Nguyên Lê: “Tùng Dương là sự khám phá" - Tạp chí Đẹp

Nguyên Lê: “Tùng Dương là sự khám phá”

Sao

 

Người phương Đông có từ ngưỡng vọng. Tôi thấy anh là nghệ sĩ được giới làm nhạc nghệ thuật ở Việt Nam trong đó có ca sĩ Tùng Dương hướng tới với thái độ đó. Tùng Dương thậm chí từng phát biểu trên báo chí rằng anh là một tượng đài âm nhạc, niềm tự hào của âm nhạc Việt Nam!

Ồ thế ư! Nói thật là tôi không đọc được nhiều tiếng Việt, trong các buổi họp báo và nghe mọi người nói thì tôi biết Dương dành cho tôi những tình cảm và lời lẽ rất yêu quý. Nhưng cũng không biết là đến mức đó.

Thế còn anh, nếu nói về Tùng Dương, anh sẽ nói gì?

– Dương là sự khám phá của tôi khi trở về Việt Nam.

Chắc bạn cũng nhớ rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi là chương trình anh Huy Tuấn làm hồi tháng 7 năm ngoái. Khi anh Tuấn nói rằng muốn mời Dương hát 2 bài, tôi đã tìm hiểu về cậu ấy qua You-Tube. Ấn tượng ban đầu Dương hát tốt, có phong cách nên tôi đồng ý.

Nhưng khi về Việt Nam, trực tiếp gặp nhau, làm việc và trao đổi nhiều, tôi rất ấn tượng về cậu ấy. Tùng Dương hòa quyện được những yếu tố để trở thành một nghệ sĩ có tài: giọng hát tốt được mài giũa từ sự đào tạo và rèn luyện chuẩn nhưng cao hơn cả là một thị hiếu âm nhạc và bản năng sáng tạo mạnh mẽ, quyết liệt. Về công việc, cậu ấy là người nghiêm túc và luôn làm việc với hơn 100% năng lượng của mình.

Nhưng tôi thấy đó chỉ là những tố chất của một nghệ sĩ. Tôi chưa hiểu ý của anh khi nói Dương là một sự khám phá?

– Đối với tôi, mỗi chuyến đi là một cuộc khám phá. Vì người nghệ sĩ phải luôn luôn khám phá. Đó là động lực sáng tạo của anh. Nhưng sự khám phá cũng rất đa dạng.

Từ những lần trở về Việt Nam cách đây 10 năm, tôi luôn mong muốn tìm được sự kết nối với các nghệ sĩ trong nước. Và những chuyến trở về gần đây tôi đã đạt được mục đích đó. Bạn phát hiện ra những nghệ sĩ mới, những phong cách mới. Cái mới ở đây không phải là sự mới lạ, mà bản thân mỗi con người là một cá tính, phong cách hay tài năng. Nhưng họ tạo cảm hứng cho bạn. Họ khiến bạn cảm thấy muốn làm việc cùng và cảm thấy sẽ có điều mới mẻ được ra đời. Đó chính là khám phá. Và Dương là một người như thế.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu những người tổ chức chương trình muốn tìm ai đó để đứng chung sân khấu với anh tại Việt Nam thì Tùng Dương hẳn là một lựa chọn phù hợp. Vì Dương có cái chất thể nghiệm và tìm tòi mà tôi nghĩ rằng có thể tìm được tiếng nói chung trong âm nhạc của anh.

– Cũng thú vị lắm! Tôi có nghe những đĩa nhạc Dương làm ở Việt Nam. Phải nói là rất tìm tòi và tôi nghĩ công chúng thông thường cũng chưa hẳn đã thích. Thế nhưng Dương lại có rất nhiều khán giả và người hâm mộ ở Việt Nam. Điều đó khiến tôi rất bất ngờ nhưng lại đáng mừng. Vì thứ nhất, như vậy là ở Việt Nam khán giả đã tiếp cận nhiều hơn với cái mới, cái lạ. Những chuyến trở về lần trước, tôi không cảm nhận được điều này. Thứ hai là cách làm của Dương tôi nghĩ là rất thông minh. Cậu ấy sẽ là cái cầu nối công chúng đến với những loại hình âm nhạc mới mẻ.

