Đã từng đến nhiều bãi biển trong khu vực Đông Nam Á, nhưng phải thừa nhận một điều, các hòn đảo và bãi biển ở Philippines không chỉ đẹp, sạch mà còn bền vững bởi tinh thần bảo vệ môi trường của người dân nơi đây cứng rắn đến ngạc nhiên. Coron là một trong số đó.
Phải chăng vì mạng Thủy mà tôi có một sự thích thú kỳ lạ đối với biển và trí nhớ lờ mờ về những niềm vui thời thơ ấu là cơ số lần được vật vờ trên các chuyến xe Lambretta đợi chờ mùi muối biển trong gió để mừng rỡ vì sắp thoát khỏi cơn say xe.
Sau này, không chỉ chết mê chết mệt bãi biển cát trắng phẳng lì, nước trong văn vắt mà sinh vật ở tầng nước nông như cá và san hô cũng khiến tôi say sưa không dứt. Vì lẽ đó mà mỗi năm một lần tôi cố gắng sẽ đến Philippines, quốc gia mà theo kinh nghiệm cá nhân thì những bãi biển và rặng san hô ở các đảo là đẹp nhất, ít bị con người tàn phá nhất trong khu vực Đông Nam Á. Lần này, tôi chọn Coron.
Để đến được thị trấn Coron, các chuyến bay đều phải đáp tại sân bay Francisco B. Reyes, vốn là sân bay nội địa nhỏ đã một lần bị tàn phá nặng nề bởi cơn bão Yolanda vào cuối năm 2013 buộc phải đóng cửa và lượng du khách đến đảo giảm đến 75%.
Trái lại với dự báo thời tiết mưa bão do áp thấp nhiệt đới xuất hiện trễ bất thường vì hiện tượng El Nino, Coron đón chúng tôi bằng trời xanh, mây trắng, cung đường uốn lượn mát mắt với đồng cỏ, vạt rừng từ sân bay về thị trấn Coron. Đơn vị hành chính Coron bao gồm hai phần ba phía đông của đảo Busuanga, nơi có thị trấn Coron, đảo Coron và khoảng 50 đảo nhỏ khác, trải dài từ đảo Tara ở phía đông bắc đến đảo Canipo ở phía nam.
Đã từng đến một số địa điểm trong khu vực Đông Nam Á, với tôi bãi biển và rặng san hô tại Philippines vẫn là đẹp nhất. Ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi với trị trí địa lý nằm gần xích đạo, bao gồm hơn 7.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đảo đá vôi với những bãi biển cát trắng tuyệt đẹp, thì có lẽ nguyên nhân chính là người dân Philippines có ý thức cao trong gìn giữ môi trường biển. Họ không xả rác trên biển, thu gom rác của chính mình khi rời đảo hoặc sẵn sàng ghé ngang vớt một vỏ bình trôi trên mặt biển.
Đó hoàn toàn là những hành động rất đỗi bình thường đối với người dân các vùng biển Philippines mà tôi từng đi qua. Nhưng lại hiếm thấy tại những bãi biển đẹp của Việt Nam, Cam-pu-chia, Malaysia, Indonesia hay Thái Lan.
Trước đây, tôi đã bị mê hoặc bởi rặng san hô của đảo Balicasag (tỉnh Bohol) nhưng lần này, ngay khi vừa đeo mặt nạ ống thở và nhìn xuống vườn san hô (Coral Garden) tại bãi biển CYC, tôi đã kinh ngạc trước vẻ đẹp của rặng san hô ở đây với đủ màu sắc, hình dạng, kích cỡ và vô vàn loài cá cư ngụ. Cảm giác thật sự là đang bơi vào một khu vườn san hô đúng nghĩa, điều mà tôi chưa từng được trải nghiệm trước đây.
Chính sự rung động đó khiến tôi không thể bơi quá lâu bên khu vườn san hô đó vì luôn chực chờ cảm giác nếu mình bơi càng lâu thì xác suất mình làm ảnh hưởng, xâm hại chúng càng nhiều. Cảm giác này tiếp tục đến vào ngày hôm sau khi tôi lạc giữa Reef Garden với các rặng san hô đang mềm mại lắc lư, muôn hồng nghìn tía. Ngoài san hô và cá thì còn có cả những chú rùa biển e thẹn, vừa thấy bóng người là bơi đi mất.
