Một người đàn bà đẹp, năng động, cởi mở và có tài giao tiếp, Nguyễn Hồng Mai hiện đang đảm nhiệm những chức vụ khá cao như Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hồng Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Happyland, Phó Tổng Giám đốc đối ngoại Tập đoàn đầu tư Anco. Chị bộc bạch một phần cuộc sống của mình khi nhớ về những ngày đầu lập nghiệp trên khuôn mặt rạng ngời sự tự tin
Vốn xuất thân từ dân Văn trường Tổng hợp, cái ngành mà khi nhắc đến người ta thường liên tưởng tới những týp người lãng mạn, bay bổng, và phiêu du, ấy vậy mà chị lại là người rất có năng lực về kinh doanh?
Tôi vốn học Tổng hợp Văn khoá 32, khi ra trường, chắc cũng một phần do hình thức khá nên được nhận làm bộ phận kinh doanh của FPT. Sau đó, từ năm 1993 đến năm 2003, tôi đã lập nghiệp qua vài ba công ty, thành có, bại có…
Có công ty do tôi làm chủ đã được chuyển nhượng. Cho đến năm 2004, tôi lại thành lập công ty Hồng Phát chuyên kinh doanh sách điện tử và các sản phẩm phát triển trí tuệ cho trẻ em.
Với Hồng Phát, tại Việt Nam, tôi được coi là người phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực phát triển dòng sản phẩm sách điện tử áp dụng phương thức vừa học vừa chơi theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chị có theo học lớp đào tạo chính quy nào về kinh doanh hay thương mại không và việc học văn có giúp ích gì cho chị ở nơi đòi hỏi khả năng phân tích cao nhạy bén về thị trường?
Tất nhiên là phải học rồi, phải học rất nhiều nữa đấy vì tôi không được đào tạo bài bản để làm kinh doanh, học bao nhiêu cũng là chưa đủ. Và học Văn giúp cho tôi nhiều lắm chứ, đừng nghĩ cứ học văn là mơ mộng và ở trên mây trên gió.
Điều đó là không thể, nếu như bạn đang sống cùng gia đình, và còn phải nuôi con nữa. Việc chữ nghĩa, giúp cho mình nhiều nếu như biết áp dụng vào cuộc sống. Làm kinh doanh, cũng phải có khả năng giao tiếp tốt, để đối thoại với khách hàng, hoặc là thương thảo hợp đồng, phải thuyết phục đối tác.
Có lẽ, chính vì thế, tôi luôn đứng ở vị trí đối ngoại. Tôi luôn tự tin trong giao tiếp, và tôi nghĩ chính sự tự tin sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp người phụ nữ, đó chính là một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công.
Chị nghĩ sao về những người phụ nữ thành đạt thường không được may mắn về hạnh phúc gia đình?
Thật buồn vì quá nửa số những người phụ nữ thành đạt mà tôi kính trọng và quen biết đều trong tình trạng như vậy. Các chị đều rất tuyệt vời, giỏi giang và sống tình nghĩa, ấy vậy mà cứ truân chuyên, và tôi cũng không nằm ngoài số đông đó. Tuy nhiên, tôi may mắn vì có được hai cô con gái xinh xắn, thương mẹ.
Có vẻ chị đã phát triển sự nghiệp rất nhanh từ khi thay chồng làm kinh tế?
Chuyện đã quá lâu rồi, tôi thực không muốn động chạm gì, sợ vô tình làm tổn thương đến anh ấy. Nhưng tôi biết, việc phụ nữ thay chồng làm kinh tế không phải là hiếm, kể cả từ thời các cụ ngày xưa đã từng kiếm tiền nuôi chồng ăn học, như nhà thơ Tú Xương chẳng đã từng làm thơ ca ngợi vợ: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng” đấy thôi.
Bởi vậy, tôi thấy việc mình kiếm tiền nuôi gia đình cũng là bình thường như rất nhiều phụ nữ Việt Nam khác mà thôi. Tuy nhiên, có một người đàn ông hết lòng yêu mình lại giỏi giang và biết kiếm tiền nữa thì còn gì bằng.
Liệu đó có phải là một trong những vấn đề gây nên mối bất hòa không?
