Nguyễn Thị Việt Thanh: 9 ngăn tủ cuộc sống

 

– Vì sao chức danh trên danh thiếp của chị lại là “Chief Opportunity Connector” – Người kết nối cơ hội?

– Mỗi người nên theo đuổi một công việc mà họ đam mê, có khả năng nhất định và có thể tạo ra những giá trị mà xã hội cần. Tôi khá may mắn khi sớm đạt những thành tựu nhất định khi mới bắt đầu sự nghiệp, và điều đó khiến tôi nhận ra rằng, sự thành công, hạnh phúc trong cuộc sống có một phần đóng góp không nhỏ của những mối quan hệ. Do vậy, tôi mong muốn xây dựng một cộng đồng mà ở đó mỗi người đều có thể thành công hơn nhờ được kết nối với các mối quan hệ giá trị, những kiến thức quản lý hữu ích và các cơ hội nghề nghiệp xứng tầm. Đó cũng là lý do vì sao mọi người hay gọi tôi là “Thanh kết nối”.

– Chị và cộng sự đã làm thế nào để có được 65.000 thành viên chỉ sau gần 2 năm thành lập?  

– Làm việc như điên (cười). Trong một mạng cộng đồng, lý do duy nhất để mọi người bỏ thời gian tham gia là các hoạt động ở đó phải mang lại lợi ích cho người sử dụng, và phải có nhiều lợi ích khác nhau phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Ngoài việc thường xuyên phát triển các chức năng kết nối mới (kết nối quan hệ, kiến thức và các cơ hội nghề nghiệp), vượt ra ngoài một công cụ kết nối online thông thường, chúng tôi luôn tìm cách thổi hồn cho các hoạt động của mình theo tôn chỉ “Thành công chia sẻ là thành công nhân lên”. Có lẽ vì Anphabe luôn thể hiện lòng nhiệt tình, tinh thần cầu tiến, sự năng động nên ngày càng có nhiều doanh nhân thành đạt, nhà quản lý tài năng… tham gia.

– Chị nói mình hơi nghệ sĩ nhưng cách chị quản lý công việc, quỹ thời gian lại cho thấy điều ngược lại – một tính cách thiên về lý trí?

– Thật ra đó là cách tôi quản lý cảm xúc nhằm hạn chế nghệ sĩ tính trong con người mình. Tuy nhiên, tôi không dùng lý trí quá nhiều để phân tích thiệt hơn mà chỉ để làm cho tư duy của mình được rõ ràng. Tôi làm việc theo lịch trình đã định trước nhưng trong thời gian đó, tôi trân trọng cảm xúc của mình trước thiên nhiên, cuộc sống và tận hưởng những khoảnh khắc đẹp ấy một cách toàn vẹn. Lý trí nhưng không cứng nhắc, cảm xúc nhưng không bốc đồng – phải có sự uyển chuyển và cân bằng.


Tên: Nguyễn Thị Việt Thanh
Nghề nghiệp: Chief Opportunity Connector Anphabe.com
Gia đình: chồng và 2 con gái


– Nhiều phụ nữ lấy việc bếp núc, làm đẹp làm phương cách giải tỏa căng thẳng, tạo sự cân bằng cho cuộc sống, còn chị?

– Tôi biết với nhiều người để cân bằng cuộc sống thì họ giảm làm việc để có nhiều thời gian cho gia đình. Với tôi thì hơi khác, cuộc sống càng có nhiều hoạt động, càng năng động thì tôi càng cân bằng. Cá nhân tôi cho rằng cân bằng là một trạng thái hết sức khác nhau ở mỗi người và không thể có một công thức khuôn sáo nào chung cho tất cả .

