Nguyễn Trần Duy Nhất - “Không phải độc cô, cũng chưa từng... cầu bại” - Tạp chí Đẹp

Nguyễn Trần Duy Nhất – “Không phải độc cô, cũng chưa từng… cầu bại”

Giải Trí

Duy Nhất đến với võ thuật là câu chuyện hết sức hiển nhiên của một người tiếp nối truyền thống gia đình. Cả bố mẹ anh – ông Nguyễn Trần Diệu và bà Minh Ánh Ngọc – đều là nhà vô địch trên sàn võ đài tự do. Nhưng số phận (sự du nhập của Muay vào Việt Nam) và ý chí phi thường của chàng trai trẻ đã lái định mệnh cuộc đời anh sang một ngã rẽ khác. Thay vì chỉ xưng hùng xưng bá ở Việt Nam như các bậc tiền bối, Duy Nhất đã vươn lên tầm vóc quốc tế, trở thành nỗi sợ hãi của chính những võ sĩ Thái Lan, cái nôi của Muay. Khi trả lời phỏng vấn, Duy Nhất mỉm cười khẳng định anh không hề cô độc như nhân vật trong truyện kiếm hiệp, cũng không dám nhận mình là kẻ vô đối bởi biết chân lý ngoài trời còn có trời.

Ta là một, là riêng là… duy nhất

– Với những người chơi Muay và với chính Duy Nhất, đâu là khó khăn nhất khi tiếp cận với bộ môn này?

– Khó khăn nhất chính là giai đoạn khởi đầu. Người tập sẽ bị nhức mỏi rất nhiều cơ bắp. Muay là môn võ đấu tự do, đòi hỏi ta phải sử dụng tất cả những chi trong cơ thể mình từ tay, chân, chỏ, gối… Khi đó mình sẽ bị đau nhức tất cả những bộ phận ra đòn, chẳng hạn như những cú đá với ống quyển. Nếu không có ý chí và sức chịu đựng trong giai đoạn khởi đầu đó thì sẽ phải bỏ buộc.

– Sự thích nghi của anh khi chuyển từ võ cổ truyền sang Muay diễn ra thế nào?

– Trong võ cổ truyền của mình không sử dụng những đòn chỏ và gối, chỉ sử dụng đấm đá thôi. Nên khi vừa chuyển qua, tôi phải làm quen và tập luyện với những kỹ thuật mới như phòng thủ bằng cách be gối, rồi học cách tấn công với chỏ và gối. Ở Việt Nam, việc tấn công với 2 động tác này không được phổ biến như bên Thái Lan nên bọn tôi đã được lãnh đạo đưa qua Thái tập huấn.

– Đâu là lý do chính của sự chuyển hướng ấy?

– Năm 2009, tôi vẫn đang theo võ cổ truyền. Thời gian ấy, võ cổ truyền và Vovinam đang được xem xét xem môn nào sẽ trở thành quốc võ của Việt Nam. Rốt cục Voninam đã được chọn. Bản thân tôi thì lại muốn hướng ra quốc tế để được cọ xát, học hỏi với các võ sĩ trên thế giới nên tôi đã quyết định chuyển sang môn Muay Thái bởi đây là môn quốc tế. Còn võ cổ truyền thì chỉ có thể chơi trong nước mà thôi.

– Chỉ một năm sau quyết định chuyển hướng ấy, anh đã là nhà vô địch thế giới. Đâu là yếu tố quyết định đến thành công này?

– Truyền thống võ thuật của gia đình đến tôi đã là đời thứ 4. Từ ông cố xuống ông nội rồi bố tôi đều là những võ sĩ tự do. Tôi tập võ từ khi mới 6 tuổi, được bố mẹ và ông tận tình chỉ dạy. Đến 14 tuổi tôi chính thức bước vào thi đấu đối kháng. Từ ấy trở đi là một quá trình tích lũy kinh nghiệm lâm trận. Khi chuyển sang Muay, tôi đã có kỹ thuật và kinh nghiệm chiến đấu rất ổn, chỉ phải tập thêm những kỹ thuật đặc thù của Muay mà thôi. Và từ khi chuyển sang môn này, tôi cũng chủ động liên tục thi đấu, cọ xát để rút kinh nghiệm.

