Nguyễn Quí Đức – Mai Phương: Khi đôi ta chọn ở bên nhau mà không ai phải hy sinh gì cả

Họ đã bên nhau 8 năm, bình an trong một ngôi nhà với hai con mèo, một chú chó dù không con cái và không làm đám cưới.

Nguyễn Quí Đức nổi tiếng là một nhà báo quốc tế, người viết văn, nhà kinh doanh và thiết kế mỹ thuật tài ba. Anh rời Việt Nam năm 17 tuổi và đã chu du hết một phần thế giới rồi mới quay về. Mai Phương là một nhà thiết kế nội thất và thời trang, cô có một cửa tiệm nhỏ tên “aN” trên con phố Lý Đạo Thành (Hà Nội), bán chính những món đồ do mình thiết kế.

Ngày chị 37, anh 55 tuổi, họ quen nhau, khi ấy, mỗi người đều đang rực rỡ với sự nghiệp riêng. Sau 8 năm, họ trở thành người một nhà: yêu thương đủ nương tựa, rắc rối đủ để cuộc đời thú vị, nhưng cuộc sống cơ bản là bình an bên nhau.

Dù đều sở hữu những cửa hàng, nhà hàng nổi tiếng, cả hai đều không dư tiền. Họ làm ra tiền vừa đủ để chiều theo sở thích cá nhân: cùng nhau khám phá các vùng đất mới, để mỗi ngày có thể ồ lên: “Căn nhà này đẹp quá em này”, “Còn cái nhà thờ cổ nhất ở Tây Ban Nha mình chưa tới, mùa thu này mình sẽ đi em nhé”. Hay đơn giản, trở lại Maroc để hít thở không khí dễ chịu của thành phố nơi anh Đức từng sống một quãng thanh xuân. Sau đó họ trở về, tiếp tục sáng tạo, tiếp tục chia sẻ.

Những ngày xa nhau, họ vẫn có cách chia sẻ cảm nhận cuộc sống bằng những bức ảnh: “Anh ơi, em mới thấy cái cửa sổ này dễ thương quá”; “Em ơi, anh mới nghĩ ra ý tưởng này, em về anh sẽ kể”. Và mỗi lần chị đi xa trở về, anh chờ ở cửa nhà với câu nói nửa đùa nửa thật: những ngày không có em, anh thấy mình không nhất thiết phải trở về.

Tôi nghĩ trái đất này đã có quá đủ con người. Còn đám cưới à?
Tại sao lại cần một sự khẳng định cho thứ đã ở đó, vững chãi quá lâu rồi.

Họ đã sống như vậy 8 năm, bình yên và tự nhiên, cùng hai con mèo và một chú chó. Họ không làm đám cưới, chẳng sinh con. Họ hòa vào đời nhau, tĩnh lặng đến mức một người quen của anh khi được hỏi, ồ lên: “Thế à, Đức sống với Phương sao? Mình còn tưởng anh ấy đang yêu cô khác”. Hay: “Thế hả, anh Đức có gia đình như vậy sao?”. Nhưng những ai là bạn thực sự của họ thì luôn rõ: họ là một gia đình.

Vì sao, 8 năm, yêu đủ lâu và sâu, họ không cho nhau một danh phận hay nghi lễ nào, để ít nhất, những tiếng ồ à ngạc nhiên thỉnh thoảng không vang lên đâu đó.

Khi áp vào chị bằng cách nghĩ thông thường: là đàn bà thì hoặc là phải cưới, hoặc phải có con đi chứ, chị cười: “Tôi nghĩ trái đất này đã có quá đủ con người. Còn đám cưới à? Tại sao lại cần một sự khẳng định cho thứ đã ở đó, vững chãi quá lâu rồi”.

Chị yêu anh Đức chắc cũng vì chút ngưỡng mộ do anh ấy nổi tiếng và thành công?

Khi đang là họa sĩ thiết kế, tôi đọc được được bài báo giới thiệu một triển lãm nhỏ về đồ nội thất tái chế. Tôi thấy ở Việt Nam chưa có ai làm nội thất mà lại làm đồ tái chế hay thế này nên rủ bạn đến xem. Khi ấy anh Đức là người tạo ra triển lãm này.

Vài tháng sau, tôi và anh Đức tình cờ gặp lại nhau trong khu Zone 9 (nay đã bị xóa sổ) vì tôi mượn mở một văn phòng nhỏ ở đó, đúng khu anh ấy làm việc. Cả hai đều làm thiết kế nên có nhiều công việc liên quan. Gặp nhau nhiều hơn nên tình cảm nảy sinh rồi yêu. Yêu rồi tôi mới biết anh ấy là ai.

