Sẽ bất ngờ nếu bạn cố hình dung về Nhung trước khi gặp mặt. Với vẻ ngoài nhẹ nhàng, xinh xắn, khó để nghĩ rằng cô gái sinh năm 1990 lại là người đứng sau chiến lược phát triển của các công ty startup thành công, từng “thà chia tay người yêu còn hơn bỏ khoa học” nhưng cũng bất ngờ nghỉ việc với mức lương cao chỉ để ở nhà… viết sách.
– Được biết Nhung đang viết cuốn sách đầu tiên của mình. Nhung có thể bật mí với Đẹp về quyển sách này không?
– Mình viết về toàn cầu hóa. Có những cuộc dịch chuyển lớn đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới, để nhập cuộc, đòi hỏi bạn phải trở thành một công dân toàn cầu. Ví dụ, tỉ lệ thất nghiệp ở phương Tây ngày càng cao bởi các công ty đổ vốn đầu tư vào những quốc gia có nguồn lao động giá rẻ; hay trong mắt nhà tuyển dụng Việt Nam, người ngoại quốc “da trắng, mắt xanh” nghiễm nhiên được đánh giá cao hơn nhân lực trong nước… Cuốn sách này “sẽ đưa ra một vài ý tưởng nhằm giúp các bạn trẻ trở thành các công dân toàn cầu thế hệ 2.0.”
– Học giả Chevening
– Thạc sĩ khoa học tự nhiên chuyên ngành Phát triển bền vững, Thương mại và Thiết kế – Đại học Brunel (Anh)
– Từ 2016 đến nay: Thành viên Hội đồng cố vấn sản phẩm và đối tác chiến lược Công ty công nghệ DropDeck
– Giám đốc điều hành Remote Year tại Việt Nam
– Viết sách về kinh tế, nhưng trước đó, Nhung lại chọn nghiên cứu khoa học để dấn thân. Tại sao vậy?
– Thật ra, tôi thích khoa học từ lúc bé, thích mày mò đọc bách khoa toàn thư. Đến năm 2015, khi nhận được học bổng Chevening của chính phủ Anh, dù hơi đắn đo nhưng tôi quyết định chọn học bằng Thạc sĩ khoa học. Tôi cho rằng, khoa học giúp chúng ta suy nghĩ một cách logic thay vì dựa vào trực giác, giải quyết được vấn đề ở phần gốc chứ không phải ngọn. Và rồi, tôi say mê.
– Từng bỏ Luật để theo học Kinh tế, rồi lại gắn bó với khoa học, vậy có quá nhiều đối với một cô gái hay không?
– Có người nói rằng tôi nhiều tham vọng, nhưng tôi luôn thấy mình như đứa trẻ đầy tò mò về cuộc sống xung quanh. Tôi từng yêu vài chàng trai, họ sợ con đường học hành và những hoài bão của tôi, đôi lần những lời họ nói khiến tôi tổn thương. Tại sao phụ nữ không thể học lên cao chứ?
Tôi đã từng dành 30 phút mỗi ngày trong suốt 3 năm để viết đơn xin học bổng. Tôi nghĩ, phụ nữ hãy thôi đừng làm khó mình bằng những cái gật đầu, cần học cách nói không và làm điều mình thích.
– Vậy điều gì tạo cảm hứng cho Nhung trong công việc?
– Tôi thường đọc tiểu sử của những nhà bác học và các doanh nhân tạo ra nhiều giá trị, để biết rằng, trước khi thành danh, họ cũng trải qua quá trình miệt mài nghiên cứu, lao động và tin tưởng ở bản thân, bất chấp những việc này có mang lại kết quả hay không.
Ngoài ra, tôi đặt mục tiêu cho mình một năm phải đọc 52 quyển sách. Tuần này đọc tiểu thuyết thì tuần kế tiếp là sách kỹ thuật, kinh doanh để hai bên não trái, não phải cân bằng nhau. Tôi hay đùa, đọc sách là mượn não thiên tài để suy nghĩ và làm giàu cho tâm hồn mình.
10s Q&A
Tính cách?
Suy nghĩ bằng tình cảm, quyết định bằng lý trí
Quyển sách đang đọc?
“Surely You’re Joking”, “Mr. Feynman! (Adventures of a Curious Character)” – những câu chuyện của nhà vật lý đoạt giải Nobel Richard Feynman
Quyển sách ảnh hưởng đến bản thân?
“In the heart of life” – Hồi kí của Kathy Eldon, mẹ nhà báo chiến trường Dan Eldon
Quốc gia từng sống?
Việt Nam, Úc, Singapore, Anh
Nơi muốn đến?
Nam Phi
Mục tiêu trong tương lai?
Trở thành Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới
Bí quyết làm đẹp?
Thiền, yoga và ngủ đủ giấc