Dường như, càng trưởng thành và trải nghiệm cuộc sống, những lớp bao bọc này càng dày lên. Phi lập thể là trường phái tranh anh định nghĩa cho phong cách của mình. Và cho đến giờ, anh chưa đồng ý bán bất cứ bức tranh nào mình vẽ ra.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân bên tác phẩm của mình
– Anh đến với mỹ thuật, hội hoạ như thế nào? Điều gì khiến anh say mê với hội hoạ?
– Tôi đến với hội họa từ khi còn rất nhỏ, theo cách tự nhiên, vì mỗi chúng ta đều là một thiên thần mơ mộng và luôn có miền mơ ước cho riêng mình. Nhưng cũng có một chút không bình thường ở đây vì tôi phải trải qua tuổi thơ đầy thử thách, gian truân và cay nghiệt để rèn rũa bản thân.
Năm ba tuổi, má dắt tôi bỏ xứ đến một nơi xa lạ và ở đó với bảy năm tuổi thơ không nhà cửa, ngủ bờ bụi, hầm cầu, công viên, chợ, ngủ ở trước hiên nhà và ngay trên bãi rác… Khi ấy tôi vẫn chưa đến với hội họa. Một quãng thời gian dài, tôi cũng từng bôn ba khắp nơi kiếm sống với má, làm thuê đủ nghề, bán báo, bán trà đá, rửa chén, lau chùi quét dọn… Đôi lúc túng quẫn tôi cũng phải ăn xin và thậm chí trộm vặt đồ chơi và thức ăn chỉ để sống qua ngày. Những cuộc đánh nhau chỉ vì tranh địa bàn của những thằng nhỏ bụi đời như tôi cũng phải trả giá bằng máu, thương tích. Tất cả đều là sự thật và hội họa vẫn xa xỉ đối với tôi.
Năm 10 tuổi, tôi trở về quê, vì nghèo nên má phải vào ở trại xã hội. Còn tôi học được một, hai năm. Lên lớp ba tôi được gửi vào trại mồ côi Hội An để tiếp tục ăn học. Hội An thơ mộng và đầy cuốn hút. Tôi đã phải lòng với hội họa kể từ đấy, cầm giấy bút theo và vẽ bất cứ lúc nào – theo cảm tính. Tới năm học lớp 7, vô tình có hai người khách ngoại quốc phát hiện ra tố chất và đã tài trợ học phí cho tôi để có cơ hội được theo học vẽ chuyên nghiệp tới lớp 12.
Tôi xem vẽ là niềm vui hằng ngày nên có cả một phòng vẽ và phòng treo tranh. Ở đó là những bức tranh tôi vẽ lại về những ngày tháng tôi trải qua, cũng như vẽ từ mỗi giấc mơ của mình về một gia đình đầm ấm. Tôi say mê hội họa với bản năng vốn có và còn vì thấy những nét đẹp quê hương của mình.
Phi lập thể – chân trời mới cho cảm xúc, cho tư duy
– Anh bắt đầu nghĩ đến và theo đuổi phong cách phi lập thể như thế nào? Một cách vắn tắt, có thể hiểu như thế nào về phi lập thể?
– Tôi đến với phi lập thể bằng cảm xúc, học thuật và nghiên cứu. Từ khi là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật, tôi đã có những nghiên cứu nhỏ cho riêng mình và theo đuổi phi lập thể cho đến bây giờ.
Phi lập thể có thể hiểu là vật thể lập phương ở dạng thức thủng hay xuyên thấu được phân chia hay mổ xẻ từ mảng đa dạng, đa chiều đến các dạng thức nhỏ hơn như dây và hạt vi mô… Từ đây sẽ thiết lập cấu trúc vật thể mới ở dạng “phi mảng” để tìm ra một cấu trúc vật thể mới trong không gian thị giác nhất định hay huyễn hoặc nào đó.
– Phong cách và triết lý trong các tác phẩm và trong sự nghiệp hội họa của anh là gì?
– Có câu “triết gia yêu mến hiểu biết, trái lại, bác học sỡ hữu kiến thức” nên với tôi phong cách và triết lý của các tác phẩm hội họa phải tự thân nó cho ta những hiểu biết khác nhau, thậm chí là mơ hồ lạc lối thì các tác phẩm mới vượt ra tầm hiểu biết của con người, tìm ra chân trời mới cho cảm xúc, cho tư duy.
Các tác phẩm của tôi là đơn thuần là hiện thân chính nó… Nó thể hiện “tâm” ở người họa sĩ còn “hồn” ở cách “duy lý “ hay “duy cảm“ khác nhau của mỗi tác phẩm nên phong cách mỗi tác phẩm sẽ toát lên hồn phách khác nhau. Điểm chung nhất vẫn là thể hiện tư duy qua màu sắc, dây màu, đường màu và đoạn màu theo cách “phi mảng”.
