Nguyễn Hữu Tuấn & lát cắt của tháng Sáu

“Ở Việt Nam làm phim không đắt như ở nước ngoài. Nhưng khoản đầu tư cho phim vẫn là lớn”

Khi trái bóng Động Lực nền nâu cam có vạch đen được tung lên mở ra phim “Dành cho tháng Sáu”, không chỉ một trận bóng rổ bắt đầu. Bởi cùng lúc đó, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Nguyễn Hữu Tuấn nhập cuộc chơi điện ảnh, bằng những đồng tiền túi, với những đêm thức trắng cùng rất nhiều bạn bè…

Nguyễn Hữu Tuấn nói ít, không to tiếng và có vẻ duy tình. Năm 2012 đánh dấu niềm đam mê đắt giá của Tuấn với điện ảnh: “Dành cho tháng Sáu” ra đời mà không có bất cứ tài trợ nào. Giống như tính cách của Tuấn, bộ phim đầu tay kiệm lời và ngọt ngào. Những nụ cười duyên. Cái gãi đầu bẽn lẽn. Chiếc xe bỗng đổ uỳnh vào lúc cậu trai trẻ chuẩn bị cất lời tỏ tình… Một khoảng không trong trẻo của tuổi mười lăm, mười bảy ùa về.

 Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn

Đám đông đã không chịu nổi

Tôi đã mất 6 năm kể từ ngày có ý tưởng về bộ phim cho tới lúc hoàn thành”, Nguyễn Hữu Tuấn nói. Trong 6 năm đằng đẵng, Tuấn đi chậm rãi và nhờ thế lần lượt gặp các cộng sự. Đáng kể nhất, một quán bar đã “tặng” anh “người bạn nhạc” Guillaume Vétu. Guillaume và Tuấn hợp nhau về sở thích âm nhạc, về nhiều quan điểm sống. Nhưng quan trọng nhất, theo Tuấn, Guillaume là người sống hết mình, kỹ càng trong công việc nghệ thuật. Thay vì nghĩ đến chuyện làm sao để kiếm được nhiều tiền, thì nhà soạn nhạc này lại nghĩ đến việc làm sao để tốt hơn trước. Chỉ riêng điều đó đã là khởi đầu tuyệt vời cho bất cứ loại hình nghệ thuật nào.

Nhưng cũng vì sự chậm rãi tử tế ấy, bộ phim của Tuấn hoàn toàn làm thất vọng những người xem chỉ “xơi” độc món bom tấn – thể loại điện ảnh nước ngoài duy nhất hiện đang có lãi tại Việt Nam. Thậm chí có người xem còn la ó “Dành cho tháng Sáu” như một quả lừa nhạt nhẽo. Không khác đám đông năm 1993 đã không chịu nổi “Mùi đu đủ xanh” – tác phẩm Việt Nam duy nhất lúc đó được vinh danh tại Cannes. “Thực ra đây là một kiểu kể chuyện thôi. Với khán giả Việt có thể hơi lạ nhưng trên thế giới thì đã quá quen. Người ta vẫn gọi nó là slice-of-life (lát cắt cuộc sống)”, Tuấn nói, “Thế nhưng cũng có những khán giả nói rằng họ đi xem tới ba lần!”.

Cách kể chuyện này được đạo diễn sử dụng để bộ phim có một chỉnh thể cảm xúc đầy đủ, bất chấp câu chuyện thực trong phim chỉ diễn ra trong vòng khoảng ba ngày. Chỉ có sự tinh tế của slice-of-life mới chuyển tải đủ cảm xúc trên cái nền phẳng lặng đến vậy.

Tuy nhiên, “Dành cho tháng Sáu” cũng chưa đi hết quãng đường của một phim nghệ thuật tới cùng như cách của Trần Anh Hùng từng thành công. Nhóm hậu kỳ người Pháp cho rằng “Dành cho tháng Sáu” không hề thiếu những yếu tố của một bộ phim thương mại. Nhưng ngược lại, các hãng phát hành lại không mạnh dạn bỏ phiếu vì cho rằng nó… quá thiên về tính nghệ thuật. Bản thân Mega Star – một trong những công ty phát hành phim lớn nhất Việt Nam – lại nói “Không” vì đây là tác phẩm của người trẻ chưa mấy tên tuổi. Để tiếp cận rạp, phần nào “Dành cho tháng Sáu” còn lửng lơ, một sự thỏa hiệp giữa “nghệ thuật” và “thương mại”. Bù lại, phim kỹ – là một tấm danh thiếp sang trọng của người mới vào nghề.

