Nguyễn Phi Phi Anh – “Cậu bé vàng” của nhạc kịch Việt trở lại

Nguyễn Phi Phi Anh. (Ảnh: Đô Tăng)

Thực ra, Nguyễn Phi Phi Anh không còn là “cậu bé” ở cả tuổi tác lẫn kịch nghiệm. Chàng trai 25 tuổi này chỉ giống trẻ con ở cái cách cậu muốn người khác gọi tên mình – PPAN – theo tên nhân vật Peter Pan trong bộ phim hoạt hình cùng tên của hãng Disney. Nhưng là một PPAN phiên bản khác. 

PPAN là một người trẻ ham sống, ham vui chơi (và có thể cả hưởng thụ) giống nhân vật được yêu thích của Walt Disney nhưng lại luôn nung nấu và dốc lòng vì đam mê nhạc kịch, vì muốn vẫy vùng trong biển trời tự do của nghệ thuật.
Ngoài đời, Nguyễn Phi Phi Anh sở hữu vẻ ngoài hơi gầy gò và hiền lành, không giống tiêu chuẩn hotboy của giới trẻ nhưng luôn gây được sức nóng. Trong đầu của Phi Anh luôn thường trực những ý tưởng, và bằng đam mê, cậu đã phơi sáng những ý tưởng đó lên sân khấu. Có nhiều người từng nghi ngờ gọi PPAN là “người trẻ liều mạng”, nhưng dần dà, cũng chính họ đã phải thay đổi định kiến khi xem những sản phẩm mà cậu đã thực hiện.
Chàng trai 25 tuổi này đã chứng minh tài năng “3 trong 1” với các vai trò biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất của hai vở kịch theo phong cách broadway là“Góc phố danh vọng” và “Đêm Hè sau cuối”.

Diễn viên của ‘”Đêm Hè sau cuối”  (Ảnh: Đô Tăng)

Hai vở nhạc kịch này từng ra mắt trước đó và luôn trong tình trạng cháy vé, khiến người ta cứ “bán tín bán nghi” đó là tài năng hay là sự may mắn, gặp thời.
Để rồi, một lần nữa mang “HOPE” về lại Hà Nội, sáng đèn sân khấu L’Espace 35 buổi liên tục khoảng cuối 2016 – đầu 2017 với 3 vở nhạc kịch đã quen thuộc và mới – “Đêm Hè sau cuối” (tháng 10) “Góc phố danh vọng” (tháng 11) và “Mộng ước không xa vời” (tháng 1) – PPAN cho thấy, cậu vẫn tiếp tục trong điều kiện tưởng chừng như không thể.
“Hope” thường được dịch từ tiếng Anh với nghĩa hy vọng, nhưng “hope” còn có thể dịch là mộng ước – với đầy đủ sự bay bổng, mộng mơ về những điều tốt đẹp.
“HOPE” sẽ là một dự án nhạc kịch “màu mè” và “lai căng”? Không. Theo cách riêng của mình, “HOPE” gợi lên một cảm giác vừa chân thực và phức tạp của đời sống giới trẻ; vừa là những mộng ước, đam mê của họ. Những cái tên nửa Việt nửa Tây, những bộ trang phục sành điệu cho đến những bản nhạc pop thời thượng của Lady Gaga, Britney Spears… đều có trong “HOPE”.

Diễn viên của ‘Đêm Hè sau cuối.’ (Ảnh: Đô Tăng)

Bên cạnh đó, những vở nhạc kịch lẫy lừng như Cabaret, Grease, NINE cũng sẽ vang lên. Tất cả những ý tưởng đó, khởi phát từ tâm hồn truyền qua trang giấy và sẽ sống động dưới ánh đèn sân khấu. Tất cả sẽ được chính PPAN viết lại lời Việt, với tư duy của một đạo diễn đảm bảo được tính âm nhạc lẫn chất kịch.
Tuy vậy, chính PPAN đã công nhận “HOPE” là một “công trình kiến tạo tập thể”. Từ những người trẻ không chuyên cho đến những nghệ sỹ lành nghệ, họ chính là sức sống của dự án. Theo đó, mỗi vở sẽ gồm 35 diễn viên, 17 nhạc công để đảm bảo phần âm thanh trở nên sống động nhất.
Thông qua dự án lần này, PPAN muốn thay đổi định kiến thưởng thức lâu nay của khán giả. Đối với nghệ sỹ trẻ này, nhạc kịch cũng không phải loại hình nghệ thuật xa xỉ. Với 35 đêm diễn có giá vé 200-300.000, “HOPE” có “mộng ước” hướng đến 10.000 khán giả thuộc mọi giới.
Ngoài lớp khán giả trí thức, dự án muốn hướng đến thành phần chưa từng bước vào rạp hát và sẽ không bao giờ có nhu cầu vào rạp hát như giới bình dân, người lao động, sinh viên nghèo, học sinh, trẻ lang thang, người cơ nhỡ…
Trên tất cả, PPAN muốn hướng tới sự lao động trong lao động nghệ thuật, kiến thiết và sáng tạo ra không gian nghệ thuật giải trí văn minh, một cộng đồng những nghệ sỹ trẻ trong sáng và đam mê, một cuộc sống luôn luôn tồn tại những điều để tin và để mong đợi. Từ hy vọng tràn trề ấy, mỗi người sẽ có thêm động lực để thực hiện những “Hope” – “Mộng Ước” – của riêng mình.

Một cảnh trong “Đêm Hè sau cuối”. (Ảnh: Đô Tăng)

“HOPE” sẽ khai màn buổi diễn đầu tiên với vở “Đêm Hè sau cuối” tối 4/9 tại L’Espace, Tràng Tiền Hà Nội. Vé được bán online trên fanpage “Đêm Hè sau cuối” từ ngày 5/9 và tại L’Espage ngày 12/9.

Theo Macus Phan (VietnamPlus)

From the same category