– Sử dụng dây và dây màu là điểm đặc trưng trong các tác phẩm – điều này dựa trên góc nhìn thẩm mỹ gì và nó có ý nghĩa ra sao trong phong cách sáng tác của anh?
– Mỗi họa sĩ đều muốn chọn cho mình một con đường sáng tác độc lập dựa trên nhiều cơ sở lý luận khác nhau với cách biểu đạt khác nhau về hình thái, bố cục, nhịp điệu, màu sắc…, nhưng nhìn chung phải có nền tảng học thuật vững vàng, vì thế cách sử dụng dây và dây màu làm nền tảng sáng tác là điều tất yếu với tôi.
Với góc nhìn thẩm mỹ trên thì việc truyền tải ý nghĩa đến người xem với tâm hồn “duy mỹ“ trong sáng tác, sự khỏe khoắn trong bút lực, sắc cạnh trong tính diễn đạt thì phương pháp sẽ đưa mình đến những miền ý nghĩa khác nhau, cảm nhận khác nhận khác nhau của mỗi cá thể.
Dây và dây màu sẽ là “đường dây” xuyên suốt trong toàn bộ các tác phẩm và sự nghiệp sáng tác của tôi là đúng trong thời điểm này. Biết đâu đó trong tương lai có những kết hợp mang tính “dị biến” mới mẻ khác thì sao? Nếu vậy ta cũng nên chấp nhận nó, chấp nhận một thứ ban đầu là “dị hình” hay “dị tướng” hay “dị tư tưởng” gì đấy. Cái mới phải cần được phát huy, còn là tích cực hay tiêu cực thì tùy vào mỗi người, ở mỗi thời điểm, với mỗi góc nhìn khác nhau…
– Ai hay điều gì là nguồn cảm hứng lớn nhất đối với anh trong sáng tạo nghệ thuật?
– Nguồn cảm hứng sáng tác của tôi là “chính tôi”. Chính tôi là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận rồi.., nó chỉ kết hợp thêm nữa cái này hay cái khác mà thôi. Nội lực và bản ngã riêng của tôi là chất gây mê đúng với rất nhiều tác phẩm của mình… Có thể là vậy!
“Quá chán cuộc sống này nên giờ tôi vẫn chưa có ý định bán buôn gì hết”
– Tại sao anh chưa bán tranh?
– Bán hay không bán với tôi chưa quan trọng lúc này. Quan trọng là các tác phẩm tôi tạo ra có giá trị gì không, có đáng để được nhìn nhận không, có cái để xem là mới không? Hay chúng ta chỉ vẽ để rồi bán và thỏa mãn và đáp ứng cho cuộc sống hiện tại của mình. Quá chán cuộc sống này nên giờ tôi vẫn chưa có ý định bán buôn gì hết, vì bán phải đúng người, đúng đối tượng… tôi mới bán.
Hiện tôi vẫn chưa vợ, chưa con, chưa có gia đình. Tôi sợ đánh mất mình vì “đồng tiền bát gạo”, cuộc sống cuốn tôi theo cái định mệnh bình thường của kiếp người. Hội họa suy cho cùng thì ở “cá thể” quyết định hồn cốt của tác phẩm nên vì thế tôi vô tư giữ mình.
– Nghĩa là đến nay anh không mưu sinh bằng nghề vẽ. Nếu vậy, anh trang trải cuộc sống và nuôi nghề vẽ bằng cách nào?
– Nhiều người nói họa sĩ thì chỉ biết vẽ tranh, không biết và khó có thể làm được việc gì khác. Tôi cũng nghe các bạn sinh viên trường Mỹ thuật than vãn… Nhưng đó là đánh giá chung chung và rất chủ quan. Với tôi họa sĩ làm được rất nhiều việc đấy. Bằng chứng là hội họa, kể cả ý tưởng và thực hành ứng dụng mỹ thuật ứng dụng trong hội họa có vô vàn việc cần làm. Tôi làm được rất nhiều việc trong cái vô vàn đó.
– Hoạ sĩ – danh xưng này có ý nghĩa như thế nào với anh?
– Danh xưng chẳng qua là cách dùng để xưng hô cho dễ hiểu, dễ xác định đối tượng. Còn với tôi nó chẳng là gì cả, vì cứ tốt nghiệp trường Mỹ thuật thì gọi là họa sĩ là sai lầm, cứ vẽ gọi là họa sĩ là lầm tưởng. Cũng như cứ tốt nghiệp trường kiến trúc gọi là kiến trúc sư thì không thể, người buôn bán gọi là doanh nhân thì chết.
Xã hội Việt Nam hiện nay đang dần đồng hóa danh xưng, vì thế, danh xưng họa sĩ dùng cho tôi để gọi thôi, chứ thật sự tôi vẫn chưa xứng đáng gọi là “họa sĩ”.
– Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài: Hải Khôi
Ảnh: Joe Nguyễn