“Tiếp đạn” cho điện ảnh chủ lưu

Không phụ thuộc, cũng không thị trường, Nguyễn Hữu Tuấn là ví dụ 30 tuổi về những người theo đuổi dòng phim độc lập. Con đường tốn sức, hại túi này hiện đang được coi như một nhánh đáng kể của điện ảnh Việt. Khuôn mặt những bộ phim này cho tới giờ khá tuấn tú. “Mọi người hỏi tôi có nghĩ phim độc lập Việt Nam đang phát triển. Tôi nghĩ không phải là phát triển, mà còn là cái đương nhiên phải có”, Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Phim độc lập sẽ không bao giờ phát triển thành một dòng chủ đạo. Tuy nhiên, thời nào cũng có phim độc lập bởi nó là nhu cầu rất tự nhiên của người làm phim. Không phải ai mới đầu cũng được làm phim lớn ngay, không phải ai cũng được đầu tư để làm phim thương mại, mà mọi người đều muốn làm một bộ phim của riêng mình”.

Trên nền một xã hội chưa có thói quen đầu tư phim, tài trợ phim, việc làm phim độc lập càng khó có “cửa lớn”. Những ngày đầu viết kịch bản “Dành cho tháng Sáu”, Tuấn cũng nghĩ nhiều đến những nơi có thể xin tài trợ. Động Lực là một ví dụ, với trái bóng xuất hiện khá dày trong một bộ phim thể thao về bóng rổ như “Dành cho tháng Sáu”. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc phòng marketing, viết dự án, chờ đợi trong lạnh nhạt, Tuấn đã bỏ qua mà không tiếp tục theo đuổi nguồn tài chính này. Bởi vì nếu Động Lực gật đầu, chắc chắn khoản tài trợ cũng chỉ bằng bóng, hoặc con số tiền mặt không đáng kể với số vốn Tuấn bỏ ra làm phim.

Phim độc lập đương nhiên sẽ không thể trở thành dòng chủ lưu, bởi sức mạnh tài chính rất quan trọng. Ở Việt Nam càng thế”, Tuấn nói.

Trên thế giới cũng vậy, điện ảnh độc lập không thể thành dòng chủ lưu, song nhiệm vụ của dòng phim kinh phí nhỏ, ý tưởng độc này lại vô cùng quan trọng. “Tại Mỹ, điện ảnh độc lập nhiều lúc tưởng như thắng thế Hollywood hùng mạnh. Thực ra không phải, điện ảnh độc lập đóng vai trò tiếp đạn cho kinh đô điện ảnh. Khi Hollywood cạn kiệt về ý tưởng, sẽ có nhóm điện ảnh độc lập lấp đầy vào vị trí sáng tạo. Nguồn lực của Hollywood sẽ giúp tài năng của họ thể hiện rõ hơn”. Điều Tuấn nhắc đến cũng là hành trình Steven Spielberg đã đi. Khởi đầu bằng các phim nhỏ, Spielberg có bước ngoặt lớn với “Hàm cá mập” trước khi được các hãng lớn mời làm phim bom tấn. Sau đó, ông lại trở về với hình thức phim độc lập bằng cách mở ra hãng phim của chính mình. Giờ đây DreamWorks SKG đã là một công ty lớn nhưng vẫn được coi là hãng phim độc lập nhờ các nhà sáng lập của nó đã nỗ lực thoát ra khỏi bàn tay của các ông trùm ở Universal và Paramount.

“Ở Việt Nam làm phim không đắt như ở nước ngoài. Nhưng khoản đầu tư cho phim vẫn là lớn”, Tuấn nói. Chính vì thế, người làm phim độc lập không nhất thiết phải ít tuổi, nhưng dứt khoát phải có máu liều. Thậm chí, theo Tuấn, những ai đã làm phim độc lập cũng có nghĩa họ không có con đường nào khác để làm phim. Và do sự bươn chải này quá tốn kém, cho tới giờ, theo anh, có rất nhiều nhà làm phim trẻ đầy khả năng nhưng lại chưa đủ điều kiện để bắt đầu cuộc chơi.

Bài: Trinh Nguyễn


Chuyên đề Đẹp Giá trị vàng

Live show

Âm nhạc

Nghệ sĩ của công chúng

Những người lặng lẽ

Thời trang Việt

Bài đã đăng:

>> Tùng Dương: “Đi bên em bắt… live show” 

>> Tùng John: Sau ánh đèn sân khấu

>> Yxine: Marcus Mạnh Cường Vũ

>> Nguyễn Hữu Tuấn & lát cắt của tháng Sáu 

Các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo trong chuyên đề

>> Nghe có ý thức

>> Nghệ sĩ của công chúng: Bình Minh, Mỹ Tâm, Thành Lộc

>> Những người lặng lẽ

>> Thời trang Việt: Một thế hệ Vàng


From the same category