Ấy là vào khoảng năm 1988. Con trai tôi là Nguyễn Quốc Hoàn (sinh năm 1967), khi đó đang du học tại Iraq về văn học Arab, năm thứ ba. Những năm đó, việc tìm học bổng du học còn rất khó khăn nên lựa chọn ngành học, phải nói là không nhiều. Do có thành tích học tập thuyết phục sau một năm theo học tại khoa tiếng Anh trường ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội (cùng lớp với Thạch), nên Hoàn được chọn là 1 trong 3 sinh viên từ 3 trường ĐH của Hà Nội nhận gói học bổng toàn phần này. Trong mong muốn của tôi, khi cháu về nước, sẽ hoàn thành nốt bằng tiếng Anh, cùng với chuyên môn hiếm là văn học Arab, chắc chắn cháu sẽ làm được một điều gì đó có ích…
Thế nhưng, mọi dự định tốt đẹp của hai cha con đã đổ gãy, sau tai nạn máy bay thảm khốc kia, chỉ hai phút trước khi máy bay transit tại Thái Lan để chuyển tiếp qua Arab. Chỉ hai người (một phi công, một khách ở đuôi máy bay) là may mắn sống sót, còn lại hơn 70 người có mặt trên chuyến bay xấu số kia đều thiệt mạng, sau khi máy bay bị gãy làm đôi tại một cánh đồng trên đất Thái. Hoàn con tôi lúc đó đang cùng bạn nó trở lại trường để học tiếp năm cuối, sau kỳ nghỉ hè ở Việt Nam. Người còn lại trong số 3 người bạn cùng được nhận học bổng lần đó, thì thoát nạn vì đã bay sang trước đó vài ngày… Tất cả, có lẽ chỉ có thể nói là do định mệnh.
Biết vậy mà tôi vẫn gần như không chịu nổi nỗi đau quá lớn ấy của mình. Tôi nhớ Hoàn lúc nó đứng ở tòa, cái ngày tôi và mẹ cháu chia tay. Khi tòa hỏi, cháu chọn ai, thì cháu nhìn sang tôi và bảo: “Cháu biết rằng, nếu cháu ở với mẹ, cháu sẽ được chăm sóc rất tốt về tình cảm. Nhưng cháu muốn chọn bố, vì phải ở với bố, cháu mới có thể xây dựng sự nghiệp…”
Nghe câu đó mà tôi vừa xúc động vừa mừng, vì cậu con tôi năm đó mới 17 tuổi thôi mà đã sớm suy nghĩ có lý tưởng. Vậy mà, rốt cuộc, là một sự nghiệp dang dở, vì một cú phạt ngang tàn nhẫn đến ngần ấy của số phận.
Nhiều năm sau, tôi vẫn nói với đồng nghiệp là thầy cô cũ của Hoàn và các bạn của con tôi rằng: Hơn cả nỗi đau mất đi một người con, điều làm tôi đau đớn nhất là tôi đã mất đi một người học trò chăm ngoan, có chí cầu tiến rất mạnh mẽ, là người mà tôi luôn muốn dồn vào đấy tất cả những kinh nghiệm và mong mỏi của tôi trong cái nghề giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh này. Khi con bạn đồng thời là một người học trò cưng của bạn, và sau đây sẽ là một người cộng sự tâm huyết của bạn, nỗi đau của bạn còn lớn hơn nhiều, so với việc mất một người con…
Thật ra, trước đây, tôi không thường để ý tới Thạch, dù cháu cũng có một vài lần đến nhà chơi. Nhưng vì cháu không nằm trong số những người bạn thân nhất của con nên nói thật là mối quan tâm của tôi cũng chỉ chủ yếu nằm ở mức độ xã giao.
