
Cuốn nhật ký được mã hóa
Tôi dừng viết nhật ký từ rất lâu rồi, vì sợ để lại bút tích. Tôi sợ một ngày nào đó có người đọc được nhật ký của mình và phát hiện ra một số điều thầm kín. Ngay từ khi còn rất nhỏ, lúc viết nhật ký tôi đã không trung thực với mình, đã tự mã hóa những điều tôi viết. Ví dụ nói về tình cảm của mình với một anh học lớp A, tôi sẽ ngụy tạo bằng một hình thức khác, câu chữ khác. Khi tôi dừng viết nhật ký rồi, bạn bè người thân là những người ghi lại nhật ký cho tôi qua ký ức lưu giữ của họ. Cuộc trò chuyện này cũng nên như vậy. Mọi người nhìn vào có thể thấy Điệp là một người quảng giao. Tuy thế, xưa nay tôi vẫn có một khoảng cách trong mối quan hệ và sự rụt rè khi đặt lòng tin vào ai đó.
Câu chuyện về “Đập cánh giữa không trung”
Điều gì khiến cho “Đập cánh giữa không trung” ra đời?
Có những người đã chia sẻ những khoảnh khắc rất riêng tư của họ với tôi, và đó chính là lý do “Đập cánh giữa không trung” ra đời. Có những khoảnh khắc rất đau xót trong đời sống của tôi. Thật không vui vẻ gì khi một đứa con gái 15-16 tuổi phải đưa bạn mình vào viện phá thai. Khi tôi bắt đầu yêu người là chồng tôi bây giờ, yêu là chỉ yêu một người, tình dục trước hôn nhân là cấm kỵ và không thể dễ dàng chia sẻ với người khác. Tôi tin vào giá trị đạo đức đó. Tôi thấy bạn mình đau đớn, bị bỏ rơi, bị phụ bạc. Bạn tôi cố tỏ ra bình thản, cho rằng việc phá thai có gì ghê gớm đâu, làm một cái là xong.
Người ta nói phim đầu tay thường phản chiếu phần nhiều cuộc đời tác giả. Đối với chị và “Đập cánh giữa không trung” thì sao?
Chị phải đối diện với thử thách nghệ thuật nào khi làm phim?
Tôi thấy phần đầu phim trôi rất chậm, thậm chí có cảm giác lê thê, dù không có cảnh nào thừa cả. Đó có phải chủ ý của chị?

Có phải Huyền, hay giới trẻ mà cô ấy đại diện, đang bế tắc?
Nhiều người nói với tôi xem phim này giống như một sự bế tắc, rẽ ngã nào cũng đều bị đóng lại. Nhưng tôi cho rằng nó không phải sự bế tắc của cuộc sống thực, vì trong đời thực chúng ta có rất nhiều đường để đi, chẳng qua mình đã không chọn nó, không nắm bắt nó, mà mình chọn lơ lửng giữa không trung. Tôi không rõ là vì mình không thể lên cao, không thể xuống thấp, hay bởi mình không muốn nữa. Tôi nghĩ trạng thái hoang mang và chới với của nhân vật Huyền trong phim quyết định câu chuyện đi theo hướng nào. Vì vậy, mở đầu phim nó như vậy, tràn đầy cảm giác hoang mang của một cô gái lần đầu nhận biết các dấu hiệu của cơ thể, sinh học và cảm xúc.
Chị đã “mã hóa” điều này qua kỹ thuật dựng phim?
