“Người viết thư tình xuyên thế kỷ” và sự thật về lá thư tình của riêng mình - Tạp chí Đẹp

“Người viết thư tình xuyên thế kỷ” và sự thật về lá thư tình của riêng mình

Review

“Tôi là người viết thư thuê. Tôi 84 tuổi, già lắm rồi. Nhưng mỗi ngày tôi đều đi làm bằng xe đạp, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần…” – bằng giọng Mỹ như người bản xứ, bác Dương Văn Ngộ giới thiệu về mình với một nhóm du khách đến từ Nam Phi khi họ được hướng dẫn viên đưa đến góc làm việc của bác. Tất cả cùng ồ lên với vẻ thán phục đầy thú vị như không thể tin nổi người đàn ông tóc bạc trắng với vẻ gầy gò trước mắt có thể làm được những điều như thế. Ai cũng cố gắng có được những bức ảnh về người đàn ông đặc biệt đã gắn bó gần 70 năm trong bưu điện hơn 100 năm tuổi này.

Bác Dương Văn Ngộ – Người viết thư tay thuê tại Bưu điện trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

Người đàn ông nhỏ bé với cặp kính lão, thêm chiếc kính lúp để soi rõ từng con chữ ngồi ở góc bàn có tấm biển ghi bằng ba thứ tiếng Việt – Anh – Pháp: “Nơi hướng dẫn và viết giúp – Public Writer – Ecrivain Public” là hình ảnh mà hầu như bất cứ du khách nào cũng dừng lại hỏi han và chụp ảnh lưu niệm khi đến bưu điện Tp.HCM.

Gia tài cả một đời làm việc của bác nằm cả trên góc bàn bác vẫn ngồi làm công việc viết thư thuê trong bưu điện. Đó là hai cuốn từ điển Anh – Việt và Pháp – Việt từ mấy chục năm trước, hơn 30 bài báo của nước ngoài và Việt Nam đã từng viết về bác, được photocopy lại, xếp cẩn thận theo đúng thứ tự ngày tháng. Những chi tiết chưa đúng trong từng bài viết, bác đều khoanh lại và ghi chú rõ ràng. Trên góc bàn đó còn có những bức ảnh chụp bác cùng khá nhiều người, trong đó có nhiều nhân vật quan trọng như Chủ tịch Hội đồng Châu Âu – người đã đích thân đến thăm bác trong chuyến công du sang Việt Nam vài năm trước. Đặc biệt là những bức thư quan trọng đối với bác, được lưu lại nhờ giấy than, và cả những bức bác nhận được từ bạn bè khắp năm châu, với phần đề tên người nhận và địa chỉ không giống ai: “To: Duong Van Ngo – Public Writer – Buu dien Saigon”.

Viết xong rồi thì quên đi

Mỗi ngày, người đàn ông bắt đầu công việc viết thư thuê ở tuổi 60 (khi vừa nghỉ hưu sau hơn 40 năm làm việc qua tất cả các ghi-sê trong bưu điện) có khoảng 20-30 khách (chưa kể khách đến chụp hình), đủ mọi lứa tuổi, màu da. Họ nhờ bác dịch thư từ tiếng Anh/Pháp sang tiếng Việt rồi viết ngược lại từ tiếng Việt sang tiếng Anh/Pháp. Có người đã làm phép tính: Nếu in lại những bức thư của người viết thư tình nhiều nhất trong hơn 20 năm qua này, có thể xuất bản gần 40 tập, mỗi tập 1000 trang.

Đừng hỏi bác về câu chuyện cụ thể nào trong những bức thư, bởi bác luôn giữ nguyên tắc không tiết lộ bí mật của khách hàng. Nhưng ai cũng biết rằng, nhờ người viết thư thuê này mà rất nhiều đôi đã thành chồng vợ, người thân ly tán tìm thấy nhau và nhiều mối dây liên kết cũng thêm gắn bó dù cách xa nhau vạn dặm… Những bức thư bác dịch và viết hàng ngày đều có đủ niềm vui lẫn nước mắt. Có lẽ cũng chính vì vậy mà bác còn có thêm một nguyên tắc: “Viết xong rồi thì quên đi”. Riêng đối với những nội dung thư mang tính chia rẽ, chỉ trích, bác luôn từ chối.