Tôi không bao giờ nghĩ chuyện vì chồng mình không biết làm kinh tế mà dẫn đến sự đổ vỡ này bởi anh đã từng là chỗ dựa cho tôi cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi cũng đã từng rất yêu nhau, nhưng tình yêu không là mãi mãi nếu không có sự cố gắng nỗ lực từ hai phía, và khi đó, tôi mới 21 tuổi, còn quá trẻ để hiểu biết sự đời.
Tôi lấy chồng năm cuối khi còn ngồi trên ghế Đại học, trong mắt tôi hồi đó, chồng tôi là một người đẹp trai, tài giỏi, kiếm được kha khá, khi đó anh là phiên dịch. Sau khi khối Đông Âu tan rã, không ngờ, việc đó tác động quá mạnh mẽ đến anh.
Anh mãi hoài niệm về quá khứ, mà lẽ ra, là đàn ông, anh phải vượt qua được điều đó… Nó dẫn đến sự thay đổi tính cách, mọi thứ, buồn, và nặng nề hơn. Và tôi bắt đầu lao vào công việc.
Và chị chọn giải pháp chia tay?
Nếu tôi còn ở với chồng, khi tình yêu không còn, thì sẽ là khổ đau, là chịu đựng. Người nào may mắn, có được người bạn đời biết chia sẻ, cùng đồng hành với mình thì tuyệt vời. Ai cũng muốn hạnh phúc êm đềm. Tôi cũng vậy. Không biết có là quá tham lam không, nhưng với tôi, cuộc sống hạnh phúc phải đủ cả vật chất lẫn tinh thần, và tôi phải phấn đấu để đạt được hạnh phúc đích thực.
Ngày xưa, các cụ thường phụ thuộc và ràng buộc ngay khi không còn tình yêu và hạnh phúc, nhưng ngày nay, người phụ nữ hiện đại tự tin làm chủ được cuộc sống của mình nên không phải cam chịu như xưa nữa.
Khi chia tay, tôi ra đi chỉ mang theo hai cô con gái nhỏ – đây là tài sản vô giá của tôi. Khi thấy không còn hợp nhau nữa, chúng tôi rất nhẹ nhàng, không cho phép mình vì ích kỷ cá nhân mà gây bức xúc thương tổn đến con trẻ.
Tôi dần ổn định cuộc sống gia đình. Chia tay rồi, mọi việc cũng dần trở lại thăng bằng, tôi và anh ấy vẫn là bạn bè tốt, hỗ trợ cho nhau lúc khó khăn. 10 năm rồi!
Người ta thường nhắc đến cơ hội kinh doanh như thời cơ đến với mình, chị thì lại khác, tự nhận mình là người nhìn đâu cũng thấy đầy cơ hội kinh doanh?
Đúng. Cơ hội kinh doanh ở chung quanh mình, nếu thực sự để tâm, quan sát và nhạy bén. Ngay ý tưởng ra đời sách điện tử Hồng Phát, cũng vì tình yêu con của tôi mà ra.
Khi tôi đi công tác ở nước ngoài, có đi shopping, và việc đầu tiên là nghĩ xem nên mua gì cho con. Đồ chơi thì chúng có quá nhiều rồi. Phải kiếm cái gì đó đặc biệt hơn, và như bao nhiêu ông bố bà mẹ khác, tôi cũng mong muốn nhất là các con mình học giỏi mà lại phát triển toàn diện chứ không chỉ là con mọt sách… và tôi tìm thấy cuốn sách điện tử đáp ứng đúng điều tôi mong ước, các con tôi có thể vừa học vừa chơi đầy hứng thú.
Khi mang về, con trẻ rất thích, nhưng rồi chúng hỏi: “Mẹ ơi, giá mà có tiếng Việt thì hay hơn mẹ à!”. Và tôi nghĩ, tại sao không? Sách điện tử tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam! Đó, ý tưởng, và cơ hội kinh doanh là ở đó. Nếu mình biết xu thế thời cuộc, biết mình đang ở đâu, cần cái gì, sản phẩm, dịch vụ giúp ích được gì cho mình, cho xã hội, đó chính là cơ hội đó thôi.
Tập đoàn Anco mua lại nhà máy sữa Nestlé tại Ba Vì, Hà Tây, và chị là Phó Tổng Giám đốc đối ngoại, nghe chừng đây là một dự án cỡ “bự”?
