Bất kể thời đại, Hà Nội lúc nào cũng luôn có nhiều chợ. Theo sứ giả người Tàu là Trần Phu ghi trong “An Nam tức sự” thì ngay từ đời Trần, cả thành Thăng Long đã là một chợ lớn. “Cứ hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt. Hễ cách 5 dặm thì dựng một ngôi nhà 3 gian, bốn phía đặt chõng để làm nơi họp chợ”.
Những thế kỷ tiếp sau, nhất là ở các giai đoạn chế độ phong kiến thịnh trị, số lượng chợ luôn bạt ngàn tăng. Địa điểm họp là cửa ô, cửa thành và bến sông. Vào cuối thế kỷ 18, cảnh họp chợ Bạch Mã (tên gọi khác của chợ Cửa Đông, khoảng phố Hàng Buồm ngày nay) được coi là một trong “bát đại cảnh sinh hoạt”, Phạm Đình Hổ có ghi lại ở “Vũ trung tùy bút”. “Là một chợ buôn bán rất huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta lấy hết cả”. Như vậy có thể thấy, việc móc túi ở các chợ Tràng An đã có hẳn một chiều dài lịch sử. Nó là một nét đặc sắc của người Kẻ Chợ.
Ở Hà Nội vài mươi năm lại đây, ngoài lừng lẫy hai “Thái Sơn Bắc Đẩu” cỡ như Đồng Xuân – Bắc Qua hay kém hơn một tí, chợ Hôm – Đức Viên thì còn vô số những chợ cóc, chợ tạm, chợ đuổi… (người ở Hà Nội ít dùng chữ chợ dù). Và tuy chẳng muốn, những chợ ở Hà thành luôn lừng lững làm ra một kiểu văn hóa rất riêng biệt.
Gần đây, nhiều quan chức cỡ quận được chơi với vài nhà Hà Nội học uyên bác, đôi khi đi thăm chợ về đã lẫn lộn khái niệm văn hóa và văn minh. Có phải thế chăng mà người ta chuyển chợ Hàng Da hay Cửa Nam thành siêu thị, cho dù cả hai đang ngắc ngoải sống dở chết dở. Văn minh chỉ là chuyện “cần”, văn hóa mới là chuyện “sinh tử”. Đương nhiên, chủ nhân của văn hóa chợ phải là những người mua bán ở đấy, đặc biệt là những người ngồi bán.
Tất nhiên, phần lớn đều là các bà các cô mà phong độ đặc trưng dễ thấy thường tập trung ở những thiếu phụ tuổi khoảng từ băm nhăm đến sáu nhăm. Ngày xửa xưa, họ đã được những nhà văn tầm cỡ Thạch Lam, Vũ Bằng miêu tả rồi. Sắc sảo, tần tảo, nhu hoạt, thương chồng chiều con. Ngày nay đại loại họ vẫn thế thôi, bởi họ là đời thứ hai đời thứ ba. Thậm chí hiếm hoi như bên ngoại của kẻ viết bài này, nối nhau bốn đời chuyên ngồi chợ Đồng Xuân. Thật may mắn được là đứa con trai sinh ra từ một gia đình như thế.
Đàn bà ngồi chợ vốn là chuyện “thiên kinh địa nghĩa”, khó mà bàn thêm. Đàn ông ở Hà Nội ngồi chợ mới đáng kể. Xưa thì chẳng biết thế nào, nhưng từ sau “hậu bao cấp” bỗng thấy khá đông. Nói chung ít thấy đàn ông ngồi ở những chợ kiểu rau cỏ “cổ điển”, đa phần bọn họ ngồi ở những loại chợ “mới” như chợ Giời hay chợ xe đạp xe máy. Còn “chợ lao động” thì nói làm gì, ngồi ở đó tuyệt đối chỉ có đám lộc ngộc đàn ông ngoại tỉnh. Đám này thỉnh thoảng bị bọn “máy bay bà già” rửng mỡ lượn qua tìm bắt “phi công trẻ”.