Ngày lên đường dự giải vô địch thế giới đầu tiên (2010), tôi cũng chỉ đặt mục tiêu là học hỏi chứ chưa dám nghĩ đến việc giành huy chương. Các nước dự giải ngày ấy thậm chí còn không biết Việt Nam là nước nào. Người Việt Nam nhỏ bé, lại lần đầu tiên dự Muay nên không được đối thủ đánh giá cao. Thành tích HCV năm ấy quả là ngoài dự liệu của tôi.

– Từ HCV đầu tiên cho đến khi đã trở thành “Độc cô cầu bại” trên sàn đấu, đâu là giai đoạn khó khăn nhất của anh?

– Chấn thương 8 tháng, 2012 khiến tôi phải nghỉ thi đấu suốt hơn nửa năm trời. Buồn lắm. Mấy bạn xung quanh ai cũng được tập luyện và thi đấu, trong khi mình phải ngồi nhìn, giống như là một sự tra tấn về tinh thần vậy. Huống chi bản tính dân thể thao lại thích đi đây đi đó, thói quen tập luyện đã ăn sâu vào máu thì những tháng ngày ấy quả là khó chịu. Đã vậy tôi còn phải nghe nhiều ý kiến cho rằng mình đã hết thời rồi. Nhưng cũng từ chính những lời nói như vậy càng làm cho ý chí của tôi trở nên mạnh mẽ. Tôi quyết sẽ trở lại và thậm chí còn mạnh hơn trước. Nghĩ là làm, dù bị gãy tay bó bột, tôi vẫn xuống phòng tập để tập… tay còn lại.

– Vì sao lại xảy ra chấn thương đáng tiếc ấy? Anh dồn lực quá nhiều vào động tác đánh hay bất ngờ thực hiện sai kỹ thuật?

– Trong tình huống ấy, tôi đã dồn lực quá nhiều vào cú “rờ ve” với mong muốn sớm kết thúc trận đấu, tay tôi đập mạnh vào phần trán của đối thủ. Trán chính là bộ phận chắc nhất trong cơ thể. Trong boxing các võ sĩ hay đưa phần trán của mình về phía đối phương để chịu những cú đấm. Khi đó tôi tung cú “rờ ve” vào đúng lúc đối thủ đưa trán ra, chấn động rất mạnh khiến tôi gãy tay. (Những cú “rờ-ve” là con dao 2 lưỡi. Người thực hiện động tác này quay lưng về phía địch thủ, cánh tay đi được một quãng đường dài nên lực đạo cực mạnh. Nếu thành công, tỷ lệ knock-out đối thủ rất cao, nhưng vì đưa lưng về phía đối thủ nên khả năng quan sát của người đánh không được hoàn hảo và có thể bị đối phương tận dụng để phản công – PV).

– Và khi ấy…

– Tôi ép chặt cánh tay đau ấy vào người, sử dụng 2 chân và tay còn lại, vừa đánh vừa di chuyển cho đến khi hết trận.

– Chà, vậy là từ Độc Cô Cầu Bại trở thành… Độc Thủ Đại Hiệp rồi. Anh đã vượt qua giai đoạn chấn thương khủng khiếp ấy như thế nào?