Yêu anh ấy rồi, chị đổi nghề và sống an yên với một góc nhỏ trong thành phố. Lý do là gì?

Tôi không đổi nghề, vẫn được làm công việc thiết kế mà tôi đam mê. Từ khi gặp nhau tới giờ, mỗi người chúng tôi đều có business riêng. Anh Đức mê nội thất nên nhận các dự án phù hợp, bên cạnh kinh doanh một thương hiệu quần áo, một tiệm whisky, và quán xá… Tôi thì có “aN” và thỉnh thoảng tham gia một vài dự án thiết kế nhà hàng, nhà ở cho người cùng ý tưởng.

Ở ngưỡng tuổi 40 khi ấy, tôi không biết những người phụ nữ khác ước gì, còn tôi chỉ mong sự bình an. Vì vậy, tôi không bán các món đồ như một cách kinh doanh mà chỉ muốn giữ gìn những gì mình yêu quý, nâng niu và chia sẻ những trải nghiệm của bản thân, để chúng đến được với người có cùng quan điểm.

Dù công việc riêng biệt, anh Đức luôn tìm cách để chia sẻ với tôi. Chẳng hạn khi tôi bắt đầu làm “aN”, ngày nào anh cũng đến với 2 ly cà phê trên tay để chúng tôi cùng uống. Nếu thấy điều gì chưa ổn, anh sẽ tìm lời góp ý nhỏ nhẹ.

Hai người chia sẻ cuộc sống với nhau thế nào?

Tôi là kiểu phụ nữ độc lập. Nhưng anh Đức là người khi quan tâm tới ai thì rất ân cần. Đàn ông bình thường ngại làm việc nhà, nhưng anh Đức khác, anh thích làm hết. Về nhà, anh luôn giành việc nấu ăn, phơi đồ, thấy tôi đang quét nhà sẽ bảo để đó anh làm.

Từ khi sống cạnh nhau, chúng tôi thường luôn song hành.

Khi anh đi đâu đó, hay để lại những mẩu giấy viết tay nhắc: em nhớ làm cái này, em nhớ việc kia nhé… Tôi thấy điều ấy thú vị. Chẳng hạn, trước khi đi ngủ tôi hay thích xem phim, anh bảo như vậy thì ngủ sẽ không ngon giấc… Tôi nghĩ bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ cảm thấy biết ơn vì đã được chăm sóc và để ý cả những việc nhỏ nhặt như thế.

Ngoài những lời “ồ, à” của người quen, trên Facebook anh Đức vẫn để chế độ độc thân, chị có chạnh lòng?

Anh Đức trước đây từng lập gia đình. Thường người đã lập gia đình rồi rất ngại phải lập gia đình nữa. Cá nhân tôi cũng để chế độ độc thân mà. Chúng tôi không phải típ người thích trưng ra: tôi đang có bạn trai, tôi đã có gia đình, tôi vừa ly hôn… Trong khi, nếu tình cảm của mình chắc nịch đến nỗi không cần một từ nào diễn tả thì tại sao lại cần một trang mạng xã hội khẳng định thêm điều đó. Tình cảm là ở trong lòng những người chọn bên nhau, nương tựa vào nhau rồi.

Lẽ thường, đàn bà sẽ thiệt thòi nếu người đàn ông không mang cho họ một danh phận!

Trong tôi không có khái niệm khác nhau giữa đàn ông và đàn bà, tôi chỉ có một suy nghĩ chung về con người. Tôi hay đặt câu hỏi: lựa chọn này có khiến mình cảm thấy vui, mình có đang đóng góp được gì cho cuộc sống của người bên cạnh?

Anh Đức đặc biệt, còn tôi cũng là người có những suy nghĩ khác thường, nên dù có những lúc thấy không phù hợp, nhưng nhìn sang nhau, nghĩ cho nhau, chúng tôi lại thấy việc ở bên cạnh nhau có ý nghĩa.

Cả hai đều là người thích sự bình lặng. Anh Đức có thói quen không đưa bạn về nhà, vì thế anh Đức hay ở bên cạnh tôi, và hình như thế là đủ. Tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi rằng có ai biết tôi là gì của anh Đức không. Tôi thực sự chẳng quan tâm điều đó.