 

Và tới đây thì anh sẽ cùng Dương thực hiện một sản phẩm âm nhạc thực sự?

– Vâng. Tôi đang viết một số bản nhạc mới cho đĩa nhạc này và có thể chúng tôi sẽ chơi lại một số bản nhạc nổi tiếng mà chúng tôi cùng yêu thích nhưng theo cách của chúng tôi. Đây là đĩa nhạc mà Tùng Dương sẽ là nhân vật chính còn tôi là người sản xuất, viết nhạc và hòa âm. Tôi dự định mời một số nghệ sĩ nước ngoài và có thể là cả một số nghệ sĩ Việt Nam cùng ghi âm. Đĩa nhạc vẫn mang âm hưởng world music và kết hợp chất liệu âm nhạc Việt Nam với những thể loại hiện đại.

Câu hỏi này có thể hơi sớm, nhưng anh có nghĩ rằng với sản phẩm này tên tuổi của Tùng Dương sẽ vươn được ra khỏi biên giới Việt Nam?

– Đúng là câu hỏi này sớm quá. Tôi biết Dương là người có tham vọng. Nhưng cậu ấy cũng là người thông minh và biết mình đang làm gì. Mục đích của chúng tôi khi hợp tác cùng nhau không phải là để Dương nổi tiếng toàn cầu mà quan trọng là chúng tôi muốn cùng thực hiện một sản phẩm âm nhạc. Nên tôi nghĩ chuyện Dương có vươn được ra thế giới sau dự án này hay không không phải chuyện quan trọng.

Có một điều mà tôi và chắc hẳn nhiều người cũng rất kính trọng anh. Đó là mặc dù không được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng anh lại rất hiểu và trở thành người thành công nhất trong việc đưa các chất liệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam vào các loại hình âm nhạc mới. Anh có thể chia sẻ về điều này?

– Có một sự kiện mà tôi nghĩ rằng nó là bước ngoặt sự nghiệp của mình là khoảng năm 1995 khi tôi ra album thứ 3 của mình. Khi đó tôi có tặng giáo sư Trần Văn Khê mà tôi quen gọi là bác Khê, người bạn thân thiết của gia đình tôi, đĩa CD của mình. Sau khi nghe, bác Khê bảo tôi rằng chơi nhạc thế cũng là hay rồi nhưng bác chưa thấy con người Việt Nam của tôi trong đó. Bác khuyên tôi tìm hiểu về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Vậy là tôi bắt đầu công cuộc khám phá âm nhạc Việt Nam qua các nghệ sĩ, nghệ nhân mà tôi may mắn được gặp, làm việc cùng và thọ giáo. Rồi tiếp theo là “Tales from Vietnam” cùng những sản phẩm âm nhạc sau đó mà tôi luôn cố gắng tìm kiếm ngôn ngữ chung và phát lộ cái đẹp của âm nhạc truyền thống khi hòa trộn với âm nhạc hiện đại.

Còn tại sao tôi làm được vậy thì có lẽ là kết hợp của nhiều yếu tố. Khi tìm hiểu về âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi không đứng dưới góc độ một loại hình âm nhạc đơn thuần mà sự tìm tòi phải gắn kèm nhiều thứ khác như văn hóa, lịch sử, triết học… Nhưng chính sự tìm tòi đó làm khơi dậy nơi tôi những liên hệ vô hình về nguồn gốc, dòng máu Việt đang chảy trong con người mình. Chính vì thế khi chơi nhạc, tâm thế của tôi là tâm thế của người chơi cái của mình. Và một cách tự nhiên thôi, tôi tìm ra con đường riêng của mình trong âm nhạc.

Nhưng tôi nhớ rằng có lần khi trả lời phỏng vấn một tờ báo nước ngoài, anh từng nói rằng mình không vui khi trở về Việt Nam và thấy các nghệ sĩ trong nước chưa thực sự trân trọng và khai thác được hết vốn âm nhạc truyền thống?

