“Người Việt xấu xí”: Hãy ngừng khẩu chiến và nhân lên câu chuyện đẹp



Thái độ sống tích cực sẽ góp phần giúp người Việt có hành động đẹp hơn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Người Việt đang không ngừng chì chiết, chỉ trích lẫn nhau; không ngừng “vạch áo cho người xem lưng; không ngừng lên án thói hư tật xấu của đồng loại; không ngừng nổi giận và cũng không ngừng xấu hổ…
Dường như không ai quan tâm đến việc làm thế nào để bản thân và những người xung quanh cư xử văn minh và có trách nhiệm hơn; làm thế nào để nhân lên những hành động đẹp và lòng nhân ái mỗi ngày thay vì thái độ sống thiếu thiện chí.
Xuất phát từ vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng vừa phối hợp với Công ty Du lịch TransViet Travel tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao hình ảnh du khách Việt,” tổ chức ngày 31/3, tại Hà Nội.

Chuyện du khách Việt ở nước ngoài…

Đa phần ý kiến của các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo, các chuyên gia tư vấn… đều đồng tình rằng khi đi du lịch nước ngoài, người Việt thường hay mắc phải những lỗi cơ bản như: mất trật tự nơi công cộng, chen lấn hàng, vứt rác bừa bãi, hút thuốc lá nơi bị cấm, lãng phí đồ ăn, trễ giờ, chụp ảnh nơi không được phép, ăn cắp vặt, giả khách du lịch để trốn lại lao động bất hợp pháp ở nước ngoài…

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt kể lại kỷ niệm đã cách đây mấy chục năm của mình để khẳng định vấn đề đang bàn cãi đã xuất hiện từ lâu, rằng hồi đó đưa đoàn cán bộ cấp cao của một tỉnh sang Pháp, đáng buồn là họ chọn đi xem một chương trình biểu diễn thay vì việc đi gặp thị trưởng Paris; có đoàn đi Hà Lan nhằm học cách khắc phục biến đổi khí hậu nước dâng thì chỉ chăm chăm thăm quan bảo tàng sex…
Dòng chữ tiếng Việt viết trên bức tượng Nguyệt lão trong một ngôi chùa ở thành phố Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: Quang Tuấn/Vietnam+)
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc TransViet Travel lại có một trải nghiệm khác. Ông Đạt kể, trong chuyến đi Nhật năm ngoái, tới hòn đảo Kyushu ở miền nam nước Nhật, đoàn được đón tiếp rất trọng thị, vì một phần họ muốn phát triển du lịch và phần vì Việt Nam là thị trường khách mới nổi, có tiềm năng. Bác lái xe Nhật lớn tuổi nhưng phục vụ rất lịch sự, lái xe giỏi và giữ xe rất sạch sẽ. Mới đầu bác rất vui vẻ, cười suốt, nhưng khách Việt Nam ăn uống trên xe xong xả rác bừa bãi khiến bác lái xe phải vất vả dọn hàng ngày.
Anh Đạt cho hay, đoàn khách ấy cũng thường xuyên lên xe muộn trong khi xe không dừng đỗ được. Cho đến ngày cuối, bác tài xế không thể cười được nữa vì có hai khách mải shopping làm xe phải đợi cả tiếng đồng hồ trong khi sắp đến giờ đoàn phải ra sân bay. Khi ăn buffet, khách Việt còn lấy nhiều để thừa thức ăn và đặc biệt với món sushi, nhiều người có kiểu ăn khôn chỉ ăn miếng cá ngon đặt bên trên còn cơm thì bỏ lại.

Cùng gieo những “đốm lửa hồng”

Những hành vi tiêu cực thể hiện tật xấu của một bộ phận du khách khi ra nước ngoài ấy đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh quốc gia, tới khả năng hội nhập của Việt Nam. Và chúng ta, vẫn thường hay đổ lỗi cho nhau, cho rằng trách nhiệm thuộc về đám đông chứ chẳng mấy ai thấy mình cũng cần có trách nhiệm trong đó.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tích thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay đã đến lúc cần phải thay đổi và cần có những người tiên phong.
Đầu tiên là các trường đào tạo du lịch phải vào cuộc, tiếp đến là người lao động du lịch như hướng dẫn viên và các nhà báo. Cả ba nhóm này cần phải phối hợp với nhau, nếu không vài năm nữa có khi thế giới chỉ nói về du khách Việt chứ không nhắc tới du khách Trung Quốc,” ông Bình nói.
Trong khi đó, có cách nhìn nhận khác, ông Lê Anh, giảng viên khoa Du lịch trường Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, chúng ta không nên chỉ trích nữa, vì những tiêu cực sẽ khiến du khách Việt cảm thấy tự ti khi đi ra nước ngoài.
Ông Lê Anh cũng tiếp cận vấn đề theo hướng đưa ra ba giải pháp nhằm giúp du khách cư xử văn minh và có trách nhiệm hơn.

Theo đó, để bảo tồn môi trường thiên nhiên, theo ông Lê Anh, mỗi người hãy tự ý thức: Không vứt rác bừa bãi; mang túi cá nhân thay vì sử dụng túi nilon; không tác động vào thiên nhiên hay các loài động vật hoang dã; giảm thiểu sử dụng năng lượng tại điểm đến; không mua hoặc ăn các loại thực vật hoặc động vật quý hiếm hoặc các sản phẩm được làm từ chúng…
Du khách góp phần hỗ trợ nền kinh tế địa phương bằng cách: Sử dụng các công ty du lịch đã được công nhận; mua đồ lưu niệm do địa phương sản xuất; ăn uống tại các nhà hàng của địa phương; nghỉ tại các cơ sở lưu trú của địa phương; mua các sản phẩm thương mại công bằng; hỗ trợ các tổ chức du lịch có trách nhiệm.
Đặc biệt, theo ông Lê Anh, du khách cũng nên tích cực giúp đỡ cộng đồng địa phương qua việc: quan tâm tới các cộng đồng mà bạn ghé thăm; làm từ thiện thông qua những cơ sở uy tín tại địa phương; không cho tiền với trẻ em và những người ăn xin; tôn trọng sự khác biệt văn hóa, tránh những hành vi gây tổn hại cho cộng đồng; nói không với ma túy và mại dâm.
Thực tế, cũng đã có tín hiệu vui nho nhỏ cho câu chuyện bắt tay vực lại hình ảnh du khách Việt ở một vài địa phương trên cả nước, mà tiên phong là Đà Nẵng, khi thành phố biển này đã nhanh chóng phát hành bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách.
Ngoài ra, dự án EU-ESRT cũng hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho Hạ Long và hiện đã áp dụng; hỗ trợ xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho khu du lịch Núi Cấm ở tỉnh An Giang.

“Hy vọng những đốm lửa nhỏ này được nhân rộng để truyền tới hàng triệu người,” ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU-ESRT bày tỏ.
Cũng hy vọng, người Việt hãy dành đôi chút thời gian bình tâm nhìn nhận mọi sự việc bằng thái độ sống tích cực, thiện chí và hiểu biết trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào.

Hy vọng, những cuộc khẩu chiến chê bai, phê phán thói xấu của nhau, bỉ bôi những thói quen “tiểu nông,” và cả việc cảm thấy xấu hổ trước hành động “làm nhục quốc thể”… sẽ sớm kết thúc để chuyển thành sự tự ý thức về trách nhiệm của bản thân; làm sao để sớm cùng nhau suy nghĩ, hành động tích cực để nhân lên những câu chuyện đẹp, hình ảnh đẹp về con người cho mỗi chuyến đi, mỗi trải nghiệm…

Theo VietnamPlus

From the same category