Nguyễn Phương Mai: Tôi là con ếch từ giếng nhỏ sang giếng to

Tiến sĩ về giao tiếp đa văn hóa (Intercultural Communication) Nguyễn Phương Mai, 37 tuổi, là chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm, và giảng dạy môn đàm phán/giao tiếp đa văn hóa tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị đã đặt chân tới gần 80 quốc gia khác nhau.

Nguyễn Phương Mai là tác giả của loạt bài 16 kỳ đã đăng trên Tạp chí Đẹp mang tên “Con đường Hồi giáo” và cuốn sách du ký “Tôi là một con lừa”.

Thế giới này đủ rộng để mỗi người khám phá theo cách riêng

–  Đến bây giờ, khi đã đặt chân tới gần 80 nước, tưởng như nơi nào muốn đi chị đều đã đi qua cả, chị còn có những điểm du lịch mà mình khao khát nữa không?

– Tất nhiên là có chứ, thậm chí ngày càng nhiều hơn. Tôi vẫn chưa thực sự được đặt chân lên những đường phố Saudi, nơi đáng lẽ phải là điểm khởi đầu của Con đường Hồi giáo. Có vô số những địa điểm mà tôi không có đủ thời gian để thẩm thấu sâu hơn nhịp điệu văn hóa của người bản xứ và luôn khát khao quay lại. Thế giới bao la, con số 80 chẳng có ý nghĩa gì cả. Đi đến một đất nước, ngồi xuống thở hắt ra kêu “mệt quá” rồi đứng dậy đi tiếp thì cũng được tính là một nước. Vậy thì điều quan trọng không phải là con số, mà là khối lượng kiến thức mà mỗi người thu nhận được.

Cố gắng (trong vô vọng) để nhận biết các mẫu chữ Ả Rập cổ
trên tường thánh đường Hồi giáo đẹp nhất thế giới: Đền Taj Mahah ở Ấn Độ.

 

– Giống như trong những bộ phim của Mỹ, sau một hành trình gian khổ, nhân vật chính thường trưởng thành hơn và có những nhận thức sâu sắc về đời sống. Bên cạnh những thông tin mới về đất nước, con người Hồi giáo, bản thân chị đã thay đổi như thế nào?

– Tôi thấy mình không những là một con lừa ưa nặng mà còn là một con ếch nữa, May thay, con ếch tôi không phải lúc nào cũng bằng lòng với bầu trời nhỏ bằng miệng giếng nên muốn nhảy ra ngoài. Và khát vọng ấy thôi thúc những chuyến đi. Nhưng càng đi, càng thấy con ếch chẳng thể thoát khỏi những chiếc giếng, nó chỉ chuyển từ giếng nhỏ sang những chiếc giếng to hơn thôi. Thế giới vô tận, càng đi càng thấy mình bé nhỏ, tầm thường.  

– Nhân vật cậu bé Christopher Boone trong tác phẩm “Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm” (The Curious Incident of the Dog in the Night-Time, tác giả: Mark Haddon) có chia sẻ một quan điểm khá thú vị về du lịch. Cậu bé nói rằng cậu không hiểu sao người ta cứ đua nhau đi du lịch, trong khi nếu quan sát một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng (có thể tạm hiểu là sống chậm, sống kĩ), đời sống xung quanh ta tràn đầy những điều mới mẻ mỗi ngày. Chị nghĩ sao về quan điểm này?

– Tôi nghĩ thế giới này đủ rộng để cho mỗi chúng ta ai cũng có thể đi du lịch, hay đúng hơn là khám phá và tìm hiểu theo cách của mình. Điều đáng sợ nhất không phải là một đôi chân không đi mà là một khối óc ngồi im một chỗ.

 

Dưới tấm áo choàng đen này là quần bò thủng lỗ và áo hip-hop 

Lên đường với trí óc đầy kiến thức và trái tim rỗng

– Thực ra thông điệp của chị không mới. Một trường hợp khác “xách ba lô lên và đi” ở Việt Nam là Huyền Chip, nhưng không thực sự thành công. Chị có nghĩ là người ta nên tích lũy kiến thức và độ trải nghiệm nhất định rồi mới lên đường?

– Tôi chưa đọc Huyền Chip và không theo dõi những câu chuyện quanh tác giả này nên quả thật hơi khó nhận xét về cô. Đối với bản thân mình, tôi có một triết lý lên đường riêng. Thứ nhất, trí óc phải được đổ đầy kiến thức khách quan đa chiều về vùng đất mới. Tuy nhiên, song song với việc làm đầy trí óc thì trái tim lại phải dốc ngược ra hết sức để làm rỗng, để trút bỏ mọi định kiến. Để rồi những người bản xứ ở mỗi miền đất mới sẽ đổ vào trái tim kẻ du hành những tình cảm của chính bản thân họ.