– Hôm xảy ra chấn thương là một đêm Chủ Nhật. Tôi đánh với võ sĩ Thái Lan xong thì chạy đến bệnh viện để kiểm tra. Nhưng vì Chủ Nhật nên người ta không làm, tôi phải về nhà nghỉ qua một đêm. Sáng hôm sau quay trở lại chụp phim, trong thời gian ngồi chờ kết quả tôi chỉ mong đó là một vết trặc gân hay chấn thương phần cơ thôi. Nhưng khi bác sĩ đem phim ra và bảo xương tay đã gãy, tôi cảm giác như cả bầu trời đen tối sụp xuống trước mắt. Tôi cố vượt qua thời gian này bằng cách đến phòng tập, huấn luyện cho các em nhỏ những động tác kỹ thuật của mình và chờ ngày bình phục. Nhưng không thể chờ cho đến khi cánh tay hoàn toàn lành lặn hoàn toàn thì tôi đã thượng đài, chỉ có điều hạn chế dùng tay phải mà ra đòn tay trái và 2 chân nhiều hơn

Duy nhất nói về cái tên duy nhất: “Đây là cái tên do ông nội đặt cho, nó gắn bó với cuộc đời tôi khi tôi thi đấu hay làm bất kỳ việc gì đó. Tôi luôn muốn làm hết sức mình để thật sự xứng đáng với 2 chữ “Duy Nhất”, vừa là cái tên, vừa là niềm kỳ vọng mà ông tôi đã gửi gắm qua đó”.


Độc cô, nhưng không… cô độc

– Ngoài những tiền bối đi trước trong gia đình, anh có hâm mộ võ sĩ Muay nào ngoài đời?

– Tôi vẫn thường xuyên xem các võ sĩ Muay trên thế giới thi đấu, mỗi người lại mang một phong cách khác nhau và tôi có thể tự rút ra những bài học cho mình. Chẳng hạn như Buakaw (Buakaw Banchamek, 32 tuổi, huyền thoại của Muay Thái – PV), một người thi đấu với trái tim mạnh mẽ, những cú đá uy lực. Hay như Saenchai (Saenchai PKSaenchaimuaythaigym, 34 tuổi, được mệnh danh là “đỉnh cao Muay của Xiêm” – PV) với những đòn đánh lắt léo, dẻo. Ngoài ra còn là những đòn gối, đòn chỏ của Kem (Kem Sitsongpeenong, 30 tuổi).

– Vả cả… Tony Jaa nữa chứ nhỉ?

– Đúng rồi. Lần đầu tiên tìm đến Muay Thái, tôi cũng vô tình coi được bộ phim “Truy tìm tượng phật” (Ong Bak, phát hành lần đầu tại Thái Lan năm 2003 – PV). Kỹ thuật đánh Muay của Tony Jaa rất đẹp và chuẩn, thiên về võ thuật điện ảnh. Tony Jaa là người khiến tôi biết nhiều hơn đến Muay và là người truyền nhiệt huyết để tôi tự tin hơn trong việc dấn thân vào môn võ này.

– Phim mới nhất của Tony Jaa – “Fast & Furious 7” – anh đã xem chưa?

– Tất nhiên là tôi phải xem rồi (cười).

– Từ một võ sĩ Muay, Tony Jaa giờ đã vươn lên trở thành một ngôi sao giải trí của thế giới. Anh có nghĩ đến việc một ngày nào đó sẽ lấn sân sang điện ảnh?

– (Cười). Cái này tôi chưa biết nữa. Bản thân tôi đang thích thi đấu đối kháng cũng như bận rộn với công tác huấn luyện. Nhưng nếu trong tương lai mà có một lời mời, một cơ hội nào đó thì tôi cũng muốn tham gia thử xem sao.

– Trước khi chuyển hướng sang điện ảnh, được biết anh có rẽ qua một thú vui khác là mô tô?

– Trong lớp tập Muay của tôi có rất nhiều bạn cũng đam mê mô tô. Chúng tôi cũng hay tham gia một số tour phượt. Nhưng hiện tại tôi đành phải gác lại niềm đam mê này để tập trung hoàn toàn vào việc tập luyện và thi đấu. Niềm đam mê ấy chỉ dám nuôi dưỡng trong lòng. Phải khi nào có điều kiện thuận lợi, có tour đi vào đúng lúc rảnh thì mình mới tham gia.