Phương châm sống của tôi là thêm vào, chứ không bỏ bớt vì tôi chọn một cuộc sống đa màu sắc, toàn diện và năng động. Tôi chia cuộc sống của mình thành 9 ngăn tủ: Sức khỏe, Công việc, Gia đình, Bạn bè, Sắc đẹp, Tài chính, Cống hiến xã hội, Khám phá cuộc sống và Đời sống tâm linh. Và để có được cảm giác cân bằng và hạnh phúc, tôi sẽ phải sắp xếp để dành đủ thời gian, tâm trí và cả sự đầu tư cho tất cả các ngăn tủ đó.

 – Chị chia sẻ phương châm sống này với hai con thế nào?

– Tôi luôn cố gắng khơi gợi để các con biết khám phá niềm đam mê của mình và tạo điều kiện để các con có thể dành nhiều thời gian cho đam mê đó. Gia đình tôi coi trọng giá trị của việc “cùng nhau” nên với các hoạt động cá nhân, nếu có thể tôi sẽ rủ các cháu cùng tham gia, vừa để có thêm thời gian bên nhau và cũng vừa là cách để các con thấy mẹ “làm gương” trong việc theo đuổi đam mê.  Ví dụ như mỗi tuần tôi sẽ vào bếp ít nhất một lần và dành khoảng hai tiếng để cắm hoa. Tôi không ép con cái lựa chọn theo mình nhưng khi các con nhìn thấy những điều mẹ yêu qua hành động, các bé bị ảnh hưởng từ mẹ một cách tự nhiên và luôn hào hứng tham gia.

– Còn với ông xã, nghe nói tuy hai anh chị đã cưới nhau gần 10 năm nhưng trông cứ như đang hẹn hò. Chị giữ lửa yêu thương bằng cách nào hay vậy?

– Tôi hay bị bạn bè trêu mỗi khi nghe vợ chồng nói chuyện với nhau, cứ bảo là sao mà ngọt ngào thế! Chúng tôi chọn cách vượt qua những suy nghĩ thông thường kiểu vợ chồng rồi đâu cần duy trì lịch hẹn riêng mỗi tuần, đi du lịch cùng nhau. Trong gia đình, ngoài con cái thì người chồng hay người vợ phải là người bạn thân nhất của mình. Theo thời gian, chúng ta rất dễ  bỏ qua việc quan trọng là cần luôn tìm hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhau; đó chính là nguyên nhân của cảm giác xa cách, nhàm chán. Để không như vậy, tôi chọn cách dành nhiều thời gian tâm sự với chồng mỗi ngày và luôn thường xuyên tìm cách thể hiện tình yêu của mình. Đó cũng là cách tôi tôn trọng cảm xúc của chính mình đồng thời giúp “đối tác” biết cách nuôi dưỡng và chia sẻ cảm xúc của họ để giữ lửa cho tình yêu.

– Bí quyết giữ lửa của chị là gì?

– Trong khi hầu hết mọi người chỉ lên kế hoạch kinh doanh, chúng tôi còn lên kế hoạch gia đình trong vòng ba năm và đánh giá định kỳ hằng năm. Nhờ biết được mục tiêu, định hướng của từng năm nên chúng tôi có thể chia sẻ, bàn bạc một cách thấu đáo, có hướng giải quyết tránh được tranh cãi. Hai năm vừa rồi có thể coi là “giai đoạn khởi nghiệp” quan trọng trong công việc của tôi, và nhờ đã chia sẻ trước với nhau nên tôi có được sự hỗ trợ rất tuyệt vời từ ông xã. Thực sự tôi rất tự hào là đã hai năm nay, anh giúp tôi quán xuyến nhiều việc nhà cửa và chi tiêu gia đình mà không hề than vãn. Ngược lại, tôi cũng phải nỗ lực hết mình để hỗ trợ lại anh trong những thời điểm mà công việc của anh bận rộn hay khó khăn.  Riêng trong năm nay, ngoài kế hoạch gia đình, chúng tôi chọn chủ đề của năm là KEEP THE ROMANCE ALIVE (giữ lửa lãng mạn) để nhắc nhở nhau hơn về sự quan trọng của những phút giây lãng mạn trong cuộc sống. 

Bài: An Hội
Ảnh: Gem Visual


From the same category