Nguyễn Quang Dũng: làm phim kiếm hiệp “thuần Việt” - Tạp chí Đẹp

Nguyễn Quang Dũng: làm phim kiếm hiệp “thuần Việt”

Sao

Anh đến điểm hẹn sau khi tham gia buổi gặp mặt ở trường cũ nhân ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Cười vui anh nói: “Nhờ đi học mà mình biết đến ngày này”. Còn người viết, nhờ anh mà biết ngày này vừa bước sang tuổi thứ 2.

Kể ra đã hơn hai năm kể từ phim “Những nụ hôn rực rỡ” anh mới lại làm phim. Vì sao “Những chân dài hành động” tiêu tốn của anh một khoảng thời gian dài như vậy?

Vì đây là dự án khó nhất từ trước đến giờ của tôi. Bình thường, một kịch bản tôi viết ít nhất 3 lần, kịch bản này còn hơn vậy nữa, tôi phải xé nháp ở trang 60. Nhà sản xuất đã tin tưởng, chấp nhận chờ đợi hơn một năm, cả diễn viên cũng kiên trì luyện võ chờ ngày tôi đưa kịch bản. Niềm tin của mọi người là động lực cũng là áp lực khiến tôi muốn làm cho tốt nên cứ sửa đi sửa lại hoài. Nhưng cái khó chính xác là do mấy năm trước, năm nào cũng tự viết kịch bản rồi làm phim. Bốn năm liên tục như vậy thì dù tôi có muốn phát triển vốn sống cũng khó, nhất là mục tiêu, phim sau phải khác, tốt hơn phim trước. Tuy nhiên, tôi cảm thấy vui vì mỗi lần làm phim là một lần vượt qua thách thức mới, có trải nghiệm mới. Thêm nữa, đây là phim kiếm hiệp, muốn kiếm hiệp mà không giống Tàu, thuần Việt thì không phải dễ. Tôi gặp khó khăn trong việc tìm hệ ngôn ngữ xưng hô cho đến phục trang, thế võ. Ấn tượng của phim kiếm hiệp Tàu quá sâu, văn hóa Tàu ảnh hưởng lên văn hóa Việt quá lớn nên tôi mất nhiều thời gian.

Kịch bản thì xong rồi, tôi cũng đã chọn được set máy quay 3D. Hiện tại tôi đang làm tiền kỳ, cast diễn viên cho vai nam chính và đang nghĩ tên phim khác vì tên hiện tại không ra kiếm hiệp. Có một tên phim tốt sẽ giúp bản thân mình biết hướng đi của phim, xác định được đối tượng khán giả và thu hút họ ngay từ cái nhìn đầu tiên.

 

Vậy bộ phim thứ 5 của Nguyễn Quang Dũng sẽ là phim kiếm hiệp theo định dạng 3D. Anh làm phim này theo trào lưu chung, đáp ứng thị hiếu khán giả hay anh cảm thấy đúng thời điểm?

Tôi quan niệm, điện ảnh là ngành kinh doanh giải trí nên phải phục vụ thị hiếu số đông khán giả. Những nước có nền điện ảnh phát triển cũng khai thác đề tài, xu hướng đang ăn khách một cách triệt để, vậy tại sao chúng ta không làm như vậy? Nhưng thị hiếu không bất biến, rồi sẽ thay đổi khi người tiêu dùng ăn mãi một món thì ngán, sẽ có nhu cầu chọn món mới. Người bình thường thì chiều theo, người giỏi hơn thì làm cho người tiêu dùng bất ngờ trước món lạ – định hướng thị hiếu.

Làm phim, theo tôi là phải đúng thời điểm. Chẳng hạn, so với những phim gần đây, tôi thấy mình làm “Hồn Trương Ba da hàng thịt” sai thời điểm. Khán giả hồi đó chưa chấp nhận thể loại phim hài nhảm như bây giờ nên phản ứng không được tốt lắm. Đó là xét về thị hiếu đám đông, còn với công nghệ, cũng cần có thời gian để kỹ thuật được hoàn thiện hơn. Ví dụ, máy quay 3D bây giờ so với thời bộ phim 3D đầu tiên của Việt Nam ra rạp kỹ thuật tốt hơn nhiều. Vì vậy, làm 3D lúc này thuận lợi hơn.

Anh có tiếng là người giỏi thuyết phục nhà sản xuất, giỏi kêu gọi đầu tư, muốn xin bao nhiêu cũng được. Và việc hãng phim Thiên Ngân chờ anh viết kịch bản hơn 1 năm là minh chứng dễ thấy nhất. Bí quyết nào giúp anh làm được điều mà nhiều người không thể, nhất là trong thời của khó người đông như thế này?

(Cười) Chắc có lẽ vì tôi biết cách xây dựng thương hiệu. Tôi nghĩ, điện ảnh là một dự án mang tính tập thể, phải làm cùng nhau và cần nghĩ cho người khác thay vì tự sướng. Tôi có thể gần như xin bao nhiêu được bấy nhiêu nhưng tôi luôn nhắm làm tới đó thì xin khoảng đó, không xin thiệt nhiều, làm cho sướng một lần. Cầm tiền của người khác thì mình phải có trách nhiệm, tôi không dám nói lời nhiều nhưng cũng đừng làm cho lỗ. Vì nếu lỗ người ta chạy làng, không chỉ mình thiệt mà nhà đầu tư còn sợ cả ngành điện ảnh thì lấy tiền đâu làm phim nữa? Nhà sản xuất sống được thì mình mới sống được, họ giàu thì mình mới khá được, đi chung một thuyền thì phải nghĩ cho nhau.

Nói chứ, tôi nghĩ làm điện ảnh còn cần có cái duyên, tôi may mắn vì dễ tạo thiện cảm với nhà sản xuất, có khả năng thuyết phục người khác. Nếu bạn tự tin vào chính mình, tin mình làm là đúng thì sẽ dễ dàng thuyết phục nhà sản xuất. Nhưng đó cũng là lúc bạn cần thẳng thắn đặt ra những điều mình cần ở họ, quyền lợi của cả đôi bên thì sẽ tránh được tình trạng căng thẳng khi làm việc.

Xem ra đúng là anh có khả năng bắt vía người khác, thu hút người xung quanh – một trong các nét tính cách mà anh đã chia sẻ trong cuộc trò chuyện bàn về “Đàn ông hào hoa” với MC Phương Mai của chương trình Vui sống mỗi ngày (11h thứ 2 – thứ 6, VTV3)?

(Cười to) Tôi cũng không nhớ mình đã nói gì về chủ đề đó nữa vì tôi không phải là người hào hoa. Nếu đúng là hào hoa thì theo tôi là người đó phải thu hút được người khác cả lúc anh ta gần gũi, thân thiện hay chảnh chảnh, bất cần, còn tôi, lúc nào cũng nói chuyện được mà.

Cảm ơn những chia sẻ của anh. Mong là tháng 10 đến hoặc muộn nhất là Noel sẽ được xem bộ phim này.

An Hội
TUAN.FR
 

Thực hiện: depweb

27/03/2012, 11:24