Thế nhưng cũng có lần tôi gặp bố Thạch, trong một dịp nào đó, và trong câu chuyện giữa hai ông bố, cũng là giữa phụ huynh và thầy, ông ấy cũng đã có lời nhờ tôi bảo ban bày vẽ thêm cho Thạch vì cháu sống xa nhà (quê Thạch ở Hải Phòng). Hồi ông ốm, tôi cũng có xuống thăm, thì thêm lần nữa, ông – lúc đó đã yếu lắm – lại cầm tay tôi, nói nhiều câu tôi nghe không rõ, chỉ nghe được mấy chữ “nhờ thầy bảo ban giúp cháu…”. Ít lâu sau thì ông ấy mất.
Sau ngày Hoàn mất, Thạch đến thăm tôi thường xuyên hơn. Hồi đó thể trạng tâm lý của tôi rất tệ. Nhà trước giờ chỉ có hai bố con (em trai Hoàn theo mẹ vào Sài Gòn sau khi chúng tôi chia tay), làm gì cũng có nhau, giờ mất con, tôi như người mất hồn, thấy hụt hẫng bơ vơ kinh khủng. Thế nên cứ trông thấy bạn con là tôi khóc. Hai đứa thật ra không giống nhau, cũng không phải là bạn thân, nhưng không biết sao cứ nhìn Thạch là tôi lại nhớ đến Hoàn. Có lẽ hai đứa hơi giống nhau ở cái vẻ trầm trầm, ít nói, sâu sắc trước tuổi. Tôi quý Thạch, là vì tôi cảm động trước cái tình của Thạch dành cho con tôi, nhất là vào cái giây phút tôi bắt gặp Thạch ngồi khóc một mình trước mộ bạn, vào một ngày mà cậu không biết là sẽ có thêm một người nào khác đến đấy…
Thạch tiếng là học trò của tôi, nhưng hồi đó tôi lên lớp rất ít. Thế nhưng hôm đưa Hoàn về, Thạch đã có mặt từ lúc ra sân bay đến tận lúc trả Hoàn về đất, cách Hà Nội gần 30 cây số. Tới bây giờ, gần 30 năm đã trôi qua, Thạch vẫn giữ nếp quen thường xuyên ra thăm mộ bạn cũng như đến nhà tôi chơi, như chỗ con cháu trong nhà.
Tôi và Thạch, thì thực ra chưa bao giờ chính thức nhận nhau là cha con, nhưng cái tình cha con – thầy trò giữa chúng tôi, thì cả trường Ngoại ngữ Hà Nội đều biết. Ai cũng bảo Thạch là con nuôi của tôi. Chỉ có chúng tôi là chưa bao giờ dám nói ra với nhau điều đó, xưng hô với nhau tận đến giờ vẫn là chú – cháu. Chỉ là tự hiểu trong lòng, ngay cả thời gian Thạch về ở hẳn trong nhà tôi, cả năm trời, khi cậu học năm cuối.
Ra trường Thạch được giữ lại, không phải nhờ sự can thiệp của tôi mà là do thành tích học tập của cháu. Đến lúc này thì tình cảm của tôi dành cho Thạch đã có thêm những lý do khác…
Thạch thực sự là một người trẻ có lòng tự trọng cao khi cậu gần như không cậy nhờ một chút nào đến uy tín và tiếng nói của tôi ở trong trường để có được một suất bảo lãnh vào biên chế mà chấp nhận hai năm làm giáo viên hợp đồng với đồng lương khiêm tốn. Thân tình cách mấy, Thạch vẫn hết sức giữ ý với tôi trong những việc lẽ ra Thạch có thể đỡ mất công hơn nếu được tôi trợ giúp.
Trước những kỳ thi quan trọng, Thạch thậm chí còn chưa bao giờ mở lời nhờ tôi kèm thêm hay can thiệp điểm thi cho cậu. Dù ở vào vị trí của tôi, và Thạch thì lại còn ở ngay trong nhà tôi, nói thật là tôi có làm thì cũng không ai biết. Nhưng tuyệt nhiên không hề bao giờ. Chưa bao giờ có một động tác nhờ vả nào, kể cả những việc nằm trong tay tôi. Tôi quý và tôn trọng Thạch còn là ở chỗ đó.