Được ngồi bên cạnh bác chuyện trò và phải sẵn sàng nhường chỗ khi có người đến nhờ bác dịch thư hay viết giúp, tôi tình cờ chứng kiến và nghe được vài đoạn nho nhỏ. Đó là một cô gái trẻ rụt rè nhờ bác dịch bức thư bằng tiếng Pháp. Tôi nhìn thấy ánh mắt cô long lanh khi nghe bác đọc câu mở đầu là tiếng gọi ngọt ngào: “Cô công chúa bé nhỏ của anh”. Rồi có đoạn, bác dừng lại chừng như để chắc chắn rằng đã đọc rất kỹ và quay sang cô gái hỏi: “Ông ấy đang ở tù hay sao mà ở đây dùng cụm từ ‘sẽ được giải thoát’?”. Cô gái mắt đã ướt, khẽ gật đầu… .

Làm công việc này, tôi có hai điều lưu tâm: Một là tôi không để bưu điện mang tiếng. Hai là tôi muốn làm cho khách nước ngoài mến đất nước mình. Khi họ đến, tôi có đang bận và mệt đến mấy cũng vẫn vui vẻ trò chuyện, chụp hình. Họ biết bưu điện của mình đẹp nhưng còn rất nhiều điều chưa rõ về công trình kiến trúc đặc biệt này. Tôi có thể kể cho họ về những điều đó”,

Bằng đôi mắt của ông lão đã phải thay giác mạc, thêm đôi kính và thêm một chiếc kính lúp trợ giúp để nhìn cho rõ chữ nhưng người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam vẫn dịch một cách lưu loát – như thể đó là tiếng mẹ đẻ. Đặc biệt, bằng kinh nghiệm của một cựu nhân viên bưu điện lâu năm, bác còn hướng dẫn mọi người cách viết địa chỉ, các mã số quốc gia, điện thoại thế nào cho đúng – như thể tất cả vẫn còn nằm ngay ngắn trong đầu.

“Làm công việc này, tôi có hai điều lưu tâm: Một là tôi không để bưu điện mang tiếng. Hai là tôi muốn làm cho khách nước ngoài mến đất nước mình. Khi họ đến, tôi có đang bận và mệt đến mấy cũng vẫn vui vẻ trò chuyện, chụp hình. Họ biết bưu điện của mình đẹp nhưng còn rất nhiều điều chưa rõ về công trình kiến trúc đặc biệt này. Tôi có thể kể cho họ về những điều đó”, vẫn bằng lối nói rất rành mạch, bác kể về công việc của mình. Rồi như mọi ông lão trên đời, những câu chuyện của bác cuối cùng cũng dẫn về ngày xưa. Từng chi tiết nhỏ, tôi hiểu vì sao bác được nhiều người yêu quý đến vậy và có thể từng giữ chức thủ quỹ của bưu điện thành phố từ thời Pháp thuộc qua đến thời kỳ đất nước giành độc lập.

Chưa từng viết bức thư tình nào của chính mình

Có một điều ít ai ngờ là người viết hàng vạn bức thư tình thuê cho người khác lại chưa bao giờ viết một lá thư nào cho những cô gái trong mộng hay vợ của mình. “Cần gì, tôi chỉ nói miệng thôi. Sau này, tôi cũng không viết gì cho bà nhà, vì lỡ con cái tìm đọc được…”, bác giải thích. Trong mắt bác, phụ nữ hơi la cà: “Đường sá có nhỏ hay rộng bao nhiêu, đi bên này mà gặp người bên kia cũng có thể í ới gọi nhau dừng lại nói chuyện, và muốn mua gì là cứ tấp xéo vào mua ngay”…

Rồi bác kể về gia đình mình, với “bà xã cùng tuổi tôi nhưng yếu lắm, giờ chỉ nằm một chỗ coi ti vi thôi”. Trong sáu người con của bác, có hai người làm giáo viên dạy tiếng Anh, rất đông học trò đến học thêm ngoài giờ. Bác bảo: “Bây giờ kỳ lắm, con nít đi học ở trường không hiểu, phải đi học thêm”.

Trong những câu chuyện tiếp nối sau đó, tôi nhìn thấy niềm vui vẫn còn nguyên vẹn khi bác kể rằng mình được mời tham dự lễ kỷ niệm thành lập trường Petrus Ký (bây giờ là trường chuyên Lê Hồng Phong) vài tháng trước. Đó là nơi bác đã từng là cậu bé con nhà nghèo hiếm hoi được chọn vào học chương trình tiếng Pháp bài bản. Còn tiếng Anh, bác được bưu điện cho đi học thêm ở Hội Việt – Mỹ để có thể giao dịch thông thạo với khách nước ngoài cả tiếng Anh lẫn Pháp. Đặc biệt, cách phát âm chuẩn như người bản xứ là nhờ một viên phi công người Mỹ rèn luyện cho bác.