Vâng, tôi buộc phải tìm một lớp áo cho cảm giác hoang mang đó. Đó là lớp áo được thể hiện bằng sự chậm rãi, làm cho khán giả rơi vào trạng thái giống như một sự buồn chán, lê thê, và điều đó rất ép phê, hiệu quả. Để làm được hiệu ứng đó, về mặt kỹ thuật, là nhờ dựng phim. Các cảnh rất ngắn, có rất nhiều cảnh. Thực ra, cách dựng như vậy thường phải tạo nên một tiết tấu nhanh, mạnh đẩy bộ phim đi. Thế nhưng điều tôi muốn không phải vậy, mà tôi chủ ý muốn tạo ra một bầu không khí, nên cứ giữ màu sắc ấy, nhịp chậm ấy từ cảnh này qua cảnh khác. Tôi hoàn toàn có thể làm được chuyện đến cảnh xúc động làm khán giả rưng rưng trào nước mắt. Nhưng tôi buộc phải kìm mình lại, tự bảo rằng mình có thể làm điều đó trong các tác phẩm khác, một phim truyền hình chẳng hạn, còn với “Đập cánh giữa không trung” thì không.
Buồn bã, kẹt cứng và cô đơn
Chị nhấn mạnh sự nữ tính trong phim của mình. Nữ tính đối với chị là gì?
Quan điểm của tôi về tính nữ đó là âm tính. Nó mát, một thứ mát gần với lạnh. Nó sáng, nhưng là thứ sáng của ánh trăng. Nên nó buồn bã, và gần với cảm giác về đêm, muộn màng. Phụ nữ gắn với buồn, u ám, khổ sở, đôi khi có cả ám ảnh về cái chết. Hình ảnh về đàn ông là sự sống, còn hình ảnh về đàn bà gắn với cái điêu tàn, sự hủy hoại. Khi đến một thành phố ngồn ngộn sức sống, tôi ngay lập tức nghĩ đấy là thành phố của đàn ông, do đàn ông ngự trị và mọi thứ rất dương tính. Nhưng khi đến một thành phố như Venice chẳng hạn, tôi rất thích vì nó đẹp, lãng mạn, nhưng cũng đầy nữ tính. Tôi cảm thấy rõ cái ướt át, niềm kiêu hãnh đã qua, sự điêu tàn nhìn thấy được, gần như đi đến cái chết. Trong “Đập cánh giữa không trung”, tôi cố gắng thể hiện tính nữ này.
Suy nghĩ của chị về nữ giới không được hiện đại lắm.
Vâng, những gì tôi nghĩ về phụ nữ là buồn bã, kẹt cứng và cô đơn. Họ không có gì ngoài những điều đó cả. Trong phim ngắn “Mùa thứ năm”, một người vợ yêu chồng mà không được đáp lại. Trong phim ngắn “Hai, Tư, Sáu”, sự tồn tại của một người vợ chẳng quan trọng với ai. Và đến bây giờ, trong “Đập cánh giữa không trung”, Huyền là một cô gái rất ham tồn tại và muốn chứng tỏ sự tồn tại ấy của mình. Nhưng tồn tại để làm gì khi tất cả những người đàn ông xung quanh cô, những người có thể yêu thương cô đều rời bỏ đi. Sống một mình thì có gì vui?
Vậy thế nào là một người phụ nữ hạnh phúc?
Một người phụ nữ hạnh phúc chắc hẳn là người chỉ có vẻ ngoài là phụ nữ, còn bên trong mang một giới tính khác. Khi đã là phụ nữ thì không có khái niệm hạnh phúc. Quan điểm của tôi là như vậy, rất rõ ràng. Tôi không tin vào hạnh phúc của phụ nữ. Muốn có hạnh phúc phải có sự bền lâu. Nhưng phụ nữ thì luôn gắn với một thứ không bền lâu, phải phai tàn. Khi ngắm những cô gái xinh tươi của ngày hôm nay, tôi luôn nhìn xuyên qua họ, thấy ở đằng sau, đằng xa có điều gì đó khác chờ đợi họ.
Nếu nói về hạnh phúc lâu dài và chung chung thì có thể chị đúng. Nhưng nói về khoảnh khắc thì có thể có hạnh phúc chứ?
