Nguy tính mạng vì nấm đường tiêu hóa - Tạp chí Đẹp

Nguy tính mạng vì nấm đường tiêu hóa

Sức Khỏe

Trong hệ thống đường tiêu hóa, nấm có thể ở bất kỳ bộ phận nào và phát triển càng nhanh khi hệ miễn dịch yếu.

Những kẻ cơ hội

Chị Lê Nguyễn Hoàng Dung (Q.6, TP.HCM) thường xuyên bị sình bụng do ăn không tiêu và bị tiêu chảy nên mua thuốc về uống. Tuy nhiên, bệnh vẫn không khỏi mà chị ngày càng mệt mỏi, sụt ký. Đi nhiều bệnh viện khám chị mới biết mình bị nấm đường tiêu hóa tại dạ dày

Giống như nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác nấm đường tiêu hóa sẵn sàng đột kích và phát triển khi chúng được sống trong một môi trường thuận lợi như hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ, người già có hệ miễn dịch yếu hay những người mắc các bệnh như AIDS, ung thư tiểu đường…

Người ta thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc có chứa corticoid, thuốc ức chế hệ miễn dịch cũng khiến khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể trở nên yếu đi. Những vi khuẩn có lợi trong cơ thể sẽ bị thuốc kháng sing loại bỏ khiến hệ sinh thái trong cơ thể con người trở nên mất cân đối. Lúc này nấm đường tiêu hóa dễ dàng tấn công ồ ạt.

“Hung thủ” chính: nấm Candida

Theo Ths.Bs. Trần Thị Khánh Tường bộ môn Nội, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thach, TP.HCM: “Nấm đường tiêu hóa tức là nhiễm nấm ở thực quản hay ở dạ dày ruột. Đây là một bệnh lý cơ hội, hiếm gặp trên người có sức khỏe bình thường”.

Nấm đường tiêu hóa có thể do nhiều loại nấm gây nên, tuy nhiên phần lớn những ca bệnh đều phát hiện sự có mặt của một loại nấm có tên Candida thuộc họ nấm Cryptococcaceae, có dạng hình cầu hoặc hình oval, candida có khoảng 300 loài chúng sinh sôi, phát triển bằng cách mọc chồi. Khoa học phát hiện chúng cùng sinh sống ở một số cơ quan tiêu hóa hô hấp và đôi khi còn thấy chúng trong môi trường tự nhiên.

Ở cơ thể người, ngoài loài nấm Candida albicans thường hay gặp, các bác sĩ cũng phát hiện nhiều loài khác như Candida tropicalis, Candida parasilosis,Candida guilliermondii, Candida glabrata, Candida krusei và một số chủng nấm khác là tác nhân gây nấm đường tiêu hóa.

Kẻ giấu mặt

Nấm nằm sâu trong hệ thống đường tiêu hóa triệu chứng ít, thêm nữa là những biểu hiện của bệnh dễ đoán nhầm là tiểu chảy nên không dễ chẩn đoán bệnh. Nấm đường tiêu hoa không khác gì là một kẻ giấu mặt.

Bình thường trong ruột vẫn có sự hiện diện  của nấm Candida nhưng được kiểm soát bởi hệ miễn dịch của cơ thể và các vi khuẩn thường trú có lợi trong ruột nên không gây bệnh. Chúng chỉ phát triển và gây bệnh khi hệ miễn dịch suy yếu hay số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột giảm do sử dụng kháng sinh kéo dài.

Xuất hiện ở nhiều vị trí trên đường tiêu hóa

Hệ thống đường tiêu hóa trải dài từ miệng đến hậu môn với nhiều phần khác nhau. Nấm có thể khu trú ở một số địa điểm như thực quản, dạ dày hoặc đại tràng. Chúng cũng có thể tấn công toàn bộ đường tiêu hóa và gây nên nhiều triệu chứng khác nhau. Có ba dạng nhiễm nấm điển hình:

– Nấm thực quản: Bệnh nhân thường có cảm giác khó nuốt và nuốt đau. Bệnh được chẩn đoán dựa vào nội soi đường tiêu hóa thấy những mảng trắng ở thực quản và sự hiện diện của nấm trên những mảng trắng này.

– Nấm dạ dày: Người bệnh thường buồn nôn ói, sình bụng, đau dạ dày hoặc đau bụng nhiều lần sau khi ăn.

– Nấm đường ruột: Người bệnh bị tiêu chảy, thức ăn không được hấp thu dẫn dến suy dinh dưỡng, mất nước, ảnh hưởng đến tính mạng. Triệu chứng tiêu chảy khi bị nấm ruột không khác gì so với tiêu chảy do nguyên nhân khác. Bệnh được chẩn đoán dựa vào việc tìm thấy nấm trong phân qua xét nghiệm.

Phòng bệnh đỡ lo:

Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, nhiều đường cũng góp phần tăng nguy cơ nhiễm nấm. Do đó, nên hạn chế ăn, uống những thực phẩm có nhiều đường.

Khi bị bệnh nên ăn những thực phẩm có tác dụng ức chế sự phát triển nấm như dầu dừa, tỏi quả hạnh nhân, sữa chua, đồng thời giúp các vi khuẩn có lợi cho cơ thể phát triển. Bên cạnh đó khi sử dụng kháng sinh kéo dài nên bổ sung probiotics, có nhiều trong sữa chua, nhằm tạo những vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa.

Theo Sức khỏe

Thực hiện: depweb

07/08/2012, 00:21