Điều đáng nể nữa ở Thạch là chí phấn đấu. Trông tôi hiền vậy nhưng thật ra tôi rất kỹ tính và khá là khắt khe với học trò, nhất là những cô cậu mà tôi kỳ vọng. Ngày ấy, tôi hay được mời đi dịch cabin. Đấy cũng là lần duy nhất tôi thấy Thạch ngỏ ý nhờ tôi cho Thạch được đi cùng, để được biết cái không khí dịch cabin ở hội nghị nó như thế nào. Xin mở ngoặc thêm là dịch cabin hội nghị hồi ấy hẵng còn là oách lắm, đến nỗi trên bảng tin của trường tôi hồi ấy thường chạy dòng tin: “Thầy Nguyễn Quốc Hùng – khoa Anh của trường ta được mời đi dịch cho hội nghị quốc tế…” cơ mà!
Đến đấy, Thạch thật ra không được vào cabin mà chỉ đứng ngoài để chuyển dữ liệu (của từng speaker) vào cho tôi theo yêu cầu của tôi mà thôi. Thế nhưng có một lần tôi phát hiện thấy Thạch tìm cách ghé sát tai nghe của tôi để học cách tôi dịch. Thế rồi trong bữa ăn, cậu không ngừng hỏi tôi, lúc nãy chú dịch câu đó có nghĩa là thế nào, tại sao chú lại chọn cách đó… Thấy vậy, tôi bèn bảo: Thôi được rồi, nếu vậy chú sẽ giúp cháu một việc, ấy là từ giờ chú sẽ cho kéo dài cái dây headphone ra cho cháu được nghe cùng, để cháu tiện đối chiếu.
Cứ tỉ mẩn học mót thế mà có ngày Thạch tự đi dịch cabin được một mình, cũng như sau này là đi dạy tiếng Anh trên truyền hình thay tôi, từ việc lên hình đến việc viết kịch bản. Hồi đó, tôi đào tạo tới 8-9 giáo viên, thế nhưng cuối cùng chỉ có mình Thạch là trụ lại được, suốt từ năm 1993 cho đến khi chương trình dừng phát mới vào năm 2011.
Thạch, tính nó hay lắm, chí hướng thì hơn bất kỳ ai, nhưng lúc nào cũng nhã nhặn. Đến tôi còn phải tin! Thế nên tôi quý nó lắm, đi đâu tôi cũng muốn đưa đi. Và giờ thì nó còn vượt xa tôi, còn được học cả những cái tôi chưa từng được học: Học chuyên về phiên dịch 9 tháng tại Bỉ, 4 năm theo đuổi bằng tiến sĩ về quản lý giáo dục tại Úc (vừa về nước hồi đầu năm nay) và hiện là Phó giám đốc Trung tâm đào tạo từ xa kiêm Phó trưởng khoa Tiếng Anh của trường ĐH Hà Nội.
Trong bốn việc mà tôi làm được là giảng dạy (trên giảng đường cũng như trên truyền hình), phiên dịch, viết sách, nghiên cứu… thì hiện tại, Thạch đã làm được ba, và có những việc còn làm tốt hơn tôi. Có được một người học trò tận tâm như Thạch phải nói là vô cùng khó, trong thời buổi tiếng Anh có thể giúp người ta kiếm tiền tốt hơn nhiều nếu đi làm việc khác. Tôi đã may mắn có được Thạch và được nhìn thấy cháu nhẫn nại viết tiếp những gì mà con tôi đang làm dở. Duy tâm mà nói, đôi khi tôi có cảm giác như con tôi có lẽ đã “đầu thai” vào bạn nó, để tôi không mất hẳn cháu, và vẫn được quyền hy vọng…
Con gái đầu của Thạch hiện cũng đang du học tại Úc và bằng đúng tuổi thằng Hoàn nhà tôi ngày ấy. Nhiều ngày trong năm, Thạch thường dẫn vợ con đến nhà tôi chơi. Thời gian trôi qua quá nhanh. Giờ đây tôi đã nghe thấy nhiều tiếng cười. Cuộc sống, bằng cách nào đó, vẫn tiếp diễn sau nhiều lớp sóng, và những vết thương lòng – theo đó – cũng dần khép miệng…