Đúng vậy. Nếu chỉ là khoảnh khắc thì Huyền có thể có hạnh phúc. Nhưng tất cả những khoảnh khắc hạnh phúc ấy đều được đáp trả bằng một điều ngay lập tức đến sau để nói rằng: hạnh phúc này không bền, sẽ dẫn tới hủy diệt hoặc cái chết. Và Huyền tự nguyện làm điều đó. Huyền thực ra rất dũng cảm, và tôi tin rằng đàn bà hơn đàn ông ở chỗ đó: họ không bao giờ chạy trốn thực tại. Đàn ông sẽ đi, vì họ biết rằng không có gì bền vững ở đó, để có thể tránh việc chứng kiến sự đổ vỡ diễn ra. Giống như cái cây đến một thời điểm sẽ khô héo. Phụ nữ sẽ ngồi lại tưới tắm rất cần mẫn, thậm chí chụp ảnh ghi lại cái chết ấy. Đàn ông thì không, nếu biết cái cây đấy khô, họ sẽ nhổ đi và thay bằng một cái cây mới, hoặc họ sẽ rời khỏi cánh rừng đó ngay. Huyền đã chấp nhận đấu tranh, nhưng để đánh đổi lấy cái gì? Chẳng có gì chờ đợi cô ở phía trước. Những người đàn ông lần lượt ra đi. Chấp nhận vậy để làm gì chứ? Tôi vẫn nghĩ rằng hạnh phúc trong một khoảnh khắc, nếu nhìn ở mặt trái của nó, có gì đó rất tàn nhẫn. Chẳng thà không có khoảnh khắc hạnh phúc ấy, bởi khi có rồi thì những điều đau khổ tiếp theo trở nên mạnh hơn bao giờ hết vì có một thứ đối trọng để so sánh.
Còn đàn ông thì sao, họ có thể có hạnh phúc không?
Trong phim của tôi, không có nhân vật nào có thể hạnh phúc cả. Đàn bà có thể sẵn sàng chấp nhận và đánh đổi bằng mọi giá để có khoảnh khắc hạnh phúc. Còn đàn ông thì không làm thế. Hoặc hạnh phúc không thực sự quan trọng với họ, không đáng để họ đánh đổi.
Những người đàn ông tôi quen, họ biết cách nhìn cuộc sống rất đơn giản, giữ những cảm xúc và quyết định của họ rất đơn giản, không có sự phụ thuộc, móc xích và loằng ngoằng như người phụ nữ. Đối với phụ nữ, mọi suy nghĩ, quyết định của họ đều có dấu ấn của sự lệ thuộc, đều phải vì một cái gì đó. Còn đàn ông thì phân biệt và chia tách rất giỏi. Tôi rất tin hình ảnh những người đàn ông uống bia trên vỉa hè đó là giây phút họ thực sự hạnh phúc với nhau, như trong phim “Bi, đừng sợ!” của Phan Đăng Di (cười). Nhưng nếu nhìn thấy một người đàn bà đang uống bia như thế thì lập tức tôi sẽ nghĩ cô ấy đang gặp một vấn đề cực kỳ trầm trọng trong cuộc sống, và hẳn là bất hạnh.
Tôi có cái nhìn bi quan về hạnh phúc và những gì lâu dài, nhưng tôi cho rằng phụ nữ không ảo tưởng. Họ đặt niềm tin vào một điều sẽ đến rất muộn và phải chờ đợi lâu. Nhưng rồi điều đó sẽ đến, hạnh phúc sẽ đến. Có thể lúc đó họ đã già, thậm chí chết rồi, và hạnh phúc đấy không dành cho phụ nữ. Nhưng người tạo ra hạnh phúc chính là phụ nữ. Họ sẵn sàng hy sinh, sẵn lòng mạo hiểm. Còn tôi không hoàn toàn cảm thấy đàn ông có thể làm điều đó.
Vậy những gì có thể đem đến cho chị niềm lạc quan?