Vâng, đây là một Tập đoàn trẻ với chiến lược đầy tham vọng. Người đàm phán thành công việc mua thương hiệu Nestlé là một người Việt Nam trẻ, thông minh, tài giỏi, chủ tịch của Anco hiện nay. Anco là một trong số ít những công ty Việt Nam mua lại được thương hiệu của các công ty đa quốc gia.
Tất cả mọi người, kể cả các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước lẫn dư luận xã hội cũng đều rất hứng thú khi tham gia những dự án có quy mô thế này, chính vì thế, tôi không chơi chứng khoán, bởi còn có quá nhiều công ty, dự án cần đầu tư.
Thu nhập thì những cái lâu dài thôi thì không nói vì như của để dành rồi, còn lương chính mỗi tháng cũng không nhiều, chỉ vài chục triệu thôi.
Có bài học nào trong quá trình kinh doanh làm chị cảm thấy quá buồn và thất vọng không?
Có nhiều cái kỳ quặc, nhiều cái gây buồn, nhưng cũng có một bài học. Tôi cũng không muốn nhắc lại nữa. Nhưng hãy hình dung cái cảm giác mà giống như hai người bạn thân thiết đang đi với nhau trên cùng một con đường, bỗng nhiên người kia thọc con dao vào mình. Mình sẽ hẫng đi, đau đớn, vì họ chơi mình như thế.
Lúc đó, cảm giác thất vọng là vậy, nhưng rồi cũng tự nhủ rằng, đứng trên khía cạnh thương trường thì đó cũng là điều bình thường mà thôi.
Tới bây giờ, chị có thể nói gì về cuộc sống của mình, sau từng ấy năm “xông pha” nơi thương trường?
Khi bắt đầu đi làm, vì mưu sinh, vì cuộc sống gia đình, rồi bước qua nhiều sự va vấp trong kinh doanh, mất rất nhiều, nếu mình không vững vàng, sẽ dễ vấp ngã. Nhưng đến bây giờ, tôi có thể tự hào rằng, tôi vẫn là tôi.
Tôi sống vì các con tôi, vì gia đình, và lo đủ về vật chất, lẫn tinh thần cho các con tôi. Tôi biết yêu, và đang được yêu, lúc nào bên tôi cũng có một người. Nếu thang điểm cho hạnh phúc là 10, thì với điểm 6 tôi cũng cho là hạnh phúc rồi.
Theo quan điểm của tôi, người phụ nữ thành đạt, không chỉ ở sự nghiệp, mà còn phải là gia đình. Hạnh phúc trong công việc, hạnh phúc trong gia đình. Tôi yêu công việc của tôi, và những sản phẩm mang lại lợi ích cho cộng đồng, chứ vấn đề không chỉ là kiếm tiền.
Nghe nói, chị sẽ sáng tác tiểu thuyết, lại một “giấc mộng văn sĩ” nữa ư?
Tôi không quá mơ mộng đến nỗi phi thực tế, nhưng là người lãng mạn, chắc cũng bởi ngấm chút văn chương… nên vẫn đang ấp ủ trong thời gian tới khi đỡ bận rộn việc kinh doanh, sẽ dành thời gian để viết một tập truyện ngắn, và một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời doanh nhân từ những mảnh đời, từ những câu chuyện của bạn bè, đồng nghiệp là những doanh nhân và cả bằng chính sự trải nghiệm của bản thân mình nữa. Có quá nhiều điều để viết về giới doanh nhân đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Có vẻ như chị đang rất mãn nguyện?
Có thể vậy đó. Tôi là một người sống rất tình cảm. Người trong những người thân tín với tôi, theo tôi lâu nhất, lại chính là cô em chồng và một cô bạn từ thuở tóc để chỏm.
Tôi không muốn có người giúp việc ở nhà. Tôi tự tay làm và dạy hai con biết công việc gia đình, bếp núc. Tôi tìm vui ngay trong gia đình mình, ngay cuộc sống xung quanh mình. Và tôi hài lòng với cuộc sống, cho dù không phải lúc nào cũng là niềm vui!
CODET |
Ảnh: HUSON |