– Trở lại với Muay, Độc Cô Cầu Bại phiên bản Việt Nam có mang nỗi lòng của huyền thoại trong truyện chưởng, mong có một đối thủ xứng tầm để được… bại một lần?

– Đấy luôn là tiêu chí, là sở thích của những người theo nghiệp võ. Gặp một đối thủ càng mạnh thì càng thích vì chỉ khi ấy mình mới nhận ra được những hạn chế của bản thân, từ ấy hoàn thiện hơn nữa về kỹ thuật lẫn bản lĩnh thi đấu.

– Trong truyện, Độc Cô là một người rất cô đơn, còn anh thì sao?

– (Cười to). Danh hiệu Độc Cô Cầu Bại là do báo chí phong cho, chứ tôi cũng không dám tự nhận. Nhưng dù là Độc Cô đi nữa thì tôi cũng không hề… cô độc. Quanh tôi có rất nhiều bạn bè, trong phòng tập, trên đội tuyển. Bọn tôi ai cũng vui và hòa đồng.

– Nhiều bạn bè, nhưng còn… bạn gái thì sao?

– Hiện tại tôi chỉ lo tập trung tập luyện và thi đấu, tôi chưa nghĩ đến việc sẽ quen với bất kỳ người bạn gái nào.

– Kết thúc câu chuyện này, anh muốn nhận được lời chúc gì từ độc giả? Chúc anh tiếp tục vô đối hay sớm tìm ra đối thủ xứng tầm?

– Xin hãy chúc tôi sức khỏe thật tốt, chúc tôi… không bao giờ chấn thương. Chỉ cần không chấn thương, giữ được thể lực thì tôi sẽ có cơ hội bảo vệ những thành tích mà mình đạt được đồng thời hướng đến những mục tiêu xa hơn. Còn chuyện đối thủ xứng tầm thì tất nhiên sẽ có, trên thế giới này có bao nhiêu người, mình đâu thể ngông cuồng mà tự xưng là… Cầu Bại! 

Vô đối trên biển lớn, thât thủ tại ao

Nhắc đến Duy Nhất, những ai yêu mến anh hẳn chưa thể quên được những giọt nước mắt tức tưởi của chàng võ sĩ này trên võ đài Muay của SEA Games 27. Khi ấy, đường đường là một nhà vô địch thế giới, Duy Nhất lại thất thủ tại bán kết trước một VĐV Lào.

Duy Nhất thua không phải vì kém hơn đối thủ mà bởi những phát quyết hết sức bất công từ cánh trọng tài, những người đã cố tình loại Duy Nhất để tước đi một chiếc HCV của Việt Nam, khi ấy đang đua tranh quyết liệt với chủ nhà Myanmar cho vị trí thứ nhì toàn đoàn. Trên Youtube vẫn còn lưu lại đoạn clip mà trong đó, VĐV Lào đã… chạy để né đòn với ý đồ rất rõ là không cho Duy Nhất tiếp cận.

Cả nhà thi đấu Wunna Theikdi đã phẫn nộ khi trọng tài xác nhận Duy Nhất thua trận. Đoàn Việt Nam đã làm đơn kiến nghị, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Muốn kiện thì đóng tiền ở đây, nhưng kết quả cũng không thay đổi được đâu”.

Nhớ lại ký ức ấy, Duy Nhất hãy còn vừa tức vừa buồn cười. Anh nói: “Khi dự SEA Games, bọn tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần sẽ xảy ra nhiều chuyện tiêu cực như thế. Rất nhiều môn đấu không lại mình thì người ta sẽ sử dụng chiêu trò. Rút kinh nghiệm từ chuyện ấy, Ban huấn luyện đã đề ra những đấu pháp trong tương lai. Chúng ta phải cố đánh cho đối thủ gục ngay trên sàn đài thì ngay cả trọng tài muốn bênh vực cũng không thể làm gì được”.

