Nguy cơ hoại tử vùng mặt do tiêm chất làm đầy ​ở cơ sở không phép

Chỉ trong vòng một tháng qua, các bác sỹ Khoa Thẩm mỹ-Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trưng Vương Tp.HCM đã tiếp nhận 2 trường hợp bị hoại tử mặt do tiêm chất làm đầy (hay còn gọi là filler).

Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Thẩm mỹ – Phẫu thuật tạo hình cho biết, vào đầu tháng Ba này một nữ bệnh nhân 29 tuổi, ngụ tại Tp.HCM đã đến cầu cứu các bác sỹ vì bị hoại tử khu vực hai bên má.

Theo lời kể của bệnh nhân, tháng 11/2016, chị có thực hiện tiêm chất làm đầy vào vùng 2 bên má tại một cơ sở chăm sóc da (spa) trên địa bàn thành phố.

Do hạn chế về hiểu biết, bệnh nhân cũng không tìm hiểu chất làm đầy mà mình đã tiêm cụ thể là chất gì. Ba tháng sau, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử vùng má, silicon vón cục lại và rò mủ ra bên ngoài.

Đây là trường hợp khó điều trị bởi không biết được chất làm đầy này cụ thể là loại nào, chúng tôi nghi ngờ là silicon lỏng nên khó lấy sạch. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân này khá nặng, phải điều trị lâu dài,” bác sỹ Khanh chia sẻ.

Đáng quan tâm là mặc dù spa làm đẹp này không có bác sỹ, không được phép thực hiện thủ thuật thẩm mỹ nhưng bệnh nhân vẫn tin tưởng tiêm chất làm đầy tại đây.

1503_chat_day
Ảnh minh họa

Trường hợp thứ hai là một nữ bệnh nhân 41 tuổi, cũng ở Tp.HCM, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau nhức vùng mắt.

Qua thăm khám, các bác sỹ nhận thấy toàn bộ phần mũi và giữa hai chân mày có dấu hiệu hoại tử ngày càng lan rộng.

Bệnh nhân cho biết cách đây không lâu chị đã thực hiện nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy tại một cơ sở thẩm mỹ.

Nhận định tình trạng bệnh nhân bị hoại tử do biến chứng của chất làm đầy, các bác sỹ đã sử dụng kháng sinh kháng viêm liều cao để điều trị. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã xuất viện.

Theo các bác sỹ, may mắn là bệnh nhân này phát hiện và được xử lý kịp thời, có thể bảo tồn được toàn bộ phần mũi.

Bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh cho biết sử dụng chất làm đầy là một trong những thủ thuật khá phổ biến trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Mục đích khi tiêm chất làm đầy là làm đầy vùng hõm, nhăn của gương mặt và cơ thể. Ngoài ra chất làm đầy còn được dùng để tạo hình vùng mũi, cằm để mũi cao hơn, cằm nhọn hơn và đầy đặn hơn mà không cần phẫu thuật.

Nếu bác sỹ có tay nghề, kỹ thuật vững thì việc tiêm chất làm đầy ít khi xảy ra biến chứng. Do vậy bác sỹ Khanh khuyến cáo khách hàng nên chọn cơ sở uy tín, được phép thực hiện thủ thuật thẩm mỹ, bác sỹ có giấy phép hành nghề…

Và quan trọng không kém là khách hàng cần phải biết đã tiêm chất gì vào cơ thể để có phương pháp điều trị phù hợp khi có tai biến xảy ra.


From the same category