– Đúng vậy. Đó là sau khi tôi ra mắt album “Tales from Vietnam”. Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã khác. Vừa rồi tôi được làm việc với khoảng 3 ê-kíp nghệ sĩ và họ đều rất trẻ và tài năng. Đặc biệt các nghệ sĩ theo đuổi con đường âm nhạc dân gian trong dự án “Nguồn cội” như ca nương Kiều Anh hay nghệ sĩ sáo Hoàng Anh. Họ nắm bắt tốt và yêu những giá trị truyền thống của dân tộc. Đặc biệt hơn nữa họ lại đang đưa những cái truyền thống đó vào âm nhạc đương đại. Theo tôi đó là một tư duy làm nghệ thuật cấp tiến.

Nếu coi đó là một sự khám phá, theo cách nói của anh, thì có lẽ đó là khám phá về con người. Còn âm nhạc thì sao thưa anh?

– Về âm nhạc thì thực ra tôi đã có một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và chơi âm nhạc dân tộc Việt Nam rất nhiều rồi nên cũng không còn điều gì quá mới mẻ nữa. Nhưng sự khám phá về con người lại rất quan trọng. Vì mỗi người không ai giống ai và nghệ sĩ càng như vậy. Vì thế khi tôi thực hiện album “Tales from Vietnam” cùng Hương Thanh, chúng tôi tiếp cận âm nhạc dân gian theo một cách khác. Còn khi tôi làm việc với ê-kíp của anh Quốc Trung, chúng tôi lại tiếp cận theo cách khác. Đó chính là cái hay của nghệ thuật.

Trong buổi họp báo ra mắt dự án “Nguồn cội”, nghệ sĩ người Tunisia Dhafer Youssef đã nói rằng một trong những lý do khiến anh ấy nhận lời tham gia dự án này là sự kính trọng đối với anh. Bởi với anh ấy và nhiều nghệ sĩ khác trên thế giới, anh là một biểu tượng của sự thành công khi sử dụng World music để đem những nét đẹp âm nhạc truyền thống Việt Nam tới với thế giới.

– Tôi nghĩ rằng mình chỉ đang làm một việc mà nhiều người khác mà điển hình là bác Trần Văn Khê đã và vẫn đang làm thôi.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Paris, tiếng Pháp là ngôn ngữ của tôi. Nhưng gia đình tôi lại sống với đúng nề nếp và tác phong của một gia đình Hà Nội truyền thống. Nơi tôi ở lại gần khu của người Pháp gốc Phi. Vì thế từ bé tôi đã chơi thân với những người bạn gốc Phi. Đôi khi tôi cảm thấy số phận của mình gắn với sự hòa trộn thì phải. Những tiếp xúc văn hóa của tôi từ nhỏ đã rất đa dạng và tôi cũng không gặp khó khăn gì để hài hòa những cái đó. Nó tự nhiên thôi.

Nhưng trong sự pha trộn văn hóa đó, luôn tồn tại trong con người tôi và cũng có rất nhiều những người bạn của tôi nữa, một nhu cầu định vị cái riêng của mình. Nếu bạn không có cái riêng, bạn sẽ bị lạc lối trong một thời đại mà mọi thứ hòa trộn vào nhau.

World music là câu trả lời của riêng tôi khi đặt ra câu hỏi: Tôi là ai? World music là sự hòa trộn. Nhưng đó là một sự hòa  trộn có tính nghệ thuật và tư duy của những chất liệu âm nhạc mà tôi yêu thích như jazz hay rock. Và cái yếu tố làm nên sự khác biệt, cái riêng, chính là những chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam mà tôi đưa vào. Với World music tôi định vị được cái riêng của mình để xác định vị trí rõ ràng trong dòng chảy chung.

Tôi cũng thấy không ít nghệ sĩ nước ngoài, sau một thời gian theo đuổi pop hay rock đơn thuần cũng có xu hướng tìm đến những thử nghiệm với âm nhạc các dân tộc như Peter Gabriel, Alanis Morrissette hay Robert Plant. Theo ông tại sao lại có hiện tượng này?

– Bởi vì World music không có giới hạn. Tôi lại trở lại với điều tôi nói lúc đầu. Đó là sự khám phá. Sự khám phá là cảm hứng của mọi nghệ sĩ trên thế giới. Nếu không liên tục khám phá, tìm tòi cái mới thì cảm hứng cũng như tài năng của bạn sẽ bị nguội lạnh, thậm chí dần dần có thể bạn sẽ không thể tiếp tục sáng tạo nữa.