Đàn ông ngồi chợ Giời (một dạo xe đạp xe máy vào họp chung), phần lớn có vẻ ngoài phóng khoáng ngầu ngầu anh chị. Hỗn danh “con phe chợ Giời” khét tiếng chẳng kém gì “kẻ cắp chợ Đồng Xuân”. Bọn họ xuất xứ khá tạp. Có thể là đi bộ đội nửa chừng về. Có thể là vỡ nợ xuất khẩu lao động về. Cũng có thể hết hạn từ một trại nào đấy về. Ở đó hoàn toàn không có những thứ mà vài phim truyền hình ngô nghê mô tả. Lấy đâu ra trong trắng sinh viên, ngơ ngác cán bộ hay bơ vơ thi sĩ mưu sinh.
Vì thế, tuy buôn bán tương đối lành mạnh nhưng nhiều khi gặp mấy tay lớ ngớ khách hàng mặc cả “đểu”, thì đàn ông ngồi chợ Giời sẵn sàng cho ăn một quả “ổi Tầu” (mũ cứng quân dụng nguồn gốc từ Trung Quốc) vào giữa mặt. Không chỉ “choảng” khách mà đôi lúc bọn họ có “choảng” nhau. Đại loại như thơ của một nhà thơ cám cảnh văn đàn. “Những tưởng đầu đường thương xó chợ. Ai ngờ xó chợ cũng tương nhau”.
Các “con phe” hồi ấy thường mặc áo bay Nga quần bò “Kinh Giô” Thái, tất nhiên không hiếm những chàng chơi hẳn một cây Levi’s “mỏ đỏ”, cổ lủng lẳng một dây chuyền cả lạng vàng ta. Bọn họ khá hoạt khẩu, cưa được nhiều em bán đồ điện tử. Ngược với tính cách “hơi bị giang hồ”, bọn họ thường yêu chung thủy, nhất là những cặp cùng đứng bán chung một mặt hàng.
Đàn ông hay ra ngồi chợ “cổ điển” khác hẳn, đông nhất là đám “a ma tơ” thường ra trông hộ hàng cho mẹ hoặc vợ. Bọn này có thể là sinh viên là cán bộ lương thấp do cơ quan ít việc. Bọn họ hay bị ăn mắng vì vụng về không thuộc giá, đã thế có đứa chỉ rình lúc vợ hay mẹ sơ sẩy là nhanh nhẹn nhón ít tiền giấu vào giầy.
Khoảng những thập niên bảy mươi tám mươi ở thế kỷ trước, đàn ông bán chuyên nghiệp ở chợ Đồng Xuân chỉ có một vài, ví như ông Quang bán nón hay anh Tráng bán mũ, buôn đảm hơn cả đàn bà. Đặc biệt có hai chàng cực kỳ nổi tiếng “dị”, sau lưng bị gọi là “đồng cô”. Một bán hàng ăn vừa nanh nọc đanh đá vừa làm bẩn, chuyên bắt nạt đám nhà quê đi chợ. Anh ta tới bữa thường sang quán cơm bà Trường vừa sạch vừa ngon để ăn.
Còn một nữa bán bánh giày giò rong tên Phương. Anh ta đầu đội thúng, mồm và mông dẻo nguây nguẩy, nói tục như ranh. Bánh giày giò (có cả chả diềm) của Phương đồng cô tinh tế khó tả, một thứ quà tuyệt phẩm của chợ. Anh ta chỉ bán khoảng từ bốn rưỡi chiều và chỉ bán cho các bà các cô ngồi chợ. Kẻ viết bài này hồi đó đang theo đòi bút nghiên, cứ chiều chiều lại tìm cớ lên dọn hàng cho mẹ cốt để được ăn món quà rong thượng hạng đấy.
Và cũng đã mấy chục năm rồi, quên quên nhớ nhớ đủ điều, ngay cả những thứ tưởng là sâu sắc như nụ hôn đầu. Vậy mà chẳng thể quên nổi cặp bánh giày giò của người đàn ông ngồi chợ. Nó nghẹn ngào trắng ngà, dịu dàng ôm chặt khoanh giò lụa lỗ chỗ mặt mìn mịn phớt hồng.
Bài: Nguyễn Việt Hà