi vào chuyên môn, thì mình khó theo kịp. Tôi nghĩ mình cần thời gian.

Còn chuyện sống một mình, thì tôi đã quen rồi, từ hồi chuyển vào Sài Gòn. Nhưng là một phụ nữ, những khi ốm đau hay lễ Tết, lúc mà mọi người đều có người thân, gia đình bên cạnh, tôi cũng buồn lắm chứ…


Text: Hoài Phố – Concept & stylist: Leo QT
Photo: Phạm Hoài Nam- Make-up: Phương V
Hair style: LV

Thực hiện: depweb

05/03/2010, 17:02