Có người cũng hỏi vì sao anh chị không có một đứa con. Thực ra, con cái là duyên trời cho và cũng là sự lựa chọn. Chúng tôi đã đi nhiều, đủ để hiểu, thế giới này đang dần cạn kiệt nguồn tài nguyên để phục vụ cho đời sống con người. Nên một người nữa được sinh ra, liệu có giúp ích thêm gì cho thế giới?

17 tuổi anh Đức rời Việt Nam, khi trở lại, dẫu có bạn bè, anh ấy vẫn thiếu một chỗ dựa tinh thần thực sự. Và vì trải đời, anh ấy nhận ra chị có thể là một người như thế, nên sớm neo đậu vào, an tâm suốt 8 năm qua. Có đúng không?

Tôi không dám nhận vậy. Vì trước khi đến với nhau, anh Đức vẫn có bạn bè và nhiều mối quan hệ khác. Từ khi sống cạnh nhau, chúng tôi thường luôn song hành.

Tôi chỉ nhớ anh ấy kể với tôi, có khi cả trăm ngàn lần về việc anh đưa mẹ về Việt Nam, mẹ bị ốm thế nào, có lần mẹ không nhận ra anh ấy là con trai ra sao… Những lúc thế, tôi luôn nghĩ mình không là anh để hiểu được toàn bộ cảm giác ấy, nhưng chỉ thấy, mẹ là thứ gì đó rất lớn, rất sâu với anh.

Còn có chuyện này, là của riêng hai bọn tôi. Thỉnh thoảng ở xa nhau, khi tôi trở lại Hà Nội, anh hay nói: “Nếu về nhà không thấy bóng em ở đấy, anh không có cảm giác gì cả, anh thấy không cần về nhà”. Lúc nghe tôi chỉ cười, giờ
nghĩ lại, đó có thể là một câu đùa, nhưng biết đâu nó lại rất thật.

Chẳng ai là người thay thế được tất cả những mối quan hệ của một người khác. Chỉ là, khi có được một người tri kỷ bên cạnh, chúng tôi nghĩ như thế là đủ. Chúng tôi chọn ở bên nhau, không ai phải hy sinh gì cả.

Sự ra đi của mẹ là nét đứt gẫy trong tâm hồn người đàn ông đó, và chị đến, nối nó lại?

Tôi không biết. Nếu nhận rằng bản thân là cái gì to lớn với anh ấy, chắc tôi sẽ bị đuổi ra khỏi nhà (cười). Có thể, chúng tôi chọn chia sẻ suy nghĩ và quan tâm đến cảm giác của nhau, vì vậy mà thấy được hiểu, được đồng cảm và được cùng nhau gánh vác. Giản dị vậy thôi.

Trong nhà, ai là người phải đóng vai hòa giải với người kia nhiều hơn?

Cả hai đấy. Vì chúng tôi là người có cá tính mạnh.

Lúc đầu, anh Đức là người khiến tôi phải im. Với người cứng đầu và có quan điểm cá nhân mạnh như tôi, không mấy người khiến tôi im được đâu. Nhưng anh có đủ sự thuyết phục để tôi tự thấy mọi việc hợp lý mà không cần tranh luận. Ở bên nhau lâu hơn, chúng tôi nhìn vào nhau để sống, đơn giản vì người này không muốn khiến người kia buồn.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Nhiếp ảnh: Lê Lai, Rose Ng


DARE

Đẹp số 257 mời bạn cùng gặp gỡ những con người có trái tim dũng cảm.
Họ dám vùng chạy khỏi cao ốc, học cách du hành, khám phá thế giới để có được cả sự nghiệp và hành tinh trong tay.
Họ dám chơi với đủ thứ, từ cây bút đến ca từ, với cả những chất liệu truyền thống để làm nên các sáng tạo đẹp đẽ mang hơi thở “made in Vietnam” đầy kiêu hãnh.
Họ dám sáng tạo đến tận cùng, bởi luôn “bị” nỗi sợ hãi sự tụt hậu đẩy về phía trước.
Cuối cùng và không thể thiếu, họ dám yêu, dám sống qua bão lửa để viết nên những bản tình ca tuyệt đẹp giữa cả thời chiến lẫn thời bình.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương, người bạn đời của cố nhạc sĩ Thuận Yến đã gói chữ “Dám” lại thế này: “Cứ được sống đúng là mình, đó mới là ‘dám’ nhất!”.
Còn bạn thì sao?

From the same category