Ba ngày liền lặng lẽ đi theo ông cụ tóc đã bạc trắng, bình thản với chiếc xe đạp rất cũ giữa những con đường đông đúc, tôi bỗng thấy thành phố này quá đẹp bởi vẫn còn giữ lại nhiều điều đáng quý. Từ chỗ gửi xe đến cửa bưu điện thành phố cách một đoạn chừng vài mươi mét, tôi thấy bác gật đầu chào bằng vẻ lịch thiệp xưa cũ với từng người, từ anh bảo vệ cho đến chị bán hàng rong và đặc biệt là một người phụ nữ mù hay ngồi hướng mắt về phía nhà thờ Đức Bà, lần chuỗi đọc kinh. Bác kể: “Bà ấy lạ lắm, có bao nhiêu tiền người ta cho đâu mà ngày nào cũng ráng vô bưu điện cho tôi tiền”. Chỉ cần ngày nào chỗ ngồi làm việc của bác còn trống khi đồng hồ đã điểm 8 giờ 10 phút là tất cả nhân viên bưu điện đều lo lắng…

“Làm lấy tiền, không thể gọi là tình yêu”

Chưa bao giờ đi đâu ra khỏi Việt Nam nhưng bác Ngộ có bạn bè ở khắp năm châu và có thể sử dụng ngoại ngữ không khác gì người Mỹ hay Pháp. Thậm chí, bác còn có nhiều cuộc tranh luận với những người bạn nước ngoài về việc họ dùng chưa chuẩn xác một vài câu từ trong văn nói hay văn viết hàng ngày.

Công việc của một người viết thư thuê có khó đối với bác hay không? “Không khó – bởi tiếng Việt, Anh, Pháp, tôi nắm vững. Nhưng cũng không dễ vì tôi luôn cố gắng không bao giờ viết chữ khó mà phải làm sao cho dễ hiểu, không cầu kỳ”, bác từ tốn cho biết.

Rõ ràng, chỉ có tình yêu đặc biệt mới khiến một ông cụ đã ngoài 80 vẫn ngày ngày đạp xe gần nửa tiếng đồng hồ đến chỗ làm rồi trở về sau tám tiếng cần mẫn hết sức mình, như bao công chức mẫn cán. Vậy mà bác điềm nhiên bảo: “Mình làm cho người ta, có lấy tiền, không gọi là tình yêu được”. Số tiền mà bác nhận từ những người đến nhờ viết giúp là “tùy lòng hảo tâm”, nhưng tối đa chỉ khoảng 30.000 đồng – con số quá lỗi thời so với biểu giá ở nhiều trung tâm dịch thuật dù nhỏ hay lớn.

Điều đáng nói là bác đang được xem như “người cuối cùng của bộ lạc Mohican” – như cách những người bạn ngoại quốc gọi bác theo tên một tiểu thuyết nổi tiếng. Chẳng có ai khác làm công việc của một người viết thư thuê đủ tâm và tầm như bác tại Việt Nam hiện nay, trong khi những bức thư tay người ta trao gửi cho nhau cũng đang mất dần, mất dần…

Một ngày nào đó, nếu chỗ ngồi của người viết thư thuê trong bưu điện thành phố trở thành chỗ trống, chắc rằng sẽ là một sự trống trải rất lớn với nhiều người.

Chuyên đề: Hãy viết những dấu yêu ra giấy!

Có bao nhiêu người còn tỉ mẩn ngồi viết tình thư trên những trang giấy?
Và có bao người còn thấy xốn xang khi nhận được những bức thư tình viết tay?
“Em yêu dấu, em yêu dấu, em yêu dấu… Nếu đánh máy, chín từ em yêu dấu lặp lại 3 lần hay 30 lần cũng thế cả thôi, cũng chỉ là một tiếng gọi. Nhưng khi viết tay, mỗi ký tự đặt xuống mặt giấy là một luồng năng lượng… Hồn chữ chở hồn tình” (Nhạc sĩ Quốc Bảo).
Hãy quên đi những phím chữ, gác điện thoại, đóng máy tính và viết những dấu yêu ra giấy cho ai đó,  để ai đó được chạm tới, cầm trên tay và thấy xốn xang…

Đọc các bài viết trong cụm chuyên đề “Hãy viết những dấu yêu ra giấy!”

Thực hiện: depweb

10/02/2015, 05:57