Bình yên ở Coron
Mệt lử người sau chuyến lặn ngắm san hô tuyệt vời trên cả mong đợi chúng tôi ghé vào bãi tắm Smith để nghỉ ngơi hồi sức. Bãi Smith có những chòi lá nép mình vào vách đá vôi chen cùng cành lá xanh um.
Nhiều khách đến từ phương Tây sau khi ăn trưa xong chỉ thích nằm dài trên bờ cát trắng để tắm nắng hoặc đầm mình vào làn nước biển trong và phẳng lặng của bãi Smith. Dừa tươi bán trên đảo vắng cũng đồng giá với thị trấn Coron nên ngày nào cũng uống nước dừa, thật không gì sung sướng bằng!
Tôi cũng đặc biệt thích khoảnh khắc được thả mình trong đầm Xanh (Green lagoon), mặt đầm yên không gợn sóng, màu nước xanh bích một cách ma mị.
Điểm tiếp theo là hồ Kayangan, một trong những địa điểm được chụp ảnh nhiều nhất của đảo Coron. Thực tế có đến 13 hồ trên đảo Coron nhưng chỉ có 2 hồ là mở cửa cho du khách đến tham quan là hồ Kayangan và hồ Barracuda. Màu xanh trong vắt quyến rũ cùng những hình thù kỳ ảo của đá vôi vách hồ chính là lý do khiến Kayangan luôn đông nghẹt du khách mỗi mùa cao điểm. Còn hồ Barracuda thì có một vách đá cao doi ra như chiêu dụ tất cả thử một lần cảm giác nhảy ùm xuống mặt hồ xanh biêng biếc.
Một số “tiểu” thiên đường khác cũng ấn tượng không kém tại Coron là đảo đôi Bulog, đảo Chuối (Banana Island) và đảo Malcapuya. Mỗi đảo có một vẻ đẹp riêng khó cưỡng.
Đảo đôi Bulog có dải cát dài nối liền hai phần đảo, nơi có Two Seasons Resorts. Đảo Chuối có những chiếc võng mắc giữa rặng dừa trên thảm cỏ xanh mướt mắt. Đảo Malcapuya thì có bãi biển trắng phau phơi mình trong ánh nắng chói lọi vùng nhiệt đới, quyến rũ đến nao lòng. Nước biển trong văng vắt, bên dưới là nhiều sinh vật sống chen trong thảm tảo biển: cá hề, cá đuối, trai khổng lồ…
Đối với những ai “nghiện” hoàng hôn thì một buổi chiều tà đứng trên đỉnh núi Tapyas sau khi leo 700 bậc thang là một trải nghiệm hoàn hảo. Tại đây dựng một cây thập giá và bảng chữ nổi Coron thật lớn có thể dễ dàng nhận ra khi ở thị trấn hoặc khi đi thuyền giữa cảng.
Chiều nhuộm vàng cánh đồng cỏ lau và chỉ đơn giản ngồi đấy đón gió biển, ngắm nhìn hoàng hôn buông dần trên thị trấn cũng đủ để tìm chút bình yên hiếm hoi tại hòn đảo có thể được xem là khá sôi động này.
TẮM SUỐI NƯỚC NÓNG: Một “đặc sản” khác không thể không thử khi đến Coron chính là tắm suối nước nóng. Có thể bắt xe thùng đặc trưng của Philippines, cải tiến từ xe máy và gắn thêm khoang chở khách và hàng hóa, để đến khu suối nước nóng Maquinit.
Khi ngồi ngâm mình trong hồ nước nóng khổng lồ giữa rừng đước xanh ngát nhìn thẳng ra biển, tôi cảm thấy đoạn đường giằng xóc 20 phút từ cầu cảng để đến được đây là hoàn toàn xứng đáng. Khui một lon nước ngọt nhấm cùng hạt điều trong khi ngắm hoàng hôn buông tấm rèm hồng xuống toàn khu suối nước nóng, tôi chỉ mong sao kỳ nghỉ tại Coron được kéo dài thêm nữa.