– Rất hiếm thứ có thể đem lại cho tôi cảm giác lạc quan. Đó là những hình ảnh rất cũ: một cặp đôi chẳng hạn, không nhất thiết đủ nam và nữ, bây giờ người ta có thể yêu nhau bất kể giới tính. Khi tôi thấy một cặp đôi thì ít nhất sự cô độc được thay thế bằng một thứ giống như là sẻ chia. Trong bất kỳ đám cưới hay bữa tiệc nào liên quan đến sự kết đôi, thường có chữ song hỷ. Hai chữ hạnh phúc song hành mới thành hạnh phúc thực sự. Trong “Đập cánh giữa không trung”, Huyền luôn đi tìm cho mình một sự song hành, nhưng mọi cố gắng của cô đều thất bại. Thất bại ấy đôi khi vì người đàn ông bỏ đi, đôi khi vì cuộc sống này không cho phép sự song hành ấy tồn tại, hoặc đơn giản chỉ là định mệnh. Sự song hành còn lại dành cho Huyền chỉ còn là đứa con ở trong bụng cô ấy. Nếu sự song hành này có thể dẫn đến kết quả lạc quan thì tốt, nhưng ai có thể biết chắc được với một cô gái 17 tuổi.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Hỏi đáp nhanh cùng Nguyễn Hoàng Điệp
Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu hay mùa đông?
– Mùa thứ năm.
Nắng hay mưa?
– Mưa.
Bình minh hay hoàng hôn?
– Bình minh, vì hiếm khi được ngắm một bình minh thực sự.
Cà phê hay trà?
– Trà. Tôi uống cà phê hay bị say nên không dám uống.
Ăn chay hay ăn phải có thịt?
– Phải có thịt.
Váy hay quần?
– Mặc váy bên ngoài và quần dài bên trong. Đó là kiểu ăn mặc tôi hay áp dụng nhất từ xưa đến giờ.
Màu hồng tươi hay màu nâu trầm?
– Nâu trầm. Thực ra tôi không thích màu hồng.
Sống chậm hay sống gấp?
– Sống chậm.
Tình yêu hay sự nghiệp?
– Câu này không trả lời được.
Con trai hay con gái?
– Con gái.
Hà Nội hay Sài Gòn?
– Hà Nội.
Đà Lạt hay Nha Trang?
– Đà Lạt.
Venice hay Cannes?
– Venice.
“Nhà làm phim thương mại ăn khách ngoài rạp” hay “nhà làm phim nghệ thuật chỉ đi liên hoan”?
– Nhà làm phim nghệ thuật ăn khách ngoài rạp.
Phim tình cảm hay phim hành động?
– Phim tình cảm.
Xem phim ngoài rạp hay đi nghe ca nhạc?
– Xem phim ngoài rạp.
Làm việc “tập thể” hay “cá nhân”?
– Cá nhân, rồi sau đó thì tập thể.
Nếu số phận không cho chị làm đạo diễn điện ảnh, chị muốn làm nghề gì nhất?
– Bác sĩ.
Những ý kiến về “Đập cánh giữa không trung”
Ông Francesco di Pace – Trưởng Ban tuyển phim của Tuần lễ phê bình LHP Venice
Xin ông cho biết lý do nào khiến cho “Đập cánh giữa không trung” được tuyển chọn?
– Tuần lễ phê bình dành riêng cho các phim đầu tay. Chúng tôi cố gắng chọn các phim thể hiện được tài năng đạo diễn. Với “Đập cánh giữa không trung”, Điệp cho thấy cô ấy là một đạo diễn rất tài giỏi. Chúng tôi cảm nhận được những vấn đề được nói tới trong phim: làm mẹ và làm cha khi còn ở tuổi rất trẻ, đặc biệt trong một xã hội phức tạp như Việt Nam. Do đó, chúng tôi phải dành cho phim một chỗ trong danh mục này năm nay, dù có nhiều phim khác từ Châu Á.
Tính cạnh tranh của danh mục này ra sao?