Xin hỏi anh một câu hỏi hơi ngoài lề. Tôi thấy anh rất có duyên với những người phụ nữ đẹp như chị Hương Thanh, chị Vân Ánh rồi nghệ sĩ người nhật Mieko Miyazaki. Có bao giờ vẻ đẹp của họ tạo cảm hứng cho anh trong âm nhạc?

– Câu hỏi này “hóc búa” đấy. Tôi sẽ trả lời nhưng chắc chúng ta nói nhỏ thôi nhé… (khi đó vợ của nghệ sĩ Nguyên Lê đang ngồi gần và thưởng thức một ly rượu vang – NV) Thực sự tôi cũng không biết tại sao mình có duyên với những người đẹp đến thế. Nhưng thực sự là đối với tôi họ là những người em và… những người thầy. Như Vân Ánh, cô ấy giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về các loại đàn dân tộc như đàn tranh. Hương Thanh thì tôi chia sẻ nhiều lần rồi. Cô ấy là một nửa thành công của album “Tales from Vietnam”.

Đã bao giờ anh tưởng tượng nếu không trở thành một nghệ sĩ Nguyên Lê trong âm nhạc, anh sẽ làm gì?

– Tôi không biết nữa (cười) Thỉnh thoảng thì đúng là tôi cũng có nghĩ như vậy nhưng cũng nghĩ vẩn vơ vậy thôi. Bạn biết đấy, đến năm 20 tuổi thì cùng một lúc tôi theo đuổi 3 thứ là triết học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc. Nhưng tôi không hề có thời điểm lựa chọn rằng mình phải theo hẳn điều gì trong số đó. Âm nhạc chỉ là một sự tự nhiên, khi mà tôi có nhiều cơ hội chơi nhạc hơn thì tôi chơi và biểu diễn nên dần dần nó chiếm nhiều thời gian hơn và tôi coi nó như là công việc chính. Nhưng hai thứ còn lại tôi chưa bao giờ hết quan tâm cả. Tư duy âm nhạc của tôi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học và nghệ thuật thị giác.

Và một cuộc trở về Việt Nam trong thời gian dài hơn thậm chí một kế hoạch sống tại Việt Nam thì sao?

– Không. Tôi chưa có suy nghĩ đó trong đầu mặc dù bây giờ ở Việt Nam tôi đã có thêm rất nhiều bạn bè. Nhưng để lựa chọn một nơi sống ổn định thì đó phải là ngôi nhà của anh. Ngôi nhà của tôi vẫn ở Pháp. Tôi đi rất nhiều, đi diễn hay thậm chí là du lịch. Nhưng đó là nơi tôi trở về và cảm thấy dễ chịu.

Cũng giống thế, tôi đã chu du nhiều nơi trong lãnh địa âm nhạc nhưng âm nhạc dân gian Việt Nam là nơi mình trở về. Quê hương đã ở trong tâm hồn mình, tôi không câu nệ phải trở về sống ở đây mới là quê hương.

 

Nguyên Lê vs Tùng Dương: Hai kẻ “tri giao trong âm nhạc

Nguyên Lê là một nhạc sĩ Pháp gốc Việt có tên tuổi ở tầm thế giới, từng được nhận Huy chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học do chính phủ Pháp trao tặng. Tùng Dương là một tài năng âm nhạc của Việt Nam. Cuộc gặp gỡ tình cờ của họ, nói như Tùng Dương là “định mệnh nghệ thuật” và “tri giao trong âm nhạc”.

TTVH & Đàn Ông thực hiện cuộc phỏng vấn song song với Nguyên Lê và Tùng Dương để nghe họ nói về nhau và về dự án âm nhạc “world music” mà hai nghệ sĩ tài năng này chuẩn bị thực hiện.

Mời các bạn đón đọc:

>> Tùng Dương: “Tham vọng để trở thành nghệ sĩ có tư tưởng”

>> Nguyên Lê: Tùng Dương là một sự khám phá

Text: Độc Cầm 


Thực hiện: depweb

27/09/2012, 11:00