Người Việt “xấu xí” trong văn hóa giao thông (P. 2): Biển báo ngược chiều à? Đừng quan tâm! - Tạp chí Đẹp

Người Việt “xấu xí” trong văn hóa giao thông (P. 2): Biển báo ngược chiều à? Đừng quan tâm!

Trong phần 2 này, Đẹp tiếp tục đề cập tới những thói quen, những hành động, và cả những ứng xử “xấu xí” của người Việt khi đi đường.

img_9585
Coi thường an toàn, vô tư đứng ngồi ngay trên đường sắt

Va chạm nhỏ, mâu thuẫn lớn

Không khó để bắt gặp những cuộc cãi nhau nảy lửa, thậm chí là dẫn đến đánh nhau chỉ vì va quệt xe bình thường. Nhiều người cứ “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” xong lúc đó mới phân biệt đúng sai. Tình trạng này không chỉ xảy ra với nam giới mà ở nữ giới cũng không hề kém cạnh, có chăng là nhẹ nhàng hơn với những câu từ không mấy đẹp đẽ. Câu đầu tiên mà một bộ phận người Việt “xấu xí” dùng khi va chạm giao thông là: “mắt mù à”, “đi đứng thế à”,… rồi sau đó là cả một tràng chửi rủa mà không cần biết ai đúng ai sai.

Xe lớn đền xe nhỏ

Đây đúng là một kiểu tâm lý điển hình của nhiều người. Kể cả xe ô tô đi đúng hay sai, những người trong cuộc hay cả nhiều người xung quanh đều cho rằng khi có va chạm giao thông, theo trình tự là ôtô phải đền xe máy, xe máy phải đền xe đạp để… hợp tình hợp lý. Tâm lý này đã dẫn tới những sự vụ cả làng vây quanh một chiếc ôtô đòi bắt đền khi va chạm với xe máy trong khi ôtô chấp hành đúng luật. Thậm chí một số người còn lợi dụng cách nghĩ này để bắt đền và cố tình va quệt để ăn vạ.

Đi ngược chiều, phớt lờ biển báo

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ một đoạn video trên mạng vào tháng 11 vừa qua. Video ghi lại cảnh nhiều người đi ngược chiều lên vỉa hè để tránh tắc đường đã đồng loạt… xuống dắt bộ khi có mặt của lực lượng cảnh sát đang điều tiết giao thông. Dĩ nhiên là lực lượng chuyên trách chỉ biết lắc đầu trước kiểu “đối phó cùn” này của họ.

Tình trạng đi ngược chiều khá phổ biến trên một số tuyến phố khi quy hoạch điểm ngang giao cắt chưa hợp lý,  trên một số đường cao tốc hoặc xa lộ khi phải đi một đoạn đường khá xa mới tới điểm quay đầu, hoặc đơn giản khi người dân cố tình đi cho nhanh. Nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra chỉ vì kiểu đi tắt tiết kiệm như thế này.

img_8615
Vừa không mũ bảo hiểm, còn nghênh ngang đi ngược chiều

Song song đó là việc phớt lờ các biển báo mà chủ yếu là biển báo cấm. Nhiều người có tâm lý bất chấp nếu thuận tiện, và không có lực lượng chức năng. Một người đi được, những người phía sau cũng đi được dẫn tới phớt lờ cả những nguy hiểm mà biển cấm đã cảnh báo.

Không quan tâm vạch kẻ đường

Việc kẻ vạch trên đường giúp phân luồng giao thông cũng như hướng dẫn các phương tiện đi lại một cách trật, nhưng nhiều người cứ vô tư… quên và lấn vạch. Hiện tượng này phổ biến nhất vào giờ tan tầm. Xe máy, ôtô cứ vô tư lấn sang làn đối diện làm cho tình trạng tắc đường càng trở nên trầm trọng hơn. Hay ở những góc cua trên đường quốc lộ, nhiều tài xế thường lấn làn cắt cua dẫn tới va chạm với người lưu thông bên cạnh.

img_8569
Vô tư dừng trên vạch kẻ dành cho người đi bộ

Đi bộ vô tội vạ

Một người bạn là người nước ngoài của tôi đã nói rằng, ở Việt Nam thật là khó; khá khen cho lòng dũng cảm của người Việt khi cứ sang đường như chốn không người trong dòng phương tiện qua lại dày đặc. Quả thật, việc người đi bộ sang đường một cách tùy tiện, thích sang chỗ nào thì sang, trèo lên cả giải phân cách để sang cho nhanh khiến những người chạy xe trên đường “hết cả hồn”.

img_8596
Người đi bộ ở Việt Nam luôn được ví là “dũng sĩ” khi băng qua đường mà không cần đèn giao thông hay vạch trắng cho người đi bộ

Cầu bộ hành, vạch trắng, đèn tín hiệu được xây dựng để bảo vệ an toàn cho người đi bộ, nhưng dường như họ chẳng màng đến chuyện này. Bên cạnh đó, những người điều khiển phương tiện cơ giới cũng không quan sát biển báo, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ để giảm tốc độ hoặc nhường đường. Thậm chí là vào giờ cao điểm, việc dừng đèn đỏ tràn hết cả vạch kẻ đường cho người đi bộ khiến việc băng ngang, băng tắt trở nên vô tội vạ hơn.

Tiểu tiện bậy ngoài đường

Tôi nhớ câu chuyện cười trên một tờ báo nói về việc ở Việt Nam ngoài những vịnh nổi tiếng là Hạ Long Bay, Cam Ranh Bay, Lăng Cô Bay còn có thêm Cam Dai Bay mà một người nước ngoài đã hỏi để tìm đến vịnh này. Biển “Cấm đái bậy” được viết, vẽ, dán ở khắp nơi trên đường phố, nhưng dường như luôn “bất lực” với những người có thói quen: tiện thì… “giải quyết” luôn trên đường…

img_8624
Một thói quen đáng xấu hổ của người Việt mà người đi đường vô tình bắt gặp cũng phải đỏ mặt

 

Thực hiện: depweb

16/01/2019, 08:00