– Chúng tôi nhận được 350 phim gửi đến, trong đó có khoảng 70-80 phim Á Châu. Công việc chọn lựa rất khó khăn vì chúng tôi muốn trao cơ hội cho tất cả các vùng miền trên thế giới và chọn được những tác phẩm tốt nhất.
Vị trí của Tuần lễ Phê bình trong LHP Venice như thế nào?
– Năm nay đã là lần thứ 29 Tuần lễ Phê bình được tổ chức, và mục này được chú ý đặc biệt trong khuôn khổ LHP Venice. Anh biết đấy, trong ba năm vừa qua, 2011-2013, giải thưởng Sư tử của tương lai (Lion of the Future) đều về tay một phim từ danh mục của chúng tôi (cười). Và những bộ phim thuộc mục này được chọn lựa bởi một ban tuyển phim gồm những nhà phê bình rất yêu và hiểu điện ảnh.
Thanh Duy – Diễn viên nam chính vai Linh
Được chọn vào vai Linh qua casting, ấn tượng đầu tiên của anh về đạo diễn là gì?
– Tôi hoàn toàn không biết chị Điệp trước đó. Tôi chỉ ấn tượng một người phụ nữ với gương mặt khá nghiêm túc, nhìn tôi bằng một ánh mắt hơi khó hiểu. Thú thật, tôi có cảm giác sợ người phụ nữ này (cười).
Phim được đề cử cho giải thưởng Queer Lion – giải phim hay nhất liên quan đến LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) của LHP Venice là nhờ vào vai Linh. Anh nghĩ sao về vai diễn này?
– Tôi nghĩ đây là vai diễn đầy thú vị. Ở Linh có những tương phản rất cuốn hút, vừa ở nhân dạng vừa chính trong tâm hồn. Tôi tin, những người chuyển giới, hay rộng hơn là cộng đồng LGBT, sẽ tìm thấy điểm chung của mình với Linh.
Vốn là một ca sĩ, vậy điện ảnh đối với anh là gì?
– Tôi không xem điện ảnh như một cuộc dạo chơi mà tôi xem đó là niềm đam mê, cũng lớn giống như niềm đam mê âm nhạc vậy. Tôi yêu thích việc được bộc lộ năng khiếu ca hát và diễn xuất của mình trước nhiều và thật nhiều người. Chỉ cần có người xem là tôi sẵn sàng diễn, cho dù ở vị trí nào.
Thùy Anh – Diễn viên nữ chính vai Huyền
Chị sẽ mời bố mẹ đi xem bộ phim này khi phim công chiếu ở Hà Nội chứ?
– Ngày phim ra mắt tại Hà Nội sẽ là một ngày quan trọng với bản thân tôi. Gia đình rất quan trọng với tôi, do vậy, chắc chắn tôi sẽ mời bố mẹ tới coi phim, dù bố mẹ có phản ứng thế nào. Nhưng trước khi xem, chắc tôi sẽ bảo bố mẹ rằng hãy chuẩn bị tâm lý. (cười)
Chị có nói là đã hy vọng hơi nhiều trước khi xem phim nên sau khi xem có vài chỗ không hài lòng?
– Khi quay, bộ phim theo một dòng thời gian khác. Còn trên màn ảnh, phim theo một dòng thời gian khác, đã bị xáo trộn. Về diễn xuất của mình, tôi hơi thất vọng một chút, vì tôi được khen rất nhiều trong vai diễn, do đó, tôi hy vọng trong phim mình sẽ nổi bật, diễn xuất xuất thần hay sao đó. Nhưng xem xong thì thấy mình diễn rất… bình thường. Chị Điệp từng nói với tôi là đừng hài lòng với những gì mình làm được.
Sau vai diễn này, chị có mong muốn gì với điện ảnh?
– Điều tôi thực sự muốn là quay lại với công việc diễn xuất. Dù có thể làm tốt hay không, nhưng tôi thực sự thích không khí của phim trường, đó chính là cuộc sống đối với tôi.