Nguyễn Thị Thanh Nga: Nguyên tắc vàng là “tự do trong kỷ luật” - Tạp chí Đẹp

Nguyễn Thị Thanh Nga: Nguyên tắc vàng là “tự do trong kỷ luật”

Sống

– Trong cuộc sống hiện đại, cha mẹ ngày càng đặt nhiều kì vọng vào con cái. Phần lớn họ muốn con mình đi theo một hướng an toàn (học giỏi, đi du học và kiếm một công việc ổn định), học nghệ thuật hay kĩ năng chỉ là bổ trợ. Chị nghĩ gì về quan điểm ấy?

– Theo tôi, đại học không phải là sự lựa chọn duy nhất. Em họ tôi tốt nghiệp Tổng hợp Sinh, hiện nay cậu ấy là Tổng giám đốc của một Trung tâm Thể dục Thể hình rất danh giá ở Hà Nội. Hiện nay, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường muốn trụ lại ở Hà Nội đều chấp nhận làm nghề phục vụ ở các quán bar, lái xe taxi, làm nhân viên bảo vệ… Như vậy rõ ràng nghề nào cũng quý nếu đóng góp tốt cho xã hội và có thu nhập ổn định.

Nhóm nhảy YG Lovers, thế hệ trẻ, quan điểm, lối sống 

– Vậy chị có lo lắng khi con trai theo đuổi nghệ thuật, con đường có thể nói không được “an toàn” như trở thành kĩ sư, bác sĩ, nhân viên văn phòng…?

– Không phải lo mà tôi vô cùng lo lắng vì hiểu giới showbiz Việt khắc nghiệt như thế nào. Thêm vào đó là sự vất vả của nghề nghiệp, phải đi nhiều, thời gian người bình thường nghỉ ngơi thì những người làm nghệ thuật lại phải đi làm, giờ giấc không ổn định. Vợ chồng tôi luôn động viên Quân phấn đấu để trở thành một nghệ sĩ thực sự. Chính vì vậy mà ngoài chuyện tham gia các chương trình ở trường, biểu diễn thời trang, sinh hoạt nhóm nhảy YG Lovers, Quân còn phải học đàn, học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp. Trong gia đình tôi, con cái đều được rèn kỷ luật và làm các việc trong gia đình từ nhỏ để nếu tự lập sớm sẽ không bị bỡ ngỡ.

– Chị phát hiện con trai có thiên hướng nghệ thuật từ bao giờ và đã giúp Quân phát triển những khả năng đó ra sao?

– Tôi thực sự bị thuyết phục khi Quân đỗ một lúc hai trường nghệ thuật ngành Múa năm 2010. Sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, gia đình quyết định cho Quân học Cao đẳng Múa Nghệ thuật Trung ương.

– Trên facebook cá nhân của chị, mỗi hoạt động của Quân đều được ghi chép lại rất tỉ mỉ và rõ ràng. Hẳn chị rất kì công theo sát con?

– Mới đầu tôi muốn là người bạn, đóng góp ý kiến cho Quân. Do còn ít tuổi đã tham gia nghệ thuật, nên khi Quân được mời phỏng vấn, tham gia sự kiện, tự nhiên tôi thành người quản lý sắp xếp thời gian cho con. Thành thói quen, tôi đi theo ghi chép lại hoạt động của Quân cả bằng hình ảnh và những trang nhật ký. Còn những nhận xét phải hoàn thiện mình thì tôi thường trao đổi ngay sau mỗi sự kiện để Quân tự uốn nắn và điều chỉnh.

– Ở tuổi của Quân có thể phần nào khẳng định cậu ấy đã thành công trên con đường nghệ thuật. Thành công quá sớm đôi khi cũng giống như con dao hai lưỡi?

– Có giai đoạn Quân rất căng thẳng, có lẽ cũng vì sự nổi tiếng đến sớm. Tôi phải nói chuyện với con qua nhiều hình thức, trực tiếp, qua điện thoại, facebook, thậm chí nhiều lần còn phải viết thư khi có chuyện tế nhị, khó nói trực tiếp. Có những quán bar mời Quân đi diễn trả thù lao cao, con về thương lượng với tôi, tôi phải giải thích rằng còn ít tuổi có tiền một cách dễ dàng sẽ đam mê kiếm tiền sớm ảnh hưởng đến việc rèn luyện và thực hiện giấc mơ thành nghệ sĩ lớn. Với lý lẽ đó và bằng cách trao đổi chân tình, con trai cũng nghe ra và dần dần lấy lại thăng bằng, tiếp tục công việc học hành phấn đấu hàng ngày.

– Cách giáo dục với con trai và con gái là khác nhau? Đặc biệt khi chị có một cô con gái đầu lòng quyết làm mọi thứ bằng được?