Nhưng đến tận giữa tháng này, chính Duy Nhất cũng không biết là liệu mình có cơ hội để tranh chiếc HCV Muay ở SEA Games 28 tới đây tại Singapore hay không. Duy Nhất nói: “Đội Muay của Singapore rất yếu nên đến giờ vẫn chưa biết là họ có tổ chức bộ môn này hay không”.

The Body Issue

Sức hút từ những bộ phim bom tấn hè của Hollywood gần đây, như “Fast and Furious 7” hay“Avengers: Age of Ultron” ngoài những màn trình diễn kỹ xảo mỹ mãn, kịch bản giàu kịch tính còn phải kể đến những cơ bụng 6 múi và hình thể như đúc bằng tượng của dàn diễn viên chính. Vin Diesel, Jason Statham, Dwayne Johnson hay anh chàng ca sĩ đóng phim Ludacris đều sở hữu những thân hình hoàn hảo với chế độ luyện tập khắc nghiệt. Biệt đội siêu anh hùng của Marvel như Robert Downey Jr, Chris Evans, Chris Hemsworth… 

Cuộc chạy đua… cơ bắp cũng không kém cạnh ở Việt Nam. Năm ngoái, Kim Lý một bước lên sao nhờ thân hình hoàn hảo từng centimet hơn là vai diễn anh hùng “chết yểu” trong bộ phim “Hương ga”.Hiếu Nguyễn từ anh chàng lơ xe cũng đổi đời nhờ lời khuyên của một anh bạn vì có thân hình cơ bắp cuồn cuộn và trở thành gương mặt nam tính trong nhiều bộ phim điện ảnh. Còn chàng “Hotboy nổi loạn” đa cảm Hồ Vĩnh Khoa giờ cũng trở thành “Mr. Hoàn hảo” sau những ngày miệt mài ở phòng tập. Tất nhiên, cơ bắp không chỉ là “lãnh địa” của các anh chàng showbiz. Những màn trình diễn đẹp nhất của bộ môn thể thao đường phố “street workout” đến từ 8 chàng trai của Nhóm 6 múi trong show truyền hình thực tế “Vietnam Got Talent” khiến không ít khán giả xem trực tiếp phải đứng dậy cổ vũ, còn ở nhà – các bà nội trợ phải bỏ dở việc nấu nướng để dán mắt vào màn hình tivi còn cánh đàn ông thì đột nhiên ngồi thẳng lưng lên để hóp bớt bụng bia của mình lại. Chàng võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất được báo chí mệnh danh là “Độc cô cầu bại” nhờ lập nhiều chiến tích với môn võ cổ truyền Muay Thái cũng sở hữu một thân hình ấn tượng. Tất nhiên, để có những thân hình hoàn hảo không một gram mỡ thừa, những anh chàng “6 múi” phải trải qua hàng ngàn giờ luyện tập và chế độ dinh dưỡng đặc biệt. “No pain, no gain”, không có thành quả nào không phải trả bằng mồ hôi và sự kỷ luật. “Nói việc tập luyện chỉ có khổ cực thôi thì không đúng đâu. Cảm giác vượt qua được một bài tập khó hay giới hạn nào đó của bản thân nó cực kỳ phấn khích và thỏa mãn, thậm chí gây nghiện nữa! Cũng như cuộc sống, càng đi qua khó khăn càng thấy tự tin và sung mãn hơn” – chia sẻ của Hồ Vĩnh Khoa trong chuyên đề “The Body Issue” trên số này hy vọng sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều quý ông đang thiếu sự tự tin và sung mãn vì sở hữu cơ bụng… một múi sẵn sang đến phòng tập để cải thiện hình ảnh bản thân.

Bài cùng chuyên đề:

– Hiếu Nguyễn – 6 múi không phải để “chặt chém”

– Khối bất giác 6 múi

– Nguyễn Trần Duy Nhất – “Không phải độc cô, cũng chưa từng… cầu bại”   

Text: Minh Tran

Photo: Thien Minh (T Studio)  


Thực hiện: depweb

27/04/2015, 15:53