– Nhiều người cho rằng xuất phát điểm thuận lợi khiến anh đạt thành công dễ dàng khi tuổi đời còn rất trẻ. Anh có muốn phản biện gì không?
– Thành công chưa bao giờ là dễ dàng và điều đó dĩ nhiên cũng đúng với tôi hay bất kỳ doanh nhân nào. Tôi không phủ nhận xuất thân tốt là một lợi thế lớn khi kinh doanh, chẳng hạn nhờ vậy tôi có thể huy động nguồn vốn “khủng” trong thời gian ngắn. Thế nhưng chính cái gọi là điểm mạnh này cũng là điểm yếu cho những người có hoàn cảnh giống tôi. Đó là vô hình chung tạo nên sự chủ quan dẫn đến những thất bại không lường trước.
Tính đến thời điểm trước khi tiếp nhận vị trí CEO Tập đoàn từ gia đình, tôi đã khởi nghiệp tạm ổn với 3 dự án liên quan đến lĩnh vực ăn uống kết hợp giải trí gồm Sin Ultra Lounge, ACE Night Club, MAMA Restaurant và một công ty chuyên về tổ chức sự kiện lẫn marketing. Gọi là tạm ổn nhưng trên thực tế tôi đã bị… “đánh” bầm dập ngay từ những ngày đầu, thậm chí lại tiếp tục vấp ngã từ những sai lầm quen thuộc. Vì sao? Bởi tôi còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, non kiến thức và trên hết, như đã đề cập, đó là quá chủ quan. Sin Ultra Lounge sau 6 tháng ra mắt có nguy cơ phá sản buộc tôi phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc giải tán hoặc “phóng lao phải theo lao”. MAMA Restaurant cũng gặp tình trạng tương tự khi tôi chưa tìm hiểu kỹ thị trường cũng như tìm kiếm đối tác phù hợp trong khi ẩm thực không phải là thế mạnh của mình.
Có thể tôi đã có được khởi đầu ưu thế hơn những người khác nhưng không có nghĩa thành công sẽ có sự ưu ái với riêng tôi. Khi bạn bước vào thương trường thì tất cả sẽ cùng cạnh tranh công bằng, ai có thực lực, kiên trì và bản lĩnh sẽ trụ đến cuối cùng. Còn không thì cho dù là thiên tài hay thần đồng cũng chưa chắc vinh quang sẽ thuộc về bạn.
– Vậy ắt hẳn anh cũng có được không ít bài học “xương máu” từ những vấp ngã trên?
– Có 3 điều quan trọng mà tôi tích lũy được từ những kinh nghiệm thực tiễn của mình. Thứ nhất vứt ngay kế hoạch kinh doanh vào sọt rác bởi tất cả những gì bạn tưởng tượng về thị trường, ước lượng về mọi biến cố đều không như bạn nghĩ. Kế hoạch kinh doanh là cần thiết nhưng không phải là tất cả khi thực tế dạy rằng từ ngày đầu sản phẩm ra mắt thì bản kế hoạch ấy đã sai rồi. Thứ hai là biết dùng người. Không riêng gì tôi mà bất kỳ CEO nào cũng sẽ phải hiểu rõ điều này bởi đây chính là kim chỉ nan giúp một doanh nghiệp tồn tại. Cuối cùng là học cách chấp nhận thất bại và can đảm đối mặt với chúng. Bản thân tôi không bao giờ quên khoảnh khắc mình phải đứng trước toàn thể nhân viên tuyên bố phá sản một dự án vì thua lỗ. Trong khi cách đó không lâu tôi đã thuyết phục họ cùng leo lên con tàu ấy với mình. Thực tế là vậy! Chúng ta buộc phải chấp nhận một khi lựa chọn theo đuổi con đường này.
– Được biết anh cũng là “cha đẻ” của Dreamplex – “đại bản doanh” của hơn 60 start-up Việt (tính riêng tại TP.HCM). Anh đánh giá như thế nào về thực lực của giới khởi nghiệp Việt Nam?
– Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành “thiên đường start-up” nếu so sánh với các quốc gia lân cận. Thứ nhất, chúng ta sở hữu lực lượng lập trình viên giỏi, nếu không muốn nói là hàng đầu tại Châu Á. Lực lượng này sẽ đóng vai trò mấu chốt nếu bạn cần phát triển sản phẩm trên nền tảng công nghệ mà không cần phải có kiến thức chuyên ngành quá sâu.
Thứ hai, nhiều Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các Vườn ươm khởi nghiệp dần có mặt tại Việt Nam, thêm vào đó chính phủ cũng bắt tay cùng doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một số rào cản mà các start-up Việt cần tỉnh táo nhận ra và điều chỉnh sớm nhất có thể. Chẳng hạn như kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, mạng lưới quan hệ, đặc biệt hơn cả là tư duy kinh doanh. Tôi có cơ hội làm việc với nhiều doanh nhân trẻ đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia và được nhận những câu hỏi hay suy nghĩ hoàn toàn khác biệt mà chắc chắn nếu ở Việt Nam tôi sẽ không bao giờ được hỏi như vậy. Họ luôn nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và đi đến tận “hang cùng ngõ hẻm” trong khi các bạn trẻ Việt Nam thường ngại hỏi mà chỉ thụ động làm theo những gì được yêu cầu. Đã đến lúc các bạn cần thay đổi quan điểm tư duy từ kỹ thuật sang kinh doanh để phù hợp với thị trường toàn cầu hơn.
– Khá nhiều tập đoàn “gia đình trị” gây ồn ào bởi những câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt”. Điều này có xảy ra khi anh kế thừa vị trí cao nhất từ cha mẹ mình?
– Gia đình tôi may mắn không nằm trong số đó và thời điểm chuyển giao “quyền lực” cũng không gặp nhiều sóng gió như trong các bộ phim truyền hình dài tập (cười). Tôi nghĩ có lẽ một phần đến từ sự tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối của cha mẹ khi 90% các quyết định của tập đoàn đều từ phía tôi. Nhân đây tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng quan điểm “gia đình trị” hoàn toàn không tồn tại trong môi trường làm việc của chúng tôi. Chúng tôi chỉ hợp tác với người có thực lực, chứ không phải với người có gia thế.
– Việc kinh doanh dưới thời của anh sẽ khác như thế nào so với thời của thế hệ trước?
– Thời của cha mẹ tôi thì mọi thứ quy củ, chặt chẽ trong khi thời của tôi thì trẻ trung, phóng khoáng, cởi mở cho dù… chưa kiếm được nhiều tiền (cười). Thế nhưng mục tiêu lâu dài mà tôi muốn đem lại chính là tập đoàn sẽ phát triển theo hướng kinh doanh “sạch” gắn liền với những giá trị sáng tạo đầy chất lượng.
Ảnh: Lâm Minh Trung