– Tôi thực sự may mắn khi được làm mẹ của một cô con gái và một cậu con trai như thế. Con gái học hành tấn tới, chuyện nghề nghiệp cũng tự quyết. Con gái cá tính, năng động, hơi ngổ ngáo chút nhưng chu đáo và biết quan tâm, không thể hiện tình cảm ra bằng lời mà bằng hành động.

Con trai thì lại khác, hiền lành, ít nói, hơi tự ti vì luôn bị mọi người so sánh với chị. Cháu chỉ tìm lại được đúng bản thân mình khi bắt đầu chính thức theo đuổi con đường nghệ thuật và giấc mơ thành nghệ sĩ giải trí. Cháu thích thể hiện tình cảm ra ngoài. Những cử chỉ âu yếm là điều tôi rất thích ở con trai mình. Thêm nữa, tôi luôn hình dung Quân là đứa em trai đã thất lạc hai mươi lăm năm nay của mình nên ngoài tình yêu tôi còn có cả những cảm xúc đặc biệt với con trai.

– Nhiều bà mẹ phàn nàn rằng càng lớn con càng trở nên xa cách mình hơn, “Làm bạn với con” là cụm từ quen thuộc hay được nhắc tới nhưng lại không có một quy chuẩn chung và khó thực hiện vô cùng.
– Tôi luôn giữ nguyên tắc bình đẳng, nghiêm khắc trong tình yêu thương nên mọi chuyện trở nên đơn giản vô cùng. Nguyên tắc thứ hai là không vội vàng kết luận trước khi hiểu rõ nguồn cơn lời nói, hành động của các con. Và khi đã hiểu thì tôi tập trung giải quyết nguyên nhân đó.

Tôi luôn làm theo tình cảm tự nhiên của mình, không chiều chuộng quá, thành tích thì có thưởng, lỗi thì có phạt, giải thích lý do vì sao bị phạt, sau đó phải có cam kết không phạm lại lỗi cũ. Bản thân tôi khi mắc lỗi cũng luôn là người đầu tiên nói lời xin lỗi với con.

Hai con là động lực, là chỗ dựa tình cảm và tinh thần cho tôi khi cuộc sống gặp sóng gió. Ba mẹ con chúng tôi kết thành một khối vững chắc, người nọ dựa vào người kia, yêu thương tôn trọng nhau tuyệt đối.

– Chị có từng gặp thất bại trong quá trình nuôi dạy hai con?

– Tôi không coi những vấp váp và thách thức khó khăn là thất bại, đó là những trải nghiệm giúp ta học được bài học và rút kinh nghiệm. Có lúc tôi cũng có cảm giác bế tắc, như khi phát hiện Quân nhiều lần trốn học đi tập nhảy hiphop ở tượng đài Lý Thái Tổ. Tôi tránh căng thẳng ở nhà nên đưa con ra quán cà phê. Chỉ có mình tôi hỏi và Quân im lặng gần hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng tôi phải nhượng bộ thỏa thuận với Quân tuyệt đối không bỏ học nữa. Sau này nhớ lại kỷ niệm đó, tôi hiểu ra Quân không thể chia sẻ niềm đam mê của mình với bất kỳ ai, lại mặc cảm học không giỏi, sợ bố mẹ quy chụp cho hư hỏng và lêu lổng. Làm cha mẹ phải có đầy đủ thông tin, phải đặt mình vào địa vị của con để cố gắng hiểu được con càng nhiều càng tốt, chỉ có bằng cách yêu thương và xây dựng lòng tin của con nơi mình thì mới có sự cởi mở và chia sẻ.

– Chị thường nói gì với bạn bè khi họ không thể làm bạn với con?

– Tôi thường khuyên họ bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và những ví dụ cụ thể tôi đã gặp, tự họ rút ra bài học và cách làm cho mình. Nếu là các con xin tư vấn thì tôi luôn khuyên các con đi bước trước, chủ động cải thiện tình hình của mình thay vì trách móc cha mẹ, gia đình không hiểu mình. Tôi luôn nhắc các con nguyên tắc vàng “tự do trong kỷ luật” – có nghĩa là mình chỉ có tự do thực sự khi mình kỷ luật với bản thân. Luôn phải nhớ cuộc sống của mình hoàn toàn do mình quyết định, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay không đều ở nơi mình.

Nguyễn Thị Thanh Nga
Từng là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, cán bộ Ban Quốc tế Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Hiện đang làm việc trong các dự án phát triển liên quan đến bình đẳng giới và giáo dục
Nickname: Obamom Nguyen

Bài: Nha Trang – Ảnh: Mạnh Bi

 

Thực hiện: depweb

16/10/2013, 16:53