Với số lượng người điều khiển xe máy quá đông, có thể xem văn hóa giao thông ở Việt Nam bây giờ là văn hóa của “xe máy”. Chắc hẳn những ai đã tham gia giao thông ở Việt Nam đều không tránh khỏi những lúc bực mình bởi những điều xảy ra ngay bên cạnh, hay tai nạn kiểu “họa vô đơn chí” cho dù đã rất nghiêm túc chấp hành luật giao thông. Một phần cũng bởi quy hoạch chưa thực sự hợp lý, phần khác vì ý thức kém của một bộ phận không nhỏ người dân.
Chạy xe theo thói quen, không có công an thì chạy, rồi thì mình không chen thì người khác cũng chen, cứ ngồi lên xe là chạy, cũng chẳng cần học luật kỹ càng… Chính những thói quen ấy, lâu dần trở thành vô vàn kiểu chạy xe tùy tiện. Trong loạt bài Người Việt xấu xí trong văn hóa giao thông, Đẹp phản ánh những hình ảnh thường ngày trên các nẻo đường của một bộ phận không nhỏ người dân, hy vọng mỗi người sẽ cùng nhìn lại và từ bỏ những thói quen xấu, tập thói quen lái xe theo luật và an toàn – bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất.
Đi sai làn đường
Hiện nay ở các thành phố lớn, việc phân chia rõ ràng làn đường xe máy và ôtô đã thực sự giúp cho giao thông thông suốt, hạn chế tình trạng các xe muốn đi làn nào thì đi. Tuy nhiên, dù có làm dải phân cách cứng và có biển báo một cách rõ ràng nhưng xe máy vẫn “cứ thích” đi vào làn đường dành riêng cho ôtô. Có mặt cảnh sát giao thông (CSGT) thì chấp hành, còn khi không có lại vi phạm như thường.
Trên thực tế, đi sai làn không giúp bạn di chuyển nhanh hơn là bao mà ngược lại còn tăng nguy cơ tai nạn. Bên cạnh đó, việc đi sai làn dẫn tới tình trạng hỗn loạn giao thông mạnh ai nấy đi, nhất là lúc mật độ phương tiện dày đặc, đường tắc càng thêm tắc. Tình trạng “điền vào chỗ trống” ở xe máy là khá phổ biến, cố len lỏi qua những khe hở nhỏ nhất giữa các ôtô và phương tiện khác, thậm chí tâm lý này cũng có ở một số người lái ôtô. Một người chen được thì người khác cũng bắt chước và dần dà hình thành thói quen chen, lấn, cướp, tạt, cắt, lùi, xoay… như “ong vỡ tổ”.
Đi ngang về tắt
Hiện tượng này rất dễ bắt gặp tại các ngã ba từ đường nhỏ hoặc trong ngõ đi ra nhưng buộc phải rẽ theo hướng đi của đường rồi mới quay đầu lại để đi theo hướng kia. Nhiều người đã chọn đi ngược chiều, hoặc cũng có thể leo lên cả đường sắt, đường dành cho người đi xe đạp để băng qua. Cũng có người đứng luôn ở làn rẽ ngay tại điểm dừng đèn đỏ trước đầu các xe khác, hoặc lao lên vỉa hè, dải phân cách để sang đường cho nhanh. Rào chắn, con lươn cũng trở nên vô dụng. Đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra bởi thói quen “đi ngang về tắt” vô cùng nguy hiểm này. Thật đúng như một câu nói trên các biển báo ta vẫn thường thấy: “Nhanh một phút, chậm cả cuộc đời”.
Vượt đèn đỏ
Dù đèn vẫn đang đỏ, nhưng nếu không có lực lượng CSGT thì một số người cũng sẵn sàng vượt. Kể cả khi có dừng, khi chỉ còn 5 – 7 giây họ cũng rồ ga vượt cho nhanh, những người ở phía trước mà cố tình chờ khi đèn chuyển xanh thì đằng sau cũng bấm còi ầm ĩ thúc giục. Thậm chí, những người chấp hành đúng luật đôi khi lại bị những người khác cho rằng “điên”, “hâm” hoặc gây sự chỉ vì… ngứa mắt. Hoặc tình trạng cố vượt khi đèn xanh còn một giây hoặc đèn vàng, điều này đã gây nên không ít tai nạn thương tâm tại các giao lộ.
Không đội mũ bảo hiểm
Quy định gắt gao và xử phạt nghiêm việc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện đã thực sự giảm thiểu được số ca chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn. Ấy vậy mà vẫn có nhiều người xem đó là phiền và trốn tránh việc đội mũ. Có hai hình thức đối phó, một là đội những chiếc mũ bảo hiểm thời trang gần như không có tác dụng bảo vệ khi va chạm và hai là không thèm đội mũ. Tình trạng không đội mũ đang là khá phổ biến với những ai đang sử dụng xe đạp điện, đặc biệt là học sinh sinh viên, hoặc chủ quan vì đoạn đường ngắn, ít có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ,…
Vừa lái xe vừa nghe điện thoại
Việc nghe điện thoại, thậm chí là nhắn tin khi điều khiển phương tiện giao thông dẫn tới việc không tập trung lái xe, điều này có thể gây nên những tai nạn đáng tiếc. Hãy bảo vệ sự an toàn của mình, đề phòng cướp giật, tai nạn hãy dừng xe sát lề phải trong cùng của đường (ở những đường được phép dừng đỗ) rồi hãy sử dụng điện thoại để hạn chế cả hai trường hợp là thiệt hại về người và tài sản.
(Còn tiếp)