 

Một giây nằm trong quan tài đá 4500 năm tuổi ở kim tự tháp Khufu

Nói đến đây tôi xin mở ngoặc một chút, vì tự bản thân cảm thấy xấu hổ khi những chuyến đi của mình được mọi người ca tụng thành những điều như thể phi thường. Ở các nước phát triển, thậm chí ở Trung Quốc thôi, việc các bạn trẻ bỏ học một năm đi bụi là điều rất bình thường. Sinh viên của tôi đi gap year* nhiều không đếm xuể. Tương tự, những người đang đi làm rồi nghỉ một thời gian để làm sabbatical** như tôi cũng là chuyện rất bình thường. Tôi nghĩ xung quanh ta, ngay ở Việt Nam cũng có rất nhiều người đi và hiểu biết, chỉ có điều họ không viết sách và không chia sẻ với công chúng thôi.

– Về chuyện viết sách, nếu tôi, một độc giả, nói rằng tôi cảm thấy chưa thỏa mãn với những gì chị viết, ví dụ, về một đất nước mà chị chỉ dành vài trang, chị sẽ nói gì?

– Độc giả có quyền cảm nhận của độc giả, và tác giả có quyền viết theo ý của riêng mình. Nếu hai làn sóng gặp nhau thì có sự đồng cảm. Nếu không gặp nhau, thì đó là một phần sắc thái đa dạng của cuộc sống muôn mặt xung quanh. Tôi nghĩ đó là chuyện rất bình thường.

 

Marina Dubai trong ánh chiều cuối ngày đổ về đêm 

–  Là một người phụ nữ có cơ hội đi nhiều, trong sách, và qua hành trình của mình, chị có chia sẻ một quan niệm rất hay về nữ quyền: đó là quyền được lựa chọn. Tôi thì nghĩ rằng vấn đề là ở chỗ người ta có khả năng lựa chọn hay không, vì nếu có khả năng, kiểu gì họ cũng được lựa chọn. Mà khả năng lựa chọn, không còn cách nào khác để có được, là qua học tập và rèn luyện. Chị nghĩ sao?

– Tôi đồng ý với bạn về nhận xét này. Sự lựa chọn và khả năng lựa chọn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có phông nền văn hóa và trình độ nhận thức của chính người phụ nữ. Tôi biết có những người bạn cùng giới muốn có sự lựa chọn giống mình, nhưng hoàn cảnh cuộc sống không cho phép. Nếu họ bỏ cuộc và buông xuôi thì không nói làm gì. Nhưng nếu họ luôn tìm cách vươn lên, bứt ra, hoặc chờ thời cơ tận dụng mọi tình huống để giành lại những gì xứng đáng với họ, thì đó là những người phụ nữ đáng để tôi cúi đầu khâm phục.

Tuy nhiên, quyền được lựa chọn và khả năng lựa chọn trong mỗi con người cũng không phải bất biến. Bản thân tôi cũng vậy, tôi của 20 năm trước khi vẫn còn ở Việt Nam đã có những lựa chọn rất khác so với tôi bây giờ. Từ những chuyện rất nhỏ như tôi từng mơ ước có một chiếc xe Viva đắt tiền nhất lúc bấy giờ và thích chí ra sao khi lần đầu tiên cầm lái. Bây giờ ở Hà Lan đến cả một cái xe đạp tôi cũng ngại mua vì sợ bị lệ thuộc vào việc phải tìm chỗ ở cho nó mỗi chuyến khăn gói đi xa.

– Và câu hỏi cuối:  Làm thế nào để chị nhiều năng lượng như thế?

– (Cười rất to) Cái này để tôi hỏi mẹ! (Với sang phòng bên) Mẹ ơiiiiiii…

– Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

*Gap year: có thể hiểu là một năm ngắt quãng của các bạn trẻ khi vừa tốt nghiệp trung học hoặc đại học, một khoảng thời gian để tích lũy kinh nghiệm sống và định hướng cho cuộc sống sau này.

**Sabbatical: Các giáo sư ở đại học xin nghỉ dạy một thời gian dài (một học kỳ cho tới vài năm) để tập trung nghiên cứu..

Bài: Linh Hanyi

Ảnh: Nhân vật cung cấp

logo
 

>>> Có thể bạn quan tâm: Nhật ký hành trình của tác giả Phương Mai đã lần lượt được đăng tải suốt 16 kỳ trên Tạp chí Đẹp, bắt đầu từ tháng 2/2012. Đẹp Online xin được giới thiệu lại toàn bộ loạt bài này để bạn đọc tiện theo dõi.

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category